Hiện nay trong những công trình nhà cao tầng, đặc biệt là với những công trình nhà ở, một trong những khu vực không thể thiếu đó là khu vực lan can của ban công. Mục đích xây dựng lan can ban công vừa để đảm bảo an toàn cho gia chủ, vừa tạo điểm nhấn thẩm mỹ cho tổng thể không gian.
Cụ thể, lan can là phần rào chắn hoặc hàng rào được sử dụng để bao quanh và bảo vệ không gian ban công. Ngày nay, lan can ban công có thể được làm từ nhiều vật liệu khác nhau. Có thể kể tới như sắt, thép, gỗ, nhôm, kính hoặc các vật liệu tổng hợp, tạo kiểu thành nhiều hình dáng khác nhau. Lan can thường được đặt ở bờ cửa sổ hoặc cạnh các bật lên xuống, nhằm ngăn chặn nguy cơ rơi từ độ cao và bảo vệ an toàn cho những người sử dụng không gian này.
Lan can ban công là một trong những phần không thể thiếu trong một công trình, nhà cao tầng (Ảnh minh họa)
Song trên thực tế, vẫn có nhiều vụ việc, sự cố tai nạn trong ngôi nhà lại xảy ra ở khu vực lan can ban công này. Nó có thể bắt nguồn từ việc lan can ban công không đáp ứng được đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn về độ chắc chắn, chiều cao hoặc các phần thi công hỗ trợ khác.
Lan can bao công cao bao nhiêu là đủ?
Mỗi quốc gia khác nhau lại có những tiêu chuẩn, quy chuẩn khác nhau về cách xây dựng lan can cho ban công nhà cao tầng. Trong đó, tiêu chuẩn mang tính chất khuyến nghị, khuyến cáo, tự nguyện áp dụng. Còn quy chuẩn được cơ quan Nhà nước ban hành, bắt buộc các doanh nghiệp cũng như cá nhân phải áp dụng.
Tại Việt Nam, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2019/BXD về Nhà chung cư từ 9 tầng trở lên do Bộ Xây dựng ban hành, rào, lan can ban công và logia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa/bậu cửa sổ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp, không được nhỏ hơn 1,4m. Vì vậy có thể nói, lan can ban công, áp dụng tại các căn hộ tại các tòa chung cư phải cao ít nhất 1,4m để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Ngoài ra, các thành phần khác như khe hở của lan can, đặc biệt là lan can ban công của những gia đình có trẻ nhỏ cũng được quy định có chiều rộng sao cho không đút lọt quả cầu đường kính 100mm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua, theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 05:2008/BXD.
Lan can ban công của các tòa nhà chung cư từ 9 tầng trở lên phải cao trên 1,4m (Ảnh minh họa)
Không chỉ lan can ban công chung cư, những công trình nhà ở hay công trình công cộng cao tầng khác cũng có những nguyên tắc cơ bản trong thiết kế, được quy định trong TCVN 4319:2012. Ở tất cả nơi có tiếp giáp với bên ngoài (như ban công, hành lang ngoài, giếng trời bên trong, mái có người lên, cầu thang ngoài nhà...), phải bố trí lan can bảo vệ.
Khu vực lan can này cũng cần đảm bảo các yếu tố như làm bằng vật liệu kiên cố, vững, chịu được trọng tải; chiều cao lan can không nhỏ hơn 1,1m tính từ mặt sàn hoàn thiện đến phía trên tay vịn; trong khoảng cách 0,1m tính từ mặt nhà hoặc mặt sàn của lan can không được để hở; khoảng cánh thông thủy giữa các thanh đứng không lớn hơn 0,1m.
Tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, khu vực ban công, lan can ban công nói riêng, cũng như toàn bộ không gian sống của gia đình nói chung sẽ trở nên đảm bảo an toàn hơn với người sử dụng. Theo các kiến trúc sư đến từ Kiến Việt, về lý thuyết, số liệu của quy chuẩn đã là rất an toàn. Bởi việc đu bám rồi kéo người vượt qua những chiều cao kể trên là rất khó, kể cả với người trưởng thành, khỏe mạnh.
Ảnh minh họa
Nguyên tắc chiều cao chống ngã được tính bằng tối thiểu nửa (1/2) chiều cao của người (nguyên lý đòn bẩy). Giả sử chiều cao trung bình người trưởng thành là 1.8m (theo tiêu chuẩn nước ngoài) thì chiều cao cho lan can dành cho người trưởng thành sẽ là 90cm. Với công trình cao tầng được nâng lên 1,4m tức là đã tăng lên 60% tương đương hệ số an toàn là 1,6 lần.
Chính vì vậy khi thi công lan can ban công nhà mình, gia chủ không nên vì tiết kiệm chi phí mà bỏ qua các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn ở khu vực này. Ngoài ra, với những gia đình có trẻ nhỏ, tốt hơn hết hãy thi công thêm phần lưới an toàn để đảm bảo an toàn hơn.
Lưới an toàn - "nhân đôi" sự bảo vệ với lan can ban công
Dù đã thi công và thiết kế lan can đủ theo chiều cao và những yêu cầu an toàn khác, song với bản tính nghịch ngợm, hiếu động, thích leo trèo, nên vẫn có nguy cơ cao trẻ gặp nguy hiểm khi lan can ban công để trống. Nhiều năm trở lại đây, phương pháp lắp đặt thêm lưới an toàn trở nên phổ biến và được ưa chuộng hơn cả.
Đây là một hệ khung căng dây cáp song song, với khoảng cách giữa các dây nhỏ, từ khoảng từ 5 -15cm. Hệ khung gồm 2 thanh nhôm cứng được định vị trên và dưới. Các thanh nhôm này có lỗ đục sẵn theo khoảng cách định trường, sau đó dây cáp sẽ được luồn liên hoàn qua các lỗ, từ đó tạo thành mặt lưới.
Lắp lưới an toàn ban công hiện nay là phương pháp được nhiều gia đình thực hiện (Ảnh minh họa)
Đa phần các loại lưới an toàn chất lượng hiện nay có phần lõi bằng inox và bọc ngoài là nhựa. Những vật liệu này tạo nên sự chắc chắn, độ chịu lực cũng như độ bền của lưới cao dù chịu nhiều tác động từ môi trường. Song lưới không có khả năng gây tổn thương cho người sử dụng. Việc thi công các loại lưới an toàn được đánh giá là đem lại tính thẩm mỹ cho không gian sống tốt hơn là các dạng khung kim loại như chuồng cọp.
Khảo sát trên thị trường hiện nay, giá thành thi công lưới an toàn khu vực lan can ban công dao động trong khoảng từ 120.000 đồng - 340.000 đồng/m2, tùy vào loại cáp và kích cỡ thi công. Không chỉ ở khu vực lan can ban công, các gia đình cũng có thể lựa chọn thiết kế và thi công lưới an toàn ở các cửa sổ lớn trong nhà; hay nhiều gia đình còn lựa chọn thi công ở khu vực cầu thang.