Ngày 27/1 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Reasearch Center) đã công bố kết quả cuộc nghiên cứu "Key milestones for young adults today versus 30 years ago" (Tạm dịch: Những cột mốc quan trọng của thanh niên ngày nay so với 30 năm trước).
Theo đó, thế hệ GenZ (những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012) có khả năng kiếm tiền tốt hơn hẳn so với cha mẹ của họ (thế hệ GenX) khi ở cùng độ tuổi. Dẫu vậy, những công bố tiếp theo sau cuộc nghiên cứu này mới là điều đáng bàn.
Báo cáo của Pew cho biết trong năm 2023: Mức lương trung bình của một GenZ trong độ tuổi từ 18 đến 24 là 20.000 USD, cao hơn 5000 USD so với những người từ 18-24 tuổi cách đây 3 thập kỷ. Trong khi đó, độ chênh lệch trong thu nhập hàng năm của những GenZ trong độ tuổi 25-29, so với những người trong khoảng tuổi đó cách đây 30 năm, là 10.000 USD.
Ảnh minh họa
Pew cũng cho biết khoảng 70% người trưởng thành trong độ tuổi từ 25 đến 29 có công việc toàn thời gian vào năm 2023. Trong khi đó, con số này là 65% với những người cùng độ tuổi ở 3 thập kỷ trước.
30 năm là một khoảng thời gian đủ dài để tạo ra những biến động trong tình hình tài chính cá nhân của thế hệ GenZ so với thế hệ GenX.
Dù kiếm tiền tốt hơn, tỷ lệ thất nghiệp cũng thấp hơn nhưng GenZ lại đang nợ nhiều hơn cha mẹ mình khi ở cùng độ tuổi. Dữ liệu của Pew cho thấy GenZ không thể trang trải cuộc sống một cách "bình thường" như thế hệ cha mẹ của họ vì 2 lý do: Chi phí sống quá cao và các bệnh tâm thần.
Cả 2 nguyên nhân này đều gây ra một sự thật đáng buồn: GenZ xứ cờ hoa không có tiền tiết kiệm, thu nhập hàng tháng của họ hoặc là "đốt" vào thú vui mua sắm, hoặc là dành cho chi phí chữa bệnh - ở đây chính là các bệnh tâm thần (trầm cảm và rối loạn lo âu là 2 bệnh tâm thần phổ biến nhất).
Pew cho biết hơn 82% thế hệ GenZ đang đứng ngoài cuộc chơi bất động sản vì giá nhà quá cao. Trong khi đó, những GenZ đã nỗ lực bằng mọi giá để mua nhà lại đang phải gánh khoản nợ thế chấp cao hơn so với các thế hệ trước.
Theo Pew, một thanh niên từ 18 đến 24 tuổi có khoản nợ thế chấp trung bình là 117.000 USD vào năm 2022. Con số tương ứng với những người cùng khoảng tuổi ở năm 1992 chỉ là 39.367 USD. Có vẻ như càng ngày, thế hệ trẻ càng có xu hướng nợ nần nhiều hơn.
Ảnh minh họa
Bởi lẽ đó, nhiều thanh niên đã trì hoãn những sự kiện quan trọng trong đời như sống tự lập, kết hôn và sinh con. Nghiên cứu của Pew cho thấy 57% người trưởng thành trong độ tuổi từ 18 đến 24 đang sống với cha mẹ để cắt giảm chi phí sinh hoạt.
Vì nợ nần hoặc những khó khăn về mặt tài chính mà độ tuổi trung bình để kết hôn và sinh con cũng tăng lên. Năm 1993, 50% số người trưởng thành ở độ tuổi 25-30 đã kết hôn; còn năm ngoái, con số này thậm chí chưa tới 13%.
Theo Fortune