Khu công viên khoa học Tân Trúc – chiếc nôi của ngành bán dẫn Đài Loan

Quang Vũ, Theo Phụ nữ số 17:30 21/05/2025
Chia sẻ

Từ một vùng đất không ai muốn sống, Công viên Khoa học Tân Trúc đã vươn mình thành trung tâm bán dẫn hàng đầu thế giới – nơi quy tụ những tên tuổi như TSMC, UMC… và biến Đài Loan thành một mắt xích không thể thay thế trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Công viên Khoa học Tân Trúc (Hsinchu Science Park - HSP) được thành lập năm 1980, khi Đài Loan (Trung Quốc) đối mặt với thách thức phải tái định hình mô hình tăng trưởng. Nơi từng được gọi là "monga-bo" – tức "nghĩa địa" trong tiếng lóng, đã chuyển mình từ một khu nông nghiệp buồn tẻ thành trái tim của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Ngày nay, Tân Trúc đã lột xác, nơi đây là đại bản doanh của hơn 500 doanh nghiệp công nghệ cao, tạo việc làm cho hơn 160.000 lao động. Công viên Khoa học Tân Trúc trở thành đặc khu của hàng loạt tên tuổi hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn như TSMC – nhà sản xuất bán dẫn theo hợp đồng lớn bậc nhất thế giới, chiếm hơn 66% thị phần toàn cầu; Tập đoàn United Microelectronics (UMC) - đối trọng chiến lược với các tập đoàn bán dẫn toàn cầu; MediaTek – công ty thiết kế chip di động hàng đầu thế giới… Họ cung cấp chip cho Apple, Nvidia, Qualcomm và hàng tỷ thiết bị điện tử toàn cầu. Không ngoa khi nói: nếu thế giới vận hành bằng chất bán dẫn, thì trái tim của thế giới đang đập ở Tân Trúc. Các công ty tại đây không chỉ sản xuất chip, mà còn phát triển công nghệ thiết kế, đóng gói, kiểm định và thậm chí mở rộng sang các lĩnh vực liên quan như AI, 5G, xe điện, công nghệ sinh học và gần đây là tế bào gốc.

Hệ sinh thái công nghệ của Tân Trúc không hình thành ngẫu nhiên. Đó là thành quả của một chiến lược dài hạn được thiết kế khéo léo, nơi các trường đại học hàng đầu như Đại học Thanh Hoa, Đại học Giao Thông Quốc Gia được đặt cạnh khu công nghiệp, tạo ra dòng chảy liên tục giữa đào tạo – nghiên cứu – ứng dụng – thương mại hóa.

Nhưng "kỳ tích Tân Trúc" không thể xảy ra nếu thiếu đi những người lãnh đạo có tầm nhìn như Lâm Quang Hoa (Lin Kuang-hua) - một trong những nhân vật góp phần tạo nên kỳ tích mang tên Công viên Khoa học Tân Trúc, nơi được mệnh danh là "thung lũng Silicon của châu Á" và là chiếc nôi của ngành bán dẫn Đài Loan. Ông đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo lập môi trường phát triển đồng bộ từ giao thông kết nối Đài Bắc – Tân Trúc, đến quy hoạch nhà ở, trường học, bệnh viện, giúp thu hút và giữ chân nhân tài…

Không dừng ở hạ tầng, ông còn thúc đẩy cải cách hành chính mạnh mẽ để doanh nghiệp công nghệ có thể vận hành nhanh chóng, hiệu quả. Chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ khởi nghiệp cũng giúp tạo ra một hệ sinh thái mà ở đó, công ty lớn, startup, trường đại học và viện nghiên cứu cùng tồn tại, cùng thúc đẩy lẫn nhau. Đó là lý do tại sao, trong chưa đầy hai thập kỷ, nơi từng "không có gì ngoài ruồi", đã trở thành nơi sản sinh những con chip tinh vi bậc nhất phục vụ từ điện thoại thông minh đến máy bay chiến đấu.

Khu công viên khoa học Tân Trúc – chiếc nôi của ngành bán dẫn Đài Loan- Ảnh 1.

CT Group đã có dịp gặp gỡ cùng ông Lâm Quang Hoa

Tầm sư học đạo, CT Group đã xin gặp ông Lâm Quang Hoa để xin bí quyết phát triển công viên khoa học, tạo sự kết nối giữa quá khứ thành công của Đài Loan và khát vọng công nghệ của Việt Nam. CT Group thể hiện rõ tinh thần học hỏi và ứng dụng những mô hình đã được kiểm chứng như Tân Trúc để hướng đến xây dựng một "Hsinchu Việt Nam" trong tương lai gần – nơi hội tụ nghiên cứu, đổi mới và sản xuất công nghệ cao.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày