Thời gian vừa qua, xảy ra nhiều vụ cháy, hỏa hoạn, để lại hậu quả thương tâm cả về người và của. Thực tế ghi nhận, ở nhiều vụ việc, đặc biệt là hỏa hoạn xảy ra tại các hộ dân cư, khi ngọn lửa vô tình chặn kín lối cửa chính hay cầu thang thoát hiểm thông thường, các nạn nhân sẽ bị kẹt lại tại hiện trường, không thể thoát ra qua đường ban công hay cửa sổ bởi ở những khu vực này cũng đã bị quây kín.
Từ nhiều năm trước, khái niệm lắp đặt các ô cửa sổ có khung sắt vững chãi với các mối hàn "chết", hoặc xây dựng chuồng cọp tại các ban công đã trở nên vô cùng phổ biến. Mục đích của việc xây dựng này là để bảo vệ sự an toàn cho ngôi nhà cũng như tài sản của con người, đề phòng trộm cắp, an toàn hơn cho trẻ em, người cao tuổi hoặc cơi nới thêm, tận dụng thành nơi chứa đồ đạc, gia tăng diện tích sinh hoạt.
Tuy nhiên, chính sự chắc chắn và kiên cố của các khung cửa sắt hay chuồng cọp đã vô tình cản trở công tác PCCC và CNCH mỗi khi xảy ra sự cố, hỏa hoạn.
Chuồng cọp hay khung sắt cửa sổ hàn "chết" vô tình chặn lại lối thoát nạn thứ 2 trong gia đình khi xảy ra sự cố như hỏa hoạn
Nhận thấy vấn đề này, hiện nay, các cơ quan chức năng đã và đang vận động tích cực tới các hộ dân để tháo dỡ, cắt bỏ chuồng cọp hay các khung cửa sổ được hàn "chết". Việc làm này được nhấn mạnh là có thể coi là mở ra "lối thoát nạn thứ 2" cho các hộ dân.
Ngoài ra, bên cạnh phương án loại bỏ hoàn toàn, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cũng chỉ ra một lựa chọn khác cho các hộ gia đình vẫn muốn giữ sự kiên cố cho ban công hay ô cửa sổ nhà mình. Đó là khi thi công chuồng cọp, cửa sổ khung sắt, thay vì gia cố toàn bộ khu vực "chết", hãy yêu cầu đội ngũ thi công mở thêm một khu vực cửa trên khung sắt. Ô cửa này bình thường sẽ được khóa lại bằng ổ khóa, khi có sự cố, người trong gia đình có thể mở khóa, từ đó mở ra lối thoát nạn.
Theo kiến trúc sư Đặng Hữu Hải, Kiến trúc sư trưởng, Nhà sáng lập Công ty Thiết kế và Xây dựng Việt House: "Việc thi công chuồng cọp hay cửa sổ khung sắt vững chãi đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều gia đình. Mỗi khi được gia chủ đưa ra yêu cầu làm những thứ đó, chúng tôi luôn tư vấn ngược lại rằng nên có phương án cửa mở trên khung sắt. Từ đó khi xảy ra trường hợp xảy ra sự cố như cháy nhà, đây có thể là lối thoát hiểm thứ 2 của mỗi nhà ngoài cửa chính".
Thay vì chuồng cọp kiên cố, các gia đình hãy thi công thêm phần cửa mở linh động trên khung sắt
Bên cạnh phương án như chuyên gia tư vấn như trên, nhiều người cũng thắc mắc, liệu thay thế cửa sổ, chuồng cọp khung sắt bằng chất liệu khác như bằng các vách kính thì có an toàn và hợp lý hơn hay không? Câu trả lời là không hẳn.
"Về cơ bản, những vách kính khi thi công thay cho khung sắt cửa sổ, chuồng cọp sẽ đều là kính cường lực. Xét về độ chắc chắn, nó không thua kém gì, kiên cố như một bức tường và nếu muốn phá, phải có những vật dụng đặc biệt chuyên dụng. Chính vì vậy, thay vì làm vách kính, các gia đình có thể tham khảo chỉ nên làm cửa sổ kính, có thể đóng mở linh động'', kiến trúc sư Hải giải thích.
Không nên làm các vách tường thay thế chuồng cọp, thay vào đó làm cửa kính đóng, mở linh động
Theo bài hướng dẫn trên Cổng thông tin điện tử Công an TP Hà Nội, ngoài việc tháo dỡ các chuồng cọp, hay thi công cửa mở linh động trên khung sắt, các hộ dân cũng có thể xây dựng, mở ra lốt thoát nạn thứ 2 cho nhà mình bằng các cách khác như sau:
- Lối thoát khác cũng có thể là lối lên sân thượng, mái nhà hoặc ống tụt, thang dây ngoài nhà
- Nhà có sân thượng phải bố trí thông thoáng, có lối lên từ tầng dưới qua các cầu thang cố định
- Cầu thang tới lối thoát nạn không được xoắn ốc hoặc để nhiều vật dụng đồ đạc, hàng hóa... làm cản trở việc di chuyển
- Nếu tầng mái, sân thượng có khóa cửa, phải thiết kế để dễ dàng mở được từ bên trong
- Chiều rộng của lối đi, bản thang thoát nạn phải bảo đảm cho người di chuyển thuận lợi (chiều rộng tối thiểu 70cm)
- Cửa đi trên lối thoát nạn cần sử dụng cửa cánh, hạn chế dùng cửa cuốn và cửa trượt
- Trong một số trường hợp, lối thoát nạn thứ 2 có thể là lối dẫn sang khu vực nhà hàng xóm
Cầu thang dẫn tới lối thoát nạn thứ 2 trên sân thượng của một gia đình
Cũng theo quy định về PCCC nhà ở của UBND TPHCM ban hành vào tháng 6 năm 2021, để bổ trợ thêm cho lối thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp, mỗi hộ dân, mỗi gia đình có thể tự trang bị thêm các công cụ, thiết bị phục vụ PCCC. Có thể kể tới như các bình cứu hỏa, búa, rìu, xà beng, kìm động lực, thang dây, dây thoát hiểm, mặt nạ chống khói... Các vật dụng này cũng phải được để ở vị trí dễ nhìn thấy, dễ lấy.