Cha mẹ nào cũng mong con ngoan ngoãn, nghe lời người lớn. Tuy nhiên, có những thời điểm mà tính cách của trẻ bỗng dưng thay đổi khiến cho nhiều bậc phụ huynh ngỡ ngàng không biết tại sao đứa con ngoan ngoãn thường ngày lại thành ra thế này. Nếu không khéo léo, kéo gần khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, phụ huynh sẽ vô tình "đẩy con" ngày càng xa mình.
Dưới đây là 4 điều cha mẹ đừng nên làm, nếu không hậu quả sẽ rất khó lường theo lời khuyên từ tác giả cuốn sách Làm Mẹ Không Áp Lực.
1. Đứng cao hơn và chỉ tay vào mặt trẻ
Sự thật là đứng cao hơn hoặc ngồi thấp hơn trẻ là những tư thế không tốt để giải tỏa cảm xúc của trẻ, đặc biệt nếu bạn kèm theo cử chỉ bằng tay như chỉ ngón tay vào mặt trẻ.
Tư thế được khuyên là bạn và trẻ nên ngang tầm mắt nhau, khi đó năng lượng của cơn giận sẽ bị triệt tiêu, trẻ sẽ lắng nghe bạn hơn. Bạn được khuyên là ngồi xuống hoặc bế trẻ ngồi trên ghế cao để bạn và trẻ có thể giao tiếp mắt với nhau dễ dàng.
2. La mắng nhiều hơn khi trẻ bịt tai, chống nạnh, đánh trả...
Theo những nghiên cứu về tâm lý trẻ nhỏ, khi trẻ có những biểu hiện chống lại bạn là đến lúc cuộc trò chuyện hay tranh luận nên dừng lại bởi vì năng lượng không thể dung hòa, tốt nhất hãy để nó cháy 1 mình. Nguồn lửa chỉ có thể duy trì nếu có oxy. Nếu bạn không "quạt thêm oxy vào thì khi cháy hết nó sẽ tự tắt".
Do đó, khi gặp tình huống này, đã đến lúc bạn cần cho trẻ 1 khoảng thời gian suy ngẫm, hãy ngừng tranh luận, giữ khuôn mặt nghiêm và đừng quan tâm đến hành vi của trẻ. Bạn có thể yêu cầu/bế trẻ vào khu vực Time-out.
Và hãy tự thưởng cho mình tách trà hay cà phê, tính thời gian Time-out. Nếu trẻ nhỏ quá bướng và quấy khóc trên tay bạn. Hãy đặt trẻ nằm xuống giường hoặc để ai khác bế, bạn hãy nghỉ ngơi. Sự kì diệu sẽ đến!
Ảnh minh họa.
3. Luôn nhặt những món đồ bé ném, kể cả thức ăn khi trẻ tức giận
Trẻ nhỏ có hành vi ném đồ vật khi tức giận thường xảy ra do nhận thức trẻ chưa đủ phát triển để hiểu. Dù ở nhận thức nào thì việc ném đồ là 1 hành vi có thể sửa rất dễ dàng nếu mẹ không đi nhặt những món đồ lên. Nếu mẹ cứ nhặt lên tại thời điểm trẻ ném, thì trẻ sẽ chuyển 1 cảm xúc gọi là "thỏa mãn", tức là vui thích như 1 trò chơi với mẹ. Trẻ học được điều này, và mỗi lần giận thì lại ném để mẹ nhặt lên.
Các chuyên gia tâm lý nhi khuyên rằng: Bạn cứ bình thường, không làm gì cả, không cần nhặt lên khi trẻ ném. Nếu hành vi gây phiền phức (ví dụ, ném thứ dễ vỡ), bạn chỉ cần nói nghiêm: Bin, không được ném, mẹ không thích. Sau đó bạn cứ làm việc bạn đang làm hoặc ngưng 5 tiếng đếm rồi tương tác lại trẻ bình thường, chứ không nên đôi co tranh cãi hay la mắng trẻ.
Hãy cứ đợi cho đến khi trẻ bình tĩnh, sau đó bạn mang 1 cái thùng giấy ra và bày trò chơi "Phân loại đồ chơi trên sàn bỏ vào thùng". Điều này nên làm trong 24 tiếng sau sự kiện. Vài lần cùng trẻ làm điều này, trẻ sẽ cảm thấy nhàm chán và tự bỏ dần hành vi này.
4. Kéo trẻ dậy khi con nằm lăn ra khóc
Việc trẻ nằm lăn ra sàn khóc khi bướng bỉnh là rất thông thường. Hành vi này của trẻ có thể xảy ra ở bất kì đâu. Có lẽ nhiều bạn cũng đã từng xem một đoạn clip khá nổi tiếng về cách hành xử của diễn viên, đạo diễn nổi tiếng người Mỹ Justin Baldoni khi cô con gái của anh nằm lăn ra khóc ngay trước quầy tính tiền trong siêu thị.
Thay vì hành động như những người bố người mẹ khác là bế cô con gái của mình lên và đi ra ngoài thật nhanh để tránh những ánh mắt dòm ngó của những người xung quanh thì anh chọn đứng yên chờ cho đến khi cô bé khóc xong, để cảm xúc của cô bé được giải tỏa hết. Anh cũng nói rằng điều này là anh học được từ người bố của mình.
Khi nhỏ, bố vẫn luôn kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi anh bình tĩnh và vượt qua những cảm xúc tức giận của mình. Điều quan trọng là bố luôn quan tâm đến cảm xúc của tôi chứ không phải hành động đó làm bố xấu hổ.
Các chuyên gia khuyên cha mẹ: Đừng cố kéo đứa trẻ lên khi trẻ muốn "ném" cơn giận của bản thân xuống sàn nhà vì khi bạn làm vậy trẻ thực sự phản ứng rất mạnh mẽ và cơn giận sẽ vẫn cháy âm ỉ. Hãy đợi tầm 1-2 phút tùy vào tình huống và mức độ giận dữ của trẻ.
Trước việc học cách điều chỉnh cảm xúc, trẻ đôi lúc bối rối và ném cảm xúc đó xuống sàn nhà, trẻ cần những phút giây để cảm xúc được bộc lộ. Sau thời gian bộc lộ cảm xúc, bạn nhẹ nhàng ngồi xuống thấp, tựa gối xuống sàn nhà và hỏi: Con có muốn đứng dậy không, mẹ sẽ đỡ con đứng dậy, chúng ta sẽ cùng nói chuyện nhé.