Livestream bán hàng dịp lễ kiếm 30 - 40 triệu/ngày, tắt điện thoại là toàn thân rã rời

Huyền Trang - Ảnh: NVCC, Theo Phụ nữ Việt Nam 08:32 28/04/2023

Nghe doanh thu mỗi phiên livestream lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng thì ai cũng thích nhưng không phải ai cũng hiểu những vất vả phía sau màn hình điện thoại, nhất là trong dịp cao điểm nghỉ lễ.

Mua sắm để đi chơi lễ là tâm lý có sẵn trong mỗi người. Đặc biệt với kỳ nghỉ dài kéo dài tới 5 ngày như sắp tới đây thì nhu cầu shopping lại càng cao. Nắm bắt tâm lý đó, các nhãn hàng và sàn TMĐT chớp lấy thời cơ tung ra khuyến mãi khủng, voucher xịn thu hút người tiêu dùng.

Nói mùa này là mùa “cá kiếm” của dân livestream bán hàng cũng chẳng quá lời!

Vậy các livestreamer có thể kiếm nhiều cỡ nào trước mỗi dịp nghỉ lễ? Họ chuẩn bị tinh thần và sức khỏe thế nào? Để có những con số doanh thu hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng, họ phải đánh đổi những gì? Cùng nghe những người trong nghề giải mã nhé!

- Nhan Như Ngọc (sinh năm 2001), sinh viên ngành Kinh tế trường ĐH Cần Thơ, nhà sáng tạo nội dung trên TikTok, KOC ngành hàng thời trang bigsize.

- Nguyễn Văn Phước (sinh năm 1999), KOC ngành thời trang.

- Đoàn Vân Anh (sinh năm 1998), KOC mảng chăm sóc sức khoẻ trên TikTok.

Doanh thu bán hàng dịp lễ tăng gấp 5 gấp 10

Với Nguyễn Phước, doanh thu bán hàng dịp nghỉ lễ của anh chàng đều cao hơn, có thể gấp 2 - 3 lần tuỳ vào ngày lễ lớn hay nhỏ. Chẳng hạn như vào đợt gần Tết Nguyên đán 2023, Phước lên sóng liên tục 13 tiếng thu về doanh số 15.000 USD (khoảng 352 triệu đồng). Tuy nhiên anh chàng cho biết đây chỉ là con số bình thường bởi có nhiều người đạt được doanh thu cao hơn.

Livestream bán hàng dịp lễ kiếm 30 - 40 triệu/ngày, tắt điện thoại là toàn thân rã rời - Ảnh 1.

Nguyễn Phước

Tương tự Phước, Như Ngọc cũng thu về những con số đáng kể trong mỗi dịp lễ. Cột mốc đáng nhớ của cô nàng là chiến dịch khuyến mãi 12/12.

Dù là “lính mới”, vừa bước vào buổi livestream thứ 5 trên TikTok nhưng doanh thu đạt hơn 162 triệu chỉ trong một ngày. “Đó là trước thời điểm nghỉ lễ cuối năm nên mọi người cũng mua nhiều, doanh thu gấp 8 - 10 lần bình thường. Chính bản thân mình cũng bất ngờ và không nghĩ sức mua dịp lễ lại cao đến vậy” - cô nàng chia sẻ.

Livestream bán hàng dịp lễ kiếm 30 - 40 triệu/ngày, tắt điện thoại là toàn thân rã rời - Ảnh 2.

Nhan Như Ngọc

Livestream bán hàng dịp lễ kiếm 30 - 40 triệu/ngày, tắt điện thoại là toàn thân rã rời - Ảnh 3.

Trong một phiên livestream dịp lễ cuối năm, Như Ngọc chốt được hơn 1000 đơn, doanh thu hơn 162 triệu

Đoàn Vân Anh cũng đồng tình rằng dịp nghỉ lễ khiến nhu cầu mua sắm tăng cao. “Đỉnh điểm có những buổi livestream của mình đem về doanh thu gấp 3 lần bình thường, kiếm về khoảng 30 - 40 triệu/ngày”.

Tất nhiên những con số này không phải ngẫu nhiên mà có. Trước mỗi lần lên sóng, mọi người đều phải chuẩn bị kỹ càng từ kịch bản đến danh sách voucher, danh sách sản phẩm, thiết bị và người hỗ trợ…

Livestream bán hàng dịp lễ kiếm 30 - 40 triệu/ngày, tắt điện thoại là toàn thân rã rời - Ảnh 4.

Đoàn Vân Anh

“Rất nhiều thứ cần chuẩn bị và khâu nào bản thân mình cũng cảm thấy phải thật chỉn chu thì buổi livestream mới thành công. Trong đó mình thấy sản phẩm và sự am hiểu của host là quan trọng nhất. Bởi lẽ khi livestream, khách hàng phải nhìn được đó là sản phẩm thế nào, chất lượng ra sao, có tốt cho sức khoẻ không... Muốn nói được những vấn đề chuyên môn như vậy thì host phải thực sự là một người am hiểu về sản phẩm để thuyết phục khách hàng chốt đơn ngay trên sóng trực tiếp” - Nguyễn Phước cho biết.

Chuyên ngành hàng thời trang bigsize nên Như Ngọc thường chọn những trang phục mà bản thân thấy đẹp, có thể phù hợp với mọi người và dễ ra đơn cho mình. Với mỗi bộ đồ, cô nàng cũng chuẩn bị sẵn nội dung để giới thiệu nhưng khi đã quen đà livestream thì cô không cần phải làm kịch bản trước.

Ngủ vùi 20 tiếng khi ánh đèn tắt đi, thân thể rã rời

Và giống như nhiều công việc khác, nghề livestream cũng có những vất vả riêng, nhất là vào lúc cao điểm như trước mỗi dịp nghỉ lễ.

Nhan Như Ngọc cho biết trước một phiên livestream đều trừ hao thời gian ngủ nghỉ, chẳng hạn như ngủ trước để tinh thần tỉnh táo, ăn nhẹ lót dạ và làm việc cá nhân trước. “Sức khoẻ phải oke trước thì trong phiên live mình mới đủ năng lượng được” - cô nàng bày tỏ quan điểm.

Theo Như Ngọc, livestream tốn khá nhiều sức lực, sau mỗi phiên phát sóng trực tiếp đều khá mệt: “Người rã rời, lưng và chân rất đau và mỏi, chỉ cần nằm xuống thôi là ngủ luôn được. Đợt chạy chiến dịch bán hàng cuối năm, sau khi kết thúc chuỗi ngày livestream là mình ngủ li bì gần 20 tiếng”.

Nguyễn Phước cũng xác nhận thời gian cận lễ là chuỗi ngày làm việc xuyên suốt của KOC/KOL nói chung. Tuy nhiên theo anh chàng thì không đến mức độ không ăn, không ngủ hay nhịn đi vệ sinh như nhiều người nói.

“Trung bình mình thường livestream khoảng 2 tiếng nhưng có những phiên đỉnh điểm là 12 - 13 tiếng liên tục. Nhưng trước mỗi buổi lên sóng mình đều phải chuẩn bị kỹ càng, trong đó có đảm bảo yếu tố sức khoẻ và mình cũng có 1 - 2 bạn hỗ trợ” - anh chàng cho biết.

Cụ thể hơn, trong những buổi livestream lớn và kéo dài hàng chục tiếng, Phước sẽ có thêm 2 người phụ lên sóng. Khi nào thấy mệt, cần nghỉ ngơi để ăn uống hay đi vệ sinh thì anh chàng sẽ ra hiệu bằng cách nháy mắt hay gật đầu để mọi người vào thay. Cứ 2 - 3 tiếng thì Phước sẽ nghỉ khoảng 30 phút nhưng phiên nào đông người xem thì anh chàng chỉ nghỉ khoảng 10 phút.

Bên cạnh chuyện cân bằng ngủ nghỉ hay sinh hoạt cá nhân, đôi khi các livestreamer cũng phải đối mặt với khó khăn đến từ nỗi sợ của chính bản thân họ.

“Nhiều người chỉ cần nhấn nút là livestream được còn mình phải mất hơn nửa năm để vượt qua sự nhút nhát của bản thân. Bởi vì mình vốn là người hướng nội và ít nói. Hơn nữa mình livestream trên TikTok khá muộn vì nhìn mọi người ngày càng đi xa hơn thì càng áp lực, càng ngại.

Trong ngày đầu tiên livestream, mọi thứ chuẩn bị xong xuôi rồi thì mình phải mất tận 1 tiếng mới dám bấm nút bắt đầu. Lúc đó mình sợ nhưng cũng hiểu rằng nếu không cố gắng theo kịp thì sẽ sớm bị đào thải, bị ‘cũ’ mất” - Như Ngọc kể.

Đây cũng là vấn đề của Vân Anh. Cô nàng ít nói và hay mất năng lượng khi livestream nên khi đứng trước máy quay thì bị run, nói lắp bắp dẫn đến quên kịch bản. Để khắc phục, Vân Anh đứng trước gương để tự nói mỗi ngày và phải tập 3 tuần thì mới tự tin hơn khi lên sóng.

Livestream bán hàng dịp lễ kiếm 30 - 40 triệu/ngày, tắt điện thoại là toàn thân rã rời - Ảnh 5.

Trước khi đạt được những con số ấn tượng, Vân Anh phải vượt qua cảm giác lo lắng trước máy quay

Những nỗi sợ người livestream muốn tránh xa

Với những chia sẻ nói trên, có thể thấy livestream là công việc đòi hỏi nhiều trí lực, thể lực và sức lực. Đây cũng là lý do khiến cho phần lớn lực lượng tham gia phát sóng trực tiếp đều khá trẻ tuổi, có sức khỏe và năng động. Nhưng như vậy không có nghĩa là họ có thể lơ là sức khỏe của mình.

Trước mỗi phiên bán hàng, việc quan trọng hàng đầu là ngủ đủ giấc. Bởi lẽ livestream vốn đã là công việc có giờ giấc không ổn định, nếu cộng thêm với việc ngủ thiếu giấc, cả tinh thần lẫn thể chất đều không tốt, lúc lên sóng sẽ tạo ra cảm giác tiêu cực và uể oải. Ai lại thích mua hàng của một người như thế nhỉ?

Đồng thời mỗi người cũng phải chăm sóc cơ thể, đặc biệt là cổ họng và dạ dày vì 2 bộ phận này sẽ phải hoạt động nhiều trong thời gian lên sóng. Chẳng hạn như Nguyễn Phước thường hạn chế livestream lắt nhắt trước mỗi buổi lên sóng kéo dài. Và trong mỗi phiên lớn như vậy, anh chàng phân công rõ ràng nội dung, người hỗ trợ sẽ nói gì và bản thân sẽ nói gì để đạt hiệu quả nhất và đỡ tốn sức nhất.

Cuối cùng, sức khỏe tinh thần cũng là điều cần được lưu ý khi lên sóng. Ngoài việc phải vượt qua chính mình như Như Ngọc hay Vân Anh, người livestream cũng được khuyên là không nên đặt nặng sự được mất như phải đạt bao nhiêu người xem, phải chốt bao nhiêu đơn. Tất nhiên có mục tiêu thì có nhiều cố gắng nhưng trong khi phát sóng trực tiếp mà cứ lo lắng, hơn thua thì sẽ dễ nảy sinh cảm xúc không tốt như hoảng sợ, căng thẳng, buồn bã… khiến phiên livestream không còn hiệu quả.