Tại một ngôi làng nhỏ ở Nhật Bản mang tên Fudai, có một bức tường chắn sóng khổng lồ được xây dựng trong 12 năm với chi phí lên tới 30 triệu đô la (khoảng hơn 700 tỉ đồng) theo tỉ giá hiện nay. Tuy giá trị như vậy nhưng rất ít người biết
được câu chuyện về ông trưởng làng đã cho xây dựng chiếc đập chắn lũ này, người đã được coi như vị cứu tinh của ngôi làng sau khi cơn sóng thần khủng khiếp ngày 11 tháng 3 năm 2011 tràn vào Nhật Bản.
Cơn sóng dữ ngày đó cuốn trôi tất cả, nhưng không làm tổn hại gì ngôi làng nhỏ ở phía Đông Bắc Nhật Bản. Làng Fudai, tỉnh Iwate không có lấy một người chết hoặc mất tích, cũng chẳng có một ngôi nhà nào bị cuốn trôi, tất cả chỉ bị ướt át một chút. Hơn 3 nghìn người dân ở đây đều mang nợ ông cố trưởng làng Kotaku Wamura, người đã sống sót qua những cơn sóng thần lịch sử khác trong vài chục năm về trước. Người đàn ông này, trong nhiệm kỳ 40 năm của mình, đã bỏ qua tất cả những lời phản đối và gièm pha (kéo dài tới 12 năm) để xây dựng nên đập chắn sóng cùng với hồ nước nhân tạo khổng lồ nhằm bảo vệ mạng sống của dân làng.
Công trình đập chắn sóng tại Fudai. Vào những năm 1970, công trình này bị dân làng "ném đá" và chỉ trích thậm tệ vì cho rằng nó tiêu tốn quá nhiều. Cổng chính của con đập đã chắn mất đường dẫn từ sông ra biển, nơi làm ăn chính của dân chài ở làng Fudai. Nhưng nhờ có cánh cổng đó, ngôi làng đã được bảo vệ, không như nơi khác, nước tràn vào và xóa sổ tất cả. Hai tháng sau thảm họa, người ta ước tính đã có khoảng hơn 20 nghìn người chết hoặc mất tích. Người dân trong làng tới thăm mộ ông Wamura nhiều hơn. Satoshi Kaneko, một người dân chài, cho biết: "Con đập đã tiêu tốn một số tiền lớn. Nhưng nếu không có nó, hẳn là Fudai đã biến mất". Người đàn ông này cho biết thêm, toàn bộ công việc của ông bị ngưng trệ vì tàu đã bị đắm khi nước lên, nhưng quan trọng là gia đình và ngôi nhà của ông vẫn còn nguyên vẹn.
Thị trưởng hiện tại của Fudai, ông Hiroshi Fukawatari, cho biết: "Hiệu quả của con đập và những cánh cổng thật sự là rất ấn tượng". Những thị trấn cũng như thành phố khác từ Bắc chí Nam đều có đập chắn sóng, nhưng không nơi nào cao như Fudai. Thị trấn Taro, một nơi khác cũng có đập với 2 lớp tường cao 10 mét, cách nhau khoảng hơn 2 cây số, nhưng cũng không chống chọi được với những cơn sóng thần khủng khiếp này.
Những người lính Nhật Bản đang cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số. Có tới hơn 25 nghìn người đã thiệt mạng trong thảm họa này. Tại Fudai, mực nước cao nhất đo được tới hơn 20 mét. Dù nước biển có tràn vào trong làng thì thiệt hại mà họ phải chịu cũng tương đối nhỏ. Con đập gần như đã chịu gần hết những "cú đấm" đến từ cơn sóng thần. Và họ còn may mắn vì phía sau con đập vẫn còn hai sườn núi, như là một bức tường phòng vệ của tự nhiên vậy.
Làng Fudai, nay đã là thị trấn Fudai, cách Tokyo chừng 500 cây số về phía Bắc. Họ phụ thuộc vào biển rất nhiều. Người dân ở đây thường khai thác rong biển và đánh cá. Ngành du lịch cũng kiếm bộn nhờ vào bãi cát trắng trải dài bên bờ biển xanh ngắt. Nhưng không vì vậy mà ông trưởng làng Wamura quên được cơn sóng thần năm xưa. Những cơn động đất đi kèm sóng thần đã giết tới hơn 400 người cùng với hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi vào những năm 1896 và 1933 tại bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản.
"Khi tôi thấy những xác chết được đào lên từ dưới đất đá, tôi gần như không thể nói gì được cả." - Trích cuốn sách "40 năm chống lại sự nghèo đói" của ông Wamura khi nói về cơn sóng thần năm 1933. Nhưng ông đã thề, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra với quê hương ông nữa. Và vào năm 1967, công trình đập chắn sóng cao 15,5 mét bắt đầu được xây dựng phía sau cảng cá. Tuy nhiên với ông Wamura, như vậy là chưa đủ. Ông còn một dự án khác quan trọng không kém: xây dựng một hồ chứa nước nhân tạo phía sau con đập, cách xa nơi mà người dân sinh sống. Khu vực này cần có cánh cổng tháo nước để đưa nước từ sông Fudai vào trong hồ cũng như lượng nước biển tràn vào do sóng thần nhằm làm giảm áp lực nếu nước vượt qua được con đập chắn sóng. Ông quả quyết rằng dự án này cũng phải được xây ở độ cao như bức tường "phòng thủ" kia. Ban đầu, hội đồng của làng tỏ ra ngần ngại trước kế hoạch này. Ông Yuzo Mifune, người đại diện cho dân làng khi đó và cũng là một nhân chứng lịch sử, cho biết: "Hội đồng không hoàn toàn phản đối ý tưởng này của ông Wamura, họ không đồng ý về kích thước cũng như chiều cao của hồ nhân tạo. Nhưng ông Wamura quả quyết rằng đây là cách duy nhất để bảo vệ người dân".
Thị trưởng đương nhiệm Fukawatari với sự nghi ngờ nhất định. Hồ chứa nước nhân tạo được xây dựng vào năm 1972, khi vẫn có những tranh cãi xung quanh công trình này cũng như sự bực tức, oán thán và chế giễu chính quyền của những người dân bị buộc phải bán đất giải tỏa cho chính quyền nhằm phục vụ công trình. Ngay cả thị trưởng đương nhiệm Fukawatari, người đã giúp giám sát xây dựng công trình, cũng có những nghi ngờ của mình. "Tôi đã tự hỏi liệu chúng tôi có cần một thứ lớn thế này không?", ông nói trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của ông. Công trình phức tạp này đã hoàn thành vào năm 1984, với chu vi lên tới 205 mét. Khoản tiền xây dựng trị giá 3,56 tỉ yên được thanh toán bởi chính phủ và chính quyền tỉnh Iwate, được coi như một khoản tiền tài trợ xây dựng các dịch vụ cộng đồng như một phần của chiến lược hồi phục kinh tế sau đại chiến thế giới lần 2.
Vào ngày 11 tháng 3, khi cơn động đất mạnh 9 độ Richter xảy ra, ngay lập tức các công nhân tại đây đã đóng ngay bốn cổng xả nước chính. Một số cổng xả nước nhỏ gặp vấn đề và phải đóng lại bằng tay với sự trợ giúp của các nhân viên cứu hỏa. Cơn sóng thần tràn vào, cùng với mảnh vỡ và những cành cây bị đổ, nhưng không gây thiệt hại gì cho người dân. Quang cảnh của ngôi trường tiểu học Fudai cạnh đó không khác gì so với một ngày trước. Chỉ có vài nhóm học sinh nam có tiết thể dục trong ngày được cử đi để dọn dẹp những thiệt hại gây ra cho trường cũng như những nơi xung quanh. Thầy giáo thể dục, Sachio Kamimukai, 36 tuổi, cho biết ông không nghĩ nhiều về công trình của ông Wamura cho tới khi cơn sóng thần ập đến. Nhưng giờ, người đàn ông này cũng như hàng ngàn con người khác biết ơn ông trưởng làng đã công tác 10 nhiệm kỳ này rất nhiều.
Những học sinh này đang dọn dẹp các thứ còn lại sau cơn sóng thần. Thiệt hại lớn nhất mà Fudai phải nhận là bến cảng, nơi những con tàu, nhà kho cũng như các thiết bị của những người dân chài. Thị trấn ước tính thiệt hại họ phải chịu vào khoảng 3,8 tỉ yên (tương đương với 47 triệu đô la - khoảng 1 nghìn tỉ đồng). Thiệt hại duy nhất về nhân mạng là một cư dân ở lại bến cảng. Người đàn ông này đã có một quyết định sai lầm khi ra xem chừng chiếc tàu của mình khi cơn sóng thần ập đến.
Về phần ông trưởng làng Wamura, ông đã qua đời vào năm 1997 ở tuổi 88. Ông từ nhiệm vào 3 năm trước khi hồ nhân tạo hoàn thành. Khi nghỉ hưu, người đàn ông này đã có lời chào tạm biệt với những công chức trong làng rằng: "Ngay cả khi bạn gặp phải sự phản đối dữ dội, hãy vững tin và hoàn thành công việc mà bạn đã bắt đầu. Khi mọi chuyện xảy đến, lúc đó mọi người sẽ hiểu".