Nhiều người đặt cột mốc 20 triệu đồng/tháng là thu nhập đáng mơ ước của sinh viên mới ra trường. Song thực tế, không phải người trẻ nào cũng dễ dàng đạt cột mốc tài chính này sau nhiều năm bước chân vào thị trường lao động.
Nguyễn Hà (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hải Dương) cho rằng: 20 triệu đồng/tháng là mức thu nhập đáng mơ ước của nhiều người. Hiện tại cô nàng đang sống cùng chồng và 1 con nhỏ, đồng thời có mức thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Bản thân Hà nhận thấy mình không có nhiều cơ hội tăng mức lương từ công việc văn phòng.
Theo Nguyễn Hà, mức lương 20 triệu đồng là con số thu nhập lý tưởng với nhiều người, đặc biệt là người trẻ đang sinh sống tại thành phố nhỏ hoặc đã có gia đình.
"Trước kia nhìn thấy bạn bè có nhà đẹp, xe sang với mức lương cao hơn mình cũng tự ti lắm. Nhưng đôi khi mình dành một vài khoảng thời gian ngồi ngẫm lại thì mọi chuyện không quá tệ. Nếu so sánh thì không biết thế nào là đủ cả, người lương 25 - 30 triệu đồng lại so sánh với người lương 50 - 80 triệu đồng.
Nên đối với hiện tại, mình tạm yên tâm, có thời gian thoải mái để chăm lo cho gia đình nhỏ. Còn rất nhiều bạn làm công nhân trong công ty sản xuất, làm tăng ca 10 - 12 giờ một ngày, làm cả chủ nhật mà lương chỉ có 10 triệu đồng. Do đó với mình, hiện tại mọi sự so sánh đều khập khiễng hết", Nguyễn Hà nhận định.
Ảnh minh hoạ
Trong khi đó Yến Phi (24 tuổi, TP Hà Nội) - một sinh viên mới ra trường nhận định 20 triệu đồng/tháng là mức lương mơ ước mà cô muốn đạt đến trong 1-2 năm tới. Được biết, Yến Phi học chuyên ngành Bất động sản tại một trường Đại học nhưng mới đổi hướng đi làm Marketing vào năm nay. Lý do bởi cô thấy lĩnh vực cũ không có nhiều cơ hội việc làm, cũng như bản thân không phù hợp với tính chất công việc.
Nói về mức lương 20 triệu đồng/tháng, Yến Phi nhận định: "Ở tầm tuổi này, mình biết có những bạn đã lên làm leader nhiều kinh nghiệm, mức lương chắc chắn sẽ cao hơn 20 triệu đồng/tháng, thậm chí đạt mốc 60-70 triệu đồng là điều bình thường. Hoặc có bạn làm sáng tạo nội dung thì con số còn cao hơn.
Nhưng cũng có những trường hợp như mình, không biết bản thân có năng khiếu gì, phù hợp với công việc ra sao và muốn làm trái ngành. Lúc đó, mức lương 15 triệu đồng/tháng, công ty đóng bảo hiểm đầy đủ, sếp tâm lý, có mindset tốt đã là điều may mắn rồi. Xung quanh mình, bạn bè ít người chạm mốc 20 triệu/tháng vì đều là sinh viên mới ra trường được 2-3 năm".
Theo Yến Phi không nên dùng con số mức lương để đánh giá thành công của một người hay công việc mà họ nhận được. Cô nàng lý giải: "Khi tìm kiếm công việc, mình nghĩ không nên chỉ dùng mức lương mà còn phải đánh giá các yếu tố khác như lộ trình thăng tiến, sếp có hỗ trợ mình công việc không, bản thân học hỏi được gì… Mình biết có nhiều công ty ban đầu trả lương nhân viên cao (20 - 25 triệu đồng), đổi lại nhân sự làm việc 'bán sức', làm quá giờ rất nhiều. Cuối tuần nhiều nhân sự chỉ muốn ở nhà ngủ vì cả tuần chỉ ra sức cày KPI.
Sau nhiều năm làm việc, ngoài mức lương 20 - 25 triệu đồng không tăng lên, nhân sự không học hỏi được gì thêm. Nếu muốn tăng lương, họ cần cạnh tranh gay gắt để trở thành quản lý, hoặc phải rời ngành. Mình sẽ không bao giờ chọn công ty đó. Thời điểm còn trẻ, mình chấp nhận chọn công việc với mức lương vừa phải, bù lại là kiến thức được nâng cao, đồng thời có sếp tận tình chỉ bảo".
Một trường hợp khác, Huyền Ly (26 tuổi, TPHCM) đang làm PR cho một agency cho hay mức lương cô nhận được là trung bình 12 triệu đồng/tháng. Cô nàng tâm sự, bản thân muốn nhận lương trên 20 triệu đồng nhưng vẫn chưa biết cách để gia tăng thu nhập.
"Nếu chịu khó tăng ca và làm thêm thì mình có thể nhận được tiền lương 17 - 18 triệu đồng. Trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều đồng nghiệp bị cắt giảm tiền lương do chính sách của công ty. Giờ bản thân mình chỉ mong giữ vững thu nhập ổn định, chứ chưa tính đến tiền lương quá cao", Huyền Ly nói.
Ảnh minh hoạ
Với Yến Phi, cô từng gặp áp lực đồng trang lứa khi so sánh tiền lương của bản thân với nhiều người bạn, đặc biệt là người cùng tuổi quen biết trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cô nghĩ bản thân cần hiểu rõ lộ trình thăng tiến cá nhân, đồng thời xác định "mỗi người một hoàn cảnh" thì áp lực tâm lý sẽ vơi bớt nhiều hơn.
Yến Phi tâm sự: "Với tiền lương hiện tại, mình có thời gian rảnh làm việc yêu thích, vài tháng đi xả hơi một lần, đôi khi mua cho bố mẹ một vài món đồ. Mình thấy nó đủ chi tiêu, tất nhiên là không dư dả. Không phải mình cứ ở nhà xịn, xe cộ đắt tiền, đi mua sắm không cần suy nghĩ mới là hạnh phúc.
Với thu nhập, mình có cơ hội thăng tiến lên cao, không gặp áp lực chi tiêu nên hiện tại mọi thứ vẫn ổn. Mỗi người có một cách sống, mình cứ suy nghĩ vậy thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn".
Yến Phi cũng cho rằng dù ở mức lương nào thì người trẻ cũng nên bắt đầu học cách kiểm soát tài chính và đầu tư hiệu quả từ sớm. Hiện,Yến Phi mới chỉ tìm hiểu đầu tư và trích tiền lương hàng tháng để mua vàng như một kênh giữ tiền an toàn từ đầu năm ngoái. Trong tương lai, cô bạn hy vọng có thể tìm hiểu nhiều hình thức đầu tư sinh lời, có mức rủi ro cao hơn như mua cổ phiếu và trái phiếu.
Ảnh minh hoạ
"Sở dĩ mình chọn mua vàng vì tính an toàn của chúng, đồng thời lãi suất ngân hàng thời gian qua rất thấp. Nếu mình gửi tiền tiết kiệm thì chênh lệch lãi so với lạm phát không hơn nhiều là bao.
Mình xác định dùng vàng là kênh đầu tư dài hạn. Mình cứ mua vàng rồi để đó, khi nào thấy lên giá ổn rồi mới bán. Tuy nhiên, mình chỉ gợi ý bạn đầu tư vàng theo hình thức này nếu có khoản tiền nhàn rỗi nhiều. Như với mình, mình chưa cần mua nhà, sống tối giản nên có thể để tiền một chỗ vào vàng lâu đến vậy", Yến Phi cho hay.
Còn với Nguyễn Hà, cô cho rằng để giải tỏa áp lực tài chính khi thu nhập chưa cao là xác định chi phí cơ hội đánh đổi với thu nhập. Cô nàng chia sẻ: "Khi nào mình thấy tự ti vì lương thấp, mình tự hỏi bản thân: Mình có nên đánh đổi tiền lương cao với những thứ hiện có (thời gian dành cho con ít đi, điều kiện sức khỏe), cơ hội tăng lương là bao nhiêu…
Mức lương càng cao là điều ai cũng mong muốn. Nhưng xét về yếu tố ngành nghề, mức tăng lương của bà mẹ một con thì mình thấy để đạt được mức thu nhập hiện tại, bản thân cũng đã cố gắng nhiều rồi. Tất nhiên trong tương lai, mình có thể tính đến các phương pháp gia tăng thu nhập, còn hiện tại, mình muốn dành tập trung cho các con và gia đình nhiều hơn".