(Ảnh: AP)
Chính phủ Trung Quốc xác nhận nguồn gốc virus bệnh viêm phổi "lạ"
Chưa đầy 1 tuần sau khi Trung Quốc loan tin ký kết thành công thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 với Mỹ, Bắc Kinh đã bị đẩy vào cuộc khủng hoảng mới có nguy cơ làm rạn nứt nền kinh tế vốn đang trên đà trì trệ - theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc sáng nay, 22/1, tổ chức họp báo về tình hình bệnh dịch ở nước này. Phó chủ nhiệm Ủy ban vệ sinh an toàn sức khỏe nhà nước Trung Quốc, ông Lưu Bân, đã giới thiệu về công tác phòng chống bệnh viêm phổi truyền nhiễm do virus corona (coronavirus) mới.
Theo ông Lưu, Trung Quốc xác nhận đã có 440 ca bị lây nhiễm bệnh dịch, trong đó 9 trường hợp tử vong. Nhà chức trách cũng đã xác định được 2.197 người "tiếp xúc dày đặc" với virus, hiện có 765 người được dỡ bỏ quan sát y tế, vẫn còn 1.394 người đang được theo dõi.
Cũng trong họp báo, viện sĩ Viện khoa học Trung Quốc, chủ nhiệm Trung tâm kiểm soát phòng chống dịch bệnh Trung Quốc Cao Phúc cho biết, virus corona mới có nguồn gốc từ một cửa hàng kinh doanh phi pháp động vật hoang dã ở một chợ hải sản Vũ Hán. Ông này nói, thể virus này không dễ lây nhiễm đối với nhi đồng và người nhỏ tuổi.
Trong khi đó, theo báo Asian Times, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có thể sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng liên quan đến vụ bùng phát dịch viêm phổi tại Trung Quốc.
Virus ban đầu xuất hiện ở thành phố Vũ Hán và được cho là đã lan truyền đến 20 thành phố khác ở Trung Quốc, với rủi ro "mang lại tác động tiêu cực" lên tăng trưởng kinh tế - Shao Yu, nhà kinh tế trưởng của Orient Securities tại Thượng Hải, cảnh báo. Ông nói rằng vẫn còn quá sớm để có thể tính toán hết những hậu quả dài hạn mà virus dịch bệnh này gây ra.
Trung Quốc đã thành công trong việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 (6.0-6.5%) khi duy trì tỉ lệ tăng trưởng ở mức 6.1%, bất chấp chiến tranh thương mại với Mỹ. Điều này một phần nhờ vào các chính sách kích thích của ngân hàng trung ương và chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Shen Jianguang, nhà kinh tế học từng làm việc tại JD Digit, nói rằng "còn quá sớm để dự báo những phản ứng về mặt chính sách như nới lỏng chính sách tiền tệ".
Vào năm ngoái, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu các quan chức Trung Quốc phải sẵn sàng cho những rủi ro "tê giác xám", "thiên nga đen" hay những sự cố bất ngờ. Chiến tranh thương mại với Mỹ, cùng với các cuộc biểu tình bùng lên ở Hồng Kông từ giữa năm 2019, thường được giới học giả mô tả là những sự kiện "thiên nga đen" của năm này.
"Tê giác xám" (gray rhino) là cụm từ chỉ những nguy cơ khá rõ ràng nhưng thường bị bỏ qua, còn "thiên nga đen" (black swan) chỉ những sự kiện khó dự báo trước và thường gây ra sự hỗn loạn trên thị trường.
Guan Qingyou, nhà kinh tế học tại Minsheng Securities, viết trên Weibo: "Thiên nga đen luôn tới theo những cách không ngờ". Những người theo dõi trang của ông đã tranh cãi về mức độ ảnh hưởng mà virus cúm Vũ Hán có thể gây ra với nền kinh tế, thậm chí có ý kiến tin rằng tác động của sự kiện này có thể lớn hơn cả thương chiến.
Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại IHS Markit, lưu ý rằng dịch cúm Vũ Hán bùng phát là "bước tiến dẫn đến tiềm tàng rủi ro kinh tế lớn đối với khu vực", sau khi virus được xác nhận là có thể lây nhiễm từ người sang người chỉ vài ngày trước khi Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ Tết Âm lịch kéo dài 1 tuần.
"Xuân vận" - cuộc về quê ăn Tết lớn nhất trong năm của người dân Trung Quốc, làm tăng thêm lo ngại dịch cúm lây lan ra nhiều địa phương (Ảnh: Reuters)
Ký ức kinh hoàng về dịch SARS tái hiện
Sự bùng phát của dịch cúm mới, mang theo những ký ức kinh hoàng về đại dịch hô hấp cấp SARS năm 2003, khiến nhu cầu đối với các sản phẩm y tế như khẩu trang tăng vọt, trong khi nhiều người buộc phải thay đổi kế hoạch trong kỳ nghỉ lễ.
Vũ Hán - thành phố có dân số lớn hơn London, đồng thời là một trung tâm trong mạng lưới đường sắt của Trung Quốc - đã thực hiện các biện pháp kiểm soát tại sân bay và ga tàu, đình chỉ nhiều tour du lịch, và khuyến cáo người dân từ nơi khác hủy hoặc dời lại kế hoạch di chuyển đến thành phố này.
Một số nền tảng đặt tour trực tuyến đã cho phép người dùng hủy miễn phí lịch trình đến Vũ Hán, cũng như hoàn tiền toàn bộ đối với những người đã bị cách ly hoặc chẩn đoán nhiễm virus.
Hoạt động tiêu dùng, vui chơi giải trí và du lịch trong kỳ nghỉ Tết Âm lịch được dự báo chịu tác động do lo ngại của công chúng khi dịch viêm phổi bùng phát.
Theo Bộ thương mại Trung Quốc, các hãng bán lẻ và nhà hàng đã đạt doanh số 1.000 tỉ tệ (146 tỉ USD) trong kỳ nghỉ Tết năm ngoái, trong khi ngành du lịch thu về 513.9 tỉ tệ (75 tỉ USD).
Khu vực tiêu dùng được cho là sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất, đặc biệt tại các thành phố then chốt của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến - nơi đã có các ca mắc bệnh được xác nhận. Xu Jianwei, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis, cảnh báo các khách sạn và hãng lữ hành sẽ phải lao đao.
Dịch SARS 2003 đã khiến 349 người chết tại Trung Quốc và ảnh hưởng 5.000 người khác trên cả nước, khiến kinh tế nước này bị chậm lại trong Quý II năm 2003, trước khi tăng tốc trở lại.
Doanh số bán lẻ và đầu tư nước ngoài cũng giảm trong thời gian ngắn, với tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 10.0% trong năm 2003, tăng từ 8.3% trong năm 2002.
Zhong Nanshan, chuyên gia hàng đầu về SARS, giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm nhà nước về bệnh hô hấp (Trung Quốc), phát biểu trong cuộc họp báo ở Vũ Hán ngày 20/1, trấn an rằng "tác động xã hội và thiệt hại kinh tế" do virus corona gây ra sẽ không lớn như dịch SARS 17 năm trước.