Có giai thoại kể về hoàng đế Napoleon của nước Pháp như sau. Một anh lính trẻ từng nói với Napoleon rằng anh ta cảm thấy khó chịu khi mình cao hơn hẳn vị tướng lãnh đạo. Lúc đó, một cách bình tĩnh và rành mạch, Napoleon đáp lại rằng: "Anh có thể cao hơn, nhưng ta mới là người vĩ đại hơn"!
Thật vậy, Napoleon tương đối thấp so với người châu Âu nhưng tầm ảnh hưởng thì khỏi phải bàn. Ngoài ra, lịch sử còn chứng kiến không ít nam nhân dù thấp bé nhưng vô cùng thiện chiến, đồng thời cũng rất độc đoán, ít chịu san sẻ quyền hành của mình.
Điều đó dẫn đến câu hỏi: Liệu đàn ông thấp có phải sẽ hiếu thắng và ích kỷ hơn, như để khắc phục cho hạn chế bẩm sinh về chiều cao?
Nhận định này hoàn toàn có căn cứ. Nhiều nghiên cứu trước đây từng chứng minh đàn ông cao thường có nhiều lợi thế trong cuộc sống.
Nhìn chung họ khỏe mạnh, có học vấn cao và địa vị xã hội cũng "hoành tráng" hơn, vì vậy rất thu hút đối với phái nữ! Như thế, đàn ông thấp rõ ràng có xuất phát điểm hạn chế nên họ phải hiếu thắng và ích kỷ hơn, ra sức tận dụng mọi cơ hội thì âu cũng là điều công bằng thôi mà?
Từ những giả thiết trên, một nghiên cứu đã được thực hiện và công bố trên tạp chí Hiệp hội Khoa học Tâm lí Hoa Kỳ.
Nhóm tình nguyện viên tham gia vào nghiên cứu này gồm cả nam lẫn nữ. Họ được chia thành các cặp bất kỳ, và phải đưa ra đánh giá về chiều cao của mình cũng như của đối phương. Sau đó, họ tham gia vào chuỗi các trò chơi mô phỏng.
Trò chơi 1 mang tên "Kẻ độc tài". Hai người ngồi đối diện cách nhau 1 cái bàn. Trên bàn đặt phong bì có chứa 18 đồng xu.
Một người bất kỳ được yêu cầu có thể lấy bao nhiêu đồng xu tùy thích, phần còn lại sẽ thuộc về người kia. Vì thông qua lớp phong bì nên họ có thể lấy bao nhiêu cũng được mà người còn lại không phát hiện ra.
Kết quả: đàn ông tự đánh giá mình thấp sẽ lấy nhiều đồng xu hơn. Người đàn ông thấp nhất trong thử nghiệm giữ tới 14 trong tổng số 18 đồng xu. Ngược lại, người đàn ông cao nhất chia đều 9 đồng xu cho mỗi bên. Những điều trên không diễn ra với phụ nữ dù thấp hay cao.
Trò chơi thứ 2 chỉ gồm đàn ông, chia thành 21 cặp. Họ chơi "Tối hậu thư" cũng giống như trò chơi đầu tiên, chỉ khác 2 điều sau. Một, việc phân chia mang tính công khai. Hai, người được nhận có thể chấp thuận hay từ chối sự phân phát. Nếu từ chối, cả hai bên đều không nhận lấy một đồng bạc nào.
Kết quả, vì tính công khai nên tất cả người tham gia đều chia đều số đồng xu hoặc chênh lệch không đáng kể.
Sau đó, bằng nhiều quan sát và thử nghiệm khác, nhóm nghiên cứu kết luận rằng đàn ông thấp thường xảy ra hành vi chiếm lấy nguồn tài nguyên có sẵn càng nhiều càng tốt để tăng sức cạnh tranh, nhưng điều này không diễn ra trong trường hợp "mặt đối mặt".
Quay lại câu hỏi "Liệu đàn ông thấp có hiếu thắng và ích kỷ hơn hay không?". Đáp án là có nhưng điều ấy diễn ra một cách âm thầm hơn là công khai!
Nhưng dù sao, các thử nghiệm trên cũng không đúng với mọi trường hợp đàn ông thấp. Nhất là trong bối cảnh ngày nay, chiều cao vẫn rất quan trọng nhưng không phải là tất cả.
Nguồn: IFLScience