Lì xì năm mới tại Nhật Bản: Trẻ con ai cũng mong, người lớn thì... méo hết cả mặt

Vũ Huế, Theo Helino 08:10 25/01/2020
Chia sẻ

Có đến 77,2% người Nhật Bản cho rằng, lì xì năm mới là một gánh nặng. Ngoại trừ con em trong nhà, họ còn phải lo mừng tuổi con em người thân, bằng hữu, cấp trên... Cộng tất tần tật vào là thành một khoản to đùng.

Dành cho những ai chưa biết, Nhật Bản từ lâu đã bỏ qua truyền thống ăn Tết âm lịch (Tết Nguyên Đán), mà đón Tết theo lịch dương. Tuy nhiên, các phong tục thì vẫn như cũ, đặc biệt là câu chuyện lì xì.

Otoshidama – Món quà đầu năm trẻ em Nhật mong đợi nhất

Bắt đầu từ tháng 12, các văn phòng phẩm của Nhật Bản tràn ngập các thiệp mừng năm mới, Nengajō. Người Nhật có lệ, cứ đến hết năm là lo viết thiệp chúc Tết. Những ngày đầu xuân cũng là khoảng thời gian hệ thống bưu điện của đất nước này vất vả nhất. Khi thiệp điện tử còn chưa xuất hiện, Nhật Bản phát hành lượng thiệp mừng năm mới khổng lồ. Như vào năm 2004, đã có tới 4,5 tỷ tấm thiệp được phát hành - một kỷ lục vô tiền khoáng hậu.

Lì xì năm mới tại Nhật Bản: Trẻ con ai cũng mong, người lớn thì... méo hết cả mặt - Ảnh 1.

Khi điện thoại thông minh ra đời và trở nên phổ biến, kèm theo nhiều ứng dụng tặng thiệp mừng năm mới điện tử thì lượng thiệp giấy ở Nhật mới dần giảm đi. Tuy nhiên, họ vẫn đạt 2,4 tỷ thiệp vào năm 2017.

Trẻ em Nhật Bản cũng tặng và nhận được thiệp mừng năm mới. Có điều so với thiệp giấy, thế hệ tương lai của đất nước hấp hửng chờ món khác "tài lộc" hơn: Otoshidama.

Lì xì năm mới tại Nhật Bản: Trẻ con ai cũng mong, người lớn thì... méo hết cả mặt - Ảnh 2.

Mọi trẻ em Nhật đều mong chờ được nhận Otoshidama

Otoshidama (お 年 玉) là phong bao có chứa tiền ở bên trong. Nó cũng giống hệt như phong bao lì xì ở Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc trong dịp Tết Nguyên Đán. Chỉ khác ở chỗ, người Nhật Bản không tùy ý muốn nhét vào bao nhiêu tiền thì nhét, mà có quy định mức tài chính đàng hoàng.

Tiền mừng phân chia theo độ tuổi của con nít

Trong dịp tháng cuối năm, các cửa hàng văn phòng phẩm của Nhật bày đầy phong bì Otoshidama. Chúng được thiết kế hình dạng, màu sắc đa dạng, chung quy đều xinh xắn, đáng yêu.

Thực tế, tục lì xì bằng tiền tại Nhật chỉ mới xuất hiện trong khoảng 100-200 năm trở lại đây. Ban đầu, truyền thống đón Tết ở Nhật Bản đơn giản là dâng bánh gạo Kagami Mochi cúng tổ tiên. Văn hóa tín ngưỡng Nhật Bản tin rằng mùng 1 Tết âm lịch là thời điểm linh hồn thân nhân đã khuất rời núi, mang phước lành đến tặng mọi nhà. Cúng bánh gạo Kagami Mochi là cách họ thể hiện lòng biết ơn, sự thành kính sâu sắc.

Lì xì năm mới tại Nhật Bản: Trẻ con ai cũng mong, người lớn thì... méo hết cả mặt - Ảnh 3.

Sau buổi cúng tế, bánh gạo được chia cho toàn thể lớn bé trong gia đình. Thời kỳ Edo (1603-1868), các gia tộc giàu có đem Kagami Mochi phân phát cho cả người bên ngoài, lấy may. Otoshidama là món quà đầu năm người lớn Nhật Bản tặng trẻ con. Ban đầu, nó không phải bằng tiền, mà là các đồ vật, ví dụ như quạt giấy hay đồ chơi.

Dần dà, Nhật Bản thay thế Otoshidama tặng đồ bằng tặng tiền mặt. Mặc dù không có quy định rõ ràng về số tiền trong phong bao, nhưng giữa các bậc phụ huynh vẫn có sự thỏa thuận ngầm. Theo khảo sát từ Meikō Network, người Nhật phân chia tiền mừng năm mới theo độ tuổi. Nhóm trẻ em tiểu học sẽ nhận được Otoshidama 3000 yên (tương đương 635.000 vnđ). Nhóm trung học thì được tặng phong bao nhiều tiền hơn, 5000 yên (tương đương 1.050.000 vnđ).

Lì xì năm mới tại Nhật Bản: Trẻ con ai cũng mong, người lớn thì... méo hết cả mặt - Ảnh 4.

Trẻ con vui, người lớn thì méo mặt

Nếu chỉ phải mừng tuổi cho con cái của mình, Otoshidama không phải là khoản tiền lớn. Vấn đề nằm ở chỗ, người Nhật mừng tuổi cho cả con cái của anh em, bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp…

Như hầu hết các quốc gia ở phương Đông vốn nặng lễ nghĩa, người Nhật có nhận nhất định phải có trả. Nếu con cái của họ đã được người khác tặng Otoshidama, họ cũng phải đáp lễ bằng Otoshidama. Cái quy định ngầm về số lượng tiền trong mỗi phong bao lì xì cũng chính vì nguyên nhân này. Nhiều cư dân đất nước Mặt trời còn "sòng phẳng" đến nỗi, hỏi luôn số tiền mừng tuổi con em mình vừa nhận để tặng lại khoản tương đương.

Lì xì năm mới tại Nhật Bản: Trẻ con ai cũng mong, người lớn thì... méo hết cả mặt - Ảnh 5.

Khi Otoshidama là nghĩa vụ chứ không phải sự tự nguyện, nó trở thành gánh nặng tài chính. Có đến 77,2% người Nhật cho rằng, đó là một khoản chi hết sức đáng kể trong dịp đầu năm. Trong số những người đồng ý làm khảo sát của Meikō Network, có 76,9% thấy Otoshidama là gánh nặng vì "con em người ta"; 35,9% thấy nó là gánh nặng vì "con em nhà mình". Có lẽ cũng vì vậy mà các bậc sinh thành cũng thống nhất: con cái vào đại học là "cắt" Otoshidama.

Về "thu nhập Otoshidama" của trẻ con sau những ngày đầu năm, các ông bố bà mẹ người Nhật Bản có 2 cách xử lý: Để chúng tự quản lý hoặc "giữ giùm".

Chỉ có khoảng 20% phụ huynh Nhật Bản cho phép con cái toàn quyền với tiền mừng tuổi. 80% còn lại "cất hộ", chỉ trích một phần (hoặc chẳng phần nào cả) cho chủ khoản.

Trẻ em Nhật Bản có thể dùng tiền Otoshidama mua đồ chơi, video game đắt tiền. Cũng theo kết quả khảo sát của Meikō Network, đối với trẻ em thích tiêu tiền Otoshidama, có 71,9% dùng mua video game, chỉ 29,1% mua sách, truyện tranh hoặc tạp chí.

Thú vị nhất là 70,1% các bé biết dành dụm một phần hoặc toàn bộ tiền mừng tuổi mà chúng nhận được. Trẻ em Nhật Bản cũng như các thế hệ người lớn ở trong nước, cần kiệm vô cùng. Điều này rất đáng ngưỡng mộ và học tập.

Tham khảo Nippon

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày