Kiến ba khoang tái xuất, sinh viên KTX Đại học Quốc gia khốn khổ vì bị tấn công

Hải Long, Theo Tổ Quốc 10:36 10/06/2019
Chia sẻ

Thời gian gần đây, rất nhiều sinh viên ở KTX - ĐH Quốc gia TP.HCM liên tục "kêu trời" vì bị kiến ba khoang tấn công, hậu quả để lại là những vết sẹo, gây đau đớn, khó chịu.

Những ngày qua, nhiều sinh viên đang sinh sống tại KTX khu B - Đại học Quốc gia TP.HCM liên tục kêu trời bởi tình trạng kiến ba khoang tấn công trong lúc ngủ, xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Theo phản ánh của nhiều sinh viên tại KTX ĐHQG, cứ vào mùa mưa tầm tháng 6 tháng 7 là tình trạng này lại tái diễn. Chỉ cần bật đèn vào buổi tối là đàn kiến ba khoang kéo tới bu bám khắp phòng, "hành hạ" những ai vô tình bị nó dính vào.

Kiến ba khoang tái xuất, sinh viên KTX Đại học Quốc gia khốn khổ vì bị tấn công - Ảnh 1.

Kiến ba khoang liên tục tấn công nhiều sinh viên ở KTX ĐHQG TP.HCM.

Chia sẻ với PV, bạn Đinh Văn Linh (Trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM), một nạn nhân vừa bị kiến ba khoang đốt cho biết: "Cứ tới mùa mưa là tình trạng này lại diễn ra, đây thực sự là nỗi kinh hoàng khi ở KTX mùa này. Chỉ cần bật bóng đèn lên vào buổi tối, một lát sau kiến ba khoang đã bò khắp nơi trong phòng, leo lên cả người. Mỗi đêm mình có thể bắt cả chục con", Linh nói.

Theo bạn Linh, bên Ban quản lý khu KTX đã phun thuốc diệt kiến, tuy nhiên cũng không giảm được bao nhiêu. Đây đang là đầu mùa mà đã nhiều vậy rồi, ít hôm nữa có khi còn nhiều hơn.

"Phòng mình có 4 người ở, mà cả 4 đều bị đốt, bạn nào có mắc màn khi ngủ thì may mắn bị đốt ít hơn. Mấy hôm nay rất nhiều bạn khác ở trong KTX cũng kêu trời vì liên tục bị đốt", Linh ngao ngán nói.

Kiến ba khoang tái xuất, sinh viên KTX Đại học Quốc gia khốn khổ vì bị tấn công - Ảnh 2.

Nhiều bạn sinh viên ở KTX trở thành "nạn nhân" của kiến ba khoang.

Liên quan đến tình trạng này, gần đây trên nhiều diễn đàn ở mạng xã hội cũng liên tục xuất hiện các bài viết kèm hình ảnh của nhiều bạn sinh viên đăng tải, "kêu trời" về việc mình và bạn bè trở thành nạn nhân của kiến ba khoang.

Nhiều bạn sinh viên tỏ ra lo lắng, khiếp sợ bởi hậu quả mà kiến ba khoang để lại, có người thì than thở và tỏ rõ sự khổ sở bởi những vết bỏng do loại côn trùng này gây ra.

Bạn Hoàng Thu Thủy (Trường Đại học Kinh tế - Luật) cho biết đã quá quen với việc hàng năm nhiều bạn sinh viên bị kiến ba khoang cắn, việc các bạn than phiền về những vết cắn cũng không mấy xa lạ mỗi khi đến mùa mưa.

Tuy nhiên, Thủy cũng cho hay: "Đối với sinh viên ở đây lâu năm thì việc kiến ba khoang cắn là "chuyện thường ngày". Nhưng sinh viên mới vào thì rất hoang mang, lo sợ trước sự hoạt động của chúng".

Kiến ba khoang tái xuất, sinh viên KTX Đại học Quốc gia khốn khổ vì bị tấn công - Ảnh 3.

Những vết cắn của kiến ba khoang để lại trở thành nỗi ám ảnh của các bạn sinh viên.

Nhiều bạn từng là nạn nhân của những vết đốt do kiến ba khoang để lại cũng vào "hỏi thăm" và chia sẻ nhau cách phòng tránh và các biện pháp chữa trị tạm thời.

Việc kiến ba khoang lộng hành khiến cho cuộc sống sinh hoạt, học tập của các sinh viên bị ảnh hưởng. Nhiều bạn sinh viên bỏ ra không ít tiền để mua thuốc đặc trị các vết thương do kiến gây ra, một số khác thì ngại ra đường hoặc không dám đi học khi trên mặt, người chi chít đốm thuốc xanh.

Kiến ba khoang tái xuất, sinh viên KTX Đại học Quốc gia khốn khổ vì bị tấn công - Ảnh 4.

Nhiều sinh viên ở KTX ĐHQG trở thành nạn nhân của kiến ba khoang.

Những tòa nhà G2, G4, H1 (KTX khu A) và B4, B5, E2,…, (KTX khu B) được coi là những nơi có mật độ kiến ba khoang hiện diện nhiều nhất.

Theo nhiều bạn sinh viên, hàng năm cùng với công tác phun thuốc, phát quang tiêu diệt kiến ba khoang, Ban quản lý KTX ĐHQG TP.HCM cũng tiến hành tuyên truyền giúp sinh viên nhận biết phòng chống kiến ba khoang gây hại.

Tuy nhiên, việc phun thuốc tiêu diệt côn trùng không mấy hiệu quả, chỉ được vài hôm là kiến lại lũ lượt kéo nhau vào tấn công sinh viên như thường.

Kiến ba khoang tái xuất, sinh viên KTX Đại học Quốc gia khốn khổ vì bị tấn công - Ảnh 5.

Vết thương do kiến ba khoang tấn công rất đau rát, ngứa ngáy.

Được biết kiến ba khoang là một loại côn trùng có độc tố rất mạnh, khi bị dính phải độc tố của loài này thì vết thương ban đầu sẽ sưng đỏ và rất ngứa. Sau đó là chuyển sang xuất hiện các mụn nước như bị bỏng rồi khi vỡ ra thì tạo thành các vết thương trên da. Nếu không biết cách điều trị thì vết thương sẽ nặng hơn và nguy hiểm.

Theo các chuyên gia y tế, nếu không may dính phải nọc độc của loài côn trùng này, nhanh chóng lấy nước sạch mát rửa chỗ kiến đốt rồi cho xà phòng rửa vào. Phải hết sức nhẹ nhàng nếu không sẽ làm trầy xước hoặc vỡ vết thương.

Nhanh chóng bôi hồ nước (có bán ở các hiệu thuốc) hoặc thuốc có thành phần Acyclovir, sau đó tới các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn về cách điều trị và thuốc đặc trị phù hợp.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày