Trung Quốc bác thông tin dịch COVID-19 xuất hiện từ tháng 8/2019

Minh Hạnh, Theo Tiền Phong 14:33 11/06/2020
Chia sẻ

Giới khoa học Trung Quốc đã chỉ ra những sai sót trong nghiên cứu của trường Đại học Y Harvard, khi nghiên cứu này kết luận dịch COVID-19 có thể đã xuất hiện ở Vũ Hán từ mùa thu năm 2019 chỉ dựa trên hình ảnh vệ tinh.

Tờ Global Times dẫn lời các bác sĩ và chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc Đại học Y Harvard đưa ra một báo cáo nhiều thiếu sót, thậm chí còn chưa được đánh giá ngang hàng, là một nỗ lực khác của Mỹ nhằm đổ lỗi cho Bắc Kinh về sự bùng phát của dịch COVID-19.

Các chuyên gia này khẳng định họ không ghi nhận sự gia tăng đột biến về số xe hơi đậu trong bãi xe bệnh viện Vũ Hán như báo cáo nhận định. Những hình ảnh vệ tinh trong báo cáo, theo các chuyên gia Trung Quốc, được chụp từ các góc khác nhau để làm nổi bật sự tương phản.

Việc Đại học Harvard lừng danh đưa ra một bài báo cáo thiếu căn cứ như vậy, theo Global Times, đã khiến người dân Trung Quốc choáng váng, và khiến ngôi trường này mất đi vị thế đứng đầu trong mắt sinh viên Trung Quốc.

Ảnh vệ tinh không thuyết phục

Nghiên cứu (chưa được đánh giá ngang hàng) phát hiện số lượng xe cao hơn đáng kể tại 5 bệnh viện ở Vũ Hán từ cuối mùa hè và mùa thu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước. Số lượng từ khóa về bệnh truyền nhiễm trên công cụ Baidu của Trung Quốc cũng tăng mạnh.

Ghép nối các thông tin với nhau, các nhà khoa học phát hiện ra “xu hướng này tăng mạnh từ tháng 8/2019 và lên đỉnh điểm vào tháng 12/2019”, từ đó kết luận dịch COVID-19 có thể đã xuất hiện ở Vũ Hán từ mùa thu năm 2019.

Tuy nhiên, khi được hỏi, 3 bác sĩ từ bệnh viện Zhongnan và Tongji (Vũ Hán) – cơ sở y tế được nhắc đến trong báo cáo của Harvard – lại bác bỏ thông tin rằng các bệnh viện này tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị sốt và tiêu chảy hơn bình thường vào mùa thu năm ngoái.

“Thông tin này không đúng sự thật. Nếu dịch xuất hiện sớm hơn như báo cáo viết, thì dịch đã bùng phát sớm hơn với bản chất dễ lây lan của virus”, ông Peng Zhiyong – người đứng đầu đơn vị chăm sóc đặc biệt, bệnh viện Zhongnan, nói với Global Times.

Các bác sĩ này cũng phủ nhận thông tin về sự gia tăng đột biến của lưu lượng giao thông quanh bệnh viện vào thời điểm cuối năm 2019.

Nghiên cứu của Harvard viện dẫn hình ảnh bãi đậu xe trống trơn của bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em Hồ Bắc hồi năm 2018, và hình ảnh bãi xe chật kín vào mùa thu năm 2019.

Tuy nhiên, một nguồn thạo tin cho biết bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em đã mở rộng bãi đỗ xe từ năm 2019, nên số xe hơi tăng lên là chuyện bình thường.

Trung Quốc bác thông tin dịch COVID-19 xuất hiện từ tháng 8/2019 - Ảnh 1.

Bãi đỗ xe bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em Vũ Hán được quy hoạch lại vào năm 2019.

So sánh hình ảnh năm 2018 và 2019, số xe hơi chênh lệch là khoảng vài trăm xe. Dù vậy, cư dân mạng Trung Quốc đặt câu hỏi liệu việc chênh nhau vài trăm chiếc xe trong bãi đậu có ý nghĩa gì ở một thành phố 10 triệu dân.

Chính quyền Vũ Hán cho biết số lượng xe cơ giới ở thành phố này là 3,2 triệu, tính đến tháng 3/2019, tăng 278.000 xe so với năm 2018.

Ngoài ra, các hình ảnh vệ tinh năm 2018 và 2019 cũng không được chụp từ cùng một góc.

Lấy ví dụ bãi đỗ xe bệnh viện Zhongnan, hình ảnh năm 2018 cho thấy ít xe hơn rõ ràng là vì ảnh được chụp từ góc nghiêng, nhiều dãy xe đã bị che khuất bởi các toà nhà. Trong khi đó, ảnh năm 2019 được chụp từ góc thẳng, mang đến cái nhìn bao quát hơn.

Trung Quốc bác thông tin dịch COVID-19 xuất hiện từ tháng 8/2019 - Ảnh 2.

Hình ảnh bãi đỗ xe bệnh viện Zhongnan năm 2018 được chụp ở góc nghiêng, trong khi hình ảnh năm 2019 được chụp theo góc thẳng.

Đặc biệt, bức ảnh năm 2019 được chụp bởi RS Metrics thông qua một vệ tinh bay qua Trung Quốc lúc 10 giờ sáng. Còn ảnh năm 2018 ở bệnh viện Tongji được chụp bởi vệ tinh Worldview-1, bay qua Trung Quốc lúc 13 giờ. Trên thực tế, số bệnh nhân đến bệnh viện vào buổi sáng thường nhiều hơn buổi chiều.

Kết luận thiếu căn cứ

Về thông tin cho rằng có nhiều người tìm kiếm từ khoá “ho” và “tiêu chảy” trên Baidu, một phóng viên Global Times đã đăng nhập hệ thống theo dõi tìm kiếm của Baidu nhưng không phát hiện sự thay đổi đột biến nào so với hai năm trước đó.

Trong năm 2017 và 2018, vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11, lượng người tìm kiếm từ khoá “ho” và “tiêu chảy” trên Baidu cũng gia tăng. Tuy nhiên, bài báo cáo của Harvard chỉ sử dụng dữ liệu năm 2019 rồi kết luận ngay rằng việc nhiều người tìm kiếm hơn có nghĩa là nhiều người đã mắc COVID-19.

Phát biểu hôm thứ Ba, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã bác bỏ các thông tin được đưa ra trong báo cáo của Harvard.

“Thật vô lý khi đưa ra kết luận chỉ dựa trên một số hiện tượng như sự gia tăng lưu lượng giao thông”, bà Hoa nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày