Cho dù bạn học chuyên ngành gì đi chăng nữa thì đều phải trải qua quá
trình thực tập trước khi tốt nghiệp. Đó không chỉ đơn thuần là điều kiện cần để
tốt nghiệp nữa mà là sự đánh giá về năng lực cũng như bước đầu làm quen với môi
trường làm việc, đó cũng là một cách để bạn tìm kiếm việc cơ hội việc làm sau
này.
Vậy lần đầu tiên bắt tay vào công việc có gì khác so với những gì ở giảng
đường đã học, nhà quản lí sẽ đánh giá bạn dựa trên những yếu tố nào? Bạn cần
phải làm những gì để chứng minh được năng lực của bản thân? Đó là những câu hỏi
đặt ra mà bạn cần phải hoàn thành những điều đó để có một kì thực tập thành
công.
Thay đổi phong cách
ăn mặc
Điều này là một trong những sai sót mà những sinh viên rất
thường mắc phải, bạn là sinh viên, bạn thích mang quần jean, thích đi giày
converse và thích những bộ quần áo nổi bật. Nhưng khi đi thực tập tức đã là một
phần của công ty và bạn cần phải thay đổi sao cho phù hợp với công việc của
mình. Mặc dù bạn có cả tủ quần jean nhưng dân văn phòng cần những bộ cánh lịch
sự hơn, phong cánh ăn mặc cũng là một phần thể hiện bản thân mình. Không cần phải
quá trau chuốt về ngoại hình nhưng phải thay đổi để đáp ứng đúng nhu cầu công
việc, đó cũng là cách bạn thể hiện trách nhiệm của mình với công việc và công
ty.
Bỏ ngay việc "giờ cao
su"
Bài toán muôn thuở của rất nhiều người chứ không chỉ đơn thuần
là sinh viên, luôn đi muộn giờ và rồi đưa ra hàng tá lí do để biện minh. Nào là
tắc đường, kẹt xe, đau ốm, quên đặt báo thức…và tình trạng ấy cứ thế mà lặp lại.
Nếu bạn đang có tật xấu "giờ cao su" thì
phải bỏ ngay khi bắt đầu công việc thực tập. Giờ bạn đi làm việc cho công ty chứ
không còn là ngồi học lấy kiến thức cho bản thân mình nữa, vì vậy cần phải
chuyên nghiệp hơn, tuân thủ đúng thời gian quy định và khuyên bạn nên đi làm sớm
hơn dự định 15 phút để tránh những sự cố ngoài dự kiến.
Thái độ làm việc
Cái nhìn đầu tiên của nhà quản lí khi bạn đi thực tập đó là
ngoại hình, và ngay sau đó sẽ là thái độ làm việc. Ở đâu mà chẳng cần người
tài, nên họ sẽ luôn quan sát và đánh giá bạn từng li từng tí một, nếu bạn làm tốt
thì có khi sẽ được kí hợp đồng thỏa thuận ngay sau tốt nghiệp luôn đấy. Cách mà
bạn chuyên cần làm việc, thể hiện sự năng động của mình và đặc biệt là luôn
luôn sáng tạo sẽ là cách ghi điểm hoàn hảo. Đôi khi bạn sẽ không được làm công
việc chuyên môn, mới đầu có khi phải làm những công việc vặt vãnh, hãy nhớ rằng
đó cũng chính là "liều thuốc thử" dành cho bạn. Hãy thể hiện dù bất kì công việc
gì đi chăng nữa thì bạn cũng sẽ hoàn thành tốt nhất có thể, đó là thể hiện tính
chuyên nghiệp trong công việc – điều rất cần của một nhân viên.
Kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp luôn là vấn đề quan trọng nhất, sinh viên thường
thiếu những kỹ năng này vì lối sống khép kín và chỉ "cắm đầu" vào chuyện học. Bạn
rất ít khi tham gia các hoạt động phong trào, cảm thấy mình không được tự tin
và ngại giao tiếp với người lạ, như vậy thì bạn đã tự đánh mất bản thân mình rồi.
Khéo léo trong giao tiếp là điều bạn cần phải học ngay từ bây giờ, bạn cần nói
ngắn gọn và đúng trọng tâm vấn đề, giao tiếp phải có thứ tự vai vế, những câu
"dạ thưa", "cám ơn" là những câu nói bạn phải "thuộc lòng" khi giao tiếp. Cần
phải trau dồi vốn từ vựng ngay từ bây giờ để thuận tiện hơn trong cách diễn đạt,
đọc nhiều sách và tham gia nhiều hơn các hoạt động ngoại khóa là cách hữu ích
dành cho bạn đấy.
Cách viết văn bản
hành chính
Nhiều giảng viên vẫn phải bật cười khi đọc đơn xin phép nghỉ
học của sinh viên. Hơn 12 năm chẳng hề lạ lẫm gì đối với đơn xin phép ấy, thế
nhưng việc cẩu thả trong cách trình bày văn bản cũng như lối diễn đạt vẫn rất
kém. Đặc biệt khi bạn đi thực tập, sẽ có rất nhiều văn bản hành chính cần phải
hoàn thành, rất nhiều báo cáo, kế hoạch phải viết liên tục. Nên bạn hãy chú ý
hơn về cách viết văn bản hành chính, các trường cũng thường xuyên tổ chức tập
huấn nhưng sinh viên thường không để tâm đến, vì vậy bạn hãy tập làm quen cách
viết văn bản ngay bây giờ để hoàn thành tốt công việc được giao.
Chứng minh bản thân
chịu được áp lực công việc
Môi trường làm việc mới sẽ khiến bạn bị stress rất nhiều, áp
lực từ công việc, đồng nghiệp, điểm đánh giá thực tập và rất nhiều vấn đề khác
nữa. Đôi khi bạn bị lúng túng trước những công việc lần đầu tiên bạn làm, phải
làm rất nhiều việc cùng một lúc và đôi khi còn bị "sếp" phê bình. Áp lực công
việc còn lớn gấp nhiều lần so với áp lực thi cử, nhiều bạn sẽ bỏ cuộc và buông
thả, tất nhiên là sẽ không có điểm đánh giá cao nhưng đó cũng là cái nhìn thiếu
thiện cảm của nhà tuyển dụng. Điều đó cũng là bước đầu cho thấy bạn đã thất bại
trong công việc tương lai của mình. Vượt qua áp lực bằng cách tìm niềm vui
trong công việc, xác định rõ mục tiêu, thư giãn sau giờ làm và trò chuyện nhiều
hơn với đồng nghiệp là cách bạn giải tỏa stress hiệu quả. Áp lực công việc luôn
là điều khó khăn, nhưng nếu bạn muốn có công việc sau này thì bắt buộc phải tập
làm quen với điều đó.
Tinh thần đồng đội –
tạo quan hệ với đồng nghiệp
Cho dù bạn đã là nhân viên chính thức hay chỉ là một thực tập
sinh thì đều cần tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp của mình. Như đã nói đó là
cách giải tỏa stress hiệu quả, không những vậy những người đồng nghiệp đi trước
sẽ giúp bạn rất nhiều trong chuyên môn công việc. Bạn có thể hỏi họ những gì mà
bạn đang còn gặp khó khăn, nhờ giúp đỡ trong những trường hợp bạn bí cách giải
quyết. Chỉ cần luôn hòa đồng, vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ nhau thì mối quan hệ đồng
nghiệp sẽ rất tốt. Làm việc nhóm với tinh thần đồng đội cũng là cách để bạn bắt
kịp với nhịp độ công việc, tạo ấn tượng với mọi người và chứng minh năng lực bản
thân.
Đừng bao giờ nghĩ rằng mình chỉ
là sinh viên thực tập, hãy luôn đặt mình vào vị trí như một nhân viên chính thức.
Thực tập không chỉ đơn thuần là làm quen với công việc mà đó cũng là một cơ hội
lớn để bạn tìm kiếm việc làm. Hãy xem đó như là một cơ hội cho tương lai.