Sáng 28/7, đoàn xe tang tiến về phía Nhà tang lễ Bệnh viện Quân khu 4 (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Từng dòng người xúc động bước đi một cách lặng lẽ. Đã 2 ngày trôi qua và phép màu đã tắt chỉ sau 8 tiếng báo cáo sự cố, 2 người anh hùng mãi mãi nằm lại nơi đất Mẹ.
"Vô cùng thương tiếc, đồng chí Thượng tá Khuất Mạnh Trí và đồng chí Đại tá Phạm Giang Nam, đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu ngày 26/7/2018". Hai chiếc quan tài nằm cạnh nhau được bọc trong lá cờ Tổ Quốc. Hàng ngàn cán bộ chiến sĩ trong các lực lượng đã về đây, thắp nén nhang và gửi lời chia buồn với gia đình 2 anh.
Sáng 28/7, tại nhà tang lễ Bệnh viện Quân khu 4 (TP Vinh, Nghệ An) đã long trọng diễn ra lễ viếng và truy điệu 2 phi công hi sinh trong vụ rơi máy bay Su-22.
Thượng Tá Khuất Mạnh Trí và Đại tá Phạm Giang Nam đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu ngày 26/7.
Khoảng 11h16 ngày 26/7, máy bay Su-22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) thực hiện bay huấn luyện bất ngờ mất liên lạc lúc 11h35.
Hiện trường máy bay rơi tan tành, nhiều mảnh vỡ văng trên đỉnh núi, 2 phi công cũng bị biến dạng. Đến khoảng 14h30, lực lượng chức năng xác định vị trí gặp nạn tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn, Nghệ An và tích cực tìm kiếm thi thể 2 nạn nhân.
19h39 cùng ngày, đoàn xe cứu thương đưa thi thể 2 phi công rời khỏi hiện trường, kết thúc quá trình tìm kiếm kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Từ quê nhà Thái Bình của phi công Nam tới nhà anh Trí ở Sơn Tây, là nước mắt, là đau thương và cả những tiếng kêu xé lòng.
Hàng ngàn cán bộ chiến sĩ trong các lực lượng đã về đây thắp nén nhang và chia buồn với gia đình 2 chiến sĩ.
Giây phút tiễn đưa linh cữu 2 anh ra xe hướng về đài hóa thân Hoàn Vũ.
Đúng 7h sáng 28/7, lễ viếng 2 chiến sĩ chính thức được diễn ra. Với những đồng đội ở lại, họ nhớ tới hình ảnh 2 anh trong sự ngưỡng mộ và vô cùng khâm phục. Tất thảy mọi người đều kỳ vọng một phép màu, nhưng rồi cuối cùng mọi chuyện lại diễn biến tệ đi.
Lễ truy điệu được cử hành sau đó 1 tiếng. Thi hài hai phi công được đưa về hỏa táng tại Đài hoá thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Hà Nội và an táng tại quê nhà. Quãng đường từ Vinh về tới Hà Nội dài hơn 300km, đoàn xe tang di chuyển liên tục 5 tiếng đồng hồ. Hai bên đường xuyên suốt hành trình, có những đồng đội trong lực lượng quân đội đứng đợi sẵn. Linh cữu của 2 anh đi qua, họ giơ tay chào trang nghiêm lần cuối.
Những khoảnh khắc xúc động trong buổi lễ.
Đấy là kì nghỉ hè lần đầu tiên anh Trí dẫn bé út 7 tuổi lên đơn vị với bố chơi 1 tháng. Nhà anh có hai cháu, con gái lớn năm nay đã lên 9. Mẹ anh là bà Trần Thị Lan, bố đẻ anh qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo vào năm 2003. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà một mình anh Trí lo toan, anh là trụ cột của gia đình kể từ thời điểm đó.
Trước khi trở thành phi công, anh Trí thi đỗ ĐH Tổng hợp Hà Nội. Anh nhận được giấy báo đỗ ĐH khi đã lên đường nhập ngũ. Anh Trí học rất giỏi, sống tình cảm. Chẳng ai ngờ lần anh về giỗ bố cũng là lần cuối cùng gia đình được gặp anh. 10 ngày sau khi kết thúc kì nghỉ, anh Trí hi sinh khi thực hiện bay huấn luyện. Sâu đáy lòng mình, anh rất suy nghĩ vì nhiệm vụ, công việc trọng trách được giao của người chiến sĩ quân đội... mà ít có thời gian với các con, với gia đình, người thân.
Mẹ anh Trí đứng không vững trước nỗi đau mất con.
Chị Thục (vợ anh Trí) chịu tang chồng trong nỗi đau đớn mà không ngôn từ nào có thể diễn tả. Giây phút được gặp anh lần cuối, chị bật khóc nức nở. Bà Lan đứng cách đó không xa, ôm chặt quan tài con trai. 2 người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời anh Trí giờ đây sẽ phải sống cuộc sống không có anh ở bên cùng chia sẻ động viên. Họ cùng hứa trước linh cữu anh sẽ nuôi dạy cháu con thành tài, ngoan ngoãn, sẽ làm đúng những gì mà lúc sinh thời anh vẫn thường căn dặn.
Anh Trí ra đi ở tuổi 40, việc nhà việc gia đình giờ chỉ biết nhờ cậy vào các chú ruột. Một trong số đó có ông Khuất Duy Vỹ - người chú thân thiết nhất với anh, người anh coi như cha mình. Thời gian bố anh nằm viện, vợ chồng chú Vỹ cùng mẹ và các cô chú thay nhau chăm sóc bố. Mọi người mong muốn để anh yên tâm học tập tại Học viện không quân. Từ ngày bố anh mất, chú Vỹ xem anh như con trai mình.
Anh Trí luôn nói với mẹ sau này khi chú về già sẽ chăm lo cho chú..., nhưng nay chú Vỹ lại là người lo trước cho anh - người chiến sĩ phi công quả cảm. Kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, nhìn anh vĩnh viễn nằm xuống, rời xa gia đình người thân, chú Vỹ xót xa đứng lặng người.
Chị Thục khóc lớn khi nhìn chồng lần cuối.
Còn chú Vỹ đứng lặng người từ biệt người cháu quả cảm của mình.
Nhà anh Phạm Giang Nam nằm ở thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tối 26/7, căn nhà nhỏ của ông Phạm Văn Mỹ (bố anh Nam) đông đúc lạ thường. Từ bà con chòm xóm tới người thân gần xa, mọi người đến nhà ông Mỹ để hỏi thăm tình hình anh Nam. Trong suy nghĩ của nhiều người và cả ông Mỹ, anh Nam chỉ gặp nạn và bị thương thôi, anh sẽ can đảm vượt qua kiếp nạn lần này để sớm đoàn tụ với gia đình.
Tuy nhiên, mọi hi vọng của gia đình đều tan biến. 19h20 phút ngày 26/7, đoàn xe quân đội đỗ trước cửa nhà anh Nam. Các chiến sĩ trong đơn vị thông báo, anh Nam đã hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Phép màu không còn, nỗi đau đớn tột đỉnh, bà Bích - mẹ anh khóc ngất ngay trên giường.
Ông Phạm Văn Mỹ - bố anh Nam giây phút nhìn con trai lần cuối.
Nỗi đau đớn của người thân, bạn bè khi 2 chiến sĩ hi sinh.
Cũng giống anh Trí, anh Nam là trụ cột gia đình, sau anh còn hai cô em gái. Tổ ấm nhỏ của anh có 4 thành viên, ngoài vợ còn có 2 người con, bé gái đầu lòng mới được 4 tuổi còn cháu trai thứ 2 mới lên 2. Mỗi lần được nghỉ phép, anh Nam đều xin về quê thăm gia đình, nếu không thì vợ và các con sẽ vào đơn vị thăm anh.
Cuộc sống tuy vất vả khó khăn nhưng chưa bao giờ anh ngớt tình thương dành cho những người thân yêu. Trước khi gặp nạn, anh còn gọi điện báo với mẹ sắp được về quê chơi. Nhưng lần này, hành trình trở về quê hương sao mà nặng lòng đến thế. Một chuyến đi về nhà đúng nghĩa, từ nay và mãi mãi về sau, anh nằm lại tại mảnh đất Thái Bình thân thương này.
Từ Thái Bình vào thành phố Vinh đón con trai, giây phút đó ông Mỹ dù bình thường mạnh mẽ đến đâu cũng không thể đứng vững. Đồng đội của anh Nam đã thay anh dìu cha mình bước lên xe tang, để cùng anh vượt 300km trở về căn nhà nhỏ của mình.
Chị Trang - vợ anh gần như không nói gì suốt quá trình cử hành tang lễ, ngoài việc hứa sẽ nuôi dạy 2 người con khôn lớn và luôn nhớ về người cha anh hùng của mình.
Chị Trang - vợ chiến sĩ Phạm Giang Nam.
2h chiều 28/7, đoàn xe tang tới đài hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển, Hà Nội) trong sự chờ đón của hàng trăm đồng đội. Công việc truy điệu lần cuối nhanh chóng được diễn ra. Sau khi hỏa táng, hài cốt của 2 phi công được gia đình mang về quê nhà để đồng nghiệp, bạn bè đến viếng. 2 anh sẽ được yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ quê hương.
Nghệ An ngày 28/7/2018, trích lời trong sổ tang của một đồng đội có mặt đưa tiễn 2 anh.
"Xin được gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình hai anh, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc".
Xin nghiêng mình tiễn chào 2 anh - những người hùng quả cảm của Tổ Quốc.