Khi Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm COVID -19 mới gia tăng chóng mặt mỗi ngày, với hàng loạt hình ảnh về những gương mặt khắc khổ, đau đớn vì dịch bệnh gây ám ảnh, thì bộ phận người lao động di cư tại nước này cũng đang phải đối mặt với tương lai bất định do những lệnh hạn chế mới để chống dịch.
Mặc dù Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal đã loại trừ khả năng phong tỏa thành phố và chỉ áp dụng các biện pháp hạn chế, nhưng nhiều người lao động di cư trong thành phố đang ngày ngày sống trong lo sợ rằng thảm cảnh như năm ngoái sẽ lặp lại.
Trả lời đài truyền hình India Today, một số người nói rằng họ "sợ hãi", "không thể tưởng tượng được", và họ "thà chết còn hơn" nếu thành phố lại bị phong tỏa.
Chính quyền New Delhi mới đây đã ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm, từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng - kéo dài đến ngày 30/4 - nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số lao động di cư ở New Delhi đã quyết định rời thủ đô, trở về quê do lo sợ thủ đô sẽ lại bị phong tỏa.
"Tôi từng nghĩ đến việc bán thận để có tiền mua thức ăn"
Ông Ramchandra, 45 tuổi, đến từ Muzaffarpur và làm nghề lái xích lô, cho biết ông và các con đã phải rời New Delhi hồi tháng 5 năm ngoái nhưng đã trở lại thủ đô vào tháng 2 năm nay. Ông nói với India Today rằng mình sẽ "chết" nếu New Delhi lại bị phong tỏa.
Ông Ramchandra
"Tôi đã phải đi bộ hàng ngàn km với vợ và 3 đứa con. Chỉ chúng tôi mới biết những khó khăn, vất vả trong những ngày tháng ấy. Chúng tôi không có đủ tiền lo ba bữa ăn cho cả gia đình, cũng không có đủ nước uống. Tháng 2 năm nay, tôi đã để lại cả gia đình ở quê, một mình lặn lội đến thủ đô để kiếm sống.
Nhưng làn sóng dịch thứ hai ập đến, và những ký ức kinh hoàng trước đây lại ùa về. Tôi phải trả tiền thuê xe xích lô hàng ngày, và cũng phải gửi tiền về quê cho gia đình. Nếu thủ đô lại phong tỏa, tôi sẽ chết mất", ông Ramchandra nói.
Một người lao động di cư khác, ông Harish Sharma, 68 tuổi đến từ Uttar Pradesh, làm công việc bán đồ ăn vặt trong một khu chợ trời ở New Delhi, cho biết những người nghèo như ông sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc "tự sát" nếu thành phố lại bị phong tỏa.
Ông Harish Sharma
"Tôi từng nghĩ đến việc bán thận để có tiền mua thức ăn cho gia đình vào năm ngoái, trong thời gian phong tỏa. Nhà tôi có 6 người, và chính quyền đã thông báo áp đặt lệnh phong tỏa rất đột ngột. Chúng tôi được một số tổ chức phi chính phủ hỗ trợ về thức ăn, nhưng sự giúp đỡ đó chỉ kéo dài 2 tháng đầu tiên sau khi phong tỏa. Sau đó chúng tôi đã phải nhịn đói trong nhiều ngày trời.
Phải rất lâu sau đó chúng tôi mới có thể trở lại New Delhi và tiếp tục làm việc, kiếm kế sinh nhai. Nhưng hiện nay những người đến chợ ngày càng ít dần do lệnh giới nghiêm ban đêm. Tôi lo rằng nếu New Delhi lại bị phong tỏa, những người lao động nghèo như tôi sẽ chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự sát. Tôi không có dũng khí, và cũng chẳng còn tiền để trở về quê với gia đình", ông Sharma nói.
Cô Annu Kumari, một bà mẹ đơn thân đến từ Maharashtra, làm công việc bán đồ chơi ở khu Connaught Place của Delhi, cho biết cô không thể tưởng tượng mình sẽ ra sao nếu thủ đô lại bị phong tỏa.
Cô Annu Kumari
"Tôi có hai đứa con. Chúng tôi ngủ trên vệ đường, sinh sống, ăn uống ở đây. Mỗi ngày tôi kiếm được có 50-100 Rupee và cố gắng xoay xở để mua sữa cho con. Năm ngoái, một đứa bị ốm vì thiếu ăn và tôi thì không có tiền để mua đồ ăn cho con mình nên tôi đã đi về khu Maharashtra. Nhờ ơn thần linh, chúng tôi được một chiếc xe tải cho quá giang đến Marathwada, nhưng chúng tôi cũng đã tiêu đến những đồng tiền cuối cùng để thuê nhà. Tháng trước tôi mới trở lại New Delhi, nhưng dịch bệnh lại một lần nữa tấn công. Nếu tình hình không thể kiểm soát được, chúng tôi cũng không biết mình sẽ ra sao", Kumari nói.
Năm ngoái, Ấn Độ đã chứng kiến làn sóng di cư ngược của những người lao động từ khắp nơi trên đất nước do nhiều nơi phong tỏa để chống dịch. Những người lao động di cư ùn ùn trở về quê hương trên tàu hỏa, xe buýt và thậm chí là đi bộ vì không có việc, không có thức ăn. Khi làn sóng COVID-19 thứ hai tấn công Ấn Độ, những ký ức đó đã một lần nữa trở lại ám ảnh những người lao động nghèo.
Theo India Today