LTS: Áp lực cuộc sống gia đình lẫn công việc ngày càng lớn khiến người phụ nữ hiện đại dễ rơi vào lo âu, trầm cảm, nặng hơn là mắc bệnh tâm thần, loạn thần. Điều đáng báo động là những năm qua, tỷ lệ phụ nữ bị mắc bệnh tâm thần ngày càng gia tăng. Trong đó, rất nhiều phụ nữ do gặp những cú sốc trong cuộc sống gia đình đã phải nhập viện điều trị bệnh tâm thần. Chúng tôi đã đi tìm những câu chuyện khiến người phụ nữ phát điên với mong muốn xã hội nhận thức đầy đủ về những áp lực mà người phụ nữ đang gặp trong cuộc sống hiện đại.
Bác sĩ (BS) Lương Thị Phượng,Trưởng trạm y tế Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, tại Trung tâm có rất nhiều trường hợp phụ nữ điên, lang thang vất vưởng ngoài đường được cơ quan chức năng thu gom đưa vào. Sau một thời gian điều trị, họ nhớ lại hoàn cảnh của mình. Nhưng đáng buồn thay qua lời kể của họ, người ta biết được nguyên nhân của chuyện loạn thần lại đến từ bi kịch gia đình, từ những người đàn ông mà họ từng hết mực thương yêu.
Nhiều phụ nữ loạn thần được điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức.
Tại trại D., chúng tôi được giới thiệu về trường hợp của chị Đ.T.T (31 tuổi, quê Hải Dương). BS Nguyễn Thị Trước Trân, trưởng trại cho biết, ở thời điểm hiện tại, chị T. là trường hợp "tỉnh" nhất khi sau 10 tháng điều trị, chị đã không còn kích động mà biết cười nói vui vẻ, giúp việc cho các điều dưỡng. Đặc biệt, người phụ nữ này còn nói và viết được tiếng Hàn Quốc.
Chị Đ.T.T được đưa vào Trung tâm đã 10 tháng.
Hỏi vì sao lại có khả năng này, chị T. cười tươi, ngây ngô nói: "Em học tiếng Hàn để lấy chồng".
Theo lời của người phụ nữ, năm 3 tuổi, cha mẹ chị đã chia tay. Học hết lớp 11, chị nghỉ ngang, đi làm công nhân phụ mẹ nuôi các em. Hơn hai năm trước, thông qua môi giới và mạng xã hội, chị yêu và tính chuyện hôn nhân với một người đàn ông Hàn Quốc. Để cùng chồng sang nước ngoài định cư, chỉ bỏ tiền đi học thêm ngoại ngữ. Mọi chuyện tưởng đã rất suôn sẻ khi mấy tháng sau, chị thành thạo tiếng Hàn, người chồng cũng đã lo xong hết mọi thủ tục.
Người phụ nữ viết tên "chồng sắp cưới" ngày nào bằng tiếng Hàn Quốc.
"Đó là hôm học buổi cuối cùng, em cùng vài người bạn, có cả người yêu cũ đi karaoke, cũng là tiệc chia tay trước ngày em theo chồng. Hát được một lúc thì đám bạn có chuyện đi ra hết, chỉ còn em và anh T. Anh ấy đưa cho em một ly nước cam đã bỏ vào thứ gì đó mà khi uống xong em không còn biết gì hết. Đến khi tỉnh dậy, em mới biết là anh ấy mang em vào nhà nghỉ…".
Chị tự đọc hồ sơ bệnh án của mình một cách thích thú.
Chỉ một lần "ăn trái cấm" duy nhất ấy lại khiến chị T. lãnh hậu quả. Cái thai với bạn trai cũ đồng nghĩa với chuyện hôn nhân cùng chồng ngoại quốc đổ vỡ. Nhưng khi biết chuyện, bạn trai chị T. lại không muốn chị về chung nhà mà chỉ muốn bắt con. Thậm chí, nhiều lần anh ta còn nghi ngờ đó không phải con ruột của mình. Quá chán nản, khi cái thai được 6 tháng, chị T. quẫn trí, vác bụng bầu vào Nam.
Chị T. giờ đã tỉnh táo để nhớ về chuyện đã qua.
Tại sân bay, vì không có tiền, chị đi lang thang khắp nơi trong tình trạng suy kiệt và kích động nên được công an thu gom vào Trung tâm. 2 tháng sau khi được điều trị, chị sinh đôi hai bé trai. Vì không nhớ gì về gia đình, các con của chị được gửi đến nuôi dưỡng tại một ngôi chùa ở Q.9.
Giờ đây khi đã tỉnh táo, nhớ lại mọi chuyện, khi được hỏi về bạn trai cũ, chị T. lắc đầu, bảo không oán giận, nhưng không muốn gặp lại con người ấy nữa. Giờ đây chị chỉ muốn mau khoẻ mạnh để được ra ngoài gặp các con.
Trường hợp của chị T.M (44 tuổi, quê Sóc Trăng) lại càng chua xót. Vốn là một dược sĩ, tương lai rất xán lạn, nhưng sau khi lấy chồng, cuộc đời của chị bỗng rẽ sang hướng khác. Chịu những trận đòn liên tục năm này qua tháng nọ, người phụ nữ từ bình thường trở nên sợ hãi, loạn thần.
Trong một lần bị bạo hành, chị trốn nhà, lang thang vào Sài Gòn đi bụi. Ngày được đưa vào Trung tâm, tình trạng người phụ nữ đã rất tồi tệ, thường xuyên la hét hung hăng. Đặc biệt, mỗi lần nghe ai nói giọng Bắc, chị lại ám ảnh người chồng mà nổi điên, chửi bới. Hai tuần lễ đầu, các BS tại trung tâm phải điều trị bằng thuốc chích cho chị M.
Vì những hoàn cảnh gia đình khác nhau mà những người phụ nữ từ bình thường trở nên loạn thần.
Ngày gia đình tìm được tung tích cũng là lúc chị M. thuyên giảm bệnh tình. Tuy vậy, việc bị chồng đánh đập đến ám ảnh giọng nói vẫn không thể nào xoá được trong tâm trí chị. Chị được hai vợ chồng người em và hai cháu rước về nhà trong nỗi lo ngại bệnh tình sẽ lại tái phát nếu quay trở về với cuộc sống cũ.
Mỗi buổi chiều, những người phụ nữ tại trại D. được tập trung lại để uống thuốc.
Những khi tỉnh táo, chị T. mong mình sẽ được cho ra ngoài thăm con.
Ngoài hai trường hợp trên, các BS cho biết, nơi đây đã từng có rất nhiều trường hợp loạn thần vì những nguyên nhân thường nhật trong cuộc sống như ghen, chia tay, áp lực công việc, sốc khi chồng ngoại tình… Phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi, tầng lớp nào cũng có thể bị chứng loạn thần. "Mới cách đây không lâu, trung tâm cũng vừa trả một phụ nữ là doanh nhân bị tâm thần vì áp lực công việc về cho gia đình chăm sóc" – BS Phượng cho biết.