King Arthur: Legend of the Sword - Bản anh hùng ca đậm chất trào phúng

Khắc Tâm, Theo Trí Thức Trẻ 11:38 15/05/2017

Sau tác phẩm điệp viên "The Man from U.N.C.L.E.", đạo diễn Guy Ritchie đã quay lại với một bộ phim thời trung cổ mang tên King Arthur: Legend of the Sword".

Guy Ritchie là một trong số ít đạo diễn có cách làm phim rất riêng ở Hollywood. Tuy nhiên, dấu ấn cá nhân của ông không phải lúc nào cũng thành công. Trong khi hai phần phim Sherlock Holmes (2009, 2011) thành công vang dội thì The Man from U.N.C.L.E (2015) lại thất bại ê chề. Vậy với King Arthur: Legend of the Sword thì sao?

Bộ phim bắt đầu bằng trận đánh hoành tráng khi Uther Pendragon (Eric Bana) đánh bại tay phù thủy Mordred và đội quân của hắn bằng thành gươm Excalibur. Thế nhưng chỉ ít lâu sau, ông lại bị người xem trai là Vortigern (Jude Law) phản bội và cướp lấy ngôi báu. Đức vua và hoàng hậu bị giết bởi một con quái vật trong quá trình trốn chạy, Excalibur mất tích, chỉ có thế tử trẻ tuổi là trôi dạt tới ngoại thành London.

Sau nhiều năm, Arthur (Charlie Hunnam) đã khôn lớn với những kỹ năng học được trên đường phố. Anh cùng hai người bạn lập ra một nhóm "bảo kê" ao làng khá ăn nên làm ra. Trong khi đó, Vortigern ngày càng trở nên hùng mạnh nhờ sức mạnh phép thuật hắc ám. Thanh gươm báu Excalibur xuất hiện trở lại trên một tảng đá sau nhiều năm nhằm chờ đợi chủ nhân. Cả nước Anh xôn xao trước truyền thuyết Thế tử sẽ trở về còn Vortigern thì ráo riết tìm cách lấy mạng anh. Liệu Arthur có hoàn thành được xứ mệnh?

Khi thanh gươm trở thành nhân vật chính

King Arthur: Legend of the Sword - Bản anh hùng ca đậm chất trào phúng - Ảnh 2.

Thật ra Arthur đã có thể làm vua sau cảnh này chỉ vài phút nhưng anh ấy lại quá "nhạy cảm"

Thật ra:" Liệu Arthur có hoàn thành được xứ mệnh?" chỉ là một câu hỏi tu từ mà thôi. Bởi lẽ ai chúng ta cũng biết rằng dĩ nhiên anh sẽ rút được thanh gươm trong đá và trở thành vua của nước Anh rồi. 

Cái mà người xem mong chờ là Guy Ritchie sẽ cho Arthur rút gươm trong hoàn cảnh nào và trở thành vua ra sao mà thôi. Đối với những tác phẩm nổi tiếng về Arthur như King Arthur (2004) hay First Knight (1995), các nhà làm phim đều khắc họa ông là một vị vua với tài trí hơn người còn Excalibur chỉ là truyền thuyết tô vẽ thêm để khiến kẻ địch sợ hãi. Guy Richie lại chọn con đường khác và biến thanh gươm này thành trung tâm của toàn bộ câu chuyện.

Với những ai mong muốn được xem một bom tấn với những cảnh dàn trận hoành tráng như trong trailer thì bạn hãy quên điều đó đi. Bởi lẽ, trận đánh với voi chiến khổng lồ như Lord of the Rings đó chỉ kéo dài đúng… 5 phút đầu phim mà thôi. Thay vào đó, người xem sẽ được chứng kiến Arthur và nữ phù thủy (Àstrid Bergès-Frisbey) cân hết cả đạo quân của kẻ thù. Nhưng trước đó sẽ là hàng loạt các tình tiết dồn dập mà không vì lý do gì cũng như chả có sự liên kết gì sất.

King Arthur: Legend of the Sword - Bản anh hùng ca đậm chất trào phúng - Ảnh 3.

Những cảnh chiến tranh hoành tráng sẽ không có đâu

Được xây dựng là một đứa trẻ lớn lên và có trí thông minh kiểu "đường phố", ai cũng sẽ hy vọng Arthur dùng nó để đánh bại sự tàn ác của Vortigern trên phương diện chính trị hay quân sự. Ngay lúc anh nhờ Sir Bedivere (Djimon Hounsou) tìm tới sự trợ giúp của 6 trong số 12 Nam Tước, người viết đã nghĩ tới một trận đánh hoành tráng hay lật mặt tại chính trường nước Anh. Nhưng không, tác phẩm của Guy Ritchie bất ngờ rẽ sang hướng ám sát không vì lý do gì cả. Rồi hàng loạt cái chi tiết dư thừa như "Blacklands", nữ thần hồ,… được nhồi nhét vào 2 tiếng phim khiến King Arthur: Legend of the Sword trở thành một nồi lẩu thập cẩm không đâu vô đâu. Nếu không mấy hứng thú với thể loại thần thoại hay trai đẹp 6 múi, người xem có lẽ khó lòng cầm cự để ngáp ít nhất một vài cái suốt thời lượng phim.

Cho tới cuối cùng, Arthur chỉ cần bị rắn cắn rồi rơi vào trạng thái gì đó mà quyết định một thân một mình đi cân Vortigern. Khán giả đôi khi sẽ tự hỏi liệu Arthur có lên vua thật hay chỉ là những hình ảnh do anh tưởng tượng ra khi phê "cỏ". Thậm chí, nữ phù thủy có thể dễ dàng triệu hồi ra một con rắn to tổ chảng và xử sạch sành sanh kẻ thù từ 30 phút đầu phim. Không hiểu sao tác phẩm lại kéo dài tận hơn 2 tiếng nhỉ?

Kỹ xảo và tính cách nhân vật lỗi thời

King Arthur: Legend of the Sword - Bản anh hùng ca đậm chất trào phúng - Ảnh 4.

Kinh phí 175 triệu đô của King Arthur: Legend of the Sword không biết có phải con số khai khống hay không, khi mà bộ phim không chỉ không có những cảnh thật sự hoành tráng mà còn sở hữu kỹ xảo thời… 9x. Những phân đoạn Arthur sử dụng Excalibur đứng thời gian và chém kẻ địch nhìn rõ được kỹ xảo vi tính giả không khác gì một tựa game có giá vài đô trên Steam. Những cảnh chiến đấu này làm người viết nhớ lại trường đoạn đánh nhau "ảo tung chảo" của Neo với đặc vụ Smith trong Matrix Revolutions từ thời… 2003.

Tìm hiểu kỹ hơn nữa, bạn sẽ thấy đây là hãng phim vừa tạo ra những con quái thú sống động như thật trong Fantastic Beasts and Where to Find Them cách đây ít lâu. Thế nhưng có lẽ chúng chỉ sống trong vali của Newt Scamander mà thôi. Con chim đại bàng hay chú rắn khổng lồ trong King Arthur: Legend of the Sword nhìn rõ được sự giả tạo trong từng cử động. Người viết tự hào mà nói rằng còn gấu trong Rừng Xanh Kỳ Lạ Truyện hồi Tết năm nay đạt tầm Hollywood nếu so với bom tấn của Guy Ritchie. Tạo hình và kỹ xảo của Vortigern cũng chả khác gì trùm cuối trong một tựa game nhập vai nào đó. Và dĩ nhiên trường đoạn cuối ảo diệu y chang một trận đánh boss nhẵn mặt các game thủ.

King Arthur: Legend of the Sword - Bản anh hùng ca đậm chất trào phúng - Ảnh 5.

Nữ chính Àstrid Bergès-Frisbey với diễn xuất trước sau như một

Như đã nói ở trên, vì sao Arthur dư sức lên vua chỉ sau 30 phút phim nhưng lại cần tới 2 tiếng? Bởi anh phải đối chọi với tâm hồn "chưa dậy thì" của mình suốt thời lượng phim. Trong khi bất kì ai cũng đều mong được làm vua thì Arthur lại có hàng tỷ lý do để không làm, đặc biệt nhất là bởi sợ… cầm gươm. 

Quá khó hiểu khi một tay "dân anh chị" đầy ma mãnh và quyết đoán như Arthur lại có một tâm hồn "thiếu nữ" như thế. Thậm chí, anh còn không điều khiển được cấp dưới mà để họ tự do làm loạn. Nói không ngoa khi Excalibur mới là nhân vật chính thật sự trong phim bởi mọi thứ chỉ xoay quanh việc Arthur có xài được nó hay không mà thôi.

Tuyến phản diện cũng chả khá khẩm hơn. Nữ chính Àstrid Bergès-Frisbey chỉ đi vòng vòng với khuôn mặt mất ngủ rồi liên tục hỏi Athur:"Anh có thấy nó chưa?". Merlin là ông chủ vựa "cỏ" hay sao mà có đệ tử mặt như lúc nào cũng đang "bay" rồi liên tục khiến người khác thấy ảo giác thế kia? 

Diễn xuất tốt nhất của nữ diễn viên Pháp trong phim là đứng niệm chú với gương mặt không thể nguy hiểm hơn và hiệu ứng đủ màu trong mắt. Vortigern của Jude Law là điểm sáng bởi sự lạnh lùng, tàn nhẫn nhưng cũng không kém phần tình cảm. Tuy vậy, nếu nhân vật của anh bớt chút drama lại và thêm phần hành động thay vì kỹ xảo thì hay biết mấy.

Những điểm sáng hiếm hoi

King Arthur: Legend of the Sword - Bản anh hùng ca đậm chất trào phúng - Ảnh 6.

Phần jump cam đậm chất Guy Ritchie là điểm nhấn sáng giá

Nói như thế không phải King Arthur: Legend of the Sword hoàn toàn dở, phim vẫn có một vài điểm xuất sắc riêng. Trong số đó chính là phong cách làm phim độc đáo của Guy Ritchie. Những cảnh jump cam (chuyển cảnh liên tục) đầy tinh tế giữa hiện tại và quá khứ, xen lẫn trong đó là phần lời thoại gãy gọn nhưng hài hước là thứ đặc sản riêng của đạo diễn người Anh này. 

Dù chỉ một cảnh phim ngắn nhưng cũng đủ để ông truyền tải rất nhiều chi tiết và thông điệp riêng. Những phân đoạn đó khiến khán giả cảm nhận được sự hài hước châm biếm nhưng cũng rất cao sang đậm chất Anh Quốc. Nếu là fan của Sherlock Holmes hay Kingsman: The Secret Service (2014), bạn khó mà bỏ qua được King Arthur: Legend of the Sword.

King Arthur: Legend of the Sword - Bản anh hùng ca đậm chất trào phúng - Ảnh 7.

Bối cảnh và giáp trụ của bộ phim quá đẹp mắt

Bối cảnh và âm nhạc là hai chi tiết ấn tượng khác trong bất kỳ bộ phim nào của Guy Ritche. Với King Arthur: Legend of the Sword, ông đã tạo ra một thế giới châu Âu trung cổ đầy màu sắc. Trang phục, giáp trụ của các nhân vật đều được chăm chút kỹ lưỡng và vô cùng đẹp mắt. Từ lâu đài cho tới rừng cây, từng tòa nhà, từng con đường đều đưa khán giả tới một vùng đất vừa ma mị, vừa đậm chất thần thoại nhưng cũng rất thực tế. 

Phần nhạc nền của bộ phim thì khỏi phải chê. Những đoạn "ăn hành" vật vã hay "thức tỉnh" của Arthur như trở thành một bản anh hùng ca đậm chất sử thi nhờ phần âm nhạc đặc sắc. Từ trữ tình cho tới sôi động, nhẹ nhàng cho tới sôi động, những bản nhạc trong phim chắc chắn là thứ mà khán giả sẽ ghi nhớ khi ra khỏi rạp.

King Arthur: Legend of the Sword - Bản anh hùng ca đậm chất trào phúng - Ảnh 8.

Nhìn chung, King Arthur: Legend of the Sword vẫn có một giá trị giải trí nhất định chứ không hoàn toàn dở tệ. Phim hiện đang công chiếu trên toàn quốc.