Kinh doanh nhóm nhạc theo mô hình Kpop ở Việt Nam: Hành trình gian nan, quả ngọt khó gặt

Musik Team, Theo Trí Thức Trẻ 10:44 12/04/2018
Chia sẻ

Trong hơn một thập kỷ, Kpop đã gầy dựng nên một đế chế âm nhạc hàng đầu châu Á. Nó trở thành khuôn mẫu chuẩn mực của những nền âm nhạc đang phát triển trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên để áp dụng hoàn toàn mô hình này cho các nhóm nhạc Vpop, lại là một bài toán không đơn giản.

Những năm gần đây, làng nhạc Việt liên tục chứng kiến sự xuất hiện của những nhóm nhạc được xây dựng theo phong cách Kpop. Đây được coi là xu thế tất yếu trước làn sóng Hallyu từ xứ sở Kim chi đã và đang tạo ra một sức ảnh hưởng to lớn trên toàn thế giới. Tuy nhiên nhìn nhận một cách thực tế mà nói – hiện nay vẫn chưa có một nhóm nhạc Việt nào được xây dựng theo mô hình này tạo được tiếng vang. Có rất nhiều lí do để một nhóm nhạc khó lòng "on top" ở thị trường âm nhạc Việt Nam, dù cho nó đang là một xu hướng tất yếu trên thế giới.

Khoác lên mình "chiếc áo" mang đậm phong cách Hàn Quốc: ngoại hình đẹp, sản phẩm âm nhạc đầu tư và có cả một chiến lược truyền thông dài hạn, thế nhưng những nhóm nhạc này lại khá "chật vật" để chinh phục khán giả trong nước. Và thực tế mà nói, từ những năm 2010 tới nay, mô hình này liên tục là những cú trượt ngã tiếp nối nhau. Dù họ cũng đạt được những thành tích nhất định nhưng để có thể coi là thành công so với mong muốn thì, vẫn còn khá xa. Vậy đâu là câu trả lời cho bài toán này, và cơ hội nào cho mô hình đội/nhóm ở thị trường âm nhạc Việt?

Học tập nước ngoài nhưng cần có bản sắc riêng phù hợp với văn hóa quốc gia

Một thực tế vừa cay đắng, vừa buồn cười, đó là dù Kpop vẫn luôn được yêu mến tại thị trường Việt thì những nhóm nhạc mang phong cách, hơi hướng Kpop lại chưa chắc đã được khán giả trong nước yêu mến. Rõ ràng, các nhóm nhạc Vpop đều đáp ứng được yếu tố hàng đầu cho sự tồn tại trong làng giải trí: đáp ứng được xu hướng, sở thích của khán giả. Tuy nhiên, họ lại quên mất một yếu tố cực kỳ quan trọng khác đó là bản sắc riêng của một nhóm nhạc Việt. Khán giả Việt thích những idol đến từ xứ sở kim chi, không có nghĩa rằng họ sẽ thích những nghệ sỹ Việt giống với Hàn Quốc.

Kinh doanh nhóm nhạc theo mô hình Kpop ở Việt Nam: Hành trình gian nan, quả ngọt khó gặt - Ảnh 1.

Mô hình nhóm nhạc theo phong cách Kpop đang được ưa chuộng tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

Nhìn lại Kpop thời kỳ đầu, chính phủ nước này đã đầu tư vào ngành giải trí vì thấy tiềm năng về việc "xuất khẩu văn hoá". Các thế hệ trước như chủ tịch SM Entertainment, Lee Soo Man, cũng đến Mỹ và được tiếp thu nền giải trí của US với sự nổi lên của Michael Jackson vào thời điểm đó. Vì vậy, ông đã dành nhiều năm để học hỏi và trở về Hàn vào năm 1985 với tầm nhìn về nền âm nhạc của Hàn Quốc có thể trở thành. Có thể nói nôm na, các thế hệ làm việc trong làng giải trí Hàn Quốc đã thành công trong việc kết hợp giữa văn hoá, đặc trưng của quốc gia họ với tinh hoa của làng nhạc Âu Mỹ để tạo nên Kpop. Đây chính là yếu tố tạo nên bản sắc riêng của Kpop.

Bàn lại làng nhạc Việt, cho dù được đào tạo bởi những chuyên gia hàng đầu với dàn ekip hùng hậu nhưng thiếu bản sắc là xem như mất tất cả. Ví thị trường âm nhạc như một siêu thị, các mặt hàng cùng cung cấp một loại sản phẩm như nhau. Tuy nhiên, khách hàng vẫn sẽ lựa chọn sản phẩm A vì sự nổi tiếng, đáng tin cậy, hương vị đặc trưng và hợp túi tiền. Thế nên, khi một sản phẩm B bắt chước toàn bộ sản phẩm, khách hàng sẽ chẳng bao giờ mua nó vì họ vẫn muốn một sản phẩm "gốc" hơn là bản sao. Chỉ trừ phi, sản phẩm B này mang đến một bản sắc riêng mà sản phẩm A không có được thì mới tăng được sự cạnh tranh. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao khán giả Việt phải cần coi một sản phẩm rập khuôn 100% Kpop, trong khi họ có thể xem hẳn bản gốc?

Cách đây khoảng 5 năm, YounQ là dự án nhóm nhạc nữ đầu tiên của Việt Nam với đội hình 8 người. Từ cách đào tạo và sắp xếp thành viên đều theo chuẩn của một nhóm nhạc nữ Kpop. Thời điểm ấy, các bài báo trên phương tiện truyền thông đều gán ghép nhóm nhạc nữ này như một phiên bản Việt của Girls’ Generation. Bản thân nhóm nhạc cũng không ngại thừa nhận mình copy nhóm nhạc đình đám này. Đơn vị quản lý của nhóm nhạc nữ cũng không ngại chi 1 tỷ đồng để mời đạo diễn Bone Hồ thực hiện MV Weekend với phần lời 100% tiếng Anh. Tuy nhiên, chính chiến lược PR theo hướng mình là bản sau của Girls’ Generation cùng ca khúc đầu tay không chút ấn tượng đã đẩy nhóm nhạc này mất hút chỉ sau một thời gian ngắn.

"Sinh ra là một bản thể, đừng chết như một bản sao" có lẽ là câu mà các nhà chiến lược của Vpop cần phải thuộc nằm lòng trước khi bắt đầu chu trình đào tạo theo xu hướng Kpop. Hiện nay, Monstar hay Uni5 đang được xem là một cái tên cân bằng được hai yếu tố Kpop và Vpop. Đây có thể nói là nhờ vào kinh nghiệm, chiến lược hợp lý, sự am hiểu của công ty quản lý trong việc cân bằng giữa hai bên để mang đến một bản sắc riêng cho thế hệ nhóm nhạc Vpop F2 được đào tạo theo kỹ nghệ của Hàn Quốc.

Monstar, Uni5, LipB... là những nhóm nhạc tiêu biểu của Vpop hiện nay đi theo mô hình đào tạo Hàn Quốc.

Khi đầu tư cho mô hình nhóm nhạc theo phong cách Hàn Quốc, ca sĩ Đông Nhi cũng từng chia sẻ: "Đúng là mô hình nhóm nhạc ở Việt Nam chưa thực sự mạnh, nhưng nếu không mạnh dạn thử nghiệm thì làm sao biết được nó có phù hợp với mình hay không. Chúng tôi mong muốn được mang tới cho Vpop thêm những làn gió mới trẻ trung, tài năng và cũng bắt kịp xu hướng âm nhạc trên thế giới. Tuy nhiên không phải việc học hỏi nào cũng đều thành công vì căn bản khán giả Việt vẫn có những thói quen, bản sắc không thể trộn lẫn với ai khác. Do đó, chúng tôi sẽ biết cách dung hoà giữa thế giới và bản sắc Việt trên con đường mà chúng tôi đang xây dựng cho tương lai".

Đầu tư cho một nhóm nhạc: đã khó khăn lại còn đầy rủi ro

Các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật ở Hàn đều quá quen thuộc với khái niệm thực tập sinh. Hơn ai hết để trở thành một ngôi sao vạn người mê, đó không phải là một câu chuyện đơn giản sau một đêm thức dậy xuất hiện đầy trên mặt báo. Đằng sau ánh hào quang là nước mắt, là những buổi luyện tập thâu đêm, những kỳ thi căng thẳng để từ 100 người, chỉ sàn lọc khoảng 4-5 người hay 8-9 người được ra mắt.

Thế nhưng, câu chuyện thực tập sinh ở Vpop chỉ mới bắt đầu. Nếu áp dụng theo công thức đào tạo 5 năm đến 10 năm, có lẽ đến tận 2025 chúng ta mới có được một nhóm nhạc hoàn chỉnh.

Trong khi đó, việc đầu tư một ca sĩ đơn lại đơn giản hơn. Các ca sĩ chỉ cần bước ra từ các cuộc thi lớn, các chương trình truyền hình thực tế hay mạng xã hội đình đám thì nghiễm nhiên họ sẽ được dư luận chú ý. Từ những khởi điểm này, ca sỹ đơn hoàn toàn có thể bắt đầu những bước chân đầu tiên của sự nghiệp nếu có trong tay một ekip tốt. Thế thì, tại sao phải mất 5 năm hay 10 năm trong khi họ hoàn toàn có thể làm chuyện đó trong 1-2 năm để bắt đầu gầy dựng danh tiếng?

Kinh doanh nhóm nhạc theo mô hình Kpop ở Việt Nam: Hành trình gian nan, quả ngọt khó gặt - Ảnh 3.

Nhóm nhạc càng đông thành viên sẽ là bài toán càng khó giải vì điều kiện kinh tế đầu tư phải mạnh (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, không phải công ty nào của làng nhạc Việt có tiềm lực tài chính đủ mạnh để theo đuổi một cuộc chơi đầy rủi ro trong việc đào tạo một nhóm nhạc Việt theo mô hình Kpop. Quần áo, ăn uống, di chuyển... tất cả những chi phí đó sẽ gấp nhiều lần so với việc một ca sĩ đơn lẻ hoạt động.

Đông Nhi nhận định, xét cho cùng, tiềm lực kinh tế vẫn là vấn đề nan giải hàng đầu cho việc đào tạo, đầu tư về lĩnh vực giải trí. Ở những cường quốc âm nhạc, giá trị của người nghệ sĩ được đặt ở ngưỡng rất cao chính vì thế các công ty quản lý cũng không ngại dành những mức kinh phí khủng đầu tư cho những dự án của nghệ sĩ. Đây cũng là một mặt hạn chế dành cho một đất nước đang phát triển như Việt Nam bởi điều kiện chưa thực sự cho phép các công ty giải trí mạnh dạn đầu tư quá nhiều.

Liên quan mật thiết đến bài toán kinh tế còn là bài toán về con người. Những câu chuyện bất đồng quan điểm cơ bản như tiền bạc đã dẫn đến sự dứt áo của các thành viên với công ty quản lý, gây nên thiệt hại không nhỏ.

Đình đám một thời là câu chuyện giữa Tronie và VAA. Vào thời điểm năm 2013, bản hợp đồng giữa hai bên được tiết lộ và khán giả khá bất ngờ vì sau khi được ra mắt thì số tiền nghệ sỹ nhận được là 3 triệu đồng/tháng. Một mức lương khiến ai cũng phải bất ngờ so với những gì họ hình dung về thu nhập của nghệ sĩ. Hay cho đến những bất đồng về cách quản lý, định hướng đi giữa các bên. Đầu năm 2017, Erik rời khỏi Monstar trong sự lùm xùm với St.319 Entertainment do Aiden là người sáng lập bởi sự bất đồng về quan điểm, cách quản lý.

Kinh doanh nhóm nhạc theo mô hình Kpop ở Việt Nam: Hành trình gian nan, quả ngọt khó gặt - Ảnh 4.

Tuy nhiên, những con số chia chác kia lại không phải là điều bất ngờ đối với các fan của Kpop. Đa phần các công ty trong suốt hợp đồng 5 năm đều có những sự ràng buộc nhất định để công ty có thể hoàn toàn thu lại số vốn họ đầu tư cho ca sĩ. Tuỳ vào độ hot của các thành viên mà các hợp đồng sau năm đầu tiên sẽ được chia lại theo mức cân đối hơn. Bởi thế mới có câu chuyện tại Kpop là trong những năm đầu, một thành viên kiếm được doanh thu thì phải chia hết cho các thành viên còn lại.

Những ví dụ trên đã cho thấy rõ ràng bất đồng quan điểm hay cách quản lý chưa chặt chẽ đang là một con dao giết dần từ từ các nhóm nhạc. Đặc biệt, khi nhóm nhạc ấy đang trên đà phát triển. Chưa kể, vòng đời của một nhóm nhạc lại khá ngắn, thời kỳ đỉnh cao đôi khi chỉ dài được vài ba năm là tan rã. Tư duy thích được hoạt động solo của các mảnh ghép cũng là mối đe dọa đến đội hình nhóm. Vì vậy, các nhà đầu tư Việt Nam cũng không dám mạnh tay cược hết vào bài toán này. Đó là chưa biết được thành công mang về sẽ thế nào.

Cơ hội vẫn có, rất cần những người tiên phong nghiêm túc và tử tế

Nhìn lại bản đồ âm nhạc Việt từ khoảng những năm 2000 tới nay, hẳn sẽ không khó để nhận ra đã có một thời mô hình nhóm nhạc đạt được những thành công rực rỡ. Thời điểm mạnh nhất của các nhóm nhạc Vpop là thời kỳ của 1088, Tam ca Áo Trắng, AXN, AC&M hay sau này là H.A.T và Ngũ Long Công Chúa. Không được xây dựng theo một công nghệ đào tạo ngoại quốc nào cả, bằng những gì "thuần Việt" nhất, họ vẫn chinh phục trái tim của khán giả trong nước. Tuy thời kỳ hoàng kim của nhóm nhạc Vpop đã qua từ rất lâu, nhưng không hẳn là sẽ biến mất hoàn toàn nếu nỗ lực gầy dựng đế chế này sống lại dưới lớp áo mới được ghi nhận. Để làm được điều đó, Vpop cần những người tiên phong nghiêm túc và tử tế.

Hiện nay, với những gì mà các nhà sản xuất âm nhạc trên thị trường đang cố gắng đầu tư nghiêm túc cho gà cưng của mình như các nhóm Monstar, Uni5, LipB, LIME... có thể dần thấy khán giả đã có sự ghi nhận. Loạt sản phẩm ra đời đều được đầu tư mạnh về âm nhạc, hình ảnh, thời trang... Tuy mang màu sắc Kpop còn khá rõ nét nhưng những sản phẩm của họ đang có sự cộng hưởng văn hóa dần để khán giả Việt tiếp cận một cách dễ chịu hơn. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những con số đếm trên đầu ngón tay, chưa đủ định hình trên thị trường Vpop còn dày đặc ca sĩ đơn hiện tại.

Vpop vẫn rất cần các nhóm nhạc văn minh với nhiều mô hình, phong cách âm nhạc đa dạng hơn ra đời, để "sàn đấu" có sự cạnh tranh và tạo nhiều dấu ấn. Tuy nhiên, điều này không được hiểu là dung túng cho những mô hình "thảm họa" dù phát ngôn sốc hay sản phẩm "đạo nhái" để tạo danh tiếng. Một môi trường đang nỗ lực để được ghi nhận không cần bị đánh đồng với những điều tiêu cực khác.

Kinh doanh nhóm nhạc theo mô hình Kpop ở Việt Nam: Hành trình gian nan, quả ngọt khó gặt - Ảnh 5.

Ngoài ra ở thời điểm hiện tại, chuyện một nhóm nhạc có được duy trì và thành công hay không, phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của các thành viên. Khi một bạn trẻ bước chân vào con đường nghệ thuật, họ cần phải xác định đây là một sự nghiệp để có một cái nhìn thật nghiêm túc và một khi chấp nhận vào một nhóm nhạc thì phải chấp nhận những khó khăn. Xét cho cùng, những công ty giải trí chuyên nghiệp hay một nhà quản lý nghiêm khắc sẽ là chỉ đóng góp 50% vào sự thành công của một nhóm nhạc, còn lại 50% còn phụ thuộc vào sự chuyên nghiệp và lòng kiên nhẫn của những thực tập sinh hay những ca sỹ đã và đang tồn tại trong các nhóm nhạc.

Từ phía nhà quản lý, cũng không nên để lỏng yếu tố kỷ luật trong quá trình đào tạo. Không giống Việt Nam, ngành giải trí Hàn Quốc khắc nghiệt hơn rất nhiều. Đôi khi chỉ cần một nghệ sỹ hậu bối lỡ có ánh nhìn không thiện cảm về một tiền bối thì người đó nắm chắc phải tạm dừng sự nghiệp trong vài tháng. Ngay cả trong việc đào tạo các thực tập sinh, các công ty đều rất kỷ luật như một doanh trại quân đội và giờ giấc đều được lên lịch rõ ràng. Các thực tập sinh bắt buộc phải tuân thủ và chấp hành nếu như họ muốn được ra mắt. Hay khi một thành viên nhóm nhạc phá hợp đồng, sự nghiệp solo của họ khi tách ra khỏi công ty cũng được ngầm hiểu là đầy sóng gió bởi sự can thiệp của công ty quản lý là những "ông lớn" trong ngành giải trí.

Làng giải trí Việt cần một quản lý nghiêm khắc với tầm nhìn của một nhà kinh doanh như Lee Soo Man của S.M Entertainment. Họ không chỉ là những người làm nghệ thuật mà còn phải là những nhà kinh doanh đại tài với một cái đầu lạnh.  

Mượn nhận định của Đông Nhi để khép lại vấn đề: "Phải công tâm nhìn nhận một điều Kpop đang có sức ảnh hưởng quá lớn đến giới trẻ Việt Nam và cả toàn châu Á, mà thế mạnh lớn nhất của họ là về nhóm nhạc. Chính vì thế, tại sao chúng ta không mở rộng tư duy để áp dụng trên chính thị trường, nơi mà cầu đang có thừa nhưng nguồn cung đang còn hạn chế?".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày