Ảnh minh hoạ
Dự án đường xây từ rác thải nhựa đầu tiên tại Việt Nam dài 1km, tại Tổ hợp công nghiệp DEEP C tại Hải Phòng, do Dow thực hiện. Dự án nhằm mục đích tái chế bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng thành nguyên vật liệu xây dựng đường giao thông chắc chắn, bền vững hơn.
Con đường thử nghiệm 1km này sẽ chuyển hoá gần 4 tấn bao bì nhựa dẻo, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2019. Sau khi hoàn thành, con đường mới sẽ được ĐH Hàng hải Việt Nam đánh giá kết quả thử nghiệm trước khi mở rộng dự án trên phạm vi toàn tổ chức công nghiệp.
"Chúng tôi đã xây dựng hơn 90 km đường giao thông từ rác thải nhựa tại Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Hoa Kỳ, và đây cũng là nền tảng để chúng tôi triển khai áp dụng dự án này tại Việt Nam", ông Ekkasit Lakkananithiphan - Tổng Giám đốc Công ty Dow Việt Nam cho biết.
Thay đổi tư duy chúng ta sẽ phát triển bền vững hơn. Ảnh cắt từ slide thuyết trình của ông Phạm Hoàng Hải - Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam - VCCI.
Theo đại diện của Dow, những con đường được tạo ra từ nhựa tái chế là minh chứng cho thấy rác thải nhựa có khả năng trở thành một nguồn tài nguyên tái tạo có giá trị, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn nhựa.
Rác thải nhựa được sử dụng trong dự án này chủ yếu là bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng, chẳng hạn như màng nhựa polyethylen. Sau khi làm sạch, sấy khô và nghiền nhỏ, nhựa được trộn với nhựa đường ở nhiệt độ khoảng 150 - 180 độ C. Ở nhiệt độ này, nhựa bị nóng chảy hoàn toàn, hoà với nhựa đường, giúp nâng cao độ bền cho con đường.
Đường giao thông làm từ nhựa tái chế còn có khả năng giảm khí thải nhà kính bằng cách thay thế một phần chất nhựa bitum cần có trong nhựa đường.
Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa hàng đầu, trong đó các khu vực đô thị như Hà Nội và TPHCM ước tính có khoảng 80 tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường mỗi ngày.
Bà Regula Schegg, Giám đốc điều hành khu vực châu Á Circulate Capital cho biết, hiện có khoảng 150 triệu tấn nhựa đang trôi nổi trên đại dương và mỗi năm số rác thải nhựa này tăng thêm khoảng 8 triệu tấn. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Châu Á cần khoảng 26 nghìn tỉ USD để cải thiện toàn bộ cơ sở hạ tầng từ năm 2016 đến năm 2030. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm 45% lượng nhựa thông qua cải thiện quản lý và tái chế chất thải tại Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan.