Ngày 17/10, nam sinh viên Nguyễn Thanh Long (SN 1988, ngụ quận 2, TP.HCM) trong lúc xếp hàng dưới sân trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) thì đã bị 1 mảng bê tông từ trên cao rơi trúng đầu, tử vong tại chỗ.
Sự cố nghiêm trọng này đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng các công trình, cơ sở vật chất tại trường học.
Cận cảnh vị trí mảng bê tông rơi trúng vào đầu nam sinh được xác định là khớp nối nối giữa 2 mái ở tầng cao nhất của dãy nhà B.
Mới đây, kỹ sư xây dựng Dũng Phan đã đăng tải lên trang Facebook cá nhân của mình bài viết nhằm chia sẻ quan điểm, kiến thức và kinh nghiệm của mình về vấn đề trên. Anh Dũng cho biết, anh viết bài này vì lương tâm của một người làm về xây dựng muốn cảnh báo tới mọi người chứ không muốn can thiệp vào chuyện gì khác.
Theo kỹ sư, mỗi tòa nhà khi xây dựng thì đều được thiết kế 1 "lỗ mũi" giúp công trình có thể "thở", việc thở này giúp công trình đảm bảo kết cấu vững chắc, vừa đề phòng được những rủi ro. Theo anh Dũng Phan, tòa nhà tại trường HUTECH đã bị bịt kín "lỗ mũi" nên mới xảy ra sự cố.
Kỹ sư xây dựng Dũng Phan chia sẻ quan điểm trên Facebook - Ảnh chụp màn hình.
Được sự đồng ý của kỹ sư Phan Dũng, chúng tôi xin được phép chia sẻ bài viết của anh:
"Trong xây dựng của chúng tôi. Đối với những tòa nhà có kích thước lớn (thường là trên 50m), người ta sẽ bố trí một khe biến dạng (có 3 loại là khe nhiệt, khe lún và khe kháng chấn), chúng có khoảng hở hẹp thường là 20mm, tách một công trình thành những phần riêng biệt. Mục đích là để hạn chế ảnh hưởng do sự biến dạng của công trình gây ra. Chẳng hạn giãn nở vì nhiệt.
Cái khe đó, giống như cái "lỗ mũi" để tòa nhà "thở".
Bạn có thể thấy điều tương tự ở các sân nhà hay sân chơi thể thao. Người ta thường phải cắt ra từng ô vuông phải không? Chính là để khi xảy ra giãn nở vì nhiệt, bê tông co ngót sẽ có chỗ để "thở". Khe biến dạng ở Đại học HUTECH cũng có vai trò ấy.
Nhưng ở đây, hãy chú ý cái bức ảnh phía trên. Đã có một lớp vữa được trát vào để tô kín cái khe nhiệt đó lại. Đến khi hai tòa nhà xảy ra co giãn vì nhiệt, hoặc lún không đều, lớp vữa bị tô kín đó sẽ bị "bẻ gãy", rơi xuống, và gây ra tai nạn.
Hình ảnh "lỗ mũi" bị bịt kín theo phân thích của kỹ sư Dũng - Ảnh: Phan Dũng.
Ví von thế này: việc bịt kín cái khe đã khiến tòa nhà không "thở" được. Khi nó không thở được, thì sao? Nó sẽ hắt hơi, cái hắt hơi ấy, chính là miếng vữa rơi trúng đầu sinh viên Long.
Bạn hiểu vấn đề rồi chứ?
Hãy nhìn bức ảnh thứ hai, chụp ở một công trình khác (cũng là trường học). Chúng ta thấy rõ cái khe đó được cắt ra như thế nào. Đấy, cái đó mới là đúng và tòa nhà thở được là vì vậy. Còn nếu thấy xấu, thì dùng nhôm hay inox bọc lại, có khoảng hở che lại. Chứ không dùng vữa trát vào. Vữa thì mới nứt như ảnh, còn nhôm hay vật liệu co giãn thì sẽ không thấy vết nứt.
Cái nguy hại tiếp theo là ở đây: Tôi thấy trường đã khắc phục bằng một tấm lưới chắn ở tầng 12 để đề phòng lớp vữa trên sênô ở tầng 16 tiếp tục rơi xuống.
KHÔNG ĐƯỢC! Vữa trám ở sênô đó đã rơi hết rồi, nó sẽ không rơi nữa.
Việc đặt cái tấm lưới ở tầng 12 thực tế là vô dụng. Vì tòa nhà vẫn đang tiếp tục bị "bịt kín" cái lỗ mũi" để thở. Do đó khi co ngót và lún xảy ra, chúng sẽ còn tiếp tục "hắt hơi" nữa, lần này là ở lớp vữa bên dưới tầng 12, tầng 8, tầng 4...
Cái cần làm bây giờ là phải gỡ lớp vữa đang bịt "khe nhiệt" đó ra để tòa nhà có thể "thở" được.
Theo kỹ sư, việc khắc phục bằng một tấm lưới chắn ở tầng 12 là vô ích bởi khi co ngót và lún xảy ra, chúng sẽ còn tiếp tục "hắt hơi" nữa, lần này là ở lớp vữa bên dưới tầng 12, tầng 8, tầng 4.
Tôi không biết khi bài viết này của tôi đưa lên, trường đã gỡ cái đó ra chưa. Nếu gỡ rồi thì coi như status này giống như chút chuyên môn xây dựng để các bạn đọc và biết, sau này rút kinh nghiệm. Còn nếu chưa, thì các bạn phải cẩn thận chỗ đó đấy. Tôi rất lo cho các bạn đấy.
Những ai đọc được bài này, cố gắng gửi, share cho các bạn khác, đặc biệt các bạn học ở HUTECH được biết nhiều hơn. Nhắc lại, phải cẩn thận cái "lỗ mũi" đó không chỉ có công trình này, mà còn ở các công trình tương tự".
Ngay sau khi được đăng tải lên mạng xã hội, bài đăng của kỹ sư này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm chia sẻ và bình luận của cộng đồng mạng.
Anh B.K bình luận: "Mình rất đồng tình với quan điểm của anh Dũng, ai trong ngành xây dựng cũng biết điều này. Hy vọng mọi người sẽ coi đây là bài học để tránh những sự cố đáng tiếc về sau".
Bên cạnh đó cũng rất nhiều người đã "tag" bạn bè, người thân của mình vào kèm theo lời cảnh giác: "Đọc kỹ nha anh em. Chuyên môn xây dựng rất dễ hiểu. Cái này tôi nhớ là mình cũng đã được học ở bài "Giãn nở nhiệt trong cấu trúc cứng - Vật lý cấp 2 và 3".
Liên quan đến sự việc mảng bê tông rơi trúng đầu nam sinh viên tử vong, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh - Phó hiệu trưởng Đại học HUTECH cho biết nhà trường đã cho rà soát lại tất cả các cơ sở của trường để khắc phục.
Vị trí nam sinh viên tử vong được phong tỏa để điều tra cũng như tu sửa các mảng tường khác.
Theo thầy Quốc Anh, ông đã xem thông tin của một kỹ sư xây dựng chia sẻ trên mạng xã hội nói về vấn đề "Lỗ mũi ở trường HUTECH". Sau khi xem qua vấn đề này, T.S Quốc Anh cũng gửi lời cảm ơn về những góp ý chân thành nêu trên.
Về vấn đề mảng bê tông rơi do khe hở co giãn nhiệt giữa hai bức tường của trường bị bịt kín, T.S Quốc Anh cho rằng: "Đúng là tại vị trí nơi mảng bê tông rơi xuống là khe co giãn giữa hai bức tường. Hiện tại vẫn còn khe co giãn nhiệt đó chứ không hề bịt kín, che lấp đi. Tuy nhiên vết hở giữa hai bức tường này được chúng tôi dùng miếng nhôm A Lu để che bên ngoài, mục đích là tạo thẩm mỹ cho bức tường. Còn bên trong vẫn còn khe hở như kết cấu xây dựng ban đầu".
Tấm lưới chắn ở tầng 12 để đề phòng lớp vữa trên sênô ở tầng 16 tiếp tục rơi xuống.
Vị Phó hiệu trưởng trường HUTECH giải thích thêm, đối với các cây cầu cũng xây dựng tương tự như vậy, điểm tiếp nối giữa hai nhịp cầu thường có một tấm thép bên trên để kết nối, tạo thẩm mỹ, phương tiện dễ di chuyển. Theo đó, toà nhà khu B của trường HUTECH cũng được xây dựng tương tự, khe hở từ tầng trệt lên tầng thượng đều gắn thêm miếng A Lu trên bề mặt và sơn màu trùng với màu sơn của bức tường.
Cũng theo thầy Quốc Anh, việc che bên ngoài khe hở co giãn cũng không hề ảnh hưởng đến kết cấu xây dựng trường.
Nhìn từ vị trí đang được lắp tấm chắn bằng lưới B40 xuống sân trường.
Nói về nguyên nhân miếng bê tông trên tầng thượng rơi xuống đất trúng đầu sinh viên Long, T.S Quốc Anh cho hay, có thể vị trí này đã thấm nước lâu ngày, dẫn đến bị hư hỏng. Hiện tại, nhà trường chỉ làm miếng lưới B40 tạm thời để bảo vệ hiện trường và hạn chế sự cố xảy ra. Theo nhà trường, do cơ quan chức năng đang điều tra, phải giữ nguyên hiện trường nên tạm thời vết lở sau khi mảng bê tông rơi xuống vẫn chưa thể được sửa chữa.