Kiệt sức vì 11 năm làm việc liên tục, cô gái chuyển vào viện dưỡng lão sống: "Chỉ đến khi tiêu hết số tiền kiếm được, tôi mới biết giá trị cuộc sống là gì"

Nguyệt , Theo Nhịp sống thị trường 08:00 04/08/2024
Chia sẻ

Sau những tháng ngày chạy theo vòng xoáy kiếm tiền, cô nhận thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống sau khi chuyển vào viện dưỡng lão.

"Chỉ đến khi tiêu hết số tiền kiếm được, tôi mới nhận ra cuộc sống nên như thế nào"

Thời gian qua, đoạn video về "người phụ nữ 38 tuổi từ bỏ công việc ổn định và chuyển vào viện dưỡng lão sống" đã trở thành chủ đề tìm kiếm nóng trên các trang MXH của Trung Quốc.

Chủ nhân của đoạn clip là cô Yang, từng làm việc ở Bắc Kinh 11 năm với vai trò biên kịch. Cô thường xuyên phải làm việc ngoài giờ đến khuya, áp lực phải liên tục sửa bản thảo, chờ nhận xét của cấp trên và gần như không có ngày nghỉ. Công việc căng thẳng, kéo dài từ ngày nay qua tháng khác khiến Yang đổ bệnh, phải nhập viện suốt một tháng vào cuối năm ngoái.

"Nằm trên giường bệnh và tiêu gần hết số tiền kiếm được để chữa trị, tôi nhận ra cuộc sống nên như thế nào", Yang tâm sự. Vì cha mẹ Yang đã qua đời nên sau khi đổ bệnh, cô đã lên kế hoạch đi đến một thành phố chưa từng đặt chân đến để thư giãn và hồi phục tinh thần. Nghĩ là làm, cô quyết định rời Bắc Kinh và trở về Đông Bắc Trung Quốc

"Lúc đó, tôi đơn giản chỉ muốn tìm một nơi có cơm ăn, chỗ ở, chỉ muốn được nghỉ ngơi thật tốt", Yang nhớ lại.

Kiệt sức vì 11 năm làm việc liên tục, cô gái chuyển vào viện dưỡng lão sống: "Chỉ đến khi tiêu hết số tiền kiếm được, tôi mới biết giá trị cuộc sống là gì"- Ảnh 1.

Trước khi chuyển vào viện dưỡng lão sinh sống, cô Yang đã có nhiều năm làm việc liên tục, không ngừng nghỉ ở Bắc Kinh

Quyết định ở lại viện dưỡng lão, chỉ tốn 7 triệu/tháng

Địa điểm mà cô Yang chọn là viện dưỡng lão,  trước tiên để được hồi phục sức khỏe, sau để chứng thực xem cuộc sống ở đây có buồn tẻ như mọi người nói không. Sau khi chuyển vào đây, cô dần yêu thích "nhịp sống chậm" hơn.

Cô được chăm sóc y tế cơ bản, ăn uống lành mạnh và sinh hoạt khoa học. Nhờ đó, sức khỏe cô hồi phục nhanh chóng, không còn gặp ác mộng như trước. Hàng ngày của cô Yang trôi qua nhẹ nhàng và không thiếu việc để làm, thông thường cô đọc sách và viết. Những ngày nắng đẹp cô sẽ đi dạo ngoài trời. Vào buổi chiều mỗi ngày cô thích ở phòng cộng đồng để trò chuyện với người cao tuổi.

Về chi phí, cô chỉ cần chi 2.000 NDT mỗi tháng (khoảng 7 triệu đồng) để trang trải tiền ăn và nhà ở. "Tôi ở viện dưỡng lão đã 3 tháng, ngày nào tôi cũng ngủ sớm, dậy sớm. Tôi rất thân với những người cao tuổi. Tôi còn giúp họ viết hồi ký. Tôi có một sinh hoạt đều đặn, cảm thấy no đủ và cảm giác như được tiếp thêm năng lượng mỗi ngày", cô Yang tâm sự.

Kiệt sức vì 11 năm làm việc liên tục, cô gái chuyển vào viện dưỡng lão sống: "Chỉ đến khi tiêu hết số tiền kiếm được, tôi mới biết giá trị cuộc sống là gì"- Ảnh 2.

Cô Yang yêu thích nhịp sống chậm của viện dưỡng lão

Là người nhỏ tuổi nhất ở đây nên Yang thường được các cụ kể chuyện về tuổi thanh xuân của họ. Sức sống bùng lên trong họ không kém gì những người trẻ đã truyền cảm hứng cho cô. Bằng khả năng viết văn, cô đang giúp một cụ ông viết hồi ký và cũng đang bắt đầu kế hoạch quay phim câu chuyện cuộc đời của 100 cụ.

Sau những ngày sống ở viện dưỡng lão, cô nhận ra bản thân không cần phải làm việc quá vất vả. Trước kia, cô lao đầu vào vòng xoáy kiếm tiền, luôn tâm niệm rằng trọng tâm và ý nghĩa trọn vẹn của cuộc đời là công việc. Nhưng, Yang nhận ra điều này không hoàn toàn đúng.

"Cho đến khi đổ bệnh, tôi nhận ra 11 năm qua chỉ có công việc mà không có hạnh phúc", cô Yang nói và cho biết sẽ không ở viện dưỡng lão mãi nhưng cũng chưa xác định bao giờ sẽ rời đi.

Viện dưỡng lão nơi Yang đang sống có diện tích 100.000 m2, gồm 5 tòa nhà thang máy và khuôn viên rộng rãi. Người phụ trách cho biết ở đây không giới hạn đặc biệt về độ tuổi hay thể chất đối với việc tiếp nhận người vào ở. Hiện tại viện dưỡng lão có hơn 520 người, già nhất là 102 tuổi, còn trẻ nhất là Yang.

Do giá cả ở địa phương thấp và được trợ cấp của chính phủ nên chi phí ở đây tương đối rẻ, dao động từ 1.300 đến 2.300 tệ (~4,5 - 8 triệu đồng). Ngoài việc cung cấp các tiện nghi cơ bản như TV và phòng tắm, ở đây còn có phòng vẽ tranh và thư pháp cũng như phòng thể dục, trị liệu.

Nguồn: Sohu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày