Tin rằng bỏ giấy vào sọt rác mới là hợp vệ sinh...
Đã bao giờ bạn tự đặt cho mình một câu hỏi, đâu mới là cách xử lý khoa học và hợp vệ sinh?
Clip: Bỏ giấy vệ sinh vào thùng rác - Sai lầm của nhiều người khiến vi khuẩn sinh sôi chóng mặt. Thực hiện: Kinghub
Ở rất nhiều khu nhà vệ sinh, nhất là nhà vệ sinh công cộng nằm rải rác trên đường hoặc trong các khu công viên, người ta thường phải làm quen với việc bỏ giấy vào thùng rác. Đó là quy định "bất khả xâm phạm". Bạn thử làm ngược lại xem? - Đống giấy thải ném vào bồn cầu ấy chẳng những có thể gây tắc mà còn bị nhân viên dọn vệ sinh nhắc nhở.
Đây là điều rất nhiều người quen thuộc.
Bên cạnh bồn cầu luôn có một giỏ đựng giấy vệ sinh.
Nhất là ở các khu vệ sinh công cộng, hình ảnh này lại càng trở nên quen thuộc hơn.
Một nhân viên trông coi nhà vệ sinh công cộng ở ven hồ Hoàn Kiếm giải thích rằng, hệ thống thoát nước ở những khu nhà vệ sinh công cộng khá kém. Nếu khách ném giấy xuống bồn cầu, chúng sẽ bị tắc và cuốn vào máy bơm, đường ống nước phía dưới.
"Nhà vệ sinh công cộng nhiều người ra vào, ai cũng xả giấy vô tội vạ xuống đó thì làm sao mà không tắc cho được, lúc ấy chỉ khổ nhân viên tụi tôi thôi", chị nhân viên này nói thêm.
Chị Yến tin rằng bỏ rác vào sọt mới là cách làm đúng.
Từ nhà vệ sinh công cộng đến toilet của hộ gia đình, hoặc ngay cả các công ty, tòa nhà văn phòng, rất nhiều thùng rác vẫn luôn được đặt cạnh bồn cầu. Nó có mặt ở đó để phục vụ thói quen của nhiều người - vứt giấy vào sọt rác.
"Cho vào sọt rác mới là hợp vệ sinh chứ. Mình toàn làm thế vì sợ ném vào bồn cầu sẽ gây tắc nghẽn", chị Yến (25 tuổi) chia sẻ.
Không chỉ có chị Yến, nhiều người khác cũng tin rằng, giấy vệ sinh đã qua sử dụng nên được bỏ vào sọt rác, cuối ngày khi có xe rác của công nhân môi trường đi qua thì gom lại đó cho họ tiêu hủy theo đúng tiêu chuẩn xử lý rác thải. Như thế vừa không gây tắc bồn cầu mà còn rất đảm bảo vệ sinh, thân thiện với môi trường.
Chị Mơ cũng rất tin tưởng vào cách xử lý của mình.
"Nhà mình toàn gom vào túi nilon, cuối ngày ném vào xe rác để công nhân môi trường chở đi. Mình nghĩ như vậy mới đảm bảo vệ sinh chứ ném vào bồn cầu thì hơi phản khoa học", chị Mơ (27 tuổi) nói.
Những tấm giấy nhắc nhở như này có thể dễ thấy tại Việt Nam.
Ghi nhận ở các tòa nhà, cao ốc văn phòng - nơi đặt nhiều trụ sở của các công ty khác nhau và có đến hàng trăm nhân viên sử dụng toilet mỗi ngày, có thể thấy tình trạng giấy vệ sinh sau khi sử dụng được vứt chồng chất trong sọt rác. Do số người sử dụng nhà vệ sinh liên tục, lượng giấy vệ sinh bị quá tải trong các sọt rác không có nắp đậy đã rơi vương vãi ra ngoài, mùi từ giấy vệ sinh bẩn bốc lên khá khó chịu, mà nhân viên vệ sinh thì chỉ dọn dẹp theo giờ...
Chị T.Y, nhân viên marketing làm việc tại một tòa nhà ở Hà Nội cho biết: "Công ty tôi sử dụng thùng rác đạp chân mở nắp, nhưng dù có nắp đậy thì mùi xú uế vẫn rất khó chịu, nhiều lúc giấy vệ sinh sử dụng chất quá đầy, vừa đạp chân thì nắp bung ra, giấy bẩn bên trong rớt hẳn ra bên ngoài, lúc đó không vứt giấy vào bồn cầu thì còn biết làm thế nào được nữa?".
... Tức là bạn đang nuôi dưỡng cả tá vi khuẩn và mầm bệnh
Xử lý giấy vệ sinh như thế nào mới là hợp lý, chuyện tưởng nhỏ và tế nhị nhưng lại không hề đơn giản chút nào. Nếu bạn vẫn nghĩ việc ném đống giấy thải kia vào sọt rác mới là cách hành xử văn minh thì rất tiếc, bạn đã lầm! Cách làm này không chỉ gây mất mĩ quan, tăng mùi xú uế mà còn làm lây lan vi khuẩn, mầm bệnh với tốc độ chóng mặt.
PGS - TS. Trần Hồng Côn.
Trao đổi với chúng tôi, PGS - TS. Trần Hồng Côn (khoa Hóa học - ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định, giấy vệ sinh được làm ra chỉ đợi để được ném vào bồn cầu và xoáy nước cho trôi đi. Khi gặp nước, loại giấy vệ sinh đúng chuẩn sẽ lập tức bị nhũn ra, tan thành các sợi rất nhỏ, mảnh. Chúng theo lực hút nước của bồn cầu, trôi sâu xuống bể phốt và chẳng gây ra ảnh hưởng đáng sợ là làm tắc nghẽn bồn cầu hay hệ thống ống nước như nhiều người vẫn nghĩ.
"Nhưng phải là loại giấy đúng tiêu chuẩn, nếu sử dụng loại giấy lụa dai, khăn giấy mà vốn để làm khăn lau miệng thì không thể nào dễ dàng phân hủy trong nước được. Những loại giấy đó mới là nguyên nhân gây tắc bồn cầu".
PGS. Hồng Côn cũng cho rằng, nếu bỏ vào sọt rác, các chất thải trong giấy vệ sinh sẽ trở thành mầm mống gây bệnh nguy hại. "Vi khuẩn, vi rút trong phân lẫn trong giấy vệ sinh sẽ bay vào không khí, gây bệnh cho những người khác, nhất là khi có dịch bệnh nguy hiểm liên quan đến đường tiêu hóa".
Đây là giấy vệ sinh để phát cho khách khi dùng nhà vệ sinh công cộng ở ven hồ Hoàn Kiếm. Chúng có vẻ khá dai và dày hơn giấy vệ sinh thông thường.
Chưa cần nói đến việc gây bệnh, chỉ riêng việc nhà vệ sinh ngổn ngang giấy thải, bốc mùi xú uế cũng là một điểm rất phản khoa học. "Bồn cầu vốn được thiết kế rất khoa học, lực xoáy nước của nó sẽ đủ mạnh để tống khứ các chất thải và giấy vệ sinh trôi đi. Vì thế, mọi người có thể yên tâm xả giấy vệ sinh xuống đó mà không lo gây hại gì".
Theo ông Hồng Côn, thùng rác trong nhà vệ sinh chỉ nên để chứa các loại rác thải an toàn, không mang mầm bệnh như vỏ hộp, chai, lọ... Ngay cả băng vệ sinh của chị em phụ nữ cũng không nên cho vào thùng rác vì rất dễ bốc mùi và gây bệnh truyền nhiễm. "Thay vào đó nên sử dụng túi kéo. Các chị em sẽ bỏ băng vệ sinh đã qua sử dụng vào đó rồi kéo lại. Nó sẽ an toàn và vệ sinh hơn là ném vào bồn cầu hay chỉ đơn giản là bỏ vào sọt rác", ông Hồng Côn chia sẻ thêm.