Giao tiếp giỏi là một nghệ thuật, người giao tiếp giỏi là một nghệ sĩ. Chỉ một lỗi lầm nhỏ mà bạn không chú ý vào cuộc nói chuyện thì bạn sẽ bị đánh giá ngay là "vô duyên".
Tất nhiên, bạn chẳng cần phải trở thành bậc thầy giao tiếp để làm hài lòng tất cả mọi người nhưng ít nhất với 10 bí quyết này, bạn sẽ thoải mái hơn khi gặp gỡ người khác, thoải mái trò chuyện mà không sợ bị người khác lắc đầu.
Bí quyết 1: Đừng làm nhiều việc cùng một lúc
Khi nói chuyện với người khác, bạn không nên "dán mặt" vào điện thoại hay miệng nói nhưng tâm trí để nơi khác. Nếu rơi vào tình huống như vậy, chắc hẳn bạn sẽ bị đánh giá là không tôn trọng người đối diện. Bí quyết là hãy gạt bỏ tất cả những suy nghĩ vẩn vơ xung quanh, dừng lại mọi hoạt động để tập trung 100% vào cuộc trò chuyện.
Đừng bận tâm về việc vừa tranh cãi với sếp. Đừng suy nghĩ xem tối nay ăn gì. Bởi người bạn đang nói chuyện có thể là người bạn thân đi du học 3, 4 năm mới có cơ hội về nước, hoặc đó có thể là một người đang rất khẩn thiết xin lời khuyên của bạn.
Bí quyết 2: Đừng luôn cho mình đúng
Thật tồi tệ nếu ai đó luôn cho rằng những suy nghĩ, những ý kiến của họ luôn luôn đúng. Bởi nếu không bao giờ chịu sửa thì họ sẽ chẳng khi nào được lắng nghe những điều tuyệt vời nhất thế giới này.
Bill Nye từng nói: "Mỗi người bạn gặp đều biết thứ gì đó", tức là mỗi người đều là chuyên gia trong lĩnh vực nào đó. Dẫu sao, có giỏi đến đâu, bạn cũng chỉ là một hạt cát nhỏ trong đại dương mà thôi.
Bí quyết 3: Sử dụng những câu hỏi mở
Nếu bạn là người luôn lúng túng trong mọi cuộc nói chuyện, hãy bắt đầu với những câu hỏi như sau: Ai? Điều gì? Khi nào? Ở đâu? Tại sao? Như thế nào? Nếu bạn đặt một câu hỏi đơn giản, bạn sẽ nhận được một câu trả lời đơn giản. Nếu tôi hỏi: "Bạn có sợ không?", bạn sẽ có phản ứng với chữ mạnh nhất trong câu, chắc chắn là chữ "sợ" và bạn sẽ trả lời "Tôi có" hoặc "Tôi không". Bạn sẽ không cần phải lo lắng tới việc mình nên hỏi như thế nào và người đối diện sẽ trả lời ra sao mà không làm ảnh hưởng tới cuộc nói chuyện.
Hãy để họ mô tả vì họ chính là người hiểu câu chuyện nhất. Hãy thử hỏi họ: "Chuyện đó như thế nào?", "Việc đó cảm giác như thế nào?". Khi họ có thể ngừng lại để suy nghĩ về chuyện đó, bạn sẽ nhận được câu trả lời thú vị hơn nhiều.
Bí quyết 4: Thuận theo tự nhiên
Một khi những suy nghĩ "ùa" đến tâm trí bạn, hãy để miệng bạn mở ra và trình bày những suy nghĩ ấy thành lời. Chúng ta thường nghe các cuộc phỏng vấn khi khách mời đang nói trong vài phút rồi tới lượt người dẫn chương trình đặt câu hỏi có vẻ chẳng ăn nhập gì hoặc có vẻ đã chuẩn bị trước, có lẽ là người dẫn đã ngừng nghe cách đó 2 phút vì anh ta đang nghĩ đến một câu hỏi vô cùng thông minh và anh ta nhất quyết phải hỏi. Chúng ta cũng làm y chang như thế trong khi đang ngồi nói chuyện với ai đó.
Bí quyết 5: Nếu không biết thì hãy nói thật đi
Đây là một lời khuyên rất chân thật. Thay vì ba hoa về điều mình không biết, hãy nói thẳng ra là: "Tôi không biết" hoặc "Tôi chưa tìm hiểu về vấn đề đó" bởi bạn chẳng biết hậu quả to lớn của việc mình "chém gió" đâu. Người đối diện có thể nhìn thấy sự ấp úng đến từ bạn, rồi sau đó là một người "kiến thức rỗng" nhưng lại thích "ba hoa chích chòe", ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh và danh dự của bạn.
Bí quyết 6: Đừng đánh đồng trải nghiệm của mình với người khác
Nếu họ đang nói về việc mất người thân của họ, xin đừng nói về lúc người thân của bạn qua đời.
Nếu họ đang kể về trục trặc trong công ty, đừng kể với họ bạn ghét công việc của mình như nào.
Những chuyện đó không bao giờ giống nhau đâu. Tất cả trải nghiệm đều riêng biệt. Quan trọng nhất là mọi câu chuyện không chỉ dẫn đến bạn, bạn không cần tận dụng giây phút nào đó để chứng tỏ minh tuyệt vời như thế nào hay bạn đang phải chịu đựng như nào. Có lần ai đó đã hỏi Stephen Hawking về chỉ số IQ của ông, ông đã trả lời: "Tôi không biết. Ai khoác lác về chỉ số IQ chỉ là người thất bại". Trò chuyện không phải để quảng bá điều gì cả.
Bí quyết 7: Không lặp lại điều đã nói
Làm vậy trông rất trịch thượng và rất tẻ nhạt, đặc biệt khi nói chuyện ở nơi làm việc hoặc nói chuyện với bọn trẻ, chúng ta cứ nhai đi nhai lại một điệp khúc. Đừng làm thế nữa, đến bạn còn chẳng muốn nghe người khác "lải nhải" nguyên một câu chuyện vào buổi sáng thì chắc chắn người khác cũng không muốn như thế rồi.
Bí quyết 8: Loại bỏ cỏ dại
Nói thật, người ta không quan tâm đến số năm, tên gọi, ngày tháng, những thông tin kiểu như vậy mà bạn đang cố "vắt óc" ra để nhớ. Điều họ quan tâm là tính cách bạn ra sao, bạn có điểm chung gì với họ. Vì vậy, hãy quên các chi tiết này đi, loại chúng khỏi cuộc trò chuyện càng sớm càng tốt.
Bí quyết 9: Không phải cái cuối cùng nhưng là quan trọng nhất
Hãy lắng nghe. Tôi không biết liệt kê đến bao giờ nhưng có rất nhiều người đã nói rằng lắng nghe có lẽ là kĩ năng quan trọng nhất. Đức Phật đã nói: "Nếu bạn mở miệng nói, bạn không học thêm được gì". Coolidge từng nói: "Chưa từng ai mất việc vì lắng nghe quá nhiều".
Vậy tại sao chúng ta không chịu lắng nghe nhau? Lý do thứ nhất, chúng ta thích nói hơn. Chẳng phải bạn luôn giữ suy nghĩ rằng "Khi tôi nói, tôi nắm toàn bộ thông tin, tôi không phải nghe những điều tôi không quan tâm. Tôi là trung tâm sự chú ý".
Lý do khác là chúng ta bị phân tâm. Một người trung bình nói khoảng 225 từ/phút nhưng chúng ta có thể nghe 500 từ/phút, nên tâm trí ta bị 275 chữ còn lại lấp đầy. Cần rất nhiều nỗ lực và năng lượng mới thực sự dành chú ý cho một ai đó nhưng nếu bạn không làm được điều đó thì tức là bạn đang không trò chuyện. Cuộc trò chuyện ấy suy cho cùng cũng chỉ là hai người bật ra câu chữ không liên quan đến nhau ở cùng một nơi.
Stephen Covey từng nói câu rất hay: "Nếu chúng ta không lắng nghe với ý định thấu hiểu, chúng ta hãy lắng nghe để trả lời".
Bí quyết 10: Đừng dài dòng, hãy ngắn gọn
Một cuộc trò chuyện thú vị giống một chiếc váy ngắn, phải đủ ngắn để gây thích thú nhưng phải đủ dài để bao trùm chủ đề.
Cả thế giới thu bé lại bằng một nguyên tắc cơ bản. Hãy quan tâm đến người khác khi họ đang nói chuyện với mình. Đừng để họ cô đơn trong chính câu chuyện của chính họ.