Là tín đồ của những trò chơi mạo hiểm, ắt hẳn não bộ bạn cũng đã hơn “vạn người” rồi!

Đặng Nghiêm, Theo Helino 22:24 02/05/2018

Khoa học đã chứng minh, việc ưa thích mạo hiểm cho thấy não bộ có khả năng xử lý thông tin tốt hơn hẳn.

Có bao giờ bạn thắc mắc rằng vì sao lại có những người ưa thích sự mạo hiểm đến thế không nhỉ? 

Trong khi không ít người lại co rúm lại không dám nhìn xuống từ tầng cao hay mồ hôi đầm đìa khi phải đi qua cây cầu cheo leo... Ngược lại, lại có những người cực ưa thích leo trèo, ném mình vào thử thách mạo hiểm. Vì sao thế nhỉ?

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất từ Đại học Pennsylvania (Mỹ), những người có xu hướng ra quyết định nhanh, không ngại mạo hiểm thường có vùng chất trắng "dồi dào" hơn so với người bình thường.

Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ biết cách đáp ứng với các tình huống nhạy bén hơn. Nói về chất trắng, hay còn gọi là "đường cao tốc" của não bộ - có chức năng dẫn truyền và tổng hợp thông tin từ bên ngoài đến hệ thần kinh trung ương.

Kết quả này làm cho những nhà khảo sát rất bất ngờ, khi mọi người thường nghĩ rằng: người thông minh sẽ cân nhắc quyết định của mình thật kỹ lưỡng, chứ không "vội vội vàng vàng".

Là tín đồ của những trò chơi mạo hiểm, ắt hẳn não bộ bạn cũng đã hơn “vạn người” rồi! - Ảnh 2.

Chất trắng (white matter) - có chức năng dẫn truyền thông tin của hệ trung ương

Giáo sư Dagfinn Moe, đồng tác giả của bài nghiên cứu, giải thích thêm: "Chúng tôi đã dự tính rằng những thanh niên trẻ dành thời gian để lường trước những quyết định mạo hiểm sẽ có hệ thống dẫn truyền thần kinh tốt hơn so với những người quyết định việc này chóng vánh.

Thế nhưng kết quả lại làm chúng tôi rất bất ngờ khi câu trả lời ngược lại với những định kiến trước đó."

Trong cuộc nghiên cứu, những người tình nguyện sẽ chơi một trò đua xe giả lập và được ghi nhận lại trong suốt quá trình chơi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, người chơi mạo hiểm sẽ không chần chừ quá lâu để ra quyết định.

Giáo sư Moe cho biết thêm về type người này: "Sự gan dạ, thách thức nguy hiểm sẽ kích thích não bộ, thúc đẩy quá trình học hỏi, phát triển và phản xạ nhanh theo các tình huống.

Điều này cho phép những người gan dạ ứng biến rất nhanh, tùy vào mỗi tình huống cụ thể. Vì thế chúng ta không nên mặc định rằng họ là những người không biết kiểm soát tình huống, cũng như thiếu đam mê trong việc mình làm."

Là tín đồ của những trò chơi mạo hiểm, ắt hẳn não bộ bạn cũng đã hơn “vạn người” rồi! - Ảnh 3.

Với việc đưa ra các quyết định mạo hiểm khiến não bộ kích thích và tăng vùng chất trắng của não bộ, Moe cho biết: "Những quyết định hiểm nguy giúp việc tiết ra các hợp chất dẫn truyền lẫn các yếu tố tăng trưởng trong não bộ. Điều này giúp tạo nên nền tảng vững chắc cho hệ vận động và thần kinh.

Mấu chốt nằm ở chỗ, bạn chấp nhận hiểm nguy, nhưng phải biết cách chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất. Và chúng phải trải qua một quá trình dài, có thể có thất bại giữa chừng mới có thể làm quen được."

Theo Spring