Trước diễn biến đợt dịch COVID-19 thứ 4, với nhiều cơ sở y tế trở thành ổ dịch, số ca mắc cao và tỷ lệ lây lan nhanh chóng, các chuyên gia y tế đánh giá, dịch bệnh đang lây lan khó kiểm soát. Theo đó, các biện pháp phòng dịch phải được siết chặt hơn, đặc biệt trong các cơ sở y tế và người dân phải tuyệt đối tuân thủ khẩu hiệu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Với diễn biến các ổ dịch trong bệnh viện, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, để xảy ra diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng hiện nay là do có những lỗ hổng trong quản lý các bệnh nhân hoặc các ca nghi mắc COVID-19.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
"Theo quan điểm của tôi, cần thắt chặt hơn quản lý các bệnh viện trong thời gian diễn ra dịch COVID-19. Tại nhiều bệnh viện, người nhà lại tập trung trong bệnh viện, đặc biệt là những bệnh viện mang tính chất bệnh truyền nhiễm.
Đây là vấn đề cần thắt chặt và không được cho người nhà vào bệnh viện trong bối cảnh hiện nay. BV Bạch Mai đã làm được điều này. Như vậy, nhà nước có thể bổ sung kinh phí cho bệnh viện tăng cường thêm điều dưỡng để chăm sóc người bệnh", PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.
Theo ông Nga, không phải người nhà bệnh nhân nào cũng nắm được các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn. Do đó, nếu người nhà, bệnh nhân không được hướng dẫn cụ thể hoặc không có hiểu biết về đảm bảo an toàn trong bệnh viện tạo nên nguy cơ gây bệnh rất lớn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nêu vấn đề để người nhà lưu lại các bệnh viện thăm nuôi bệnh nhân sẽ là yếu tố nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh.
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện Bộ Y tế đã cho phép các trường hợp bệnh nhân bệnh mạn tính được cấp thuốc 3 tháng để hạn chế phải đến cơ sở y tế. Đây là biện pháp chuyên môn không mới và được đúc kết từ các đợt chống dịch trước.
Người đứng đầu ngành y tế đánh giá, nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện tuyến Trung ương cao hơn rất nhiều so với các địa phương, bởi đây là nơi tổng hợp tất cả các nguồn từ các tỉnh, thành đổ về.
Nhấn mạnh các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả trong các bệnh viện, ông Long yêu cầu các bệnh viện phải chủ động tầm soát tất cả các đối tượng có nguy cơ như nhân viên y tế, những khu vực có nguy cơ như phòng cấp cứu, khu chạy thận nhân tạo… Những nhân viên ở phòng khám và khu vực này trong các bệnh viện phải được xét nghiệm định kỳ.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng, theo nguyên tắc, nếu làm đúng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn thì sẽ không thể xảy ra lây nhiễm được: "Trừ trường hợp các bác sĩ làm thủ thuật không thể tránh được nguy cơ lây nhiễm. Đây là trường hợp bất khả kháng".
Không chỉ phức tạp, khó kiểm soát, các chuyên gia lo ngại việc dịch xuất hiện tại bệnh viện lớn như Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) sẽ ảnh hưởng tới người bệnh đến định kỳ điều trị hoặc tái khám.
Theo thông báo mới nhất của Bệnh viện K, với người bệnh điều trị ngoại trú, các bác sĩ điều trị sẽ liên hệ với người bệnh và trao đổi với cơ sở y tế địa phương để hướng dẫn, theo dõi, điều trị cho người bệnh, hạn chế tối đa vấn đề gián đoạn trong điều trị cho tất cả người bệnh ung thư.
Đối với người bệnh ngoại trú đến kỳ tái khám, các bác sĩ đã trao đổi và hướng dẫn người bệnh đi khám tại các cơ sở điều trị ung bướu.
Với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đồng ý chuyển 220 bệnh nhân thường và toàn bộ 50 bệnh nhân COVID-19 đã 2 lần âm tính về cơ sở Hà Nam của BV Bạch Mai.