“Tam sao thất bản” giữa “Beauty and the Beast” cổ tích, người đóng và hoạt hình

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 11:00 17/03/2017

“Soi” điểm khác biệt giữa các phiên bản Disney và nguyên tác cổ tích của “Beauty and the Beast”.

Câu chuyện cổ tích về nàng Belle yêu một con trâu, à không yêu hoàng tử dưới lốt quái vật đã có từ ngày xửa ngày xưa, cụ thể là từ thế kỷ 18. Thế nhưng phiên bản người đóng sắp tới đây của Disney hứa hẹn sẽ có nhiều khác biệt không chỉ so với bộ phim hoạt hình năm 1991 mà còn với nguyên tác cổ tích của Pháp.

Hoàng tử ích kỉ hay hoàng tử tội nghiệp?

“Tam sao thất bản” giữa “Beauty and the Beast” cổ tích, người đóng và hoạt hình - Ảnh 1.

Trong khi ý tưởng cơ bản của câu chuyện Beauty and the Beast là một anh hoàng tử đẹp trai bị biến thành quái thú, thì các chi tiết trong phiên bản phim và truyện lại có sự chênh lệch nhất định. Trong phiên bản người đóng, chàng hoàng tử ích kỉ bị hóa thú do từ chối lời cầu xin giúp đỡ từ một bà tiên đáng thương.

Còn nguyên tác cổ tích thì nhân vật hoàng tử là nạn nhân của lòng tham phi công trẻ từ một bà tiên già xấu quắc. Không chịu cưới bà già có ngoại hình kinh hoàng, hoàng tử bị nguyền rủa thành một con quái vật trông như thất bại của tạo hóa. Một bà tiên tốt bụng hơn đã hóa phép tạo ra một đám sương mù bao quanh lâu đài và hóa đá bất cứ ai dám bén mảng đến gần chàng hoàng tử tội nghiệp. Đây có lẽ là một ngoại lệ hiếm hoi khi phim người đóng lại có phần đen tối hơn nguyên tác.

Chi tiết bông hồng

“Tam sao thất bản” giữa “Beauty and the Beast” cổ tích, người đóng và hoạt hình - Ảnh 2.

Bông hoa xuất hiện cả trong mọi phiên bản, nhưng mỗi lần lại đem tới vai trò khác nhau. Nếu như với phim hoạt hình, bông hoa đếm ngược ngày tàn của Beast và báo hiệu thời gian còn lại cho Belle để phá bỏ lời nguyền, thì truyện cổ tích lại kể một câu chuyện hoàn toàn khác về bông hồng.

Theo như truyện, cha của Belle bị con gái vòi vĩnh bắt mang về một bông hồng sau chuyến đi buôn. Vì thế ông đành vặt trộm hoa nhà người ta, mà nhà "người ta" ở đây tức là lâu đài của quái thú. Beast nhỏ nhẹ bảo ông bố rằng hoặc ở đây vui chơi cả đời trong lâu đài, hoặc về và đem con gái đến đây để chuộc lỗi cho cái thói ngắt nụ bẻ hoa nơi đất tư nhân. Sự giận dữ của quái thú và tội trộm cắp của ông bố Belle là những gì được đưa trực tiếp từ cổ tích lên phiên bản người đóng năm nay.

Gaston

“Tam sao thất bản” giữa “Beauty and the Beast” cổ tích, người đóng và hoạt hình - Ảnh 3.

Không ai có tên là Gaston trong truyện cổ tích, và thực tế là gần như không có một kẻ phản diện nào rõ ràng trong cổ tích của Beauty and the Beast. Tất nhiên, nếu không tính bà phù thủy thích cưới anh đẹp trai. Điều này cũng có nghĩa là sẽ không có ai đó dẫn dân làng đi giết quái vật trong truyện gốc. Thực tế là nguyên tác tập trung nhiều vào việc miêu tả mối quan hệ giữa người đẹp và người đã từng đẹp giữa khung cảnh hiu quạnh của lâu đài.

LeFou

“Tam sao thất bản” giữa “Beauty and the Beast” cổ tích, người đóng và hoạt hình - Ảnh 4.

Rất tiếc, vì đã không có Gaston trong truyện cổ tích thì lấy đâu ra hầu cận đồng tính LeFou đây.

Những đồ vật biết hát

“Tam sao thất bản” giữa “Beauty and the Beast” cổ tích, người đóng và hoạt hình - Ảnh 5.

Cái chân nến Lumiere và đồng hồ chạm Cogsworth trong hai phiên bản của Disney không được hữu dụng lắm trong truyện cổ tích. Thay vì được trợ giúp bởi các vật dụng CGI biết hát, tiểu thuyết gốc giới thiệu đến Belle những người hầu cận là khỉ và chim mặc quần áo (đúng, mặc cả quần áo nhé).

Cũng trong truyện cổ tích thì các nhân vật người trong lâu đài đã bị hóa đá. Một khi lời nguyền được giải, họ tỉnh dậy như chưa hề có cuộc chia ly.

Chuyện tán tỉnh nhau

“Tam sao thất bản” giữa “Beauty and the Beast” cổ tích, người đóng và hoạt hình - Ảnh 6.

Trong khi phiên bản người đóng chàng và nàng từ từ tiến tới yêu thương nhau, thì truyện gốc lại kể một câu chuyện khác. Rằng cô nàng từ chối gặp quái thú và ăn một mình cho tới một ngày Beast đến tận nơi chúc ngủ ngon và… cầu hôn.

“Tam sao thất bản” giữa “Beauty and the Beast” cổ tích, người đóng và hoạt hình - Ảnh 7.

Khi Belle trong truyện đi ngủ, nàng mơ thấy một trai đẹp "như thần Cupid" và mặc dù đã được Beast ngấm ngầm ám chỉ "đó là anh đó" nhưng Belle vẫn không hiểu. Nàng thành ra yêu trai đẹp trong mơ và friendzone anh quái thú tội nghiệp.

Khoảnh khắc trai đẹp lên sàn

“Tam sao thất bản” giữa “Beauty and the Beast” cổ tích, người đóng và hoạt hình - Ảnh 8.

Nếu như trong phim và hoạt hình, đỉnh điểm của phim nằm ở cảnh hoàng tử "thoát xác" thì chuyện này lại nằm ở lưng chừng của sách

Khi đó nàng Belle cuối cùng cũng chịu cưới anh Beast nhưng ngay cả khoảnh khắc siêu lãng mạn kia chàng vẫn trong lốt quái thú. Đến sáng hôm sau nàng tỉnh dậy thấy một trai đẹp nằm cạnh mình, còn mẹ chồng (tức hoàng hậu) và bà tiên tốt bụng đi ngang qua thì cám ơn vì đã giải thoát lời nguyền cho mọi người. Tuy nhiên Belle lại "phá game" bằng việc từ chối lấy lí do mình là con gái của một thương gia không thể cưới một hoàng tử. Kết thúc là việc trai đẹp tỉnh dậy và giải thích mọi chuyện ổn thỏa.