Lo gian lận thi cử bằng trí tuệ nhân tạo, nhiều trường cấm sinh viên sử dụng phần mềm này

Hạ Khương, Theo Phụ nữ Việt Nam 07:00 19/01/2023
Chia sẻ

ChatGPT không chỉ khiến học sinh ỷ lại khi viết luận, mà còn tạo ra nội dung có định hướng sai lệch.

Vào hồi tháng 10, OpenAI, một công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo phi lợi nhuận, đã cho ra mắt phần mềm có tên ChatGPT. Nhìn chung, đây là một chatbot dựa trên nền tảng máy học, do đó có khả năng tương tác, nói chuyện tự động, và học hỏi không ngừng từ con người.

ChatGPT được tải lên một lượng dữ liệu lớn, kết hợp cùng các kỹ thuật điện toán để tối ưu hóa khả năng tư duy, kết hợp từ vựng. Chúng có thể nói về vấn đề vĩ mô như vật lý lượng tử đến xử lý công việc đòi hỏi khả năng nghệ thuật như viết một bài thơ. Không chỉ có khả năng cung cấp thông tin mà đôi khi ChatGPT còn hiểu sắc thái của từ vựng trong những bối cảnh khác nhau, tùy thuộc vào nguồn dữ liệu đầu vào.

Lo gian lận thi cử bằng trí tuệ nhân tạo, nhiều trường cấm sinh viên sử dụng phần mềm này - Ảnh 1.

Chính vì tiềm năng lớn của ChatGPT mà một số sinh viên bắt đầu lợi dụng ChatGPT để gian lận

Tính ứng dụng của ChatGPT là rất lớn. Công cụ này được dự đoán có thể giúp giải quyết các tranh chấp kiện tụng, hỗ trợ người làm trong ngành dịch vụ, marketing, thậm chí viết bài luận đại học. Nhưng chính vì tiềm năng này mà một số sinh viên bắt đầu lợi dụng ChatGPT để gian lận. Và từ đây, rắc rối bắt đầu.

Trường đại học cấm sử dụng ChatGPT

Hồi đầu năm, Sở Giáo dục của thành phố New York đã cấm sinh viên thuộc toàn bộ các trường công sử dụng ChatGPT. Lệnh cấm sẽ áp dụng cho các thiết bị và mạng internet thuộc sở giáo dục. Tuy nhiên, các trường có thể yêu cầu quyền truy cập từ sở nếu có các môn cần nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo hoặc công nghệ nói chung.

Quyết định được đưa ra do Sở lo ngại những tác động tiêu cực của công cụ này đến sinh viên. Phát ngôn viên của Sở Giáo dục, Jenna Lyle nói: “Nếu bạn đặt câu hỏi, công cụ này có thể cung cấp câu trả lời nhanh chóng và dễ dàng, nhưng nó không giúp xây dựng các kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, vốn là những kỹ năng cần thiết cho sự thành công trong học tập và cuộc sống”.

Lo gian lận thi cử bằng trí tuệ nhân tạo, nhiều trường cấm sinh viên sử dụng phần mềm này - Ảnh 2.

Nhiều trường đại học nghiêm cấm học sinh dùng ChatGPT

Theo tờ New York Times, gần đây người ta đã tiến hành các cuộc khảo sát về tính linh hoạt của ChatGPT, các nhà văn và người hoạt động giáo dục xem cùng lúc các bài viết mẫu của phần mềm và bài viết của sinh viên. Điều ngạc nhiên là không ai có thể phân biệt chính xác đâu là người viết, đâu là máy viết.

Một học giả có tên Paul Taylor tại London đã dùng ChatGPT để thử kiểm chứng của công cụ này. Đáp án đưa ra được vị học giả này đánh giá là “mạch lạc, toàn diện và bám sát vào các luận điểm đưa ra, đây là điều mà sinh viên thông thường không làm được”. Do lo ngại nên Paul đang cân nhắc thay đổi dạng đề hoặc không cho phép học sinh dùng internet trong những kỳ thi tới.

Tại Úc, Top 8 trường đại học hàng đầu cũng đang lo ngại về phần mềm này, họ dự định sẽ tăng cường các bài kiểm tra bằng bút và giấy nhiều hơn. Việc cấm sử dụng là không thực sự khả thi bởi ChatGPT chỉ là một trong rất nhiều công cụ AI khác có khả năng viết luận. Nếu không dùng phần mềm này, sinh viên vẫn có thể tìm kiếm công cụ khác.

Người đại diện cho biết: “Sử dụng AI làm giảm đi tính liêm chính trong học thuật và là một vấn đề nghiêm trọng mà tất cả các tổ chức giáo dục và đào tạo trên thế giới đang đối mặt. Chúng tôi mong muốn sinh viên có thể dùng công cụ này để hỗ trợ việc học tập, nghiên cứu thay vì gian lận”.

ChatGPT không thông minh như bạn nghĩ

Trước hàng loạt vấn đề diễn ra trong một thời gian ngắn, Sam Altman, đồng sáng lập của OpenAI đã lên tiếng: “ChatGPT có khả năng rất hạn chế, chỉ trội ở một số mặt, và chính điều này đã tạo ra ấn tượng sai lầm”.

ChatGPT là một mô hình bắt chước ngôn ngữ dựa theo các bài viết phổ biến trên mạng, nó có khả năng dự đoán từ tiếp theo trong câu văn. Đôi khi nó tạo ra văn bản có ý nghĩa nhưng có lúc vô nghĩa hoàn toàn.

Giáo sư ngành khoa học máy tính của trường đại học Washington đã “đích thân” thí nghiệm các văn bản tạo ra bởi GPT và nhận thấy phần mềm không thể hiểu được sự phức tạp của ngôn ngữ hay những cuộc trò chuyện của con người. Như nhiều phần mềm chatbot khác, nó tạo ra văn bản dựa trên nguồn dữ liệu đầu vào và không thực sự hiểu ý nghĩa đằng sau lớp từ vựng đó.

Lo gian lận thi cử bằng trí tuệ nhân tạo, nhiều trường cấm sinh viên sử dụng phần mềm này - Ảnh 3.

Trí thông minh của ChatGPT đang được đánh giá quá cao

ChatGPT có khả năng viết các câu văn mạch lạc, bổ sung cho nhau, biết thêm thắt tình tiết sáng tạo. Điều này là không thể phủ nhận. Nhưng đáng tiếc là nội dung toàn bài thì lại lạc đề, trả lời sai, thậm chí bịa đặt. Và đây chính là vấn đề lớn nhất.

Đó là lý do nếu không đọc câu hỏi mà chỉ đọc bài văn ChatGPT viết, bạn vẫn có thể cảm thấy ChatGPT đang viết khá tốt. Thử tưởng tượng bạn viết một bài văn hay, lồng ghép nhiều kiến thức, nhưng lại lạc đề hoàn toàn, vậy thì toàn bộ công sức chỉ đổ sông đổ bể. Đây cũng là lý do mà các trường đại học quốc tế cấm học sinh phụ thuộc vào phần mềm này.

Nhìn chung, bạn không phải hoảng hốt, bởi viễn cảnh ChatGPT “đại náo” ngành giáo dục chưa thể diễn ra, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày