Lo cho ví tiền, Gen Z "ầm ầm chốt đơn" quần áo giá rẻ dù biết thế là không tốt

Ngọc Linh, Theo Nhịp sống thị trường 15:58 06/05/2024
Chia sẻ

Nhiều người không ngại khẳng định bản thân đã “nghiện” việc chốt đơn mặt hàng này, vì chúng rẻ.

Là một Gen Z, chắc hẳn phần lớn chúng ta chẳng còn xa lạ gì với việc ngồi "cày" các livestream bán hàng trên MXH. Xem và chốt đơn trên livestream là hành vi mua sắm mới của thế hệ trẻ. Các mặt hàng được bán qua hình thức này nhiều vô kể, nhưng chủ yếu vẫn là thời trang nhanh - các sản phẩm quần áo giá rẻ.

Lo cho ví tiền, Gen Z ầm ầm chốt đơn quần áo giá rẻ dù biết thế là không tốt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Năm 2022, ThredUp - Một cửa hàng tiết kiệm trực tuyến, đã thực hiện một cuộc khảo sát với 2.000 Gen Z là sinh viên đại học. Kết quả cho thấy: 72% thừa nhận đã mua sắm ít nhất một lần các mặt hàng thời trang nhanh. 1/3 trong số này thậm chí còn không ngại khẳng định bản thân đã "nghiện" việc chốt đơn mặt hàng này, vì chúng rẻ.

Một cuộc khảo sát khác với sự tham gia của 1000 Gen Z, được thực hiện từ tháng 1/2024 bởi nền tảng phân tích kỹ thuật số Quantum Metric, cho thấy 64% người tham gia đã trả lời rằng càng ngày, họ càng mua sắm mặt hàng thời trang nhanh nhiều hơn so với năm trước.

Gen Z không ngại chi tiền cho thời trang giá rẻ và có vẻ như xu hướng này ngày càng bùng nổ, không hoặc chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Thói quen mua sắm bốc đồng, cộng thêm giá thành rẻ tạo nên niềm đam mê với thời trang nhanh

Quần áo giá rẻ nói chung hay thời trang nhanh nói riêng là thứ đi ngược lại với đam mê về chủ nghĩa môi trường - Chủ đề được các sinh viên Gen Z thảo luận không ngớt.

Sở dĩ, thời trang nhanh không phải lựa chọn thân thiện với trái đất của chúng mình vì nó đi kèm với chi phí môi trường rất lớn: Quá trình sản xuất hoặc tái chế các mặt hàng thời trang nhanh tiêu thụ một lượng lớn nước và tạo ra lượng khí thải carbon khổng lồ.

Lo cho ví tiền, Gen Z ầm ầm chốt đơn quần áo giá rẻ dù biết thế là không tốt - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Hơn nữa, những bộ quần áo giá rẻ thường làm từ polyester, nylon và acrylic - Các nguyên liệu cần tới hàng chục năm để phân hủy, nếu không được tái chế. Giá thành rẻ cũng là một lý do chính khác, để thời trang nhanh trở thành "kẻ thù" của môi trường. Vì chúng rẻ, nên người dùng (chủ yếu là Gen Z) có thể dễ dàng vứt đi thay vì nâng niu, bảo quản và giữ gìn khi sử dụng.

Gen Z không phải là không biết sự thật này. Dẫu vậy, họ vẫn chốt đơn các mặt hàng thời trang nhanh vì nhiều lý do. 2 trong số đó là giá thành rẻ và thói quen mua sắm bốc đồng.

Gaby Mendes - Nhà sáng lập Talk Twenties, một công ty truyền thông và sự kiện dành cho Gen Z cho biết: "Bản thân tôi cũng phải cố gắng để giữ mình trước việc chi tiền cho các mặt hàng thời trang nhanh. Phải thừa nhận rằng cả hình thức lẫn giá tiền của chúng rất quyến rũ. Nếu không tỉnh táo, tôi cũng thấy đây là lựa chọn hời hơn hẳn các mặt hàng thời trang bền vững.

Thứ ngăn tôi không mua mặt hàng thời trang nhanh có lẽ chính là suy nghĩ chúng không bền, và sự thật có vẻ cũng là như vậy. Không có lý do gì để chi tiền cho một thứ vừa không bền, vừa có hại cho môi trường".

Trước khi chốt đơn, phải tự hỏi: "Nó có đủ tốt để mặc được trên 40 lần hay không?"

Siena Barry Taylor - Giám đốc tiếp thị cấp cao của Thrift+ (Một nền tảng cho người dùng mua bán, trao đổi đồ cũ) cho biết: "Tin mừng là có vẻ như Gen Z đang chuyển hướng sang thị trường đồ cũ - những mặt hàng chất lượng và có tính bền vững, đã qua sử dụng nhưng vẫn còn đủ mới và tốt".

Lo cho ví tiền, Gen Z ầm ầm chốt đơn quần áo giá rẻ dù biết thế là không tốt - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Cô cũng khẳng định chính Gen Z là đối tượng khách hàng tiềm năng của thị trường đồ cũ.

Tạp chí Vogue Business đã đặt cho Gen Z biệt danh "thế hệ Depop" vì 90% người dùng của nền tảng này là Gen Z.

Depop là ứng dụng mang đến trải nghiệm thời thượng giống như Instagram, tập trung vào việc đăng tải hình ảnh/video #ootd theo các phong cách khác nhau, như street style, old-school, hip hop,...

Barry Taylor đưa ra lời khuyên rằng trước khi chốt đơn bất cứ mặt hàng thời trang nào, Gen Z nên tự hỏi chính mình liệu món đồ này có đủ tốt để mình mặc trên 40 lần hay không. Nếu câu trả lời là có, bạn nên mua. Nếu câu trả lời là không, đương nhiên, đừng chi tiền làm gì cho phí cả ra.

"Tự vấn về hành vi mua sắm thời trang của bản thân chưa bao giờ là một việc đơn giản. Nhưng tôi vẫn khuyến khích các bạn cố gắng thực hiện, không chỉ vì việc bảo vệ ngân sách chi tiêu của chính bạn, mà còn là góp phần bảo vệ cho môi trường, cho luông không khí đang nuôi sống chúng ta mỗi ngày" - Barry Taylor khẳng định.

Theo BI

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày