Tuyên bố đưa ra chỉ vài ngày sau khi một chuyên gia của tổ chức này khẳng định khả năng lây nhiễm từ những người không triệu chứng là rất hiếm. Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, thế giới đang ngày một hiểu biết hơn về virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, song vẫn còn nhiều điều chưa được biết tới và vẫn cần nghiên cứu kỹ hơn về những trường hợp lây nhiễm không triệu chứng.
Ảnh minh họa: Reuters
“Từ đầu tháng 2, chúng tôi đã nói rằng những người không có triệu chứng có thể lây nhiễm Covid-19, nhưng chúng tôi cần nghiên cứu thêm để có thể đưa ra đánh giá chính xác về mức độ lây truyền virus của những người này. Nghiên cứu đó vẫn đang diễn ra và chúng ta cũng thấy ngày càng nhiều nghiên cứu được thực hiện về vấn đề này”.
Phát biểu đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, khả năng người mắc Covid-19 không có triệu chứng lây nhiễm cho người khác là “rất hiếm”, dù sau đó quan chức này đã phải đính chính thông tin.
Trên thực tế, một nghiên cứu tiến hành trên một tàu du lịch hồi tháng 3 vừa qua cho thấy, 81% hành khách xét nghiệm dương tính với Covid-19 không có bất kỳ triệu chứng nào. Điều này có nghĩa là tỷ lệ người mắc bệnh song không triệu chứng có thể cao hơn so với ước tính của các cơ quan y tế. Tuy nhiên, điều đáng nói là những bệnh này vẫn có khả năng truyền virus gây bệnh.
Vấn đề lây truyền virus SARS-CoV-2 từ những người không có triệu chứng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay nhằm có sự điều chỉnh tốt nhất các biện pháp phòng ngừa trong cuộc chiến chống Covid-19. Theo Viện sức khỏe và nghiên cứu y tế quốc gia Pháp, những dữ liệu quốc tế đầu tiên đã đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của những người mang virus SARS-CoV-2 không có hoặc có rất ít các triệu chứng song vẫn có thể phát tán virus.
Nếu không được xác định và cách ly, họ có thể vô tình truyền virus cho những người khác và những người này sau đó có thể phát triển những biến chứng nguy hiểm của bệnh. Thêm vào đó phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là dùng vaccine để phòng SARS-CoV-2 vẫn chưa có và thuốc điều trị hữu hiệu cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Cũng tại cuộc họp báo trực tuyến ngày hôm qua (10/6), Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới, ông Michael Ryan một lần nữa cảnh báo, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực trên thế giới. Biện pháp cấp bách và hữu hiệu nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan vẫn là phát hiện, cách ly và tiến hành xét nghiệm đối với những người có triệu chứng mắc bệnh, truy dấu và cô lập những đối tượng có tiếp xúc.
“Chúng ta cần tập trung vào việc kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 và nếu những thay đổi về khí hậu có thể hỗ trợ cho cuộc chiến hiện nay thì đó là một thông tin tuyệt vời. Tuy nhiên, đây không phải là câu trả lời. Câu trả lời là phải tập trung vào các biện pháp y tế công cộng, các biện pháp xã hội, vệ sinh dịch tễ và các chiến lược y tế công cộng toàn cầu đã chứng minh được tính hiệu quả tại nhiều nơi trên thế giới"./.