Lễ khai mạc Olympic Paris 2024: Một tham vọng lớn, rất nhiều táo bạo nhưng đầy sự hỗn loạn

Nhật Nguyên x Musie, Theo Đời sống pháp luật 20:25 28/07/2024
Chia sẻ

Bạn đánh giá thế nào về lễ khai mạc Olympic Paris 2024?

Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 đã khép lại với ngập tràn các ý kiến tranh cãi. Khác hẳn với các kì Thế vận hội trước khi lễ khai mạc sẽ được tổ chức tại 1 SVĐ trung tâm, lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024 đã được diễn ra dọc dòng sông Seine, đi qua hàng loạt địa điểm lịch sử tuyệt đẹp của Paris kéo dài 6 km. Đó là một viễn cảnh đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy thách thức mà BTC Olympic Paris 2024 gợi mở cho thế giới suốt nhiều năm ấp ủ.

Toàn bộ chương trình được đặt dưới bàn tay của đạo diễn nghệ thuật Thomas Jolly ngay sau khi kết thúc đã vướng phải nhiều tranh cãi với mức độ chưa từng có. Thậm chí đoạn video highlight các khoảnh khắc của lễ khai mạc cũng đã bị ẩn khỏi kênh YouTube chính thức của Olympic. Không ít nhà tài trợ bắt đầu rút lui, đi kèm với sự phẫn nộ từ bộ phận không nhỏ công chúng, nhất là cộng đồng những người có đức tin Thiên Chúa Giáo vốn chiếm tỉ lệ lớn trên toàn cầu.

Chuyện gì đã xảy ra với lễ khai mạc Olympic Paris 2024?

Lễ khai mạc Olympic Paris 2024: Một tham vọng lớn, rất nhiều táo bạo nhưng đầy sự hỗn loạn- Ảnh 1.

Tôn vinh văn hóa nước Pháp theo nhiều hình thức khác nhau nhưng tổng thể rời rạc, cơn mưa làm hạn chế nhiều điều

Tổng thể chương trình được chia thành 12 chương, với cấu trúc khác lạ so với các kì Olympic khác. Thông thường các lễ khai mạc Olympic sẽ bao gồm các phần nghi thức bắt buộc (chào cờ nước chủ nhà, thượng cờ Olympic, phần diễu hành, các phần phát biểu của nguyên thủ nước chủ nhà và Chủ tịch IOC,...) được diễn ra theo trình tự khá thống nhất tại 1 SVĐ. Tuy nhiên, óc lãng mạn của nước Pháp đã “xào” kịch bản, biến toàn bộ lễ khai mạc Olympic thành một buổi diễu hành khổng lồ khắp Paris. Các đoàn diễu hành trên sông Seine theo thứ tự tên nước, xen kẽ giữa các phần diễu hành sẽ là các phần trình diễn được rải đều khắp các địa điểm nổi tiếng ở Paris.

Người Pháp thực sự đã đưa cá tính của họ vào lễ khai mạc lần này: lãng mạn, yêu tự do và sự phóng khoáng. Thậm chí có thể gọi là không theo một tiêu chuẩn gì, bên cạnh đó là việc lồng ghép các quan điểm về xã hội. Tuy nhiên, với những khán giả toàn cầu vốn đặt quá nhiều kì vọng vào lễ khai mạc lần này, đó lại là một "con dao hai lưỡi".

Lễ khai mạc Olympic Paris 2024: Một tham vọng lớn, rất nhiều táo bạo nhưng đầy sự hỗn loạn- Ảnh 2.

Đó là một ý tưởng táo bạo khi biến cả Paris trở thành một sân khấu khổng lồ, tuy nhiên điều kiện thời tiết khách quan, sự kết nối giữa các sân khấu chưa trọn vẹn đã khiến tổng thể lễ khai mạc tương đối rời rạc, dàn trải. Một số yếu tố bị lạm dụng, đẩy lên quá mức cũng khiến bộ phận khán giả thế giới vốn đa dạng về quan điểm, cách sống cảm thấy bị đụng chạm. Bên cạnh đó, sự kết nối và liên kết của nội dung chương trình đã bị không gian tổ chức quá lớn làm bị loãng đi trông thấy. Tất cả những gì khán giả thấy hóa ra như một “hội làng” được tổ chức dọc sông Seine, thích thì khán giả xem diễn ở trên cầu, người khác thì xem trình diễn ở các cung điện, hoặc có người có thể xem trình diễn trên đường phố,... các tiết mục dàn trải, không có tiết mục nào được đầu tư đủ mạnh, đủ tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.

Lễ khai mạc Olympic Paris 2024: Một tham vọng lớn, rất nhiều táo bạo nhưng đầy sự hỗn loạn- Ảnh 3.

Lady Gaga được chọn để là nghệ sĩ hát mở màn, cô chọn trình diễn một bản hit nổi tiếng của nước Pháp vào những năm 50 của thế kỉ 20 - Mon truc en plumes, ca khúc của nữ nghệ sĩ "tượng đài" Zizi Jeanmaire. Tất nhiên, với người Pháp, họ sẽ cảm thấy rất quen thuộc với hình tượng này, song với khán giả đại chúng thì họ cũng tương đối xa lạ với thể loại mà Lady Gaga trình diễn. Lady Gaga không chỉ trình diễn cho khán giả Paris mà cô đang diễn cho hàng tỉ người trên toàn thế giới.

Chính vì thế, nhiều khán giả bày tỏ sự thất vọng trước màn trình diễn của Lady Gaga, đặc biệt khi nó được chọn để mở màn cho lễ khai mạc cực kì quan trọng. Họ mong muốn tiết mục này có thể dời đến ở những phân đoạn khác của chương trình, khi khán giả dần "thấm" văn hóa Pháp hơn. Lady Gaga cũng chưa thực sự quen với thể loại này nên cũng chưa thể diễn "bung" hết sức. Trong khi đó khán giả thừa biết "Mẹ Quái Vật" có nội lực và sức sáng tạo kinh khủng ra sao trên sân khấu.

Lễ khai mạc Olympic Paris 2024: Một tham vọng lớn, rất nhiều táo bạo nhưng đầy sự hỗn loạn- Ảnh 4.

Lễ khai mạc Olympic Paris 2024: Một tham vọng lớn, rất nhiều táo bạo nhưng đầy sự hỗn loạn- Ảnh 5.

Hình ảnh các nghệ sĩ nước chủ nhà trình diễn hết mình dưới mưa cũng thực sự làm ấm lòng người xem. Chủ nhà cũng đã “chơi lớn” khi để dàn nghệ sĩ tinh hoa của dàn giao hưởng quốc gia Pháp (The Orchestre National de France) chơi trực tiếp dưới mưa, bất chấp dàn nhạc cụ trị giá không hề nhỏ sau đêm ấy có lẽ cũng phải đi bảo trì dài hạn. Tuy nhiên chính cơn mưa nặng hạt đã khiến các phần biểu diễn không thể hoàn thành trọn vẹn, các nghệ sĩ cũng khó lòng “bung xõa” hết mức, đặc biệt là với các phần tiết mục cần sự đồng đều, số lượng lớn đồng diễn. Tiêu biểu có thể kể đến phần trình diễn vũ điệu can-can nổi tiếng của các vũ công thiếu đồng đều khi cơn mưa nặng hạt ngăn cản các vũ công thực hiện những động tác khó.

Sau khi ngọn đuốc Olympic Paris 2024 được thắp lên, Celine Dion xuất hiện lộng lẫy như một nữ thần ngay giữa ngọn tháp Eiffel - biểu tượng của Paris. Diva người Canada cất cao giọng hát với L'hymne À L'amour, bản tình ca kinh điển từng gắn liền với huyền thoại nhạc Pháp Édith Piaf. Đây cũng chính là sân khấu tái xuất xứng tầm với Celine Dion sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Và Celine Dion cũng chính là điểm sáng rực rỡ nhất, cứu lấy cả chương trình.

Lễ khai mạc Olympic Paris 2024: Một tham vọng lớn, rất nhiều táo bạo nhưng đầy sự hỗn loạn- Ảnh 6.

Lễ khai mạc Olympic Paris 2024: Một tham vọng lớn, rất nhiều táo bạo nhưng đầy sự hỗn loạn- Ảnh 7.

Celine Dion xuất hiện như một "nữ thần"!

Chưa dừng lại ở đó, sau khi Lễ khai mạc diễn ra, tâm điểm của chỉ trích thuộc về 1 tiết mục của các nghệ sĩ drag queen. Phân cảnh nhiều nghệ sĩ drag queen trong trang phục sặc sỡ xếp hàng dài trên một chiếc bàn, tham dự một bữa tiệc được cho là mô phỏng theo tác phẩm Bữa tiệc ly của đại danh họa Leonardo Da Vinci. Đây là một trong những kiệt tác mỹ thuật của nhân loại ra đời vào cuối thế kỉ 15, với đề tài vẽ về bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Jesus cùng các môn đệ của mình trước khi ngài bị phản bội bởi Judas. Đây là một trong những bức ảnh thiêng liêng, được các tín đồ Thiên Chúa Giáo tôn sùng suốt nhiều thế kỉ.

Tuy nhiên, bữa tiệc lại xuất hiện của hình ảnh một người đàn ông bán khỏa thân, toàn thân được sơn màu xanh (do diễn viên nổi tiếng người Pháp Philippe Katerina thủ vai), vây quanh bởi trái cây và các thức ăn ngon lành. Được biết, đây là hình ảnh mô phỏng vị thần Dionysus (trong tiếng La Mã là thần Bacchus), đây là vị thần của rượu nho, của các lễ hội và sự hoan lạc trong truyền thuyết Hy Lạp ngày xưa. Hình ảnh này làm dấy lên tranh cãi đụng chạm về mặt tôn giáo, là “cú hích" khiến nhiều nhà tài trợ tuyên bố muốn rút khỏi kì Olympic Paris năm nay.

Lễ khai mạc Olympic Paris 2024: Một tham vọng lớn, rất nhiều táo bạo nhưng đầy sự hỗn loạn- Ảnh 8.

Truyền thông toàn cầu và khán giả nói gì?

Truyền thông toàn cầu cũng đã có những nhận xét rất khác nhau về sự kiện khai mạc chưa từng có trong lịch sử này. Các trang truyền thông lớn trên toàn cầu ghi nhận nỗ lực để tổ chức một kì thế vận hội chưa từng có trong lịch sử, tuy nhiên cũng đã chỉ ra không ít “sạn” khiến lễ khai mạc Olympic Paris 2024 đã phải đối diện với nhiều tranh cãi đến vậy.

Ở phía chủ nhà, Le Monde của Pháp đã viết trong một bài đánh giá tích cực rằng đạo diễn Thomas Jolly "đã thành công trong thử thách nhằm mang đến một chương trình nhập vai tại một thủ đô, nơi đã được chuyển đổi thành một sân khấu khổng lồ". Tờ Le Figaro cũng của nước Pháp cho biết chương trình "tuyệt vời nhưng một số phần thì lại thái quá”, đặc biệt những hình ảnh khiêu khích không cần thiết bao gồm cả việc tái hiện rõ ràng bức tranh Bữa Tiệc Ly của Chúa Jesus và các tông đồ trước một buổi trình diễn thời trang của các drag queen.

Lễ khai mạc Olympic Paris 2024: Một tham vọng lớn, rất nhiều táo bạo nhưng đầy sự hỗn loạn- Ảnh 9.

"Lễ khai mạc đã bỏ lỡ chuyến tàu" là tiêu đề bài đánh giá của tờ New York Times cho lễ khai mạc Olympic 2024. Bài viết cho rằng cuộc diễu hành trên sông "biến buổi lễ thành một thứ gì đó lớn hơn, đa dạng hơn và giải trí hơn. Nhưng nó cũng biến nó thành một thứ gì đó bình thường hơn — giống như một phân cảnh trên phim truyền hình”. Tờ Washington Post thì có ý kiến tích cực hơn, lưu ý rằng "suy nghĩ táo bạo" của người tổ chức đã mang lại ánh hào quang cho một sự kiện đã chứng kiến các chỉ số quan tâm liên tục sụt giảm qua các năm.

Tờ Guardian của Anh cho biết "tham vọng lớn nhưng đã không thành công do sự kết nối không đồng đều. Paris nổi tiếng với gu thẩm mỹ của mình nhưng lần này lại trông giống như một bộ trang phục hỗn tạp được ghép lại với nhau". Tân Hoa Xã nhận định: "Nếu có nhược điểm nào trong buổi lễ thì đó là bất kỳ sự kiện nào được thực hiện trên một khoảng cách xa như vậy đều phải vật lộn để đảm bảo tính liên tục, và sự khác biệt lớn giữa buổi lễ này với những buổi lễ khác là đoàn diễu hành của các vận động viên đã được hòa lẫn với các màn biểu diễn."

Mặc dù được đa phần các trang báo lớn trên thế giới khen ngợi, tuy nhiên phản ứng của cư dân mạng toàn cầu lại cho thấy một khía cạnh hoàn toàn khác. Thậm chí nhiều khán giả còn mỉa mai rằng những lời khen từ truyền thông là thành quả của đội ngũ PR "booking" cho Olympic Paris. Trên các nền tảng MXH, không khó để thấy netizen nhận xét tổng thể của chương trình năm nay rời rạc, buồn chán, quá dàn trải đến mức Bên cạnh đó, nhiều người cũng lập tức đặt lên bàn cân so sánh những lễ khai mạc trước đó, đặc biệt là “huyền thoại” Olympic Bắc Kinh 2008. Khán giả cũng nhớ về Olympic Athen 2004 đã mang đến bức tranh tổng thể tuyệt đẹp về nền văn minh Hi Lạp cổ đại, cách nước Anh mang đầy đủ những gì “quốc hồn quốc túy nhất” vào Olympic London 2012 hay sự giản đơn và nhiều triết lí của Olympic Tokyo 2020.

Lễ khai mạc Olympic Paris 2024: Một tham vọng lớn, rất nhiều táo bạo nhưng đầy sự hỗn loạn- Ảnh 10.

Ngọn đuốc Olympic Paris 2024.

Nước Pháp muốn truyền tải điều gì?

Đến cuối cùng, lễ khai mạc cũng đã khép lại, mở ra một kì thế vận hội có thể xem là 1-0-2 trong lịch sử hiện đại. Không chỉ khác biệt về địa điểm tổ chức lễ khai mạc, mà rất nhiều bộ môn Olympic Paris 2024 cũng sẽ được tổ chức ở những địa điểm rất đặc biệt. Không thể phủ nhận nỗ lực và tham vọng rất lớn của người Pháp trong việc mang đến một kì thế vận hội chưa từng có.

Khi ngọn đuốc Olympic bừng sáng có lẽ cũng là lúc những "phiền muộn" cũng dần khép lại, nhường chỗ lại cho những hi vọng vào tương lai. Olympic Paris 2024 mở ra những cơ hội, kì vọng mới vào những thế vận hội trong tương lai đặc sắc, đa dạng và mới lạ hơn. Tất nhiên, là một người "tiên phong", nước Pháp cũng đã sẵn sàng để đón nhận những ý kiến trái chiều khi đã đặt những bước đi đầu tiên. Nhưng sự rời rạc trong cách kể chuyện, sự phóng khoáng trong quy cách tổ chức và cả "vết nhơ" về xung đột tôn giáo đặt để vào màn trình diễn bởi các nghệ sĩ drag queen kia sẽ khiến Olympic Paris 2024 là mùa Lễ hội có Lễ khai mạc tranh cãi nhất lịch sử. Dù vậy, chúng ta hãy cùng hi vọng và nhìn vào những kì thế vận hội đặc biệt hơn nữa trong tương lai!

Lễ khai mạc Olympic Paris 2024: Một tham vọng lớn, rất nhiều táo bạo nhưng đầy sự hỗn loạn- Ảnh 11.

 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày