Ký ức 116 ngày làm nên kỳ tích của nền y học Việt Nam, đưa bệnh nhân 91 nhiễm Covid-19 từ cõi chết trở về: “Đó là điều đặc biệt nhất trong cuộc đời bác sĩ của chúng tôi”

WCA, Theo WCA 22:52 12/01/2021

116 ngày chạy chữa là khoảng thời gian Ê-kíp điều trị “đi trên dây”, căng não với từng quyết định để đưa nam phi công thoát khỏi lưỡi hái tử thần, hồi phục kỳ diệu trở về nước.

Kể từ lúc nam phi công người Anh được xác định nhiễm Covid-19, trở thành bệnh nhân số 91 tại Việt Nam, các y bác sĩ, nhân viên y tế dường như quên mất định nghĩa về mặt thời gian mà lao vào cuộc chiến mới đầy cam go. 116 ngày chạy chữa là khoảng thời gian Ê-kíp điều trị "đi trên dây", căng não với từng quyết định để đưa nam phi công thoát khỏi lưỡi hái tử thần, hồi phục kỳ diệu trở về nước.

"Nếu ở bất cứ nơi nào khác, tôi có lẽ đã chết"

Nam phi công người Anh xúc động chia sẻ trên BBC khi tỉnh dậy sau chuỗi ngày chìm trong hôn mê vì Covid-19. 116 nằm viện, có những lúc tưởng chừng bệnh nhân 91 đã phải dừng lại hành trình ngắn ngủi của mình ở tuổi 43 khi 2 lá phổi đông đặc hoàn toàn, máu huyết không thể lưu thông.

Nhưng bằng chính sự nỗ lực của toàn bộ Ê-kíp điều trị, cánh cửa tử thần khép lại, ánh sáng đã được tìm thấy nơi cuối đường hầm để rồi nam phi công dần dần hồi phục, quay trở về nước trên chính máy bay do mình từng cầm lái. Trong suốt quá trình nam phi công điều trị tại Việt Nam tại 2 bệnh viện lớn ở TP.HCM, Ê-kíp điều trị đứng ngồi không yên, dường như quên ăn quên ngủ khi những chỉ số "sự sống" của bệnh nhân liên tục nhảy múa, lên xuống thất thường.

Chúng tôi dành chuyến đi đặc biệt nhất vào những ngày cuối năm 2020 để tìm gặp lại những người trong Ê-kíp điều trị cho bệnh nhân 91. Giờ đây, những y bác sĩ làm công tác chăm sóc và điều trị cho nam phi công đã trở lại cuộc sống thường nhật nhưng khi nhắc lại, ai cũng có cho mình những ký ức không thể nào quên.

Ký ức 116 ngày làm nên kỳ tích của nền y học Việt Nam, đưa bệnh nhân 91 nhiễm Covid-19 từ cõi chết trở về: “Đó là điều đặc biệt nhất trong cuộc đời bác sĩ của chúng tôi” - Ảnh 1.

65 ngày "đi trên dây"

Chiều muộn, vừa cởi lớp áo bảo hộ, BS.CK2 Nguyễn Thanh Phong – Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vội vàng quay trở lại phòng họp giao ban để điều phối hoạt động của khoa. Gần một năm tham gia vào công tác cứu chữa bệnh nhân nhiễm Covid-19, bác sĩ Phong cùng đội ngũ nhân viên trong khoa đã trải qua rất nhiều ca nhiễm nặng nhưng hiếm có trường hợp nào "mịt mờ phương hướng" như bệnh nhân 91.

Nhớ lại những ngày đầu điều trị cho bệnh nhân 91, bác sĩ Phong chia sẻ khi mới nhập viện, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, đi lại bình thường nhưng lại không chịu ăn thức ăn Việt. Để chiều lòng, nhân viên y tế của bệnh viện đã phải liên hệ với nơi công tác của bệnh nhân là Vietnam Airlines để hỗ trợ đặt thức ăn riêng. Vài ngày sau bệnh nhân mới bị suy hô hấp tăng dần, cần được hỗ trợ hô hấp thở oxy mũi rồi phải thở máy xâm lấn, can thiệp ECMO ngay tại phòng cách ly áp lực âm…

"Tôi vẫn còn nguyên cảm giác bồi hồi, có chút căng thẳng khi lần đầu tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân 91. Bệnh nhân này có tải lượng virus cao so với những bệnh nhân thông thường nên nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế rất cao. Đặc biệt, diễn tiến bệnh của nam phi công luôn bất thường khiến các bác sĩ phải toát mồ hôi hột. Như khi mở khí quản cho bệnh nhân thì bất ngờ máu chảy liên tục, đang nằm thì bệnh nhân bị tràn khí màng phổi. Hay có thời điểm hai lá phổi của bệnh nhân bị đông đặc hoàn toàn, lằn ranh sinh tử vô cùng mong manh mà thuốc đặc trị từ nước ngoài nhập về vẫn chưa hề có… Đó là giai đoạn rất mệt mỏi, khó khăn và áp lực với Ê-kíp điều trị", bác sĩ Nguyễn Thanh Phong trải lòng.

Tôi vẫn còn nguyên cảm giác bồi hồi, có chút căng thẳng khi lần đầu tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân 91. Bệnh nhân này có tải lượng virus cao so với những bệnh nhân thông thường nên nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế rất cao.


Để kịp thời hội chẩn và theo dõi sát diễn biến tình trạng của bệnh nhân 91, một nhóm chát online là các chuyên gia đầu ngành của hai Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy gồm hồi sức, huyết học, dinh dưỡng, vi sinh, dược lâm sàng, hô hấp… và tiểu ban điều trị bệnh Covid-19 của Bộ Y tế được thành lập. Tình hình của bệnh nhân 91 được cập nhật 24/24, ngoài ra bệnh viện còn bố trí một đội ngũ điều dưỡng khoảng 20 người để tham gia điều trị cho bệnh nhân 91.

Trong quá trình điều trị, hệ miễn dịch của bệnh nhân đã phản ứng quá mức khi bị virus tấn công, làm sản sinh "cơn bão" cytokine chống lại chính cơ thể nam phi công. Đây là nguyên nhân chính gây ra hội chứng suy hô hấp cấp và suy đa tạng xảy ra nhanh chóng, có thể khiến bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, bệnh nhân 91 còn bị rối loạn đông máu và mắc thêm hội chứng HIT (giảm tiểu cầu do dị ứng thuốc chống đông heparin được dùng khi chạy ECMO).

Là một trong những thành viên quan trọng trong Ê-kíp điều trị nam phi công người Anh, BS.CK2 Phan Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), Bệnh viện Chợ Rẫy không thể nào quên được chuỗi ngày "thót tim" cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Nếu như bình thường một màng ECMO có thể chạy và giữ được trong vòng 14 ngày, riêng với bệnh nhân 91 chỉ 2 tiếng là đông đặc.

"Lúc đó toàn Ê-kíp khựng lại, không hiểu lý do tại sao bệnh nhân lại tăng tình trạng máu đông quá mức như vậy dù mình đã nâng liều thuốc kháng đông rồi? Khi đi qua hội chẩn, chúng tôi mới làm xét nghiệm để kiểm tra việc heparin có sinh ra kháng thể kháng lại nó, gây ra đông máu hay không? Kết quả là có và buộc phải thay đổi thuốc", bác sĩ Xuân cho biết.

Nhưng vấn đề đặt ra là khoảng thời gian này đang trong giai đoạn giãn cách xã hội, cả Ê-kíp không thể biết được khi nào thuốc từ nước ngoài sẽ về. Và để cứu được tính mạng của bệnh nhân 91 lúc này, một quyết định táo bạo được triển khai.

Ký ức 116 ngày làm nên kỳ tích của nền y học Việt Nam, đưa bệnh nhân 91 nhiễm Covid-19 từ cõi chết trở về: “Đó là điều đặc biệt nhất trong cuộc đời bác sĩ của chúng tôi” - Ảnh 4.

“Chúng tôi quyết định sử dụng thuốc dạng viên, trên thế giới đối với những bệnh nhân nặng như nam phi công, y văn đều không dùng. Áp lực đối với Ê-kíp vô cùng lớn, những cuộc hội chẩn, tranh luận giữa các khoa liên tục diễn ra, liệu khi sử dụng thuốc này nam phi công có chết hay không? Một bệnh nhân đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, dõi theo từng ngày của báo chí, người dân. Nhưng nếu mình không sử dụng loại thuốc này thì chắc chắn bệnh nhân sẽ chết bởi những cục máu đông ấy. Dù sao thì cũng phải thử, đó là sự lựa chọn cuối cùng của Ê-kíp để chống được tình trạng đông máu”, bác sĩ Xuân tâm sự.

Áp lực đối với Ê-kíp vô cùng lớn, những cuộc hội chẩn, tranh luận giữa các khoa liên tục diễn ra, liệu khi sử dụng thuốc này nam phi công có chết hay không? Một bệnh nhân đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, dõi theo từng ngày của báo chí, người dân.

10 ngày sử dụng thuốc dạng viên là 10 ngày Ê-kíp như “đi trên dây” vì không biết lúc nào bệnh nhân 91 sẽ xảy ra sự cố, mọi ánh mắt hi vọng đều đổ dồn vào ý chí mạnh mẽ của phi công người Anh. Cuối cùng, bệnh nhân 91 cũng vượt qua giai đoạn khó khăn ấy, điều mà trước đây trong y văn thế giới chưa từng có. Trải qua 65 ngày tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, tình trạng nhiễm virus của bệnh nhân 91 đã được chữa khỏi hoàn toàn, riêng về 2 lá phổi thì gần như đông đặc toàn bộ, sự sống của nam phi công tiếp tục gặp thử thách. Chiều muộn ngày 22/5, dưới cơn mưa nặng hạt, chuyến xe đưa bệnh nhân 91 từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sang Bệnh viện Chợ Rẫy được tiến hành khẩn trương, tiếp tục chuỗi ngày giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Ký ức 116 ngày làm nên kỳ tích của nền y học Việt Nam, đưa bệnh nhân 91 nhiễm Covid-19 từ cõi chết trở về: “Đó là điều đặc biệt nhất trong cuộc đời bác sĩ của chúng tôi” - Ảnh 6.

Nam phi công người Anh đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong trạng thái "không thể nặng hơn"

Đó là nhận định của Thầy thuốc ưu tú, BS.CK2 Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khi tiếp nhận bệnh nhân 91 với một diễn tiến bệnh hết sức phức tạp.

Là bệnh viện luôn chữa trị những bệnh nhân nặng, song không có người này nặng như phi công người Anh khiến cho Ê-kíp điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy rất áp lực, chỉ biết nỗ lực hết mình trong tâm thế "còn nước còn tát".

Tại thời điểm đến Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân 91 hoàn toàn phụ thuộc vào máy thở, ECMO, phổi vẫn còn đông đặc, nhiều ngày sau đó diễn tiến bệnh được báo xấu đi… Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, nếu không có những điều trị nâng đỡ, 100% nam phi công sẽ chết, không thể nào sống được.

Ký ức 116 ngày làm nên kỳ tích của nền y học Việt Nam, đưa bệnh nhân 91 nhiễm Covid-19 từ cõi chết trở về: “Đó là điều đặc biệt nhất trong cuộc đời bác sĩ của chúng tôi” - Ảnh 7.

Với những bệnh nhân chạy ECMO, hi vọng lớn nhất của các y bác sĩ là làm sao giúp những tổn thương phổi được hồi phục. Nhưng với bệnh nhân 91, dù chạy ECMO hơn 1 tháng trời vẫn không hiệu quả, phổi chỉ còn 10% hoạt động và nhiều khả năng phải thay phổi.

"Lúc đó nỗi thất vọng tràn trề lan tỏa trong nguyên cả Ê-kíp điều trị, ai cũng mong muốn bệnh nhân sẽ phải tốt hơn nhưng điều đó đã không xảy ra. Và ghép phổi là phương án tốt nhất cho bệnh nhân thời điểm đó. Nhưng tỷ lệ điều trị ghép phổi thành công không cao, đó là điều cả Ê-kíp lo lắng", bác sĩ Phan Thị Xuân nhớ lại.

Có lẽ đi đến cuối đường hầm, ánh sáng mới được tìm thấy. Nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy được vài ngày, sức khỏe nam phi công bỗng dưng tốt dần lên. Chụp lại CT thì cả Ê-kíp bất ngờ khi tỷ lệ phổi của bệnh nhân đã hoạt động trở lại đến 40-50%. Khoảnh khắc những ngón tay nam phi công động đậy sau 2 tháng nằm mê man, chính từ giây phút ấy, Ê-kíp đang điều trị cho nam phi công lại có thêm niềm tin, động lực để chiến đấu với tử thần, đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về.

Khoảnh khắc những ngón tay nam phi công động đậy sau 2 tháng nằm mê man, chính từ giây phút ấy, Ê-kíp đang điều trị cho nam phi công lại có thêm niềm tin, động lực để chiến đấu với tử thần, đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về.

"Cảm xúc nó vỡ òa lắm, ai cũng mừng hết trơn, lúc đó Ê-kíp nghĩ đến chuyện có thể sẽ không phải ghép phổi, rồi bệnh nhân sẽ cai được ECMO, sẽ cai máy thở, sẽ bình phục để có thể tiếp tục thực hiện công việc lái máy bay của mình. Chính cái tham vọng tăng dần của Ê-kíp cũng trở thành một áp lực, một nỗi khổ tâm rất lớn", bác sĩ Phan Thị Xuân xúc động.

Ngày 1/6, bệnh nhân chính thức cai ECMO. Những ngày tiếp theo, từng cử chỉ xoay đầu, cử động, hay thậm chí ánh mắt giận dữ của nam phi công đều khiến cả Ê-kíp vui mừng khôn xiết. Hành trình chữa trị cho nam phi công chính thức khép lại khi chuyến bay đặc biệt hôm 11/7 đã đưa bệnh nhân về nước, kết thúc 116 ngày cam go tại Việt Nam.

Ký ức 116 ngày làm nên kỳ tích của nền y học Việt Nam, đưa bệnh nhân 91 nhiễm Covid-19 từ cõi chết trở về: “Đó là điều đặc biệt nhất trong cuộc đời bác sĩ của chúng tôi” - Ảnh 9.

"Đó là điều đặc biệt nhất trong cuộc đời bác sĩ của tôi"

Câu trả lời ngắn gọn nhưng đầy đủ tất cả những gì mà Ê-kíp điều trị cho nam phi công người Anh trải qua sau một chặng đường dài tìm lại sự sống. Từ một bệnh nhân nhiễm Covid-19 đơn thuần, nam phi công người Anh đã trở thành một điều "rất đặc biệt" trong tâm thức của y bác sĩ điều trị.

65 ngày ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và 51 ngày tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Ê-kíp điều trị dường như quên mất định nghĩa về mặt thời gian bởi công việc cứ liên tục. Không phân biệt ngày thứ 7, chủ nhật, nhân viên y tế nam hay nữ, tất cả đều phải túc trực, chăm sóc cho nam phi công.

"Có khi tôi không để ý hôm nay là thứ mấy, ngày mấy vì hầu như ai cũng phải làm thêm giờ, túc trực bệnh viện thường xuyên, bất kể cuối tuần, đêm hôm, ngay cả lúc ngủ cũng mơ thấy phác đồ điều trị cho nam phi công", bác sĩ Nguyễn Thanh Phong vui vẻ nhớ lại.

"Có khi tôi không để ý hôm nay là thứ mấy, ngày mấy vì hầu như ai cũng phải làm thêm giờ, túc trực bệnh viện thường xuyên, bất kể cuối tuần, đêm hôm, ngay cả lúc ngủ cũng mơ thấy phác đồ điều trị cho nam phi công", bác sĩ Nguyễn Thanh Phong vui vẻ nhớ lại.

Là người thường xuyên túc trực bên cạnh bệnh nhân 91 khi được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, BS.CK2 Trần Thanh Linh – Phó trưởng Khoa ICU cho biết có những thời điểm nhịp tim của bệnh nhân từ 100 lần/phút rớt xuống còn 50-60 lần/phút. Cả Ê-kíp, người lạc quan nhất cũng không nghĩ là bệnh nhân có thể hồi phục. Nhưng rồi điều kỳ diệu đã đến sau những ngày bệnh nhân nằm im lìm lại phòng Hồi sức.

Ký ức 116 ngày làm nên kỳ tích của nền y học Việt Nam, đưa bệnh nhân 91 nhiễm Covid-19 từ cõi chết trở về: “Đó là điều đặc biệt nhất trong cuộc đời bác sĩ của chúng tôi” - Ảnh 11.

"Lúc đó cả Ê-kíp nhìn nhau cười hạnh phúc. Như vậy là ánh sáng cuối đường hầm đã có rồi, mình có thể cứu được người bệnh. 5 ngày sau, bệnh nhân 91 đã thực hiện được theo y lệnh của bác sĩ, cảm giác ấy đặc biệt lắm, không phải người nào cũng có được", bác sĩ Trần Thanh Linh nhớ lại.

Khi được hỏi về những áp lực của việc điều trị cho bệnh nhân 91 có đến từ sự "nhìn vào" của cả thế giới, sự quan tâm sát sao của báo chí, người dân Việt Nam, từng thành viên của Ê-kíp điều trị đều khẳng định rằng, dẫu có áp lực nhưng đó là bên ngoài phòng điều trị. Còn khi đã bắt tay vào thực hiện việc cứu chữa, ai cũng phải cố gắng hết sức, cân não tính toán làm sao để tốt nhất cho bệnh nhân.

Khoảnh khắc bệnh nhân 91 được công bố khỏi bệnh khiến hàng triệu người dân vỡ òa cảm xúc, một kỳ tích đặc biệt trong nền y học Việt Nam mà theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, việc cứu sống nam phi công người Anh đã thể hiện tính nhân văn trong chăm sóc sức khỏe cho người nước ngoài.

Có thể nói sự hồi phục kỳ diệu của bệnh nhân 91 được xem là một biểu tượng cho sự thành công trong "cuộc chiến" chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Một đất nước trong mắt bạn bè quốc tế tuy còn hạn chế về trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất nhưng luôn nỗ lực hết sức để cứu chữa người bệnh dù bạn có là ai, đến từ đâu, là người dân Việt Nam hay người ngoại quốc.

Ngày 11/7/2020, sau những cái bắt tay cảm ơn đội ngũ y bác sĩ, Ê-kíp điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nam phi công người Anh đã chính thức lên máy bay về nước, khép lại 116 ngày giành giật sự sống trên giường bệnh. Với phi công người Anh, không biết sau này anh có còn tiếp tục được cầm lái những chiếc máy bay trên bầu trời như anh đã từng, anh có còn nhớ những ngày nằm hôn mê trong phòng áp lực âm hay không nhưng chắc hẳn một điều, anh phải nhớ các y bác sĩ Việt Nam đã giúp anh sống thêm một lần nữa. Còn với Ê-kíp điều trị, khoảnh khắc cứu sống bệnh nhân 91 đã trở thành niềm tự hào vô cùng to lớn bởi chính cái tâm, trách nhiệm trước sinh mạng của người khác đã giúp cho cái tên "Việt Nam" càng lung linh hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Một đất nước nhỏ bé nhưng quá đỗi phi thường…

Hiếm có một đất nước nào hào phóng như Việt Nam!

Ngay sau khi phi công người Anh được xuất viện và lên máy bay về nước, nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới đã đưa tin về sự kiện này và coi đây là một "biểu tượng chống đại dịch thành công của Việt Nam".

Tờ The Guardian của Anh đưa tin, sau 2 tháng dùng máy trợ thở tại Việt Nam, phi công Anh mắc Covid-19 đã được xuất viện về nước, người từng được tiên lượng khả năng sống chỉ có 10%.

Trước đó, hãng truyền thông này của Anh cũng có bài viết về quá trình mắc bệnh và điều trị của bệnh nhân số 91 và đăng lời cảm ơn của ông trước khi rời Bệnh viện Chợ Rẫy. Nam phi công nói: "Tôi rất xúc động trước sự hào phóng của nhân dân Việt Nam, sự tận tụy và chuyên nghiệp của các bác sĩ và y tế... tôi chỉ có thể nói lời cảm ơn đến tất cả mọi người ở đây vì những gì mọi người đã làm cho tôi".

Còn theo Reuters, hãng tin này đã dẫn nguồn tin cho biết các bác sĩ Việt Nam sẽ đi cùng bệnh nhân 91 trên chuyến bay đặc biệt đưa anh trở về quê hương.

Trong khi phần lớn ca bệnh Covid-19 tại Việt Nam đã hồi phục, thông tin về nguy cơ có ca tử vong đầu tiên do Covid-19 tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của cả nước, hàng chục người đã tình nguyện hiến phổi để cứu sống phi công người Anh. Nhờ sự chăm sóc không quản ngày đêm của Việt Nam, bệnh nhân 91 đã hồi phục một cách kỳ diệu.

Đài BBC của Anh ngày 12/7 đã dẫn lời của bệnh nhân 91 chia sẻ: "Tôi cảm thấy hạnh phúc vì được về nhà, nhưng cũng cảm thấy buồn khi phải tạm biệt những người mà tôi đã kết bạn ở đây".

Ngoài ra còn có rất nhiều tờ báo, hãng truyền thông trên thế giới đăng tải thông tin liên quan đến bệnh nhân 91 như AFP của Pháp, AP của Mỹ… Tất cả đều khẳng định Việt Nam đã nỗ lực hết sức để cứu sống người bệnh, làm nên điều kỳ diệu.

"Sự phục hồi của bệnh nhân giống như một chuyến bay rất dài. Nhưng anh ấy đã làm được. Tất cả các nhân viên y tế đều tràn ngập niềm vui khi thấy anh ấy hoàn toàn bình phục và xuất viện hôm nay", AP dẫn lời bác sĩ Trần Thanh Linh.