[Làm giàu tuổi 20] CEO Fonos Xuân Nguyễn: Khởi nghiệp với 20 triệu đồng mở cửa hàng bánh mì đến nhà sáng lập ứng dụng sách nói được định giá triệu USD

Bài: Diệu Hương - Thiết kế: Yên Khê, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 19:20 31/03/2022
Chia sẻ

"Ngày ra mắt Fonos, trụ sở công ty là phòng khách nhà tôi, nhân viên 'rất đông', chỉ có tôi và Oscar. Cái bàn ăn dẹp hết để làm việc. Ăn thì ngồi ở bàn sofa, mệt thì vô phòng ngủ, ấy vậy mà cũng ra được ứng dụng và sống qua mùa dịch…”

Được thành lập vào năm 2020 bởi Xuân Nguyễn và Oscar Jesionek, Fonos đã từng bước ghi tên mình vào không gian sách nói tại Việt Nam. Tháng 5/2021, Fonos gọi vốn thành công 1,1 triệu USD qua 2 vòng tài trợ hạt giống, do Angel Central Syndicate có trụ sở tại Singapore dẫn đầu cùng các nhà đầu tư khác là HustleFund, iSeed và Shark Thái Vân Linh.

Cởi mở và tự tin khi trò chuyện với chúng tôi, Xuân Nguyễn không ngại thừa nhận thất bại trong quá khứ và sẵn sàng đón nhận những thử thách mới.

[Làm giàu tuổi 20] CEO Fonos Xuân Nguyễn: Khởi nghiệp với 20 triệu đồng mở cửa hàng bánh mì đến nhà sáng lập ứng dụng sách nói được định giá triệu USD  - Ảnh 1.

Trước khi ra mắt ứng dụng sách nói Fonos, chị đã có một startup là "Bánh mì 362’’. Tại sao từ bánh mì, chị lại rẽ sang làm sách khi đó là hai định hướng hoàn toàn khác nhau?

Thực ra tôi đã khởi nghiệp từ năm 21 tuổi và trải qua nhiều ngành nghề từ y tế, dược, bán lẻ,… chứ không phải chỉ có Bánh mì 362. Khi mở Bánh Mì 362, trong tay tôi chỉ có 20 triệu đồng nhưng hiện giờ đã phát triển được 7 cửa hàng ở Sài Gòn, 15 cửa hàng ở Hàn Quốc. Có lẽ vì 362 thành công nên mọi người nói nhiều về nó.

Với bản tính thích được giải quyết vấn đề, mỗi lần gặp vấn đề tôi sẽ nảy ra ý tưởng làm một điều mới mẻ. Khi 31 tuổi, tôi có sự thay đổi trong tư duy khởi nghiệp, kinh doanh nên đó là lý do tôi chuyển hướng và sáng lập Fonos. Tôi nghĩ chặng đường khởi nghiệp của mình may mắn ở chỗ đã thử và đã sai ở nhiều ngành nghề khác nhau để tích lũy được ít vốn liếng.

Bạn đã Làm giàu tuổi 20 như thế nào, kể coi!

Bước 1: Chia sẻ câu chuyện về chủ đề "Tiền đẻ ra tiền" dưới hình thức bài viết hoặc video.

Bước 2: Đăng tải bài thi lên trang cá nhân ở chế độ công khai kèm hashtag #LamGiauTuoi20 #CafeF #Kenh14 hoặc gửi về cho BTC qua website Làm giàu tuổi 20 email lamgiautuoi20@vccorp.vn hoặc fanpage Kenh14.vnCafeF.

Trong kinh doanh, tôi không quá quan trọng làm ngành nào miễn là tôi thấy mình có thể giải quyết một vấn đề hoặc đóng góp được giá trị gì trong ngành đó. Chắc chắn mỗi lĩnh vực sẽ có một đặc thù, khi làm Fonos tôi cũng học lại từ đầu nhưng cách điều hành công ty gần như là giống nhau.

Fonos là một dấu mốc thay đổi sau 10 năm khởi nghiệp của tôi bởi trước đó, tôi chỉ làm về bán lẻ và liên quan nhiều đến con người. Sau này, sự cồng kềnh của việc phát triển nhân sự tạo cho tôi áp lực lớn và tôi thấy mình không còn phù hợp nữa. Tôi nhận thấy mình hứng thú với mô hình có yếu tố về công nghệ chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào con người.

Thực ra tôi đã nghĩ đến sách khi còn ở 362. Ý tưởng đó đến giống như luật hấp dẫn, mọi thứ xảy ra đúng như điều tôi nghĩ và mong muốn.

[Làm giàu tuổi 20] CEO Fonos Xuân Nguyễn: Khởi nghiệp với 20 triệu đồng mở cửa hàng bánh mì đến nhà sáng lập ứng dụng sách nói được định giá triệu USD  - Ảnh 3.

Nhưng tôi nghĩ chị cũng phải nhìn thấy tiềm năng và cơ hội phát triển ở thị trường này?

Đúng là có những cơ hội nhất định. Mặc dù vấn nạn phim ảnh và nhạc lậu vẫn tồn tại nhưng tôi nhận thấy các đơn vị làm nội dung và âm thanh trực tuyến như Spotify, Netflix bắt đầu vào Việt Nam và người Việt Nam vẫn sẵn sàng trả tiền để trải nghiệm.

Thêm vào đó, tôi thấy rào cản trong việc mua hàng online là thanh toán online đang dần được tháo gỡ. Hiện chỉ khoảng 5% dân số Việt Nam có credit card, tuy nhiên sự phát triển của ví điện tử Momo, rồi ví Moca của Grab đã kéo theo hơn 30% dân số Việt Nam sở hữu ví điện tử, hay các trang thương mại điện tử như Tiki, Lazada,… họ đang trải đường cho việc thanh toán online dễ dàng hơn. Điều đó vô tình khá có lợi cho mô hình của Fonos trong việc thanh toán online.

[Làm giàu tuổi 20] CEO Fonos Xuân Nguyễn: Khởi nghiệp với 20 triệu đồng mở cửa hàng bánh mì đến nhà sáng lập ứng dụng sách nói được định giá triệu USD  - Ảnh 4.

Thời gian đầu, làm thế nào để chị thuyết phục loạt "ông lớn" ngành sách như NXB Trẻ, Nhã Nam, Thái Hà hay Alpha Books,... bắt tay hợp tác với mình?

Trước khi Fonos ra đời, sách nói ở Việt Nam chưa phát triển và thiếu nhiều điều kiện để phát triển. Ngoài việc hầu hết sách nói lúc đó đều không có bản quyền, tôi thấy cách mọi người đang làm là dùng sách nói để lấy traffic và bán những thứ khác, ví dụ cho nghe sách nói miễn phí rồi bán quảng cáo, bán khoá học… Một cuốn sách nói được sản xuất bằng những cách sao cho nhanh, cho rẻ nhất và cũng vì thế mà hầu hết sách nói trên thị trường lúc đó miễn phí hoặc phí rất thấp.

Với tác giả và nhà xuất bản, mỗi cuốn sách là một đứa con tinh thần và họ nâng niu sách đến từng chi tiết, Fonos cảm nhận được điều đó và phải chứng minh rằng chúng tôi cũng hướng đến chất lượng sản phẩm và mong muốn phát triển sách nói thông qua hai việc.

Thứ nhất, Fonos tập trung đầu tư vào đội ngũ sản xuất sách nói chất lượng với quy trình khép kín chưa bao giờ có trước khi Fonos xuất hiện.

Thứ hai, mô hình kinh doanh của chúng tôi tập trung vào việc phát triển thị trường sách nói có bản quyền và bán sách chứ không dùng sách để bán sản phẩm khác. Vậy nên tôi nghĩ đó là lý do các nhà xuất bản và tác giả đã có được niềm tin để chọn đồng hành với chúng tôi.

[Làm giàu tuổi 20] CEO Fonos Xuân Nguyễn: Khởi nghiệp với 20 triệu đồng mở cửa hàng bánh mì đến nhà sáng lập ứng dụng sách nói được định giá triệu USD  - Ảnh 5.

Có thể nói hành trình khởi nghiệp của chị được "trải thảm đỏ" không khi vừa đề cập đến sự may mắn ở trên?

Chắc chắn là không. Ngược lại với ‘’trải thảm đỏ’’ thì tôi nghĩ là "trải thảm đinh" (cười).

Tôi nghĩ rằng ai khởi nghiệp cũng đều trải qua những thử thách và đủ các cung bậc cảm xúc. Một ngày của tôi sẽ là giải quyết từ vấn đề này xong qua vấn đề khác, từ "thảm đỏ" không dành cho khởi nghiệp vì cái đẹp của kinh doanh chính là sự thử thách và những bài học.

Như thời điểm tôi bắt đầu làm sách, khi đi thuyết phục một số bên họ cũng nói rằng cô này thì biết gì về sách hay công nghệ. Tôi vẫn bị từ chối, từ nhà đầu tư, đối tác rồi cả nhân sự của chính mình, khi mà họ không sẵn lòng tham gia.

Nhưng với tôi khi đã bước vào kinh doanh thì phải vứt bỏ hai chữ sĩ diện, nó là một thứ xa xỉ. Căn bản là tư duy của mình đối với việc đó, tôi không nhìn thất bại như một vấn đề cố định. Kinh doanh không phải như lúc làm bài kiểm tra ở trường học, khi làm sai là bị 0 điểm hay đúng thì 10 điểm. Nó không phải là một kết quả cố định không thay đổi được. Thất bại hiện tại chỉ là một tín hiệu cho tôi thấy có một việc gì đó tôi đang làm chưa đúng, có thể là định giá sản phẩm của tôi chưa đúng, có thể chiến lược hoặc cũng có thể là đội ngũ mà tôi đang phát triển… Việc của tôi là tìm hiểu tại sao và nếu tôi giải quyết được thì thất bại đó không còn là thất bại nữa.

Hơn nữa, khi đang ở trong sự thất bại, mình có thể cảm thấy đó là nỗi đau, nhưng một khi đã hiểu được bài học và bước ra rồi thì tôi thật sự đã ‘’move on’’. Nó trở thành một thứ tài sản của tôi chứ không còn là nỗi đau nữa.

[Làm giàu tuổi 20] CEO Fonos Xuân Nguyễn: Khởi nghiệp với 20 triệu đồng mở cửa hàng bánh mì đến nhà sáng lập ứng dụng sách nói được định giá triệu USD  - Ảnh 6.

Chị đã từng khi nào "mất trắng" hay phải chật vật về tài chính chưa?

Có chứ, không chỉ một lần. Quản trị tài chính trong kinh doanh chính xác là bài học lớn nhất đối với tôi. Với tôi thì đi tìm vốn còn dễ hơn là tiêu tiền bởi không phải ai cũng được dạy về tài chính.

Tôi may mắn chưa bao giờ phá sản đến mức kiệt quệ nhưng nếu nói số lần đầu tư tiền vào một dự án rồi mất trắng thì có vài lần.

Kiếm tiền không khó nhưng giữ tiền và tiêu tiền để doanh nghiệp "sống" mới là bài học lớn trong suốt 10 năm đầu khởi nghiệp của tôi. Bạn hỏi đúng thứ đã làm tôi đau đầu nhất!

Bài toán tài chính ở Fonos được chị kiểm soát như thế nào?

Dĩ nhiên tôi bước vào Fonos mang theo rất nhiều bài học xương máu của mình. Tôi hiểu Fonos cần gì hơn và cũng hiểu mình hơn. Hiện tại doanh thu của Fonos đến 100% từ việc bán sách. Chúng tôi định giá một cuốn sách nói của Fonos cao hơn sách giấy nếu bạn mua lẻ. Nhưng nếu bạn là hội viên của Fonos thì sẽ chỉ trả phí cố định hàng tháng tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc mua lẻ.

Năm ngoái, doanh thu tháng của Fonos tăng gấp 8 lần cùng kỳ năm trước. Hiện chúng tôi đã làm việc với hầu hết các nhà xuất bản lớn như NXB Trẻ, Nhã Nam, Alpha Books,... và có khoảng 500 đầu sách, hầu như những cuốn best-seller của các nhà xuất bản đều có mặt ở Fonos.

Doanh thu và kết quả đó cho chúng tôi thấy mình đang đi đúng hướng. Bởi thời điểm ra mắt vào tháng 4/2020, Fonos chỉ có vỏn vẹn 6 cuốn sách.

Cùng xuất hiện với nhau rất nhiều lần, giữa chị và Shark Thái Vân Linh liệu còn mối quan hệ nào khác ngoài chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư?

Tôi có thể dành cho chị Linh rất nhiều tên gọi: một nhà đầu tư, một đại sứ của Fonos, một mentor của chúng tôi trong kinh doanh và đến thời điểm này tôi tự tin nói chị ấy là một người bạn của tôi và Oscar.

Sau chặng đường 2 năm cùng đồng hành, chị Linh đã đóng góp rất nhiều cho sự thành công của Fonos. Trong khía cạnh đầu tư, tôi cũng học được từ chị ấy rất nhiều nếu trong tương lai tôi có thể trở thành một nhà đầu tư.

[Làm giàu tuổi 20] CEO Fonos Xuân Nguyễn: Khởi nghiệp với 20 triệu đồng mở cửa hàng bánh mì đến nhà sáng lập ứng dụng sách nói được định giá triệu USD  - Ảnh 7.

Văn hóa đọc truyền thống vẫn đang được thúc đẩy mạnh mẽ và có rất nhiều chiến dịch bảo tồn sách giấy, chị nghĩ định hướng của mình có đang đi ngược lại với tinh thần chung?

Thật ra chúng tôi hoàn toàn không đi ngược, ở Fonos chúng tôi mang lại cho người dùng thêm một sự lựa chọn trong việc tiếp cận kiến thức từ sách. Mỗi người có một cách tiếp nhận kiến thức khác nhau. Có người học bằng cách đọc, nhưng có nhiều người không đọc được và họ phải nghe hoặc phải thấy clip, hình ảnh.

Khi làm Fonos, tôi cũng tham khảo những nghiên cứu ở hội sách Frankfurt hàng năm về việc liệu việc phát triển sách nói có ngăn chặn phát triển sách giấy không, thì kết quả là không. Việc phát triển sách nói không hề làm giảm sách giấy mà ngược lại còn góp phần thúc đẩy sự phát triển tệp người mua sách giấy.

Như trường hợp của chính tôi là một người thích đọc sách giấy, nhưng tôi không có thời gian hàng ngày để ngồi đọc hết một cuốn sách. Tôi vẫn thường đọc sách giấy vào buổi sáng lúc vừa thức dậy, sau đó tôi lại tiếp tục với bản sách nói của cuốn sách đó khi đi trên đường đến công ty hoặc lúc nấu ăn. Giải pháp chúng tôi mang lại là thêm sự lựa chọn cho những người trước giờ không thể đọc sách chứ không lấy đi những người yêu sách giấy. Chúng tôi không lấy mất những giây phút đọc sách giấy của mọi người mà giúp họ tận dụng những khoảng thời gian trống trước đây để nghe sách.

[Làm giàu tuổi 20] CEO Fonos Xuân Nguyễn: Khởi nghiệp với 20 triệu đồng mở cửa hàng bánh mì đến nhà sáng lập ứng dụng sách nói được định giá triệu USD  - Ảnh 8.

Tiêu chí nào để một cuốn sách được xuất hiện trên nền tảng Fonos?

Từ đánh giá ở cả bản tiếng Việt và bản gốc, chúng tôi dựa trên các tiêu chí như có phải là best-seller không, có phù hợp với người dùng của Fonos không, giá trị mang lại cho người đọc là gì,... Ngoài ra phải xem cuốn sách đó có chuyển âm được không, tôi rất tiếc vì có nhiều cuốn sách hay nhưng không phù hợp để chuyển âm thành sách nói.

Fonos có những bộ phận từ kiểm soát chất lượng, biên tập viên hay đạo diễn chuyển âm, kỹ thuật âm thanh, hậu kỳ,... rất nhiều người liên quan để làm ra một cuốn sách chứ không đơn giản là đem một cuốn sách ra ngoài thu âm rồi lấy file về.

Hiện chị đang đặt ra những mục tiêu đường dài gì cho doanh nghiệp?

Mục tiêu của chúng tôi là số sách trung bình người Việt Nam đọc tăng lên 12 cuốn/năm như các nước trong khu vực, hiện đang là 4 cuốn/năm và tôi tin sách nói hoàn toàn có khả năng thúc đẩy tăng trưởng con số đó lên.

[Làm giàu tuổi 20] CEO Fonos Xuân Nguyễn: Khởi nghiệp với 20 triệu đồng mở cửa hàng bánh mì đến nhà sáng lập ứng dụng sách nói được định giá triệu USD  - Ảnh 9.

Khi doanh nghiệp phát triển nhanh như vậy, chị làm thế nào để thương hiệu phát triển bền vững mà không trở thành một hiện tượng mang tính trào lưu?

Tôi xin mượn lời của Jeff Bezos để trả lời câu hỏi này, đó là hãy tập trung vào khách hàng. Khi mình luôn nắm bắt được xu hướng, hành vi của khách hàng xem họ muốn gì, cần gì và đang thay đổi ra sao thì doanh nghiệp sẽ không bao giờ nổi lên như một trào lưu rồi bị dập tắt.

Giờ đây có rất nhiều người trẻ nhìn vào lợi ích ngắn hạn của đồng tiền và đầu tư để sinh lời một cách bất chấp, chị sẽ dành lời khuyên như thế nào để họ thu về dòng tiền mới một cách an toàn?

Tôi nghĩ cốt lõi của kinh doanh là sự tử tế. Đó là một hành trình dài mà quan trọng nhất là cuối cùng chúng ta tạo ra giá trị gì và kết nối với người xung quanh ra sao, chứ không phải lừa người này, bịp người kia rồi đóng công ty mở công ty khác.

Khuyên chung chung thì tôi không biết khuyên gì vì môi trường và tiềm năng của mỗi người một khác, các bạn phải là mentor của chính mình. Sách rất nhiều, các khóa học rất nhiều, hình mẫu kinh doanh rất nhiều nhưng tại sao vẫn có các sai lầm giống nhau? Tôi nghĩ đó là hành trình mỗi người đều phải trải qua thôi. Giống như trước đây nhiều anh chị bảo tôi đừng làm cái này, đừng làm cái kia nhưng tôi vẫn làm, phải tự học bài học của mình thì mới đủ thấm.

Để làm bất cứ điều gì, tôi luôn nhớ đến câu nói "nếu cho tôi 6 giờ để đốn hạ một cái cây, tôi sẽ dành 4 giờ đầu để mài sắc lưỡi rìu’’, tôi tin vào việc trang bị kiến thức và tinh thần trước khi muốn làm bất cứ việc gì chứ không chỉ đầu tư, nhưng còn trang bị gì thì mỗi người phải tự nghiên cứu và quyết định cho bản thân mình.

[Làm giàu tuổi 20] CEO Fonos Xuân Nguyễn: Khởi nghiệp với 20 triệu đồng mở cửa hàng bánh mì đến nhà sáng lập ứng dụng sách nói được định giá triệu USD  - Ảnh 10.

Chị muốn gợi ý cuốn sách nào cho người trẻ khởi nghiệp?

Gần đây tôi rất thích cuốn ‘’Gian nan chồng chất gian nan’’ của Ben Horowitz. Tác giả cũng là người đồng sáng lập ra hai công ty công nghệ Loudcloud và Opsware từ lúc khó khăn cho đến khi sau này được mua lại bởi HP với giá 1,6 tỷ đô la. Cuốn sách đó sẽ cho các bạn biết sự thật khởi nghiệp là như thế nào, vì những gì được viết là thực tế không thể thật hơn trong kinh doanh. Tôi thích tinh thần chiến đấu của ông ấy và trân trọng cách ông ấy đúc kết lại những bài học cho người đọc của mình.

Cảm ơn chị vì những chia sẻ thú vị.

1 tỷ đã có trong tay nhưng sao có thể để tiền nằm yên không dịch chuyển. Tuổi trẻ là sự liều lĩnh đầu tư lớn để nhận về thành quả Tiền đẻ ra tiền cùng nhiều bài học giá trị. Đó cũng chính là chủ đề 2 của Làm giàu tuổi 20 - cuộc thi sáng tạo nội dung đầu tiên khai thác về chủ đề Tài chính Giới trẻ.

Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn lên trang cá nhân ở chế độ công khai kèm hashtag #LamGiauTuoi20 #CafeF #Kenh14 hoặc gửi bài dự thi về BTC qua:

Website: Làm giàu tuổi 20

Email lamgiautuoi20@vccorp.vn

Fanpage Kenh14.vnCafeF

Chủ đề "Tiền đẻ ra tiền" sẽ diễn ra từ 23/3/2022 đến 12/4/2022 với nhiều giải thưởng hấp dẫn:

Giải nhất: Kỷ niệm chương và 20.000.000 VND

Giải Yêu thích do độc giả chọn: Kỷ niệm chương và 2.000.000 VND

Giải yêu thích do BGK lựa chọn: Kỷ niệm chương và 3.000.000 VND

Các bài dự thi chất lượng sẽ được đăng tải trên 2 trang tin CafeF và Kenh14.vn

Cuộc thi Làm giàu tuổi 20 được đầu tư thực hiện, phối hợp tổ chức bởi Kenh14.vn, CafeF và sự góp mặt đặc biệt bởi các khách mời là Chuyên gia tài chính uy tín, những người có tầm ảnh hưởng và đam mê về lĩnh vực tài chính. Mọi thông tin chi tiết xem tại đây.

[Làm giàu tuổi 20] CEO Fonos Xuân Nguyễn: Khởi nghiệp với 20 triệu đồng mở cửa hàng bánh mì đến nhà sáng lập ứng dụng sách nói được định giá triệu USD  - Ảnh 12.
https://kenh14.vn/lam-giau-tuoi-20-ceo-fonos-xuan-nguyen-khoi-nghiep-voi-20-trieu-dong-mo-cua-hang-banh-mi-den-nha-sang-lap-ung-dung-sach-noi-duoc-dinh-gia-trieu-usd-20220331174302512.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày