Đối tượng Nguyễn Đăng Khoa tại cơ quan điều tra. Ảnh: CAND
Trọng án
Liên tiếp những ngày vừa qua, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã xảy ra những vụ án giết người, cướp tài sản gây hoang mang dư luận, nạn nhân chủ yếu là những cô gái trẻ. Gần đây nhất là đối tượng Hoàng Minh Hào (20 tuổi, quê quán Bắc Giang) giết chị Lê Thị Thùy L. (21 tuổi, trú tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tại nhà trọ để cướp chiếc xe máy, điện thoại của nạn nhân. Theo thông tin từ gia đình nạn nhân, chị L. mất tích từ hôm 16/2 (mồng 7 Tết Giáp Thìn).
Trước đó, chiều 8/2 (tức 29 Tết), Nguyễn Đăng Khoa (25 tuổi, quê Tiền Giang) dẫn dụ chị V.Th.Th (25 tuổi, quê Đồng Nai) qua phòng trọ của mình ở phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, TPHCM nhờ phụ giúp dọn đồ đạc. Tại đây, Khoa sát hại chị Th., hiếp dâm nạn nhân và lấy đi số tài sản lớn gồm nhiều lắc tay, nhẫn vàng... rồi phân xác phi tang.
Ngày 6/1, Nguyễn Thanh Tâm (27 tuổi, trú xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM) đến ki-ốt bán cà phê, nước giải khát ven Quốc lộ 22 (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TPHCM) sát hại chị N.T.H.P (22 tuổi, nhân viên quán cà phê) cướp chiếc xe máy Honda SH và tẩu thoát.
TS Đào Trung Hiếu nói: “Mẫu số chung giữa các vụ án đó là kẻ thủ ác đều hướng tới tài sản của nạn nhân. Nói cách khác, động cơ gây án của hung thủ là chiếm đoạt tài sản. Và để thực hiện được điều này, chúng không ngần ngại ra tay tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Cùng thời điểm này cũng đã xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng táo tợn xảy ra ở nhiều địa phương”.
TS Hiếu phân tích, không phải ngẫu nhiên mà tội phạm cướp gia tăng đột biến; tình trạng này phản ánh rất nhiều vấn đề hệ trọng. Trước tiên, có thể thấy những vấn đề của tình hình kinh tế xã hội luôn tác động sâu sắc đến đời sống dân sinh và tình hình tội phạm. Thời gian qua, đời sống kinh tế xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn do hậu quả từ đại dịch COVID-19, chiến sự ở nhiều nơi trên thế giới, suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng các yếu tố bất lợi khác… dẫn đến nhiều doanh nghiệp mất đơn hàng, phá sản, không ít người lao động mất việc làm, không có thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống. Khi đó, một số người dễ bị lôi kéo vào các hoạt động phạm pháp nhằm kiếm tiền.
Đối tượng Hoàng Minh Hào
Thứ hai, những vụ trọng án vừa qua phản ánh sự sa sút của đạo đức xã hội, vì tiền, vì lợi ích vật chất, vì quyền lợi cá nhân ích kỷ, nhiều người sẵn sàng chà đạp lên các chuẩn mực đạo đức, quy phạm pháp luật, miễn là có lợi cho mình. Sau cùng, đã thành quy luật, vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán hằng năm, tình hình tội phạm sẽ có những diễn biến phức tạp, vì năm hết tết đến, nhu cầu chi tiêu, mua sắm, đi lại của cộng đồng tăng cao. Tội phạm cũng cần ăn Tết, chỉ có điều chúng không có cách nào khác để thỏa mãn nhu cầu đó ngoài việc tìm cách chiếm đoạt tài sản của người khác, hoặc làm những việc bị cấm để trục lợi.
Tâm lý
TS Hiếu đánh giá các vụ án trên có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, cùng lúc xâm hại 2 khách thể được luật hình sự bảo vệ, đó là quyền được sống (quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe) và quyền sở hữu tài sản.
“Qua thông tin báo chí phản ánh, có thể thấy hành vi phạm tội của các đối tượng có ác tính rất cao, phản ánh sự suy thoái trầm trọng trong nhân cách con người, đặc trưng đó là sự ích kỷ cao độ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, coi thường tính mạng người khác. Khi thực hiện tội phạm, các đối tượng bị thúc đẩy bởi động cơ thoả mãn nhu cầu vật chất. Để chiếm đoạt được tài sản của nạn nhân, đồng thời lo sợ nếu để nạn nhân sống, hành vi phạm tội sẽ bị tố cáo nên chúng đã xuống tay tàn bạo, quyết tâm tước đoạt sinh mạng con người”, TS Hiếu phân tích.
Về việc phi tang thi thể nạn nhân, từ thực tiễn nhiều năm công tác trong lực lượng điều tra trọng án, TS Hiếu cho biết, trong sâu thẳm tâm lý tội phạm luôn là một nỗi sợ. Chúng thừa biết hành vi của mình là phạm trọng tội, nếu bị phát hiện, bắt giữ, sẽ phải đối diện hình phạt nghiêm khắc để trả giá cho tội ác.
Vì vậy, chúng phải làm mọi việc để ngăn ngừa mọi nguy cơ bất lợi đối với mình. Đó là động cơ tâm lý để nhiều kẻ thủ ác xuống tay giết người diệt khẩu, hoặc sẵn sàng phân xác nạn nhân, hay đốt cháy thi thể để phi tang nhằm triệt tiêu khả năng tội ác bị bại lộ, ngăn cản việc điều tra làm rõ sự thật của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, việc điều tra bắt giữ thủ phạm gây trọng án cũng dễ gặp tình huống đối tượng chống trả manh động khi chúng cảm thấy nguy hiểm.
Đối diện mức án tử hình
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, hành vi phạm tội của đối tượng Hoàng Minh Hào không những đã tước đoạt tính mạng nạn nhân rất tàn ác mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ. Xét hành vi của đối tượng đã phạm 3 tội Giết người, Cướp tài sản, Trộm cắp tài sản quy định tại Điều 123, 168, 173 Bộ luật Hình sự. Đối với tội Giết người với nhiều tình tiết định khung tăng nặng (để thực hiện tội phạm khác và có tính chất côn đồ), đối tượng sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất tử hình.
Giải pháp
Theo TS Hiếu, có rất nhiều tình huống xảy ra cướp. Nếu kẻ cướp đột nhập vào nhà, chúng thường sử dụng vũ lực (hung khí) tấn công hoặc đe dọa tấn công ngay tức khắc để đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản. Do đó, mọi người cần tăng cường ý thức cảnh giác trước sự xuất hiện của người lạ mặt, những biểu hiện bất thường trong đêm tối. Cảnh giác cao khi tiếp xúc với những người không quen biết, hoặc những người có quen biết nhưng đã lâu không gặp, không rõ công việc và hoạt động hiện hành của họ là gì.
Bên cạnh đó, mọi người không khoe của cải hoặc để lộ thông tin về việc có khoản tiền, tài sản có giá trị. Đối với những người ở một mình cần thận trọng và hạn chế việc mời người khác đến chỗ ở của mình để trò chuyện, ăn uống, sinh hoạt, nhất là đối với những người mới quen, hoặc không rõ lai lịch, công việc, hoạt động.
“Tình huống buộc phải giao tiếp với người lạ tại không gian riêng tư, vắng vẻ chỉ có 2 người, nên thông báo cho người thứ ba biết, có thể lấy lý do hợp lý để chụp hình của khách với mình bằng điện thoại, rồi đưa lên mạng xã hội. Đồng thời thận trọng trước những lời mời đến nhà riêng, khách sạn, nhà nghỉ, đến những nơi hoang vu, vắng vẻ… với những người mới quen, hoặc không rõ lai lịch, công việc, hoạt động của họ...”, TS Hiếu khuyến cáo.
Theo TS Hiếu, hầu hết bọn cướp tài sản đều mang theo dao nhọn, dao bấm… để tấn công, khống chế nạn nhân hoặc phòng thân trước nguy cơ bị bắt giữ. Do đó, khi đã bị cướp uy hiếp, đe dọa với hung khí trên tay, trong hoàn cảnh không thể có sự trợ giúp từ bên ngoài thì giải pháp khôn ngoan nhất là hãy tỏ ra hợp tác, phục tùng mọi yêu sách của đối tượng để bảo đảm an toàn tính mạng của mình.
Cần quán triệt phương châm mạng sống chỉ có một, còn của cải mất đi có thể làm lại, hoặc tìm lại được thông qua hoạt động truy xét của cơ quan chức năng. Đừng vì tâm lý tiếc tài sản mà hành động bản năng như ôm giữ, giằng giật, tri hô, đánh trả bọn cướp khi không có khả năng, tương quan lực lượng yếu hơn hẳn, không có sự trợ giúp.
Trong khi thực hiện yêu cầu của tên cướp, cần kín đáo quan sát, ghi nhớ các đặc điểm của đối tượng, như số lượng, giới tính, giọng nói, khuôn mặt, các đặc điểm dị hình như vết xăm trổ, vết sẹo, đồ trang sức trên người, quần áo, giày dép, phương tiện cầm theo… Đồng thời, cần chú ý quan sát tình hình, tận dụng thời cơ thuận lợi để bỏ chạy đến nơi an toàn, hoặc bất ngờ tấn công lại đối tượng sau khi cân nhắc các khả năng có thể xảy ra.
“Nạn nhân có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ chế hành vi phạm tội, thể hiện ở cả 3 khâu là làm nảy sinh ý định phạm tội; kế hoạch hóa việc thực hiện tội phạm; tạo điều kiện cho tội phạm được thực hiện một cách thuận lợi, dễ dàng. Nếu nạn nhân có ý thức cảnh giác, không đi cùng người lạ, không xuất hiện tại khu vực vắng vẻ khi trời tối, không để lộ ra tài sản, biết cách ứng phó tri hô, kêu cứu, bỏ chạy, tự vệ... có thể không xảy ra tội phạm hoặc giảm thiểu được hậu quả, tác hại”, TS Hiếu nhận định.