Ngày xửa ngày xưa, có một phú ông hứa gả cô con gái xinh đẹp cho chàng rể nào lười biếng nhất. Ngày nọ, một anh kia đi giật lùi vào nhà ông hỏi cưới với lý do "nhỡ bị từ chối thì không cần quay lưng lại nữa".
Rốt cuộc, phú ông đã gả con cho anh chàng này vì nghĩ rằng trên đời chẳng ai có thể lười hơn thế. Đây là câu chuyện cười dân gian lâu đời của nước ta. Tuy nhiên, giả như việc này xảy ra trong thời điểm hiện tại, chắc gì anh chàng lười quay lưng sẽ chiến thắng, bởi vì vào năm 2013, hãng Sanrio đã cho ra mắt nhân vật hoạt hình mới của họ - quả trứng siêu lười Gudetama.
Được kết hợp từ chữ gude gude (ぐでぐで = uể oải) và tamago (たまご = trứng), cái tên nói lên tất cả! Gudetama (ぐでたま) là một quả trứng biếng nhác, luôn trong tình trạng thiếu sức sống để làm bất cứ việc gì. Cậu ta sẵn sàng nằm dài trên giường suốt cả ngày, chả buồn che cái mông trần của mình, hầu như không di chuyển trừ khi bị tác động bởi một đôi đũa khổng lồ. Ngay cả lúc bị cho vào nồi nước sôi, phản ứng duy nhất của Gudetama là chỉ thở dài chấp nhận số phận.
Thỉnh thoảng cậu ta cũng sẽ chống cự một cách yếu ớt, nhưng năng lực phản kháng lại vô cùng yếu ớt và chẳng duy trì được lâu. Gudetama còn thường xuyên than vãn, câu cửa miệng của cậu luôn là "buồn ngủ", "mệt ghê", "lạnh quá"...
Luôn trong tình trạng "có cố gắng nhưng không may mắn"
Chỉ còn biết "run rẩy mặc cho dòng đời đưa đẩy"
Gudetama sở hữu một series anime riêng, mỗi tập dài gần 1 phút, bao gồm 2 tiểu phẩm về anh bạn trứng lười, còn lại là bài nhạc hiệu của chương trình. Ngoài ra, "hotboy" này còn có twitter tiếng Nhật với hơn 649,000 người theo dõi. Trong phim, thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp Gudetama lén nghịch điện thoại của "cậu chủ", dùng nó vào twitter than vãn hoặc thậm chí là quay clip "tự sướng". Cậu ta viết ở đoạn tự giới thiệu: "Tớ thực sự không thích tweet mỗi ngày tí nào, mệt lắm! Tớ làm vì cấp trên bảo thế, cơ mà tớ biết mình sớm muộn gì cũng bị ăn thôi~".
Nhiều người muốn xem "hotboy" than vãn mỗi ngày
Gudetama không thích rời khỏi cái vỏ mình. Trên bàn ăn sáng, cậu ta thường lấy miếng thịt xông khói làm chăn. Nếu hai vật yêu thích này bị cướp đi, chắc chắn Gudetama sẽ càu nhàu thậm chí tức giận.
"Để em yên!"
Ngày nay, theo sự phát triển của mạng xã hội, trào lưu dùng meme để bày tỏ cảm xúc không còn xa lạ gì với cư dân mạng. Mặc dù sở hữu tính cách có phần tiêu cực, nhưng đây chính là đặc điểm giúp Gudetama thu hút giới trẻ - những người thường xuyên dùng trang cá nhân để than vãn và biểu lộ sự mệt mỏi. Lời cằn nhằn vốn dĩ uể oải chán chường, nhưng khi mượn vẻ mặt bất mãn nói lên tâm tình, mọi suy nghĩ tiêu cực lại bỗng dưng trở nên hài hước, đáng yêu hơn, khiến người xem không cảm thấy nặng nề như trước.
Gudetama cũng sở hữu trái tim yếu đuối và có chút bi quan như một teenager chính hiệu
Kể từ khi ra mắt vào năm 2013, hình ảnh Gudetama đã xuất hiện trên hơn 1,700 loại sản phẩm: từ bút chì, gấu bông cho đến quần áo, vali... Đây là một thành công đáng kinh ngạc khi mà hãng Sanrio đã phải miệt mài sáng tạo suốt gần hai thập kỷ nhằm tìm ra một hình tượng mới đủ sức kế thừa vị trí của HelloKitty.
Những mặt hàng mang hình ảnh Gudetama đặc biệt đa dạng
Nhờ sự trợ giúp đắc lực của internet, quả trứng lười này đang dần phổ biến ở một số nước trên thế giới. Tại các quốc gia như Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, ngày càng nhiều những quán café, tiệm bánh, khu trò chơi trẻ em dùng Gudetama làm biểu tượng.
Gương mặt uể oải của Gudetama xuất hiện trên món ăn tại các nhà hàng châu Á, mà vào tháng 11 năm ngoái, Sanrio đã ký hợp đồng với nhà hàng Plan Check’s ở Los Angeles để đưa set 3 món Gudetama trên thực đơn của họ.
Hàng quán mang thương hiệu Gudetama nhanh chóng mọc lên ở nhiều nơi
Đặc biệt, một nhà hàng ở Hong Kong đã sáng tạo ra món điểm tâm Gudetama. Thực khách chỉ cần dùng đầu nhọn của chiếc đũa chọc vào mồm hoặc mông của Gudetama thì sẽ có thể khiến cho anh chàng trứng lười này... nôn hoặc... ị. Ý tưởng độc đáo và quái dị này đã được truyền thông của nhiều quốc gia trên thế giới đăng tải.
Không ít fan của Gudetama tìm đến để được "quấy rối" thần tượng của mình
Tầm phủ sóng của anh chàng trứng lười cũng đang mạnh mẽ lan sang Hàn Quốc. Giữa tháng 5/2016, hãng Holika Holika đã kết hợp cùng Sanrio cho ra đời dòng sản phẩm trang điểm mang tên Gudetama. Dòng sản phẩm này không chỉ có hình ảnh Gudetama, mà còn có tính chất đơn giản, dễ dùng, tiết kiệm thời gian, dựa trên tinh thần lười nhác của anh chàng "người đại diện".
Bao bì đáng yêu và tính chất tiện dụng là điểm mạnh của Holika Holika x Gudetama
NamJoon của BTS cosplay "trứng lười" trên sân khấu
Phản ứng của các chàng trai Monsta X khi nhìn thấy Gudetama
Thành công và sức ảnh hưởng của Gudetama khiến không ít người không khỏi thắc mắc vì sao một cái lòng đỏ trứng vừa thích khoe mông vừa sở hữu nhiều tính cách tiêu cực lại có thể tạo nên cơn sốt chỉ trong một thời gian ngắn? Trong cuốn sách Kawaii – Nền Văn Hóa Của Sự Đáng Yêu Tại Nhật Bản, tác giả Okazaki Manami cho rằng: "sự nổi tiếng nhanh chóng của Gudetama chả khác nào sùng bái một loại thực phẩm một khi nó đã trở thành văn hóa Kawaii".
Tính cách không tốt nhưng Gudetama vẫn được yêu mến một cách kì lạ
Truyện tranh ở Nhật Bản trải qua lịch sử phát triển hàng trăm năm, trở thành một nền văn hóa độc đáo. Có thể nói, người dân ở đất nước này đã quen nhìn thế giới thông qua lăng kính hình họa từ khi còn nhỏ. Con người và sự vật qua những nét vẽ đều trở nên độc đáo và đáng yêu hơn. Cho đến ngày hôm nay, sự yêu thích và sùng bái của người Nhật với những thứ đáng yêu (Kawaii) đã trở thành ám ảnh. Vì vậy khi văn hóa Kawaii kết hợp với một nét văn hóa lâu đời khác – văn hóa ẩm thực – tạo ra được ảnh hưởng sâu rộng cũng là điều dễ hiểu. Tính đến nay, có thể nói Gudetama chính là sản phẩm thành công nhất của ý tưởng kết hợp hai nét văn hóa độc đáo này.
Một lợi thế khác giúp Gudetama có được vị trí ngày hôm nay chính là những khuyết điểm "to ùynh" của nó. Nếu như trước đây các nhân vật hoạt hình luôn vui vẻ lạc quan để khích lệ, làm bạn đồng hành với trẻ em, thì sự ra đời của Gudetama nhằm thỏa mãn nhu cầu "được đồng cảm" của người lớn.
"Đặt đâu nằm đấy" chính là điểm đáng yêu của Gudetama
Đối tượng hâm mộ Gudetama tập trung nhiều ở lứa tuổi 20 đến 30. Họ là những người trẻ còn đang học tập hoặc vừa mới bắt đầu công tác, không tránh khỏi nhiều lúc mệt mỏi và uể oải. Hình tượng lười nhác của Gudetama không chỉ thể hiện mong ước được nằm dài trên giường cả ngày, mà còn mang đến sự an ủi cho những người đang tất bật với cuộc sống. Giới trẻ dễ dàng bắt gặp những sở thích (ngủ nướng, làm đẹp, muốn nổi tiếng) và thói quen xấu của bản thân nơi cậu bạn trứng lười, do đó dễ dàng nảy sinh sự đồng cảm, gần gũi.
Dù không muốn ra ngoài nhưng Gudetama vẫn mê làm đẹp
Hình ảnh quen thuộc mà hầu như bất cứ ai đều từng trải qua
Lười biếng, nhu nhược, bi quan – tuy có vẻ nhiều khuyết điểm, nhưng sự tồn tại của Gudetama lại thể hiện thái độ cảm thông, an ủi cho những ai đang mệt mỏi. Nếu như trước đây người ta có xu hướng ngại ngùng che giấu cảm xúc tiêu cực, thì giờ đây họ đã có thể thoái mái trút bớt cảm xúc trong lòng thông qua người bạn trứng lười. Bởi vì có Gudetama, bản năng lười biếng và thích hưởng thụ trong mỗi người không còn là điều đáng xấu hổ, mà thậm chí trở nên vô cùng đáng yêu.
Không cần ngượng ngùng vì sự lười của bản thân, vì Gudetama thậm chí lười đến mức chả muốn hắt xì
Hơn 20 năm trước, công ty Sanrio đã cho ra mắt nàng mèo Hello Kitty không có miệng để luôn luôn lắng nghe và làm bạn với các bé gái. Và giờ đây, họ tiếp tục tạo ra quả trứng lười Gudetama - dù luôn mang gương mặt chán chường, nhưng lại có thể mang lại nụ cười cho những người nhìn thấy nó. Không muốn ra khỏi cái vỏ của mình, chỉ muốn dùng cả ngày để cuộn mình trong chăn than thở, nhưng từ lúc nào, Gudetama đã trở thành bạn của hàng triệu người trên thế giới. Đây chính là một điều kỳ diệu.
Em trứng "Gudetama" ngày thường như thế nào? (Phụ đề bởi Play Otaku)