Làm người mẫu ảnh có cần bằng Đại học không?

Tin-ảnh: L.Thoa, Theo Người Lao Động 15:33 30/11/2018
Chia sẻ

"Nếu có tấm bằng ĐH, khi ra nước ngoài lưu diễn, thi thố có thể tự tin giao tiếp, thể hiện chứ không ấp úng vì thiếu kiến thức", các chuyên gia khuyên học sinh có đam mê thành người mẫu.

Sáng 30/11, chương trình "Cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh đại học 2019", do Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực - Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM thu hút học sinh từ nhiều trường THPT trên địa bàn TP HCM. Chương trình nhằm thông tin về xu hướng nghề nghiệp – việc làm và thị trường lao động, đồng thời hướng nghiệp kết hợp tư vấn tuyển sinh cho học sinh lớp 12, thu hút nhiều câu hỏi thú vị của học sinh.

Làm người mẫu ảnh có cần bằng Đại học không? - Ảnh 1.

Học sinh đặt câu hỏi cho các chuyên gia hướng nghiệp

Học sinh Nguyễn Minh Khang (12 chuyên toán Trường THPT Thực hành Sư phạm TP HCM) đặt câu hỏi: "Em có ước mơ học ngành quản trị kinh doanh, nhưng cảm thấy ngành này có vẻ cái gì cũng biết nhưng không biết gì cả? Liệu các trường ĐH có tạo điều kiện cho sinh viên thực tập để cọ xát, làm quen ngành nghề khi còn học?".

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM – cho biết các trường ĐH rất quan tâm đến vấn đề thực tập doanh nghiệp, nó trở thành xu hướng thể hiện đẳng cấp của các trường. Tuy nhiên, không có kỳ thực tập nào bằng sự trải nghiệm kinh doanh của chính bản thân mình, do đó các em cần trau dồi kiến thức thực tế bằng việc quan sát, đánh giá, tham gia vào công việc kinh doanh.

Theo ông Tuấn, ngành nào nếu sinh viên học hành một cách hời hợt cũng không biết gì cụ thể cả, chứ không riêng quản trị kinh doanh. Quản trị kinh doanh về nguyên tắc là ngành tổng hợp, chứa những kiến thức liên quan đến các ngành khác như quản trị nhân sự, kinh tế thương mại, xuất khẩu, du lịch. Do đó, nó không hề chung chung mà thiên về mỗi lĩnh vực liên quan đặc thù từng trường.

Trong khi đó, một học sinh cho biết cha mẹ mong muốn em theo học một ngành nghề ở trường ĐH cụ thể nhưng em không thích. "Em chỉ muốn làm một Gaming Streamer (Những người phát sóng trực tiếp khi chơi trò chơi điện tử) như Pew Peww hay Misthy vì em là một tay chơi game cự phách", học sinh này nói. Theo các chuyên gia, em hoàn toàn có thể dung hòa niềm đam mê cá nhân và mong muốn ổn định sự nghiệp của gia đình bằng cách chọn những chuyên ngành về game trong ngành công nghệ thông tin của các trường. "Chơi game để thắng là chuyện bình thường nhưng chơi game để kiếm tiền là điều không dễ như em tưởng. Do đó, em cần có kiến thức về công nghệ thông tin ở các ngành liên quan tại nhiều trường đang đào tạo", các chuyên gia cho hay.

Trong khi đó, học sinh Anh Tài (Trường THPT Trần Hữu Trang cho biết em thích làm người mẫu ảnh chuyên nghiệp nhưng hiện chưa có một khóa học dài hạn cho ngành này tại Việt Nam? Em có nên học ĐH hay không?

Theo ông Nguyễn Ngọc Tài, Giám đốc Trung tâm đào tạo và Bồi dưỡng giáo viên, Viện nghiên cứu Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, các bạn đam mê ngành nghề này có thể sinh hoạt ở các Câu lạc bộ đào tạo người mẫu như ở Nhà văn hoá Thanh Niên, trong khi đó hoàn toàn có thời gian để học lấy bằng ĐH từ một trường liên quan, như Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, hoặc Trường CĐ Sân khấu hoặc tìm đến các lò đào tạo người mẫu. Nếu có điều kiện kinh tế và tầm nhìn xa, các bạn có thể đi du học ở các nước chuyên đào tạo người mẫu như Venezuela, Pháp.

Các chuyên gia khuyên tốt hơn hết em có thể học một ngành khác trong khi tham gia vào lĩnh vực người mẫu. Nếu có tấm bằng ĐH, khi ra nước ngoài lưu diễn, thi thố có thể tự tin giao tiếp, thể hiện chứ không ấp úng vì thiếu kiến thức, để người ta đánh giá không tốt về bản thân các em, ngành nghề cũng như đất nước.

Theo thống kê Trung tâm Dự báo nhu cầu Nhân lực và Thông tin thị trường Lao động TP HCM quý 1 năm 2018, lao động làm công hưởng lương có trình độ đại học có thu nhập cao nhất (7,87 triệu đồng), tiếp theo là nhóm có trình độ sơ cấp (6,51 triệu đồng).

Trong giai đoạn 2018-2025 đến năm 2030, nhu cầu nhân lực tại TP HCM dự báo có khoảng 300.000 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85%, nhu cầu nhân lực sơ cấp nghề chiếm 21%, trung cấp 28%, cao đẳng 16% và ĐH chỉ chiếm 18%.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày