Kong - Vị vua quyền lực của nền điện ảnh Hoa Kỳ

Huỳnh Sơn, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 18/03/2017

Trải qua hơn 80 năm, hình tượng con "tinh tinh khổng lồ" đánh đu trên tòa tháp trọc trời chiến đấu với máy bay đã trở thành hình tượng vĩ đại trong lòng người yêu điện ảnh. Và giờ đây Kong đã trở lại và khiến cho nền điện ảnh Hoa Kỳ vĩ đại một lần nữa.

Từ năm 1933, khi King Kong lần đầu được công chiếu trên màn ảnh tại Hoa Kỳ, nó đã mang rất nhiều ý nghĩa về giá trị tinh thần. Kể từ đó, con khỉ đột khổng lồ trở thành nguồn cảm hứng cho những nhà làm phim Hoa Kỳ để phản ánh những vấn đề bất cập trong xã hội lúc bấy giờ. 

Mặt khác, Kong còn là một trong những biểu tượng văn hóa ấn tượng của thế giới. Hình ảnh của tạo vật khổng lồ này xuất hiện trên rất nhiều các phương tiện truyền thông như truyện tranh, tạp chí, hoạt hình, phim ảnh và cả thơ ca,…

Kong – Con cưng của Hollywood

Kong - Vị vua quyền lực của nền điện ảnh Hoa Kỳ - Ảnh 1.

Trải dài suốt 84 năm, 5 bộ phim về King Kong được ra mắt và chiếm trọn tình cảm của khán giả. Năm 1933, tác phẩm đầu tiên về King Kong được ra mắt, và ngay lập tức nó đã phá vỡ mọi kỷ lục phòng vé của những bộ phim trước đó, trở thành biểu tượng văn hóa vĩ đại nhất trong những năm 30.

King Kong được chiếu đồng thời ở 2 rạp phim lớn nhất New York lúc bấy giờ, và nó dẫn đầu cho xu hướng phim kinh dị thời đó. Không chỉ vậy, suốt nhiều năm sau, tác phẩm King Kong của cặp đôi đạo diễn Merian C. Cooper và Emest B. Schoedsack vẫn có một sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên nền điện ảnh Hoa Kỳ. 

Bằng chứng là Disney cho ra mắt tập phim hoạt hình mang tên "Mickey and the Gorilla Tamer", "Mickey’s Mechanical". Mãi cho đến những năm 50, King Kong vẫn được mang trở lại màn ảnh rộng và còn được chuyển thể thành nhiều phim truyền hình khác.

Kong - Vị vua quyền lực của nền điện ảnh Hoa Kỳ - Ảnh 2.

Vào năm 1962, Nhật Bản cho ra mắt bộ phim King Kong vs. Godzilla. Với kinh phí 200 ngàn USD, tác phẩm đã thu về 1,25 triệu USD trên toàn thế giới. King Kong vs. Godzilla là bộ phim màu đầu tiên có sự xuất hiện của Kong và là tập phim thứ 3 của dòng phim Godzilla – thương hiệu lâu đời của Nhật Bản. Sau khi được công chiếu ở Nhật Bản, một nhóm làm phim ở Hoa Kỳ đã ngay lập tức dựng một phiên bản tiếng Anh, thêm nhiều cảnh mới và chỉnh sửa lại phần âm thanh.

Hollywood chưa thỏa mãn với thành công của phiên bản năm 1933. Vào năm 1976, một phiên bản làm lại của King Kong được ra đời. Được đạo diễn bởi John Guillermin, phiên bản làm lại này dù không được khán giả yêu thích, nhưng vẫn thắng lớn về mặt doanh thu (381 triệu USD) và đứng thứ 5 trong bảng tổng xấp năm 1977. Phần tiếp theo của King Kong mang tên King Kong Lives được ra mắt vào năm 1986, nhưng với cốt truyện ngớ ngẩn và chất lượng kém cỏi, bộ phim bị cả giới phê bình lẫn khán giả quay lưng.

Mãi đến 19 năm sau, đạo diễn Peter Jackson quyết định một lần nữa tái hiện câu chuyện giữa người đẹp và khỉ đột khổng lồ và đã thành công vang dội. Bộ phim mang về 3 giải thưởng Oscar về kỹ xảo và hiệu ứng âm thanh. Giới mộ điệu của Hollywood đồng ý rằng bộ phim không chỉ có kỹ xảo bắt mắt, mà câu chuyện của người đẹp và quái vật trong phần phim này cũng được cho là rất lãng mạn.

Kong - Vị vua quyền lực của nền điện ảnh Hoa Kỳ - Ảnh 3.

Khi Kong: Skull Island chỉ vừa mới được định hình, Warner Bros. đã có ý định đưa tạo vật khổng lồ này nằm chung một vũ trụ với quái thú Godzilla, gọi chung là MonsterVerse (Vũ trụ quái vật). Vì thế cho nên khán giả sẽ còn được trông thấy Kong trong những bộ phim khác trong tương lai. 

Ngay sau khi được công chiếu, Kong: Skull Island đã gặp phải khá nhiều ý kiến trái chiều. Một mặt, các nhà chuyên môn đều ca ngợi về kỹ xảo và bối cảnh trong phim, nhưng mặt khác họ cũng cho rằng mối liên kết giữa Kong và người đẹp trong phim này là không có, trái với tinh thần của phiên bản gốc. Nhưng nếu nhìn nhận theo một góc độ khác mà nói, Kong: Skull Island là bộ phim chỉn chu về mặt nội dung khi thật sự tập trung vào Kong và nơi nó sinh ra.

Trong suốt nhiều năm trôi qua, hình ảnh của chú khỉ đột khổng lồ Kong có nhiều thay đổi đáng kể về vẻ ngoài, về nội tâm nhân vật. Nếu như Kong của những phiên bản trước được xây dựng khá đơn tuyến và chỉ tập trung vào mối quan hệ tình cảm lãng mạn, thì Kong của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts lại khai thác được nhiều khía cạnh đáng nói hơn; Kong không còn chỉ là một kẻ cuồng si, mà giờ đây nó đã biết bảo vệ những tạo vật nhỏ bé hơn xung quanh nó, bảo vệ nơi mà nó sinh ra.

Kong và sự thay đổi của nước Mỹ qua từng thời kỳ

Trải qua chiều dài gần một thập kỷ, Kong được xem là chứng nhân của nhiều sự kiện lớn nhỏ xảy ra trên đất Mỹ.

Bản King Kong ra mắt vào năm 1933, nằm ngay vào thời kì Đại suy thoái của Hoa Kỳ. Lúc bấy giờ thương mại quốc tế suy sụp rõ rệt, từ thu nhập cá nhân, thuế, lợi tức đều bị ảnh hưởng và suy thoái. Và Kong được xem là phép ẩn dụ cho cuộc sống hỗn loạn của người dân Mỹ quốc lúc bấy giờ. Cuộc chiến giữa con quái thú trên tòa tháp cao cùng với những chiếc máy bay giống như hình ảnh người Mỹ đang đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế.

Kong - Vị vua quyền lực của nền điện ảnh Hoa Kỳ - Ảnh 4.

Đến năm 1962, khi người Nhật cho ra mắt bộ phim King Kong vs. Godzilla, cũng là lúc Thế chiến thứ II kết thúc được không lâu, Nhật Bản vẫn đang trong quá trình xây dựng lại đất nước sau khị bị ném bom hạt nhân. Con quái thú Godzilla trong phim đại diện cho nỗi sợ của họ đối với thứ hạt nhân chết người (Gozilla mạnh hơn nhờ vào hạt nhân). Kong là niềm hy vọng của người Nhật, đại diện cho sức mạnh của lòng tin và tinh thần bất khuất.

Cốt truyện của King Kong năm 1976 nói về việc đoàn thám hiểm đi tìm những mỏ dầu mới. Ngoài đời, cũng trong khoảng thời gian đó nước Mỹ đang rơi vào tình trạng cạn kiệt năng lượng, và bộ phim một lần nữa châm biếm về xã hội lúc bấy giờ.

Kong - Vị vua quyền lực của nền điện ảnh Hoa Kỳ - Ảnh 5.

Đến phiên bản năm 2005 của đạo diễn Peter Jackson, bối cảnh diễn ra cùng thời điểm với phiên bản năm 1933. Phiên bản làm lại này giống như một minh chứng cho sự giàu mạnh của Hoa Kỳ.

Kong: Skull Island diễn ra vào thời điểm chiến tranh Việt Nam đang bước vào hồi kết, nước Mỹ đang bận rộn với những đầu tư mới cho tương lai. Nhờ vào vệ tinh Landsat 1, đoàn thám hiểm đã phát hiện ra hòn đảo Skull Island và bắt đầu quá trình thám hiểm nó. Kong như đại diện cho một dân tộc đang bị giặc ngoại xâm tấn công, và đương nhiên đoàn thám hiểm chính là những kẻ có mưu đồ không tốt đối với hòn đảo Đầu Lâu này.

Kong - Vị vua quyền lực của nền điện ảnh Hoa Kỳ - Ảnh 6.

Lời Kết

Không ai có thể quên được cảnh tượng Kong treo mình trên tòa nhà trọc trời để chiến đấu với máy bay, câu chuyện giữa người đẹp và quái vật cũng khiến người ta nhớ mãi trong lòng. Kong từ lâu đã trở nên quen thuộc đối với người yêu phim ảnh, và dần dần tạo vật khổng lồ ấy cũng đã khiến cho cả thế giới công nhận rằng nó là một trong những hình tượng to lớn của nền điện ảnh Hoa Kỳ.