Kiếm được 100 triệu/tháng là mơ ước của nhiều người. Với mức thu nhập này, nhiều gia đình nhận định họ không chỉ có thể chi tiêu dư dả mà còn mua được những tài sản lớn như nhà và xe. Tuy nhiên, có những gia đình dẫu kiếm được 100 triệu/tháng vẫn lo lắng về tài chính của gia đình. Họ đã làm gì với mức thu nhập tốt này?
Đây là lời chia sẻ của một người vợ đăng tải trên hội nhóm về quản lý tài chính và đầu tư. Theo cô vợ, gia đình gồm 2 vợ chồng 39-40 tuổi và 2 người con. Tổng thu nhập khoảng 100 triệu/tháng, nhưng trung bình họ chi gần 70 triệu cho chi phí sinh hoạt và bảo hiểm. Bên cạnh đó, cặp đôi còn có khoản tiết kiệm 2 tỷ.
Cô vợ tâm sự, họ vẫn chưa mua được nhà ở Hà Nội, đang ở nhờ nhà người quen nên không mất chi phí cho nhà ở. Cặp đôi muốn mua nhà ở Hà Nội nhưng với mức chi tiêu hiện tại thì họ cảm thấy giấc mơ có được nhà vẫn quá xa vời. Cũng vì thế, họ muốn nhờ cộng đồng mạng tư vấn để chi tiêu hợp lý hơn.
Dưới đây là bảng chi tiêu trung bình một tháng của cặp đôi này:
Bên dưới bài đăng, mọi người đều khuyên cặp đôi này nếu muốn mua được nhà thì cần cắt giảm chi tiêu để gia tăng quỹ tiết kiệm. Bên cạnh đó, số đông ý kiến khác còn nhận định, với mức thu nhập và khoản tiền tích lũy đã có, họ hoàn toàn có thể mua được mà không cần lo lắng quá nhiều về tài chính, nếu biết chọn căn hộ phù hợp, hoặc dám vay nợ mua nhà.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- Lương thì cao, tiết kiệm sẵn thì nhiều. Riêng khoản vén của bác ấy đã hơn tổng thu nhập của nhà mình hồi mua nhà. Chẳng qua bác ấy cứ muốn mua nhà ở trung tâm, to đẹp chẳng hạn hoặc tư tưởng có nhà rồi thì túc tắc không vội vay mua. Nên giờ giá nhà cao lên thì mới sốt ruột thôi.
- Mỗi tháng bạn dành 5 triệu để đi chơi xa, 2-3 triệu mua mỹ phẩm, 5 triệu biếu 2 bên. Mấy khoản này cắt bớt đi bạn ơi. Nhà mình có nhà Hà Nội ổn định, cũng 2 con, thậm chí có thêm 2 cái nhà nữa ở Hà Nội đang cho thuê và chuẩn bị hoàn thiện cho thuê, nhưng ăn tiêu cũng không nhiều như nhà bác, tiết kiệm hơn nhiều. Giờ mình gần 40 rồi, mất việc là đứt luôn.
- Thu nhập 100 triệu thì bác nên chi cho giáo dục tổng là 20 triệu thôi. Hiện của bác đang là 30 triệu/tháng. Sau đó, bác chuyển bớt chi phí cho nội ngoại và đi chơi xa sang bảo hiểm nhân thọ. Làm nào để 2 vợ chồng mỗi người phải có 1 bảo hiểm nhân thọ. Vậy là mỗi tháng bớt được 10 triệu rồi.
Bác vay thêm 3 tỷ mua nhà thì mỗi tháng gốc lãi vào khoảng 28-30 triệu (Vay ngân hàng nước ngoài thì lãi suất thấp, như nhà mình vay 2,9 tỷ thì hàng tháng trả 27-28 triệu). Số tiền còn lại, bác gom vào mua vàng, tiết kiệm,... được một cục trả bớt ngân hàng thì 7-8 năm là trả hết thôi.
- Thu nhập như vậy thì đáng lẽ chị mua được nhà lâu rồi. Gia đình nên cắt bớt tiền học cho con và đi du lịch là dư được cả mớ, dư sức vay mua nhà. Còn bảo hiểm nhân thọ thì em thấy hơi ít so với thu nhập này.
- Về khoản ăn chơi cuối tuần, quần áo mỹ phẩm, tiêu vặt và du lịch xa là tổng 12 triệu/tháng - mình nghĩ nên vén khoán này để tiết kiệm được 10 triệu. Chưa có nhà thì gia đình bạn biếu ông bà ít thôi, không cần tặng đến 5 triệu/tháng. Tài khoản dành cho mua bảo hiểm nhân thọ thì tăng lên xíu. Xăng dành để đi ô tô mà 1 tháng tốn có 1 triệu thì chứng tỏ không đi mấy, hoặc đi rất gần. Bạn muốn mua nhà thì cân nhắc bán xe đi thì cũng được thêm 1 khoản. Vậy ít nhất là bạn đã có 2,5 tỷ mua nhà, số còn lại thì bạn trả góp ngân hàng. Mình nghĩ mua căn chung cư khoảng 3 tỷ là ổn rồi.
Trong bối cảnh giá bất động sản tăng cao, vay tiền mua nhà là cách để vợ chồng nhanh chóng hoàn thành ước mơ “an cư lạc nghiệp". Tuy nhiên, lãi suất cho vay tại các ngân hàng và thị trường việc làm đều biến động lớn, khiến nhiều người không khỏi băn khoăn: Nên vay mua nhà khi có bao nhiêu tiền để không gặp áp lực tài chính.
Một trong những quy tắc có thể giúp bạn là “28/36”. Quy tắc 28/36 có nguồn gốc từ các ngân hàng Mỹ, thường được dùng để xem xét các khoản vay thế chấp mua nhà không được chính phủ hậu thuẫn. Quy tắc này vừa giúp phía ngân hàng chọn lọc được khách vay có khả năng chi trả tốt, vừa giúp người đi vay mua nhà tự cân nhắc khả năng tài chính của bản thân.
Theo quy tắc 28/36: Bạn chỉ nên dành tối đa 28% tổng thu nhập hàng tháng của mình cho khoản vay mua nhà, và tối đa 36% thu nhập cho toàn bộ các khoản vay khác.
Ví dụ: Thu nhập hàng tháng của bạn là 30.000.000 đồng. Như vậy, trong 1 tháng:
Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho khoản vay mua nhà là: 30.000.000 x 28% =8.400.000.
Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho tất cả các khoản nợ khác (bao gồm cả nợ vay mua nhà) là: 30.000.000 x 36% = 10.800.000.
Trong trường hợp bạn không có khoản nợ nào khác ngoài tiền vay mua nhà, bạn có thể cân nhắc tăng tỷ lệ vay mua nhà lên thành 36%/tổng thu nhập hàng tháng.
Ngược lại, nếu bạn cần chi trả 20 triệu/tháng cho khoản vay mua nhà và 4 triệu/tháng cho các khoản vay còn lại, tổng nợ phải trả hàng tháng của bạn là 24 triệu. Vậy mức thu nhập bạn cần có để đảm "độ an toàn" khi trả khoản nợ 24 triệu này là: 24.000.000/28% = 85.800.000.
Việc áp dụng quy tắc 28/36 trong quản lý nợ nần nói chung và nợ vay mua nhà nói riêng giúp bạn tính toán và cân đối được số tiền mình phải trả nợ, với tổng thu nhập; từ đó, giảm bớt áp lực tài chính trong quá trình trả nợ, đồng thời, đảm bảo khoản vay này không có quá nhiều tác động tới những nhu cầu cơ bản cần dùng đến tiền trong cuộc sống hàng ngày.
Tính chất các khoản vay mua nhà là kỳ hạn dài, trung bình 10-15 năm. Trong quá trình ấy, hoàn toàn có thể có những yếu tố phát sinh như ốm đau, thất nghiệp, giảm lương, giảm thu nhập,... Không ai có thể chắc chắn trong 1-2 thập kỷ tới, mức thu nhập của mình chỉ có giữ nguyên hoặc tăng, chứ không giảm.
Số tiền vay mua nhà chiếm tỷ trọng quá lớn (trên 36% tổng thu nhập) là rủi ro khá cao, vì khoản nợ sẽ là khoản tiền duy nhất cố định trong thời gian vay, còn thu nhập, tiền lương, khả năng kiếm tiền của bạn,... thì chưa chắc sẽ tăng trưởng ổn định trong suốt quá trình này.