Nàng dâu Việt tên Mận (chủ kênh Dauhan Jadoo) quê Quảng Ninh và lấy chồng Hàn Quốc được 5 năm. Hiện tại, hai vợ chồng sống ở thành phố Chuncheon, với thu nhập chính là làm nông, trồng và kinh doanh rau củ.
Mới đây, trong loạt video khoe cảnh lên núi đi làm, Mận hào hứng khoe, chỉ trong 1 ngày làm việc, hái rau trên núi, cô đã thu về 60 triệu đồng.
Mận - Dauhan Jadoo bên đồi rau của gia đình
Mận khoe, bố mẹ chồng của cô sở hữu một quả đồi và mảnh đất nông nghiệp ở cách thành phố Chuncheon (nơi hai vợ chồng sống) 3 giờ lái xe. Vì yêu thích việc làm nông, hơn 10 năm trước, chồng Mận đã thuê lại đất của bố mẹ và trồng một số loại nhân sâm, rau rừng.
Các loại rau mọc tự nhiên nhưng một năm mấy đợt phải lên núi chăm sóc, cắt tỉa hoặc doạn cỏ để cây phát triển tốt. Mỗi đợt như vậy, cả nhà sẽ ở núi 5 - 7 ngày lo hết công việc rồi mới về nhà.
Rau rừng có giá tương đương 700 ngàn đồng/kg, bán tại Hàn Quốc
Rau trồng nhiều nhất trên đồi là một loại phổ biến ở Hàn Quốc, có vị hơi đắng nhưng dễ ăn, người bản địa cực kỳ yêu thích. Loại rau này luộc chấm với tương ớt hoặc trộn gỏi, xào tỏi rất bắt miệng.
Sau mùa đông lạnh, tuyết phủ, lá sẽ rụng hết, cây mọc chồi non, đó là thời điểm người trồng cần thu hoạch. Mận chia sẻ: "Hái rau phải đúng thời kỳ, lên đồi muộn quá hay sớm quá, hái rau sai thì cũng không đạt hiệu quả".
Sau 1 ngày làm việc cật lực, 4 người (vợ chồng Mận và bố mẹ ruột của Mận) hái được 2 xe rau nặng 100kg, nhưng mới chỉ thu hoạch được một phần đồi.
Xe rau gia đình hái được trong một buổi sáng
Mận bán loại rau này với giá 700 ngàn đồng/kg. Cô nhẩm tính, trong một ngày, cả gia đình đã thu hái được rau trị giá 60 triệu đồng. Hết 1 tuần ở núi, con số này có thể tăng cao hơn nhiều.
Cô nàng hóm hỉnh nói thêm, công bố con số kiếm được 60 triệu/ngày cho oai vậy thôi, chứ thực ra cả năm gia đình mới thu được 1 mùa rau. Trừ đi chi phí hạt giống, công chăm sóc, cắt tỉa cây, làm đất, công thu hái..., số tiền thu được cũng không còn quá nhiều.
Khu vực đồi cây của gia đình Mận là miền núi, rất xa nhà
Mỗi lần vào đồi, cả nhà đều phải dậy rất sớm, bắt đầu công việc từ 5 giờ sáng, và đến tối mịt, khoảng 8 giờ tối mới về nhà tạm để nghỉ ngơi, ăn tối. Cây với đặc trưng là nhiều gai nhọn cũng có thể gây nguy hiểm khi thu hoạch, nếu không cẩn thận.
Đồi cây 7 năm tuổi cũng cần chăm sóc, cắt tỉa kỹ lưỡng mới có thể trổ ngọn tốt vào năm sau
Ở vùng rừng núi này, chồng Mận cũng trồng nhân sâm, đến nay đã được 10 năm. Nhân sâm sinh trưởng tự nhiên, trồng tại vùng núi cao nên được cho là có dược tính cao, bán đắt hơn nhiều lần so với sâm nuôi trồng đại trà.
Nhân sâm rừng 10 năm mới được thu hoạch
Người xem kênh của Mận có thể cảm nhận rõ sự vui vẻ, lạc quan của cô, dù nội dung rất bình dị, chỉ chia sẻ đời sống hàng ngày, chuyện đồng áng. Điều khiến cô vui nhất, đó là dù lấy chồng xa, cô vẫn có bố mẹ kề cận.
Từ sau khi sinh con trai đầu lòng (hiện giờ hơn 5 tháng tuổi), Mận đưa được cả bố mẹ sang ở cùng, trước là chăm sóc những ngày ở cữ, sau là giúp đỡ việc làm nông.
Khung cảnh đường lên ngọn đồi của bố mẹ chồng Mận
Ở thành phố Chuncheon, vợ chồng Mận cũng thuê đất nông nghiệp để trồng các loại rau xanh như cải thảo, rau chân vịt, đậu đũa, hành... Họ cũng trồng một số loại rau Việt Nam để ăn mùa hè như mồng tơi, rau muống, mướp...
Do kinh doanh ngoài chợ khó khăn, Mận chủ yếu bán rau qua mạng. Hệ thống vận chuyển ở Hàn Quốc thuận tiện, nhanh chóng, nên cô có thể gửi rau đến tay khách hàng mà vẫn tươi ngon.
Ở Hàn Quốc, bố mẹ Mận hỗ trợ con gái việc chăm sóc rau, thu hái, đóng hàng vào thùng. Hai ông bà ở Hàn Quốc lao động vài tháng rồi sẽ về Việt Nam vài tháng.
Ở quê nhà, bố mẹ Mận cũng làm nông nên không xa lạ với công việc tại đây. Cô cho biết, bố mẹ sang làm việc cũng được trả lương.
Ở Hàn Quốc vài tháng, mẹ Mận đã thạo việc đồng áng tại đây
Sau khi con cứng cáp, Mận mới có thể tham gia một phần vào công việc của nông trại gia đình. Thời gian cô lên núi làm việc, mẹ chồng 71 tuổi giúp đỡ chăm em bé ở nhà. Còn lại, chủ yếu thời gian cô dành để chăm con nhỏ, đưa con ra ngoài tắm nắng và hướng dẫn bố mẹ làm quen với công việc.
Gia đình bên nội cũng rất cưng em bé. Khi Mận sinh con, người nhà cũng mua quần áo cho bé. Anh trai chồng và mẹ chồng lì xì nửa chỉ vàng. Còn em trai chồng cho hẳn 1 triệu won (khoảng 20 triệu tiền Việt) để chúc mừng.
Mận quay trở lại với việc đồng áng sớm vì xót chồng một mình gồng gánh công việc
5 năm trước, khi được bạn (cũng là một cô dâu Việt tại Hàn Quốc) giới thiệu cho chồng, Mận không ngờ mình lại trở thành nông dân như hiện tại. Khi đó, chồng Mận là giáo viên, tranh thủ lúc nghỉ hè thì sang Việt Nam chơi.
Họ trò chuyện với nhau bằng tiếng Anh, rồi rất chóng vánh, trước khi kết thúc kỳ nghỉ, họ cưới nhau. Ảnh cưới của cặp đôi được chụp ngay trên sân thượng nhà Mận.
Cưới xong, chồng Mận lên máy bay về Hàn Quốc. Sau 1 năm, họ mới làm được đầy đủ giấy tờ, Mận mới học được tiếng Hàn cơ bản. Tháng 1/2020, cô gái Quảng Ninh tự đi bus từ sân bay Incheon về thành phố Chuncheon đoàn tụ với chồng.
Sau thời gian nhiều vất vả, đi làm công nhân với mức lương thấp, cô cảm thấy vui với hiện tại. Việc làm nông, trồng và bán rau củ cho cô nhiều thời gian để chăm sóc chồng con và mức thu nhập tạm ổn.
Nguồn: DauHan Jadoo