“Kiếp nạn” khi tin người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật: Làm sao để bớt phí tiền và thất vọng ê chề?

Nguyễn Quỳnh Trang - Ảnh NVCC, Theo Phụ Nữ Mới 08:00 11/10/2023
Chia sẻ

Phí tiền, thất vọng và nhiều cảm xúc không tên khác xuất hiện khi mua hàng theo review mà nhận về chẳng đúng tẹo nào!

Mua theo đề xuất của người khác không còn là điều gì xa lạ. Tác động của những người nổi tiếng khi khen nức nở một sản phẩm đến quyết định mua hàng của bạn là không hề nhỏ. Chính vì thế nên trong những clip triệu views của họ, chỉ cần một sản phẩm bất kỳ nào đó xuất hiện vài giây thôi cũng đủ gây chú ý.

Từ chú ý, đến tò mò, tiện tay thêm vào giỏ hàng rồi thanh toán nhờ một chất xúc tác nào đó mang tên “xu hướng”, “hot trend” hay đơn giản là niềm tin đặt vào người giới thiệu sản phẩm, đã khiến cho nhiều người nhận cái kết đầy bất ngờ khi đem hàng ra sử dụng!

Mua vì "thích chị kia review": Cái dùng được, cái không nhưng sợ nhất sản phẩm liên quan đến sức khoẻ

Để mà kể, thì có muôn vàn “kiếp nạn” khi mua hàng theo lời chỉ dẫn/ giới thiệu trên các nền tảng mạng xã hội. Một phần đến từ việc người mua không tìm hiểu chi tiết, quyết định xuống tiền dễ dàng mà chưa check soát kỹ vì… ai cũng bận. Phần còn lại là những lời quảng cáo hoa mỹ, biến hóa từ ngữ và hình thức đa dạng để đánh thẳng vào nhu cầu hiện tại của người nghe, khiến sản phẩm trở nên có sức hút hơn bình thường.

Có bao giờ bạn lướt qua một clip của người nhiều follow nào đó trên mạng và nghe họ giới thiệu về một loại kem trắng da hay tấm nịt bụng và bạn bỗng giật mình thấy “đúng là dạo này da mình xỉn màu” hay "sao eo mình không còn thon gọn"... và trong phút chốc, bạn xuống tiền!

Một vài trường hợp nhẹ thì chỉ sử dụng thấy chán, kém hiệu quả, không xài nữa thì bỏ cũng được vì toàn đồ dùng bên ngoài và không có tác động trực tiếp đến sức khỏe. Nhưng cũng có những trường hợp mua sữa, mua sâm, thực phẩm chức năng,... theo “ai đó” ngoài kia mà gây ra hậu quả khó kiểm soát.

Lê Thị Huyền Trang (24 tuổi, Marketing Executive) là một người trẻ hiện đại, thích mua sắm online và đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử, mua theo review cũng chẳng ít. Kể về trải nghiệm của bản thân, cô nàng cho biết: “Thực ra không phải cứ mua hàng trên mạng hay mua theo lời mách bảo của ai là đều “fail” (thất bại). Nó còn phụ thuộc vào chính mình nữa, vì mình không muốn mua thì ai bắt ép được.

“Kiếp nạn” khi tin người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật: Làm sao để bớt phí tiền và thất vọng ê chề? - Ảnh 1.

Duy chỉ có một lần, không biết có sự trùng hợp nào không khi mà mình đang muốn tìm kiếm một sản phẩm dầu gội - dầu xả có thể làm giảm khô xơ, bớt ra dầu và ngăn rụng tóc thì lại gặp ngay một chiếc clip quảng cáo của 1 bạn nổi tiếng. Đúng dịp, đúng thời điểm và đúng sản phẩm mình cần thì mua luôn chẳng nghĩ. Tốn 700k -800k cho 1 cặp dầu gội, nhưng nhận về xài thử thì chỉ thấy tóc khô xơ thêm, chẳng như quảng cáo một chút nào!!!

Nói chung một lần rắn cắn thì mười năm sợ dây thừng mà, mình dẹp luôn cách mua hàng không suy nghĩ đó luôn đến giờ. Bị thao túng tâm lý thật đáng sợ!”.

Nhỏ nhặt hơn thì vài thỏi son, mỹ phẩm, quần áo hay những sản phẩm sử dụng ở ngoài da cũng rất dễ mua theo review, gợi ý từ những người có tiếng trên MXH mà bỏ qua chất lượng và sự phù hợp với bản thân. Như Hoài Thương (23 tuổi, Thanh Hóa), cô nàng cũng không ít lần mua về mà chẳng xài được.

“Kiếp nạn” khi tin người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật: Làm sao để bớt phí tiền và thất vọng ê chề? - Ảnh 2.

“Mình trước đây khá thích sưu tầm son nội địa Trung, nó rẻ, packaging (bao bì) dễ thương. Thường thì mua về để trang trí nhưng cũng hay có dòng sản phẩm nào đó nổi nổi thì có thể đem ra xài. Người ta review thì lên màu đẹp, chất đánh oke mà mua về thì đúng chỉ trưng kệ chứ không dùng được miếng nào”.

Hoài Thương còn chia sẻ thêm, nhiều lúc mua hàng vì “ưng nhỏ này review quá”, hay thích “anh này, chị kia” mà đôi khi lòng tin của mình lại đặt vào họ vô tình tăng lên để rồi nhận về những sản phẩm họ từng gợi ý thì thất vọng ê chề. Và dĩ nhiên sau đó là bớt đi sự yêu thích hẳn!

Lại cũng có trường hợp, không chỉ bớt yêu thích mà còn bỏ cả follow. Như Phạm Thị Thùy Liên - một mẹ bỉm sữa có niềm đam mê với các gia đình có con nhỏ giống mình trên TikTok, Liên bấm theo dõi hàng loạt. Không ít lần mua theo các sản phẩm được quảng cáo cho con từ các gia đình này về để sử dụng. Cái dùng được cái không.

“Nhưng đỉnh điểm có một lần, khi xem livestream của một nhà B. để mua hồng sâm Hàn Quốc cho bé uống cũng vì tin tưởng, về cho con uống đến ống thứ 2-3 là bé trớ nhiều hơn. Mình sợ quá nên dừng ngay và đưa con đi khám. Bác sĩ bảo là thể trạng của bé không hợp với các thành phần có trong túi sâm đó nên mình chừa luôn đến giờ.

Tất cả những sản phẩm sau này liên quan đến sức khỏe, đường ăn uống hay thực phẩm của con mình đều đến bác sĩ và quầy thuốc để tư vấn. Cũng tự trách mình sao bất cẩn như vậy.

Đây là ý kiến cá nhân của mình, có thể hợp bé này bé kia nhưng không dành cho tất cả. Vậy nên các mẹ hãy thực sự cân nhắc kỹ hơn về việc mua đồ gì cho con sử dụng ở trên mạng xã hội!”, Thùy Liên nhắn nhủ đến những người đang và sắp làm mẹ. Vì theo như trải nghiệm của chính mình, một số nhà bán hàng họ chỉ bán vì lợi nhuận, doanh số chứ thực chất chả quan tâm nó ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của bạn.

Học cách kiểm tra lại mọi thông tin người khác đưa ra để bớt phí tiền và không ôm bực vào người

Kể từ sau khi làm việc trong lĩnh vực Marketing, Huyền Trang đã trang bị thêm cho mình những kiến thức bổ ích về các sản phẩm được quảng cáo, và đặc biệt là “xu hướng”, “hot trend” hay sản phẩm nổi như cồn nhờ review. “Mình đã có yêu cầu cao hơn rất nhiều khi mua hàng online hay mua theo đề xuất của người khác".

Cô nói cụ thể hơn: “Ví dụ như những sản phẩm sử dụng bên ngoài, quần áo, đồ decor, không tác động quá trực tiếp đến sức khỏe, mình có thể dễ dàng chọn lựa hơn. Còn những đồ chăm sóc da dẻ, cơ thể hay sử dụng thì tác động đến sức khỏe mình gần như không còn mua theo người ta nữa.

Thay vào đó, mình lên các website chính hãng, các gian hàng được kiểm định chất lượng để xem thành phần cụ thể, chính sách đổi trả nếu có hàng nhái, hàng kém chất lượng. Sau đó chọn lọc đánh giá từ khách hàng cũ để đọc, vì hiện giờ có rất nhiều seeding giả mạo với nội dung kích thích mua sắm. Nói chung, giờ phải trang bị kiến thức thật kỹ về sản phẩm mình muốn mua, đặc biệt là đồ dùng vào cơ thể để giảm thiểu rủi ro, bớt phí tiền và không ôm bực vào người!”.

“Kiếp nạn” khi tin người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật: Làm sao để bớt phí tiền và thất vọng ê chề? - Ảnh 3.

Đây cũng là những kinh nghiệm mà bạn trẻ như Hoài Thương, hay Khánh Linh (24 tuổi, Hà Nội) áp dụng lúc mua hàng. Cụ thể họ sẽ xem review từ nhiều người khác nhau để đưa ra đánh giá khách quan, xem lượt mua, feedback khách hàng, hình ảnh. Thà tiêu tốn thời gian tìm hiểu còn hơn khi nhận sản phẩm về không dùng được.

Chính nhờ thế mà Khánh Linh trộm vía đến hiện tại chưa mua lỗi cái gì. “Mình thường lên kế hoạch cho việc mua sắm, rất cụ thể. Như tháng này cần mua quần áo gì không, đồ đạc trong nhà món nào sắp hết, mỹ phẩm, chăm sóc cơ thể,... liệt kê một loạt rồi mua dần chứ không mua theo cảm tính. Món đồ nào nhất định phải mua, mình sẽ dành 1-2 ngày để tìm hiểu, oke là mua luôn. Còn những món tạm thời chưa thực sự cần đến, mình dành hẳn 1 tuần để suy nghĩ”.

“Kiếp nạn” khi tin người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật: Làm sao để bớt phí tiền và thất vọng ê chề? - Ảnh 4.

“Tung hô” chính là keyword trong việc quảng cáo sản phẩm mà rất nhiều người nổi tiếng lựa chọn. Nó khiến cho người xem cảm thấy sản phẩm đó thực sự tốt, cộng thêm các chương trình giảm giá đánh trúng tâm lý không mua thì có cảm giác như đang bỏ lỡ một món hời.

Cũng chính từ trải nghiệm khiến Thùy Liên hối hận, cô tổng kết lại: “Riêng về các sản phẩm khác mình ít có kiến thức, nhưng về phần mua đồ cho bé thì mình đã đi qua rất nhiều giai đoạn. Vậy nên hãy bớt tin những lời nói sáo rỗng qua mạng, mà thay vào đó tập trung vào bổ sung kiến thức cho chính mình. Và quan trọng nhất là đừng ham rẻ mà mua!”.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày