Lãi suất tiếp tục giảm, dòng tiền tiết kiệm chảy vào đâu?

Ngọc Mai, Theo Tiền Phong 18:37 22/03/2024
Chia sẻ

Lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp tục xu hướng giảm từ đầu năm đến nay. Theo đó, hiện kỳ hạn 12 tháng cao nhất ở mức 5,3%/năm. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn, người dân tìm đến các kênh đầu tư khác để sinh lời.

Lãi suất tiết kiệm giảm đến 50%

Theo khảo sát với hơn 40 ngân hàng cho thấy, khoảng 10 đơn vị còn niêm yết lãi suất từ 5% trở lên cho kỳ hạn 12 tháng (là kỳ hạn được nhiều người ưa chuộng), gồm NamABank, VietBank, SeABank, Oceanbank, Sacombank, DongABank, Saigonbank, VietABank, LPBank và Woori Bank.

Hiện, lãi suất cao nhất cho khoản tiền gửi không quá 12 tháng là 5,3%, giảm 0,4% so với tháng trước. Với các kỳ hạn 9 tháng, mức lãi suất phổ biến từ 3% đến 4,8%; 6 tháng dao động 2-4,7% một năm.

Lãi suất tiếp tục giảm, dòng tiền tiết kiệm chảy vào đâu? - Ảnh 1.

Lãi suất tiết kiệm vẫn giảm mạnh từ đầu năm đến nay.

Nếu muốn hưởng lãi tốt hơn, khách hàng có thể gửi các kỳ hạn dài như 13-24 tháng, lên tới 5,8% tại VietABank, OCB, HDBank, MB, NamABank, Sacombank, Saigonbank, LPBank hay BaoVietBank.

Lãi suất kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng chỉ còn quanh mốc từ 1,7% đến 3%/năm. Lãi suất thấp nhất được ghi nhận ở nhóm ngân hàng quốc doanh như Agribank, Vietcombank và SCB với 1,7% cho kỳ hạn 1 tháng và 2% cho kỳ hạn 3 tháng.

Đà giảm lãi suất tiết kiệm đã kéo dài suốt một năm qua, bắt đầu từ tháng 3/2023. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, lãi suất tiết kiệm giảm đến 50%. Lãnh đạo các ngân hàng và giới phân tích nhận định mặt bằng duy trì ở mức thấp ít nhất đến giữa năm nay, sau đó có thể đảo chiều tăng nhẹ khi nhu cầu tín dụng đi lên. Tuy nhiên, mặt bằng lãi khó quay lại mức cao như giai đoạn 2022.

Trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục giảm, nhiều ngân hàng cũng đưa lãi suất cho vay hấp dẫn, thậm chí phải đưa lãi suất cho vay ngắn hạn về 3% một năm, thấp hơn lãi tiền gửi, để bơm vốn ra nền kinh tế.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 2, dư nợ tín dụng toàn hệ thống giảm 0,72% so với cuối năm ngoái, cho thấy nhu cầu vay vẫn ảm đạm, bên cạnh tính mùa vụ giai đoạn đầu năm.

Dòng tiền tiết kiệm tìm kênh đầu tư khác?

Đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước mới công bố tổng tiền gửi tiết kiệm của người dân, doanh nghiệp hết năm 2023 lên tới 12,8 triệu tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay chưa có con số thống kê chính thức tiền gửi vào ngân hàng.

Trước diễn biến liên tục giảm của lãi suất ngân hàng, các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng có thể nhu cầu tìm kiếm tài sản sinh lời khác thay cho tiền gửi tiết kiệm sẽ tăng cao.

Một chuyên gia phân tích tài chính nhận xét, lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiểm soát ở mức thấp, khoảng 3%/năm, nhưng mặt bằng lãi suất tiền gửi cũng rất thấp. Đặc biệt, đối với tiền gửi ngắn hạn, lãi suất chỉ còn 2 - 3%/năm, người gửi tiền không có lãi, thậm chí còn không được hưởng lãi suất thực dương. Do đó, khi các kênh đầu tư khác hồi phục, dòng tiền tiết kiệm sẽ chuyển hướng mạnh hơn, trong đó chứng khoán và bất động sản dự kiến sẽ dần thu hút dòng tiền nhàn rỗi.

Lãi suất tiếp tục giảm, dòng tiền tiết kiệm chảy vào đâu? - Ảnh 2.

Nhà đầu tư vẫn kỳ vọng kênh đầu tư vàng mang lại lợi nhuận hơn gửi tiết kiệm.

Thực tế, từ sau Tết Nguyên đán, người dân đổ xô vào thị trường vàng. Có những khách hàng mua vàng và tạo ra cơn sốt và biến động giá liên tục. Cảnh người dân xếp hàng mua bán sôi động trở lại. Theo tính toán, năm 2023 vàng nhẫn có tỷ suất lợi nhuận hơn 20% còn vàng miếng 14%. Theo đó, năm 2024, nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng phân khúc này sẽ mang lại lợi nhuận hơn gửi tiết kiệm.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ ngân hàng sang các kênh khác. Hai kênh đang có cơ hội thu hút dòng vốn nhiều nhất là vàng và chứng khoán. Giá vàng quốc tế sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nên giá vàng trong nước sẽ tăng theo. Do đó, một bộ phận nhà đầu tư có thể sẽ tiếp tục đổ tiền vào kênh này.

Tuy nhiên, ông Hiếu khuyến nghị nhà đầu tư đang có ý định bỏ tiền vào vàng nên đợi thêm một thời gian, bởi những tác động từ chính sách của Chính phủ và việc sửa đổi Nghị định 24 về quản lý vàng có thể làm cho giá vàng ở thị trường nội địa đảo chiều (nếu xóa độc quyền nhãn hiệu vàng miếng SJC, tăng cung cho thị trường và cho phép nhập khẩu vàng - PV). Mặt khác, tình hình chính trị tại Mỹ, cụ thể là cuộc bầu cử Tổng thống năm nay có tác động mạnh đến thị trường vàng. Do vậy, các nhà đầu tư vàng cần thận trọng.

Kênh đầu tư hấp dẫn dòng tiền hơn trong thời gian này là chứng khoán. Gần đây, thị trường chứng khoán hồi phục, nhưng dòng tiền còn yếu, phần lớn do nhà đầu tư có tâm lý thăm dò và nguồn tiền lớn vẫn nằm trong kênh tiết kiệm. Điểm số của thị trường chứng khoán vẫn còn cách xa đỉnh lịch sử nên hứa hẹn sẽ còn nhiều hỗ trợ cho kênh này.

Với kênh đầu tư bất động sản, giới phân tích tài chính dự báo, kênh này sẽ hút dòng tiền trong dài hạn. Hiện tại, đây là kênh duy nhất vẫn trầm lắng, trong khi các kênh đầu tư khác đang đi lên, thậm chí tạo đỉnh. Vấn đề của nửa đầu năm nay dự kiến vẫn là doanh nghiệp bất động sản thiếu vốn, rủi ro thị trường ở mức cao và chưa có nhiều sản phẩm phù hợp với túi tiền của người dân khi còn khó khăn, nhưng có triển vọng hồi phục trong nửa sau của năm nay.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày