1. Cho phép bản thân được "không làm gì"
Với cường độ làm việc bận rộn phổ biến hiện nay, người trẻ rất hiếm khi được nghỉ ngơi, thư giãn, được hoàn toàn thoát khỏi stress hay áp lực công việc. Chính vì vậy, khoảng thời gian khi vừa nghỉ việc chính là giai đoạn để bạn được bật chế độ "không làm gì" quý giá.
Sự thật, rất ít người trẻ ngày nay có đủ… dũng khí cho chính mình một giai đoạn nhàn rỗi như vậy, dù chỉ là vài tuần, vài tháng. "Càng quen dần với việc chỉ có ‘chạy’, tôi càng chật vật trong nỗi bất an thay vì nghỉ ngơi cho tốt", nữ nhà văn Hàn Quốc - Jung Heejae từng thốt lên, "Nghỉ ngơi là việc thật tốt. Chúng ta cần có dũng khí và trí tuệ cho công việc đơn giản này".
Tại sao mỗi ngày trôi qua đều phải đối mặt với stress, nhiệm vụ, trách nhiệm? Tại sao lúc nào cũng phải sống trong căng thẳng? Nếu không cho phép bản thân được "xả hơi" hoàn toàn, nhất là khi đã rời khỏi một công việc, thì có lẽ bạn đã quá khắt khe với bản thân rồi.
2. Chiêm nghiệm lại con đường sự nghiệp
Trong cuốn tản văn mới nhất "Quyền tách khỏi đám đông", Jung Heejae kể câu chuyện về một vị linh mục người Mỹ David Kundtz. Là một cha xứ với hàng chục năm làm việc tại nhà thờ, khủng hoảng tinh thần đột nhiên tìm đến năm ông bước sang tuổi 40: David không còn cảm nhận được hạnh phúc từ những công việc trước đây ông từng thấy rất ý nghĩa.
Sau những câu hỏi tự vấn, David quyết định đây là thời điểm cần thiết để "dừng lại". "Tôi đã dùng toàn bộ ý chí của mình để có được một khoảng thời gian tạm nghỉ khá dài trong suốt một tháng", ông kể, "Liền sau đó, những câu hỏi cuộc đời mà tôi từng đặt ra trước đó không còn bị xem như những nỗi thống khổ, chúng đã bước lùi về sau cuộc đời tôi". Sau khi trải qua quãng thời gian tạm nghỉ đó, David cuối cùng quyết tâm rời khỏi vị trí linh mục của mình, ông đi học để trở thành một tác giả kiêm nhà tư vấn, "bắt đầu màn hai của cuộc đời mình".
Hãy tận dụng khoảng nghỉ để chiêm nghiệm lại con đường sự nghiệp bạn đã đi qua, đặt những câu hỏi quan trọng về những điều mang lại ý nghĩa cho bạn. Biết đâu, sau những câu hỏi tự vấn sâu sắc, bạn lại có thể bắt đầu một "màn hai của cuộc đời" đầy mới mẻ và bất ngờ, giống như mục sư David?
3. Thưởng thức vẻ đẹp cuộc sống và làm những việc "kỳ khôi", điều mà những ngày bận rộn không cho phép
Sau khi nghỉ việc, hãy dành thời gian cho những "nhiệm vụ" thưởng thức cuộc sống: Những hành động có thể không năng suất, không giúp bạn kiếm ra tiền, nhưng mang lại sự thảnh thơi, thư thái và giúp bạn tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống.
Lần cuối bạn bước vào một quán cà phê và thư thả nhìn dòng người bên ngoài trôi đi trong tất bật… là khi nào? Từ bao lâu rồi bạn chưa cho phép bản thân được thư thả đi dạo bộ trong công viên, ngắm nhìn thiên nhiên và cảnh vật quanh mình? Trong Quyền Tách Khỏi Đám Đông, nữ nhà văn Jung Heejae giúp cho bạn có rất nhiều gợi ý khác: Tắt nguồn điện thoại và ngủ đến trưa; Đọc truyện tranh thỏa thích; Xem một loạt phim truyền hình; Lang thang khắp các hẻm phố xa lạ mà không nghĩ ngợi gì…
Bên cạnh đó, hãy sử dụng giai đoạn này cho những trải nghiệm kỳ lạ, khác biệt, những điều bạn luôn thầm ao ước trong thâm tâm nhưng chưa có cơ hội thực hiện. Bản thân Jung Heejae, sau khi rời khỏi công sở, cũng đã quyết định dành cho mình một chuyến du lịch tới vùng núi Tây Tạng, nơi chỉ có cô và những chuyến leo núi với người xa lạ. Nên nhớ, không ai trong chúng ta nên "để dành" những trải nghiệm tuyệt vời đấy cho năm tháng về hưu.
4. Trang bị những kỹ năng mới
Cuối cùng, sau khi dành thời gian nghỉ ngơi và chiêm nghiệm, mỗi người có thể tận dụng cơ hội khoảng lặng sự nghiệp này để học một điều gì đó mới mẻ. Nếu đã dành đủ thời gian vào bản thân, biết được những điểm mạnh, điểm yếu, giá trị của mình và đã có tầm nhìn về con đường tiếp theo, bạn nên dành thêm thời gian để học những kỹ năng và công cụ giúp hỗ trợ bạn đẩy nhanh quá trình làm việc.
Coursera, Linkedin Learning, hay Futurelearn là những nền tảng cung cấp nhiều khóa học miễn phí giúp nâng cao những mặt trên.
Không giống như hầu hết những cuốn sách self-help khác, "Quyền tách khỏi đám đông" không thôi thúc độc giả phải mạnh mẽ vượt lên nghịch cảnh để tiếp tục tiến về phía trước, mà khích lệ bạn "không làm gì" để tận hưởng cuộc sống; không răn dạy bạn phải cống hiến cho công việc đến mức kiệt sức, mà khuyên bạn nên dành nhiều thời gian hơn để nuôi dưỡng nội tâm và khám phá những điều đẹp đẽ trong cuộc sống hằng ngày.
Nhà văn Hàn Quốc Heejae Jung từng theo học chuyên ngành Văn học tại Đại học Chung Ang. Khi cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống bận rộn ở thành thị, cô đã quyết định đi du lịch, mở rộng tầm nhìn về thế giới và viết "những tản văn sâu sắc, mang đầy những giá trị về cuộc sống".