Bi kịch xảy ra tại nhà máy của Ford Motor ở Flat Rock, Michigan (Mỹ). Robert Williams đang làm việc với một hệ thống lấy phụ tùng tự động. Hệ thống này di chuyển vật đúc và các nguyên vật liệu khác trong nhà máy. Do hệ thống hoạt động chậm, người ta nghi ngờ có sự cố trục trặc. Williams đã trèo lên tầng ba của giá để kiểm tra thì bất ngờ bị một cánh tay robot "đánh từ phía sau".
Nhà máy của Ford Motor Company tại Flat Rock được Joe Clark chụp ảnh vào năm 1973. (Ảnh: Cơ quan Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia Hoa Kỳ)
Theo các tài liệu ghi chép lại, robot vẫn tiếp tục hoạt động trong khi Robert Williams nằm chết trong 30 phút cho đến khi các đồng nghiệp phát hiện ra. Nguyên nhân được xác định là do hệ thống robot đã nhận diện nhầm Williams là một vật thể cần di chuyển. Gia đình Williams đã kiện nhà sản xuất Litton Industries vào năm 1983 vì cho rằng hệ thống thiếu các thiết bị an toàn cần thiết ở khu vực cánh tay robot hoạt động với lực tác động lớn.
Họ đã được bồi thường 10 triệu USD, mức bồi thường thương tật cá nhân lớn nhất trong lịch sử bang Michigan lúc bấy giờ. Con số này sau đó được nâng lên 15 triệu USD vào năm 1984 sau những tranh chấp pháp lý tiếp theo.
Vụ việc của Williams xảy ra trong bối cảnh các ngành công nghiệp bắt đầu tích hợp nhiều hệ thống tự động và robot vào dây chuyền sản xuất. Chỉ hai năm sau, một sự cố tương tự đã xảy ra tại Nhật Bản. Năm 1981, Kenji Urada (37 tuổi), một công nhân tại nhà máy Kawasaki Heavy Industries ở Akashi, đã thiệt mạng khi kiểm tra một robot bị trục trặc. Theo báo cáo, anh đã vô tình bật robot sau khi nhảy qua hàng rào an toàn của nhà máy.
Tiếp đến năm 2007, công nhân của công ty Lenco Inc. thiệt mạng vì robot gây chấn thương nặng. Lenco Inc. là công ty sản xuất các sản phẩm nhựa cho một số ngành công nghiệp.
Vấn đề về cái chết do robot gây ra đặt ra nhiều vấn đề pháp lý và đạo đức. (Ảnh: IB Times)
Năm 2015, một con robot trong dây chuyền lắp ráp của nhà máy sản xuất ô tô VolksWagen tại Đức làm tử vong một công nhân đang làm việc tại đây.
Năm 2022, một robot tự động tại nhà máy sữa ở thành phố Pyeongtaek, Hàn Quốc, cũng đã đè chết một công nhân đang làm việc tại đây.
Vào hồi tháng 11 năm 2023, một kỹ sư người Hàn Quốc đã bị thiệt mạng khi cánh tay robot bên trong một nhà máy phân loại và đóng gói sản phẩm nông nghiệp ở tỉnh Gyeongsangnam-do của nước này bất ngờ gặp lỗi.
Tháng 4 năm 2024, camera giám sát bên trong một nhà máy tại tỉnh Chonburi, Thái Lan, đã ghi lại được khoảnh khắc một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng bắt nguồn từ cánh tay robot tự động, khiến một công nhân thiệt mạng.
Nhiều trường hợp tử vong do robot đã xảy ra trong những thập kỷ tiếp theo. (Ảnh: IB Times)
Trong cuốn sách When Robots Kill: Artificial Intelligence Under Criminal Law, Gabriel Hallevy, giáo sư luật hình sự đã mô tả lại sự việc: "Robot đã nhận diện nhầm người công nhân là mối đe dọa đối với nhiệm vụ của nó, và tính toán rằng cách hiệu quả nhất để loại bỏ mối đe dọa là đẩy người công nhân vào một cỗ máy bên cạnh". Ông nói thêm: "Sử dụng cánh tay thủy lực rất mạnh, robot đã đập người công nhân vào máy đang hoạt động, khiến anh ta chết ngay lập tức, sau đó nó tiếp tục nhiệm vụ mà không gặp trở ngại nào nữa".
Nhiều trường hợp tử vong tương tự đã xảy ra trong những thập kỷ tiếp theo. Một nghiên cứu năm 2023 đã xác định ít nhất 41 trường hợp tử vong liên quan đến robot tại Mỹ từ năm 1992 đến năm 2017. Gần một nửa số vụ việc xảy ra ở vùng Trung Tây, khu vực có truyền thống công nghiệp nặng và sản xuất. Vấn đề về cái chết do robot gây ra đặt ra nhiều vấn đề pháp lý và đạo đức, đặc biệt là trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển như hiện nay.
Hầu hết các học giả đều cho rằng con người phải chịu trách nhiệm về máy móc và hệ thống AI mà họ tạo ra. Con người là chủ thể có trách nhiệm chứ không phải robot. Tuy nhiên, khi AI ngày càng mở rộng và có khả năng vượt khỏi tầm kiểm soát, ranh giới trách nhiệm này sẽ thay đổi như thế nào vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp.