Ký ức vị tướng hành quân 1.700 km, xé tuyến 'tử thủ' Sài Gòn

KIM THƯỢC - THY HUỆ/ VTCNews, Theo vtcnews.vn 11:27 01/05/2025
Chia sẻ

Hành quân 1.700 km, chiến đấu quyết liệt xé toang tuyến phòng thủ “tử thù” của địch, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng đơn vị mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 30/4/1975, những binh đoàn thần tốc của Quân Giải phóng ào ạt tiến vào Sài Gòn. Ít ai biết, để có được thời khắc lịch sử ấy, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu (khi đó mới 28 tuổi) đã chỉ huy Trung đoàn 27 Triệu Hải vượt hơn 1.700 km từ Tam Điệp, Ninh Bình vào Quảng Trị, sau đó tiếp tục đánh mũi thọc sâu từ cánh Bắc theo trục đường 13, chiếm cầu Vĩnh Bình, giải phóng Sài Gòn.

Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu (nay là Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng) chia sẻ với Báo Điện tử VTC News hành trình nghẹt thở ấy bằng hồi ức sống động của một người lính từng đối mặt sinh tử để góp phần tạo nên khoảnh khắc lịch sử của dân tộc.

Ký ức vị tướng hành quân 1.700 km, xé tuyến 'tử thủ' Sài Gòn- Ảnh 1.

Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu hạ quyết tâm cùng đơn vị đánh chiếm mục tiêu ở Gò Vấp. (Ảnh: NVCC)

- Là người chỉ huy Trung đoàn 27 trực tiếp tham gia mũi tiến công vào nội đô Sài Gòn, ông cảm nhận không khí chiến trường những giờ phút cuối cùng trước thời khắc 11h30 trưa 30/4/1975 thế nào?

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 Triệu Hải, thuộc Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1, Binh đoàn Quyết thắng. Ngày 18/3/1975, tôi nhận lệnh chỉ huy trung đoàn hành quân cơ giới từ Tam Điệp (Ninh Bình) vào Đông Hà (Quảng Trị) để làm lực lượng dự bị cho chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng.

Diễn biến chiến trường lúc đó phát triển rất nhanh. Ngày 23/3, trung đoàn chúng tôi vừa vào đến Huế thì chỉ ba ngày sau, ngày 26/3, thành phố đã được giải phóng. Chúng tôi nhận lệnh vượt đèo Hải Vân tiến vào bán đảo Sơn Trà. Đến ngày 29/3, Đà Nẵng cũng được hoàn toàn giải phóng.

Ngay sau đó, chúng tôi được lệnh quay trở lại Đông Hà để hành quân thần tốc vào Nam, tập kết ở Đồng Xoài, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trung đoàn lúc đó có khoảng 2.000 người, cộng thêm lực lượng tăng cường phối thuộc là khoảng 1.000 nữa, tổng cộng khoảng 3.000 người. Khi vượt đèo Ang Bun (phía Tây Thừa Thiên Huế), mùa khô, đất đỏ ba-zan bụi mù mịt, cán bộ chiến sĩ phủ bụi như tuyết, chỉ còn nhìn rõ mắt và mũi.

Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi nhận được mệnh lệnh qua tín hiệu 15W: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!", bức mật lệnh có kí tên Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Tôi phổ biến ngay mệnh lệnh này cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trong Trung đoàn. Anh em dù rất mệt nhưng như bừng tỉnh, tiếp tục hành quân suốt ngày đêm. Chủ yếu ăn lương khô, gạo rang, thịt hộp. Chỗ nào có suối thì dừng lại nấu cơm.

Chúng tôi hành quân thần tốc đến Đồng Xoài và rạng sáng 26/4 bắt đầu nổ súng. Từ Tây Nguyên, trung đoàn đánh qua Bình Chuẩn, rồi tiến vào khu vực tập kết phía Búng, cách Lái Thiêu khoảng 10 cây số.

Tối 29/4, tôi cùng Chính ủy Trịnh Minh Thư và tổ trinh sát men theo bìa rừng và nghĩa địa để vào tìm cơ sở cách mạng theo hiệp đồng. Khi phát hiện một căn nhà lá có ánh đèn mờ, chúng tôi phát tín hiệu: “Hồ Chí Minh!”. Một lát sau, có tiếng đáp lại: “Muôn năm!”. Đúng là cơ sở của ta.

Ký ức vị tướng hành quân 1.700 km, xé tuyến 'tử thủ' Sài Gòn- Ảnh 2.

Từ trái qua: Má Sáu Ngẫu (thứ 3) cùng Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu (thứ 4) và các cán bộ Trung đoàn 27 Triệu Hải trong đêm. (Ảnh: NVCC)

Chúng tôi được một bà má và hai người con (em Phước 16 tuổi và em Đức 14 tuổi) đón vào nhà. Tôi nói : “Thưa má, con là chỉ huy quân giải phóng. Ngày mai đơn vị chúng con sẽ đánh vào Sài Gòn từ trục đường 13, chiếm cầu Vĩnh Bình và Bộ Tư lệnh Thiết giáp ở Gò Vấp. Má có thông tin gì xin cung cấp giúp để chúng con hoàn thành nhiệm vụ".

Má vào buồng, một lúc sau mang ra bản đồ thành đô với chữ viết tay rất đẹp. Sau này tôi mới biết, má từng dạy tiếng Pháp tại Sài Gòn, là cơ sở cách mạng lâu năm.

Má nói: “Cách đây 5 cây số có trại Huỳnh Văn Lương, khoảng 2.000 hạ sĩ quan, sĩ quan VNCH. Đại tá chỉ huy trại rất lo sợ. Các con nên kêu gọi đầu hàng, đừng đánh vào đó. Nếu muốn vào Sài Gòn, phải nhanh chóng đánh chiếm cầu Vĩnh Bình, nơi phòng thủ cuối cùng”.

Tôi hỏi còn đường nào khác không. Má bảo chỉ có đường sắt, chỉ đi bộ binh được, xe tăng không thể đi. Rồi má nói, sáng hôm sau, má và hai con sẽ lên xe tăng dẫn đường. Tôi nói: “Thưa má, má lớn tuổi, các em còn nhỏ. Chúng con đánh xong sẽ quay lại cảm ơn má và đồng bào".

Đúng 4h30 sáng 30/4, Trung đoàn bắt đầu tiến công theo đúng phương châm "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", bỏ qua các mục tiêu vòng ngoài, đánh thẳng vào mục tiêu chủ yếu.

Tại ngã ba Quả Nã Siêu, chúng tôi bắn cháy 3 xe của địch, bắt sống khẩu đội pháo 175. Sau đó dùng toàn bộ sức mạnh cơ giới tiến công cầu Vĩnh Bình, nơi được bà má cảnh báo là tử địa, có rào thép gai và thùng phi cát cản đường.

Đến khoảng 9h, xe của đồng chí Hoàng Trọng Bạc, Đại đội trưởng xe tăng bị hỏng. Anh Bạc đã dũng cảm xuống chỉ huy bộ binh tiếp tục chiến đấu, bắn cháy 3 xe địch, sau đó anh bị thương nặng và hy sinh. Trung đoàn chiếm được cầu Vĩnh Bình.

Chúng tôi đưa đồng chí Bạc lên xe, tiếp tục tiến công. Đến khoảng 10h, đã chiếm được Bộ Tư lệnh Thiết giáp địch, 13 căn cứ khác và tiếp quản Tổng Nghị viện. Chúng tôi đã bắt sống Chuẩn tướng Phạm Hà Thanh, Cục trưởng Cục Quân y Việt Nam Cộng hoà.

Tôi hỏi ông ta về tình hình Bệnh viện 175. Ông Thanh nói có 400 nhân viên y tế, đang điều trị 200 thương binh. Tôi yêu cầu ông đảm bảo nếu tiếp nhận thương binh ta, không được để xảy ra sơ suất, nếu không ông phải chịu trách nhiệm.

Ông Thanh còn hỏi tôi tiêu chuẩn ăn của quân giải phóng. Tôi nói phải cho ăn tiêu chuẩn cao nhất. Ông tính toán, đáp ứng được 15 ngày, sau đó lấy từ kho Nhà Bè. Tôi đồng ý! Sau đó, thương binh ta từ nhiều hướng bắt đầu đưa về. Trung đoàn hoàn thành toàn bộ mục tiêu chiến dịch được giao.

Sáng 1/5, tôi chỉ huy 3 xe quay lại căn nhà má Sáu Ngẫu. Nhân dân hai bên đường ùa ra đón mừng, vẫy cờ, tặng hoa quả như chôm chôm, sầu riêng, xoài... không khí chiến thắng vỡ òa.

Hôm sau, Báo Quân đội Nhân dân đăng tin: “Bà má tham mưu của trung đoàn”. Nhạc sĩ Văn Thành Nho phổ thành ca khúc “Tấm bản đồ má trao” và bài hát ấy cứ mỗi dịp 30/4 lại vang lên trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Hành trình hành quân thần tốc từ Tam Điệp vào đến Sài Gòn gần 1.700 km là một trong những chặng đường không thể nào quên trong đời quân ngũ của tôi. Đó là thời khắc lịch sử "có một không hai" mà chúng tôi - những người lính đã được sống, được chứng kiến, được góp sức hoàn thành lời căn dặn thiêng liêng của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào - Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn...”.

Ký ức vị tướng hành quân 1.700 km, xé tuyến 'tử thủ' Sài Gòn- Ảnh 3.

Trung đoàn 27 tấn công giải phóng Lái Thiêu. (Ảnh: NVCC)

- Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, sự xuất hiện của tấm bản đồ viết tay do má Sáu Ngẫu trao tặng có thể xem là chi tiết "đắt giá" thể hiện tình quân dân keo sơn. Theo ông, những chi tiết như vậy có giá trị chiến lược ra sao trong một chiến dịch thần tốc và phức tạp như chiến dịch Hồ Chí Minh?

Sự xuất hiện của tấm bản đồ viết tay do má Sáu Ngẫu trao tặng thực sự là một chi tiết “đắt giá”, không chỉ thể hiện tình quân dân keo sơn, mà còn mang giá trị chiến lược quan trọng.

Tấm bản đồ ấy không chỉ là bản đồ địa hình. Nó là kết tinh của sự quan sát, trí tuệ và cả máu thịt của một người dân đã âm thầm theo dõi địch, ghi nhớ từng ngóc ngách, từng lối đi, từng cứ điểm quan trọng. Và quan trọng hơn cả, chính má đã đưa ra một lời khuyên mà tôi nghĩ, nếu không có, chúng tôi có thể đã phải trả giá bằng rất nhiều máu.

Má bảo: “Không nên ham đánh vòng ngoài, phải tập trung vào mục tiêu chính. Đánh nhanh, gọn để giảm thương vong”.

Và thực tế, nhờ chiến lược ấy, hơn 2.000 lính địch đã nhanh chóng đầu hàng. Chúng tôi thẳng tiến đánh chiếm mục tiêu trung tâm, giảm thiểu tổn thất lớn cho bộ đội và cả người dân trong nội đô.

Chúng tôi vẫn gọi má bằng cái tên thân thương “Bà má tham mưu của Trung đoàn”. Bởi lẽ, má không chỉ là hậu phương, là nơi tiếp tế, mà còn là người có vai trò như một chiến sĩ trinh sát đặc biệt, góp phần làm nên thắng lợi to lớn ấy, trong thời gian ngắn nhất, với thương vong ít nhất.

- Từ góc nhìn người trong cuộc, ông nhận định thế nào về quyết tâm “đánh nhanh, thắng nhanh” của Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, và việc tổ chức phối hợp giữa các mũi tiến công?

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, quyết tâm “đánh nhanh, thắng nhanh” không phải là quyết định bộc phát, mà là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, được hoạch định từ tầm nhìn chiến lược của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị.

Ban đầu, kế hoạch giải phóng miền Nam được đặt ra trong hai năm (1975 và 1976). Nhưng khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn và giành thắng lợi lớn , thế trận địch lập tức rạn vỡ. Sự sụp đổ dây chuyền từ Tây Nguyên đến Huế, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đã tạo nên một thời cơ “ngàn năm có một”.

Và trong chiến tranh, thời cơ quý hơn vàng. Đó cũng chính là nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam, đánh bằng mưu kế và thế trận, thắng địch bằng thế thời. Chớp lấy thời cơ đó, Đảng ta đã có một quyết định lịch sử: phải giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4 năm 1975.

Tinh thần chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vang lên như một mệnh lệnh từ trái tim: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút! Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”

Và chính nhờ sự chỉ đạo đó, chúng ta không dàn hàng ngang đánh vòng ngoài, mà tập trung hỏa lực, tốc độ và tinh thần vào các mục tiêu trọng yếu bên trong nội đô để kết thúc chiến dịch một cách nhanh gọn, giảm thương vong tối đa cho bộ đội và đồng bào.

Cũng nhờ vậy, Sài Gòn - Gia Định gần như còn nguyên vẹn trong ngày 30/4, như một biểu tượng thiêng liêng của hòa bình và thống nhất non sông.

Ký ức vị tướng hành quân 1.700 km, xé tuyến 'tử thủ' Sài Gòn- Ảnh 4.

Ban chỉ huy Trung đoàn 27 tại Nhà Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Thiết giáp quân Việt Nam Cộng hoà chiều 30/04/1975. (Ảnh: NVCC)

- Ông từng nói “30/4 là ngày tôi khóc nhiều nhất trong đời binh nghiệp”. Điều gì khiến một người lính từng xông pha hàng trăm trận chiến phải rơi lệ trong thời khắc chiến thắng?

Tôi từng trải qua hàng trăm trận đánh, từ Quảng Trị, Bình Trị Thiên, đến miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đã thấy máu đổ, thấy đồng đội ngã xuống không đếm xuể. Nhưng chưa bao giờ tôi khóc như ngày 30/4/1975.

Ký ức vị tướng hành quân 1.700 km, xé tuyến 'tử thủ' Sài Gòn- Ảnh 5.

tuong-hieu.jpgÔng Nguyễn Huy Hiệu

Đó không chỉ là nước mắt mừng vui. Mà là nước mắt dồn nén suốt hơn 20 năm kháng chiến trường kỳ, đầy gian khổ và hy sinh của cả dân tộc. Đó là nước mắt cho những tháng ngày chiến đấu trong khắc nghiệt, cho biết bao đồng chí, đồng bào đã ngã xuống mà không kịp chứng kiến ngày đất nước sạch bóng quân thù.

Ngày toàn thắng, cả dân tộc vỡ òa. Nhân dân ôm lấy quân giải phóng mà khóc, mà cười, không ai nói nên lời. Đó là giấc mơ của ông cha ta, giấc mơ về một đất nước thống nhất, độc lập, tự do. Giấc mơ mà Bác Hồ hằng mong mỏi.

Trong niềm vui ấy, cũng là những đau thương lặng thầm. Tôi nhớ mãi đồng chí Hoàng Trọng Hạc khi chỉ còn ít giờ nữa là chiến thắng, anh đã lấy thân mình che đạn cho chiến sĩ, hy sinh ngay trên cầu Vĩnh Bình.

Sau này, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng. Ngày vui lớn nhất cũng là ngày mà tôi đau đáu nhất, vì niềm vui ấy được đánh đổi bằng máu, bằng nước mắt, bằng cả một cuộc trường chinh dân tộc.

- Sau chiến dịch, ông đã đi khắp miền Nam để ổn định địa bàn và tiếp quản hậu phương. Có điều gì trong công tác "hậu chiến" khiến ông trăn trở hay suy ngẫm nhiều nhất?

Sau niềm vui chiến thắng, điều trăn trở nhất trong tôi là làm sao để tri ân được đồng chí, đồng đội, đồng bào một cách trọn vẹn và có trách nhiệm nhất.

Chúng tôi biết, phía sau cờ hoa còn rất nhiều người nằm lại. Nên ngay sau chiến dịch, tôi và anh em lại tiếp tục cuộc hành quân. Lần này không phải để chiến đấu, mà là để đi tìm đồng đội. Họ vẫn đang nằm lại đâu đó trên khắp các chiến trường miền Nam. Đặc biệt là ở vùng nội đô Sài Gòn – Gia Định.

Chúng tôi cũng cùng với địa phương và gia đình xây mộ cho má Sáu Ngẫu, người đã trao cho chúng tôi tấm bản đồ quý giá, góp phần giúp Trung đoàn 27 đánh trúng mục tiêu chính, giảm thương vong.

Sau này, má đã được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Giờ đây, chúng tôi vẫn đang tiếp tục đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho má, một người mẹ, một người tham mưu, biểu tượng của lòng yêu nước thầm lặng và bền bỉ.

Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất sau chiến tranh, là mình không được quên. Và phải làm tất cả những gì có thể để đền đáp cho những người đã hy sinh mà không kịp thấy ngày toàn thắng.

Cảm ơn những chia sẻ của Thượng tướng!

Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII, IX, X), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã chiến đấu và tham gia 4 chiến dịch lớn: Chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến dịch Đường 9 Nam Lào 1971, Chiến dịch mùa hè đỏ lửa 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.

26 tuổi, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và đến năm 40 tuổi được phong quân hàm Thiếu tướng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày