Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, đang triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID -19.
Cụ thể: Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng (thiên tai, chiến tranh, doanh nghiệp bị phá sản) hoặc không phải do lỗi của người lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm yêu cầu bên môi giới hoàn trả lại cho người lao động một phần tiền môi giới người lao động đã nộp.
Người lao động làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng sẽ được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp. Người lao động đã làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên không được nhận lại tiền môi giới. Trường hợp không thể đòi được của bên môi giới, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả cho người lao động theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do lỗi của người lao động, doanh nghiệp chỉ được thu tiền dịch vụ theo thời gian (số tháng) thực tế người lao động làm việc ở nước ngoài.
Theo quy định hiện hành, người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong một số trường hợp rủi ro khách quan khác được hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH sẽ quyết định mức hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/trường hợp. Tùy theo tình hình dịch bệnh, mức độ bị ảnh hưởng, số lượng người lao động bị ảnh hưởng, Bộ sẽ hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khi cần thiết.
Để có căn cứ báo cáo, đề xuất các biện pháp ứng phó kịp thời trước những diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện một số nội dung: Rà soát, báo cáo danh sách, số lượng người lao động dự kiến hết hạn hợp đồng lao động từ tháng 3 đến hết năm 2020; trao đổi với các đối tác nước ngoài, chủ sử dụng lao động về khả năng gia hạn tư cách lưu trú, gia hạn thời gian hợp đồng; đảm bảo người lao động lưu trú, xuất cảnh hợp pháp và an toàn trong trường hợp bắt buộc phải lưu trú chờ xuất cảnh hoặc có thể xuất cảnh.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, có khoảng 560.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Trong qúy I/2020, có gần 5.000 lao động hết hợp đồng về nước.