Kì cuối: Lối thoát nào cho những người phụ nữ trầm cảm, loạn thần?

Hoàng Lê, Theo Trí Thức Trẻ 08:17 28/04/2017
Chia sẻ

Phụ nữ hãy luôn nói lời yêu thương, nghĩ về những câu chuyện tích cực thay vì những ý nghĩ tiêu cực khiến dễ nảy sinh trạng thái trầm cảm, thậm chí là loạn thần...

LTS: Áp lực cuộc sống gia đình lẫn công việc ngày càng lớn khiến người phụ nữ hiện đại dễ rơi vào lo âu, trầm cảm, nặng hơn là mắc bệnh tâm thần, loạn thần. Điều đáng báo động là những năm qua, tỷ lệ phụ nữ bị mắc bệnh tâm thần ngày càng gia tăng. Trong đó, rất nhiều phụ nữ do gặp những cú sốc trong cuộc sống gia đình đã phải nhập viện điều trị bệnh tâm thần. Chúng tôi đã đi tìm những câu chuyện khiến người phụ nữ phát điên với mong muốn xã hội nhận thức đầy đủ về những áp lực mà người phụ nữ đang gặp trong cuộc sống hiện đại.

Kì 1: Hóa điên vì bị chồng bạo hành, bị người yêu cũ lừa "ăn trái cấm"

Kì 2: Người yêu liên tục chia tay vì sợ sở thích "đánh đau khi yêu", cô gái xinh đẹp phải vào viện tâm thần

Kì 3: Vợ thường xuyên nói nhảm, nghe thấy âm thanh lạ trong đầu sau khi... đánh ghen

TS Lê Minh Thuận, Trưởng khoa Tâm lý Lâm sàng, bệnh viện Quận 2 (TP.HCM) cho biết, tại khoa đã từng tiếp nhận điều trị cho những nữ bệnh nhân vì những mâu thuẫn trong gia đình, cuộc sống dẫn đến trầm cảm, suy sụp tinh thần. Có những trường hợp tưởng chừng đi vào ngõ cụt như không quan hệ được với chồng hay phát hiện nhân tình dối lừa sau nhiều năm chung sống nhưng đến thời điểm hiện tại đã ít nhiều được "gỡ rối".

 Kì cuối: Lối thoát nào cho những người phụ nữ trầm cảm, loạn thần? - Ảnh 1.

Làm cách nào để phụ nữ trầm cảm, loạn thần tìm được lối thoát? (Ảnh minh họa)

Mẹ chồng là nguồn lực hỗ trợ hạnh phúc

Điển hình là trường hợp của chị M. (ngụ TP.HCM). Kết hôn với bạn trai sau thời gian dài yêu nhau, những tưởng cuộc sống của chị sẽ viên mãn khi hai người tổ chức đám cưới thì lúc đã thành vợ chồng, bi kịch lại bất ngờ ập đến.

Cứ đến khi "lâm trận", được chồng đụng vào người, âm đạo người vợ bất ngờ co thắt lại, khiến cho chuyện giường chiếu trở thành nỗi ám ảnh. Tình trạng không thể quan hệ tình dục kéo dài suốt 3 tháng trời khiến người vợ hoang mang, căng thẳng. Ở chiều ngược lại, chồng chị lại có phần trầm cảm hơn khi cưới vợ về mà không được ân ái, không chứng tỏ được "bản lĩnh đàn ông". Cuộc sống gia đình cứ thế dần trở nên ảm đạm.

 Kì cuối: Lối thoát nào cho những người phụ nữ trầm cảm, loạn thần? - Ảnh 2.

Nhiều phụ nữ trầm cảm vì áp lực gia đình tìm đến các phòng khám tâm lý cầu cứu.

Đến bệnh viện thăm khám, qua tiếp xúc thiết lập mối quan hệ trị liệu thì mới phát hiện chị M. đã bị ám ảnh chuyện quan hệ tình dục từ nhỏ. Người phụ nữ cho biết, ngày còn bé đã được kể rằng quan hệ rất đau. Nhiều lần như vậy, chị mặc định chuyện nam nữ là điều gì đó rất kinh dị, sợ hãi và không dám thử.

"May mắn là bệnh nhân này có một mẹ chồng rất tâm lý và hiểu chuyện. Bà ra sức giúp đỡ, trấn an, thậm chí trực tiếp chở con dâu đến bác sĩ Sản khoa để trị bệnh. Nhờ được tiếp sức của mẹ chồng cộng với sự hỗ trợ về mặt tâm lý của chuyên gia, sau 6 tháng nữ bệnh nhân lẫn người chồng đã trở lại bình thường. Hiện tại họ cũng đã có con và cuộc sống gia đình rất hạnh phúc" - TS Thuận cho biết.

Qua đó, TS Thuận nhận định rằng mẹ chồng có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống gia đình. "Như trường hợp này, người phụ nữ kia may mắn có một người mẹ chồng tâm lý. Bà chính là nguồn lực hỗ trợ cho con dâu trong việc ổn định tinh thần, nhận thức. Ngược lại, nếu người mẹ đó có lối suy nghĩ hà khắc, cổ hủ thì lâu dần con dâu sẽ càng mặc cảm. Áp lực không thể sinh con, không có cháu cho mẹ ẵm bồng có thể dẫn đến việc vợ chồng chia tay, gia đình đổ vỡ. Và khi đã "gãy gánh" lần đầu thì người phụ nữ khó có thể tìm được hạnh phúc kế tiếp, bởi nỗi ám ảnh chuyện gối chăn vẫn sẽ in hằn trong đầu người phụ nữ đó", TS Thuận chia sẻ.

Độc lập tài chính, tự chủ bản thân

Trường hợp của một nữ công nhân tên T. có phần chua chát hơn khi chị gánh nỗi đau bị bạn tình dối lừa suốt 6 năm trời.

TS Thuận kể, theo lời của người phụ nữ, chị có yêu một người đàn ông có vợ con nhưng đã ly hôn. Tưởng người đàn ông đó đã tự do, chị T. an tâm sống chung với anh ta trong suốt thời gian dài. Đến khi sinh cho "chồng hờ" một đứa con, chị T. mới cay đắng biết được sự thật rằng anh ta vẫn còn hôn thú với vợ.

Dằn vặt chuyện làm người thứ ba xen vào hạnh phúc gia đình của người khác, chị T. quyết định không qua lại với người đàn ông. Đồng lương công nhân ít ỏi không đủ để nuôi con, chị đề nghị anh ta mỗi tháng trợ cấp một số tiền cho đứa bé. Nhưng người đàn ông từ chối thẳng thừng, đưa ra cho chị hai lựa chọn, hoặc cho anh ta về sống chung trở lại, hoặc tự thân lo liệu.

Quá bức xúc người đàn ông vô trách nhiệm, chị T. đâm đơn ra tòa kiện đòi quyền lợi cho con. Phiên tòa đi vào ngõ cụt, gánh nặng nuôi con cùng với nỗi uất ức đè nén khiến người phụ nữ suy sụp, trầm cảm.

 Kì cuối: Lối thoát nào cho những người phụ nữ trầm cảm, loạn thần? - Ảnh 3.

Không chỉ phụ nữ, một khi chịu lệ thuộc về kinh tế, cả nam giới cũng có nguy cơ bị vợ bạo hành, lâu dần dẫn đến trầm cảm. (Ảnh minh họa)

TS Thuận cho biết, khi tiếp nhận trường hợp của chị T., bản thân TS nhận ra người phụ nữ này nhận thức phù hợp khi nhất quyết đưa ra tòa để chấm dứt mối quan hệ này, chị không phải là người phá hoại gia can của kẻ khác, mà chỉ là nạn nhân. Sau những phiên trị liệu chị T. đã hiểu rằng chồng có trợ cấp hay không thì bé vẫn là con chị và chị vẫn phải nuôi đứa trẻ. Thay vì trông chờ, cầu cứu vào chồng – thậm chí đã từng bạo hành mình, chị độc lập nuôi con. Và khi không còn lệ thuộc vào ai, chị sẽ tự tìm thấy cho mình hạnh phúc.

"Khi có một gia đình không hạnh phúc, bị chồng bạo hành, người phụ nữ cần phải nhận ra mình là ai? Không nên lệ thuộc vào người khác quá nhiều về kinh tế, vị thế,… bởi càng lệ thuộc thì mức độ bị bạo hành có thể gia tăng. Bạn phải có việc làm, có bạn bè, có cuộc sống riêng và biết chăm sóc cho bản thân để quan hệ vợ chồng được cân bằng", TS Thuận phân tích.

Tập bày tỏ cảm xúc, nói những lời yêu thương

Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng bệnh viện quận 2 cho biết, dù không có một kết luận chính thức nào nói về nguyên nhân cụ thể gây ra trầm cảm, loạn thần ở phụ nữ, tuy nhiên nhiều bằng chứng đã chỉ ra yếu tố xã hội, tâm lý là nguồn gốc của hội chứng trầm cảm.

"Trong văn hóa phương Đông, người phụ nữ luôn phải chịu đựng, luôn ở vào thế yếu vì những quan niệm như "con hư tại mẹ, cháu hư tại bà". Nếu như người đàn ông chỉ cần lo chuyện bên ngoài thì người phụ nữ vừa phải đi làm, vừa phải nuôi con, bám bếp. Nhiều gánh nặng trên vai người vợ lâu ngày là khởi phát trầm cảm và rạn nứt gia đình nếu không được người chồng thông cảm, chia sẻ, lắng nghe", TS Thuận giải thích.

 Kì cuối: Lối thoát nào cho những người phụ nữ trầm cảm, loạn thần? - Ảnh 4.

TS Thuận đang điều trị tâm lý cho một nữ bệnh nhân.

 Kì cuối: Lối thoát nào cho những người phụ nữ trầm cảm, loạn thần? - Ảnh 5.

TS Thuận khuyên những người phụ nữ nên tập nói lời yêu thương và nghĩ về những chuyện tích cực.

Do đó theo TS Thuận, vấn đề thay đổi nhận thức phải được tiến hành cho cả nam lẫn nữ từ nhỏ, phải giáo dục cho trẻ rõ ràng về giá trị phổ quát như nhân phẩm con người, đối nhân xử thế, những điều phải làm và không nên làm.

Trong cuộc sống, người phụ nữ hãy thường nói lời yêu thương, nghĩ về chuyện tích cực hơn là suốt ngày "dán" đầu óc vào những chuyện buồn. Lỡ chẳng may phát hiện chồng có "vấn đề", thay vì chì chiết, oán trách, hãy bày tỏ chân thành cảm xúc của mình cho chồng biết. Nếu tình cảm đã không còn, thì đường ai nấy đi.

Nhưng dẫu sao khi gặp vấn đề về tâm lý, chị em nên "thủ sẵn" cho mình một số điện thoại tổng đài hay đến khám và điều trị tâm lý tại các trung tâm tư vấn, phòng khám tâm lý để được tâm lý gia đồng hành, nâng đỡ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày