Châu Minh Tiến, sinh năm 1994, sinh ra và lớn lên ở Hồng Ngự, Đồng Tháp. Sau 5 năm làm việc trong ngành thiết kế kiến trúc, chàng trai trẻ đã làm mới lại căn nhà cũ cho bố mẹ ở quê để tỏ lòng biết ơn.
Không gian sinh hoạt chung nhìn từ ngoài vào, thiết kế không có ranh giới giữa trong và ngoài
Nếu nhìn từ ngoài cổng, đây là chiếc view bạn nhìn thấy đầu tiên
Được biết, ngôi nhà gỗ cũ theo kiến trúc nhà sàn miền Tây Nam Bộ đã bị hư hại một số phần, không còn phù hợp với lối sống hiện tại của gia đình. Ấp ủ thì đã lâu nhưng chính thức bắt tay vào thiết kế tới ngày triển khai thi công thì vỏn vẹn đâu đó khoảng một tháng. Thời gian xây dựng khoảng 6 tháng. Ngôi nhà hoàn thành mang hơi hướng kiến trúc truyền thống, mộc mạc, gần gũi với hàng hiên, mái ngói, sân trong, tường gạch, sàn gạch bông, hệ vách và cửa gỗ. Với diện tích 119m2, không gian sinh hoạt gồm gian nhà chính (phòng khách, gian thờ, bàn ăn), 2 phòng ngủ, 1 toilet và 1 gian bếp.
Điểm nhấn đặc biệt của gian nhà chính là chiếc phản gỗ ở hàng ba nhà, một đặc trưng không lẫn vào đâu được của Miền Tây Nam Bộ. Chiếc phản này là nơi diễn ra rất nhiều hoạt động của các thành viên trong gia đình: là nơi ba dùng để ngủ trưa, tiếp khách; các chị ngồi lặt rau, may vá, con nít thì nằm chơi, đọc sách, học bài; cho khách ngủ khi ở lại nhà chơi; ngày giỗ thì đó là mâm của đàn bà phụ nữ,... Tiến tận dụng lại đồ nội thất cũ ít nhiều mang tính kỷ niệm của gia đình.
Đây là góc nhìn mỗi sáng nhìn từ trong nhà ra ngoài hàng hiên
Vẫn là góc nhìn từ trong ra ngoài, nhưng hướng ánh mắt về phía cổng xanh
Nét kiến trúc đậm chất miền Tây Nam Bộ!
Dưới sự giúp đỡ của những anh em trong công ty, anh bạn KTS trẻ đã hoàn thành bản vẽ và đích thân lo liệu hết từ thiết kế cho đến thi công. Đặc biệt, khâu thi công ở địa phương, nhân thời gian về nhà tránh dịch hai tháng, Tiến có thể theo dõi được đoạn thi công phần thô ban đầu, những phần sau thì cứ mỗi cuối tuần lại về quê để triển khai các hạng mục khác.
"Làm việc với nhà thầu địa phương khác với các nhà thầu ở Sài Gòn, bản vẽ triển khai đơn giản hơn, dựa trên cách thức thi công phổ thông ở địa phương và kết hợp với triển khai trực tiếp ở công trình", Tiến cho biết. "Nếu linh hoạt để thợ địa phương làm theo cách họ đã quen thuộc thì kết quả sẽ tốt hơn và đỡ tốn thời gian, ngôi nhà sẽ mang tính địa phương hơn thông qua một số chi tiết thi công".
Ngôi nhà đánh dấu sự trưởng thành của anh bạn KTS trẻ và là một lần nữa minh chứng cho tình cảm gia đình sau những tháng ngày cùng nhau xây dựng, từ viên gạch đầu tiên đến viên ngói cuối cùng dưới cái nắng và trong tiếng cười. Là một kỷ niệm rất đáng trân trọng.
Chiếc phản gỗ ở hàng ba nhà, lại một đặc trưng không lẫn vào đâu được của Miền Tây Nam Bộ
Nhìn theo góc ngang từ bên ngoài
Nhìn toàn cảnh gian nhà chính phía trong theo 2 hướng, gồm phòng khách, gian thờ, bàn ăn
Khu vực bàn ăn
Khu vực tiếp khách và bàn thờ
Bếp nằm ở vị trí chéo góc, nằm giữa sát với phòng ăn và phòng ngủ
Phòng bếp thiết kế vừa phải, phù hợp với nhu cầu của gia đình
Chiếc view từ ngoài nhìn vào phòng ngủ trông ổn phết!
và từ phòng ngủ nhìn ra ngoài!
Cạnh phòng tắm là không gian để rửa mặt riêng!
Chiếc cổng vát chéo màu xanh cho nhiều góc nhìn thú vị!
Nhìn trên cao từ ban ngày nổi bật với kiến trúc mái ngói so với các nhà mái tôn bên cạnh
Nhìn từ trên cao ban đêm, Hồng Ngự house làm bừng sáng cả một góc vì kiến trúc mở
Nguồn: Châu Minh Tiến, H.a