Đối với con người, Pelagia noctiluca là một kẻ thù không đội trời chung. Có thể bạn chưa nghe thấy cái tên này đâu, nhưng chắc hẳn đã từng gặp đôi lần đấy.
Đó là loài sứa biển xuất hiện nhiều ở vùng biển Địa Trung Hải. Chúng được coi là thủ phạm hàng đầu gây ra những vụ sứa biển đốt nhằm vào du khách tới đây vào các kì nghỉ lớn trong năm.
May mắn thay, sứa biển có một thiên địch hết sức tuyệt vời, đó là san hô, mà cụ thể là loài Astroides calycularis.
Thông thường, san hô Astroides calycularis chỉ ăn những loài sinh vật phù du nhỏ. Nhưng một nghiên cứu bởi Tomás Vega Fernández tại Naples (Ý) đã chỉ ra rằng, một số cá thể san hô đã liên kết lại với nhau tạo thành một chiếc bẫy, và con mồi của chúng là thịt sứa biển.
San hô sẽ nắm chặt các chi của con mồi, ngăn không cho chúng vùng vẫy bơi thoát và dần dần xẻ thịt từng bộ phận. Sau cùng, các cá thể san hô nhỏ hơn có thể gặm nhấm và tiêu hóa các xúc tu hay bộ phận rung hình ô mà sứa biển dùng để bơi.
Quá trình san hô "hội đồng" sứa đã được ghi lại trong video này.
Lần đầu tiên ghi lại cảnh san hô "hội đồng" và ăn thịt sứa
San hô, về cơ bản, là loài hải quỳ bám vào đá. Cả san hô và sứa biển đều thuộc ngành Cnidaria, sở hữu khả năng gây tê liệt cho con mồi bằng độc tố.
Tuy nhiên, đây là lần đầu các nhà khoa học ghi lại được khoảnh khắc san hô bắt giữ, xẻ thịt và tiêu hóa sứa biển - một hành vi đặc biệt so với tập quán thông thường của chủng loài này.