Lạ lùng nghĩa địa heo năm móng trong ngôi chùa hơn 400 tuổi ở Sóc Trăng

Diệp Anh, Theo Phụ Nữ Số 14:10 23/08/2024
Chia sẻ

Có một ngôi chùa nhỏ nằm ở thành phố Sóc Trăng, là nơi trú ngụ của những con dơi lạ, bởi vậy nơi đây được gọi là chùa Dơi. Nhưng điều khiến người ta hiếu kỳ hơn cả là nghĩa địa heo năm móng nằm phía sau chùa.

Trong muôn vàn sự huyền bí của đất Sóc Trăng - nơi được mệnh danh là xứ sở chùa vàng, bất kể người dân nào cũng biết về sự lạ ở một ngôi chùa cổ, nơi có đàn dơi "quái đản" lượn lờ, đan vào nhau như một điệu múa bí ẩn - chùa Dơi.

Nhưng câu chuyện về chùa Dơi không chỉ gói gọn trong bức tường sơn vàng cổ kính mà nó vượt ra khỏi địa giới tỉnh Sóc Trăng, len lỏi vào tâm hồn những tín đồ du lịch và ham mê sự lạ. Điều khiến người ta "ám ảnh", nghi hoặc và ôm đầy một bụng tò mò đi tìm lời giải đáp chính là nghĩa địa heo năm móng nằm im lìm sau khuôn viên chùa, như chôn giấu bí mật không lời giải của thế kỷ.

Lạ lùng nghĩa địa heo năm móng trong ngôi chùa hơn 400 tuổi ở Sóc Trăng- Ảnh 1.
Lạ lùng nghĩa địa heo năm móng trong ngôi chùa hơn 400 tuổi ở Sóc Trăng- Ảnh 2.
Lạ lùng nghĩa địa heo năm móng trong ngôi chùa hơn 400 tuổi ở Sóc Trăng- Ảnh 3.
Lạ lùng nghĩa địa heo năm móng trong ngôi chùa hơn 400 tuổi ở Sóc Trăng- Ảnh 4.
Lạ lùng nghĩa địa heo năm móng trong ngôi chùa hơn 400 tuổi ở Sóc Trăng- Ảnh 5.
Lạ lùng nghĩa địa heo năm móng trong ngôi chùa hơn 400 tuổi ở Sóc Trăng- Ảnh 6.

Chùa Dơi là nơi cất giấu câu chuyện ly kỳ về heo năm móng. @hangocanhtu, @tinhtungtang_, @hieuhuynhtravel

Chùa Dơi - ngôi chùa cổ thiêng liêng

Chùa Dơi tên gốc là Wathserâytêchô - Mahatup được người dân đọc trại từ Mahatup thành "Mã Tộc". Ngoài cái tên Mã Tộc, tên gọi được dân gian gọi nhiều nhất là chùa Dơi bởi trong khuôn viên chùa có nhiều dơi cư ngụ. Năm 1999, chùa Dơi được công nhận là Di tích lịch sử và văn hóa cấp quốc gia

Với diện tích khoảng 4ha, chùa Dơi được bao bọc bởi khuôn viên rộng lớn nhiều cổ thụ xanh tốt. Trong tiếng Khmer, tup nghĩa là kháng cự, maha nghĩa là lớn, bởi vậy Mahatup còn được gọi là trận kháng cự lớn. Chính tại nơi này xưa kia đã diễn ra cuộc nổi dậy của nông dân chống lại nhà cầm quyền , kể từ sau trận đánh ác liệt đó, người dân tản cư trở về làm ăn, sinh sống. Bởi vậy mà người ta cho rằng vùng đất này lành nên xây chùa thờ Phật.

Lạ lùng nghĩa địa heo năm móng trong ngôi chùa hơn 400 tuổi ở Sóc Trăng- Ảnh 7.
Lạ lùng nghĩa địa heo năm móng trong ngôi chùa hơn 400 tuổi ở Sóc Trăng- Ảnh 8.
Lạ lùng nghĩa địa heo năm móng trong ngôi chùa hơn 400 tuổi ở Sóc Trăng- Ảnh 9.
Lạ lùng nghĩa địa heo năm móng trong ngôi chùa hơn 400 tuổi ở Sóc Trăng- Ảnh 10.
Lạ lùng nghĩa địa heo năm móng trong ngôi chùa hơn 400 tuổi ở Sóc Trăng- Ảnh 11.
Lạ lùng nghĩa địa heo năm móng trong ngôi chùa hơn 400 tuổi ở Sóc Trăng- Ảnh 12.

Chùa Dơi là điểm đến thu hút du lịch ở Sóc Trăng. Tại chùa Dơi Sóc Trăng, ngoài được ngắm nhìn những bộ kinh được ghi trên lá cây thốt nốt, du khách còn được thưởng thức màn hòa tấu của dàn nhạc ngũ âm, ngắm ghe Ngo truyền thống của đồng bào người Khmer được bày trong chùa. @lehatruc, @hangocanhtu

Theo thư tịch cổ tại chùa, chùa Dơi được khởi công xây dựng năm 1569, tính đến nay, chùa đã được 455 tuổi đời. Chùa cũng từng trải qua nhiều lần trùng tu để giữ được hiện trạng như ngày nay. Cũng theo truyền lại, trong suốt những năm tháng hình thành, ngôi chùa đã trải qua 19 đời Đại Đức nhưng do mai một, thất lạc mà đời nay chỉ biết được 8 đời Đại Đức (từ đời thứ 12 đến 19). 8 đời Đại Đức lần lượt là ông Lâm Men, ông Tham, ông Ngô Sển, ông Sâm, ông Lét, ông Thạch Chia, ông Thạch Kiều Đốc và ông Kim Rên.

Có một điều kỳ lạ được người dân xung quanh chùa kể lại rằng, chẳng biết đàn dơi trong chùa có từ bao giờ, chỉ biết chúng chỉ quanh quẩn trong phạm vi chùa Dơi mà thôi. Đến thăm chùa Dơi vào buổi chiều tà, du khách sẽ được ngắm nhìn đàn dơi ùa ra đi kiếm ăn.

Lạ lùng nghĩa địa heo năm móng trong ngôi chùa hơn 400 tuổi ở Sóc Trăng- Ảnh 13.
Lạ lùng nghĩa địa heo năm móng trong ngôi chùa hơn 400 tuổi ở Sóc Trăng- Ảnh 14.

Cuốn Địa chí Sóc Trăng soạn thảo năm 1937 cũng từng đề cập đến loài dơi quạ hiện đang cư ngụ ở chùa Dơi. Trước kia, thịt dơi quạ đã từng là món nhậu khoái khẩu của dân miệt vườn xưa nhưng do săn bắt nhiều, chúng tản đi và tụ về sống trong vườn chùa Mã Tộc. Loài dơi quạ này to xấp xỉ con mèo, nặng chừng 1 cân, mặt phủ đầy lông vàng tựa như mặt chó, sải cánh rộng cỡ 1.5m. Loài dơi này tinh khôn vô cùng, chúng ăn trái cây nhưng lại không ăn quả trong vườn chùa. Khi xẩm tối chúng ùa đi kiếm ăn ở xa và trở về chùa tầm sáng sớm hôm sau, chọn cho mình vòm cây chắc chắn và quây mình lại ngủ ngon lành.

Lạ lùng nghĩa địa heo năm móng trong ngôi chùa hơn 400 tuổi ở Sóc Trăng- Ảnh 15.

Những con dơi quạ ở chùa Dơi Sóc Trăng.

Truyền thuyết liêu trai về heo năm móng

Chùa Dơi thu hút các tín đồ du lịch không chỉ vì kiến trúc độc lạ, đậm màu sắc Khmer hay những con dơi lạ mà điều khiến người ta muốn tìm bằng được đến chùa Dơi vì câu chuyện truyền miệng về nghĩa địa heo năm móng - nơi chôn cất những linh hồn báo oán.

Cũng chẳng biết câu chuyện kỳ lạ này chỉ là lời đồn thổi để thu hút du lịch hay bên trong có chứa bí ẩn gì, nhưng quả thực khi nhìn thấy những nấm mộ vẽ hình những con heo năm móng, người ta lại cảm thấy rùng mình. Hơn hết, heo năm móng không phải nhân vật hư cấu, chúng có xuất hiện ngoài đời thực.

Đối với những người ham mê khám phá hoặc ưa thích những câu chuyện liêu trai, điều thật thật giả giả đan xen lẫn lộn luôn khơi dậy sự tò mò mạnh mẽ. Và những con heo năm móng này cũng vậy. Đằng sau những nấm mộ, là cả một câu chuyện dài.

Lạ lùng nghĩa địa heo năm móng trong ngôi chùa hơn 400 tuổi ở Sóc Trăng- Ảnh 16.

Những nấm mộ chôn cất heo năm móng ở khuôn viên chùa Dơi khiến nhiều người tò mò ghé thăm. Trên mỗi nấm mộ đều vẽ một hình con heo năm móng.

Có lẽ, sự kỳ bí đầy màu sắc liêu trai của nghĩa địa này xuất phát từ những lời đồn thổi heo năm móng là linh hồn của những người đã mất đầu thai, do kiếp trước làm nhiều điều ác mà hóa kiếp thành heo. Bởi vì là một linh hồn ác đầu thai, nên người ta đồn rằng, nhà nào xuất hiện heo năm móng sẽ gặp phải họa, bị linh hồn con heo năm móng quấy phá. Nhưng lại không được giết bỏ mà phải nuôi đến già, khi heo mất thì chôn cất, thờ cúng như người để "trả nghiệp".

Cũng chẳng biết nguyên cớ do đâu, những nhà có heo năm móng ấy không muốn "gánh họa" nên nghĩ rằng "thảy heo" đến chùa để hóa giải tai kiếp. Ở xứ trăm chùa này, người ta cũng tin rằng, chùa là nơi để những linh hồn ác có thể rửa tội, hóa kiếp trở thành điều tốt đẹp. Cứ thế, chùa Dơi trở thành nơi hóa giải tai kiếp heo năm móng. Thậm chí, có người còn đợi hoàng hôn buông xuống, chạy đến cổng chùa thả, thấy vậy các sư trong chùa cũng thu nhận và chăm sóc luôn.

Lạ lùng nghĩa địa heo năm móng trong ngôi chùa hơn 400 tuổi ở Sóc Trăng- Ảnh 17.

Sự tích "cô Năm Hợi" ở nghĩa địa heo năm móng

Theo Đại Đức nhà chùa, tục nuôi và chôn cất heo năm móng có từ khoảng năm 1989. Được biết, trong lúc quét dọn sân chùa, một người làm công quả thấy một con heo cái lạ xuất hiện ở cổng sau khuôn viên chùa. Con heo này rất kỳ lạ, chẳng sợ người, đuổi không đi, cứ ở lỳ một chỗ. Đặc biệt hơn ở chỗ, con heo này có 5 móng. Theo quan niệm của người Khmer, heo năm móng có linh tính, ắt do "con người hóa kiếp nên mới có 5 móng". Bởi vậy, vị "thí chủ" không mời này bỗng dưng trở thành "người nhà chùa", được gọi với cái tên "Năm Hợi".

Kể từ khi "cô Năm Hợi" vào ở trong chùa, "cô" tỏ ra hòa hợp với nơi này lạ thường. Buổi sáng, dậy sớm dạo quanh mọi nơi chẳng sợ người lạ, còn ghé cả chợ để người dân cho ăn. Cứ thế, sau này người dân trong vùng nuôi heo đẻ ra có năm móng thường mang gửi vào chùa. Đàn heo năm móng ở chùa Dơi ngày một nhiều, nhưng rất ngoan ngoãn, ban ngày chạy rong, đến bữa các sư cho ăn, tối sẽ lại về chuồng ngủ.

Hình ảnh con heo năm móng. Nguồn: Quốc Trung

Chuyện về "cô Năm Hợi" lạ lùng như vậy nên người ta cứ thêu dệt, đồn thổi đủ thứ kỳ lạ về con heo này. Năm 1996, khi sống tại chùa được 7 năm thì "cô Năm Hợi" qua đời vì tuổi già. Sau khi "Năm Hợi" rời đi, cũng như heo năm móng trước đây, đều được các sư mai táng, chôn cất trong nghĩa địa sau chùa. Nơi đây trở nên nổi tiếng một phần vì là nghĩa địa heo duy nhất ở miền Tây Nam Bộ.

Người ta cứ đắp lên nghĩa địa heo những câu chuyện huyễn hoặc, kỳ lạ như "heo thành tinh", "heo báo oán với tiếng kêu đêm khuya rùng rợn",... Tuy nhiên, với những người chăm sóc heo tại chùa đều khẳng định rằng việc nuôi dưỡng heo năm móng cũng như chôn cất heo sau khi mất là tôn trọng vào niềm tin của người dân bản xứ.

Với quan điểm nhà Phật, heo cũng là chúng sinh, nuôi heo và an táng heo cũng là tôn trọng một kiếp sống mà thôi. Dù câu chuyện có phần liêu trai, nhưng với niềm tin và tín ngưỡng của người dân Khmer, nghĩa địa heo cũng là một điểm thu hút khách du lịch khi đến tham quan chùa Dơi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày