Không thể ngờ vào đầu thế kỉ 19, người ta chết rất nhiều chỉ vì… mặc quần áo và đội mũ

Belle, Theo Helino 00:33 17/01/2018
Chia sẻ

Hầu hết những món đồ thời trang được làm ra trong thời kì ấy đều sử dụng các chất hoá học mà ngày nay chúng ta không còn dùng nữa vì chúng quá độc, và người chịu đựng tác động của các chất hoá học ấy lên cơ thể nhiều hơn cả đó chính là người sản xuất ra những món đồ thời trang ấy.

Không thể ngờ vào đầu thế kỉ 19, người ta chết rất nhiều chỉ vì… mặc quần áo và đội mũ - Ảnh 1.

(Ảnh: nationalgeographic)

Vào một buổi chiều năm 1861, vợ của nhà thơ Henry Wadsworth Longfellow bỗng dưng... bốc cháy. Vết bỏng nặng đến nỗi làm cho bà ấy qua đời vào ngày hôm sau. Theo như cáo phó, đám cháy xảy ra do một mảnh diêm bắt vào chiếc váy bà đang mặc.

Trong xã hội lúc bấy giờ, điều đáng ngạc nhiên là những cái chết như vậy khá phổ biến bởi khi nến, đèn dầu và lò sưởi đang là nguồn ánh sáng chính cho mọi ngôi nhà ở Mỹ và Châu Âu thì váy xoè của phụ nữ - những thứ được làm từ vật liệu dễ cháy như lụa, voan... - lại dễ trở thành nguyên nhân gây cháy hơn là những bộ quần áo bó sát và vừa vặn của đàn ông.

Không chỉ là những chiếc váy, thời trang tại thời điểm ấy nói chung cũng đầy rẫy nguy hiểm. Những đôi tất được nhuộm màu bằng chất có chứa anilin (C6H5NH2) làm cho nhân viên tại xưởng sản xuất bị đau nhức và thậm chí còn gây ung thư bàng quang. Đồ trang điểm bằng chì gây tổn thương đến dây thần kinh cổ tay khiến cho người sử dụng không thể vận động tay như bình thường. Lược nhựa phát nổ khi bị quá nhiệt. Ở Pittsburgh, một tờ báo từng đưa tin một người đàn ông tử vong sau khi dùng lược nhựa để chải chuốt bộ râu của mình. Còn ở Brooklyn, một nhà máy làm lược thì phát nổ.

Trên thực tế, hầu hết những món đồ thời trang được làm ra trong thời kì ấy đều sử dụng các chất hoá học mà ngày nay chúng ta không còn dùng nữa vì chúng quá độc, và người chịu đựng tác động của các chất hoá học ấy lên cơ thể nhiều hơn cả đó chính là người sản xuất ra những món đồ thời trang ấy.

Những căn bệnh liên quan đến thủy ngân

Nhiều người nghĩ rằng thành ngữ "Mad as a hatter" (tạm dịch: điên như một người thợ làm mũ) đề cập đến việc thể chất và tinh thần của những người thợ làm mũ bị ảnh hưởng do tác dụng của thủy ngân - chất hoá học được dùng trong việc làm mũ lúc bấy giờ. Bỏ qua việc nhiều học giả tranh luận liệu đây có phải là nguồn gốc của câu thành ngữ, nhiều thợ làm mũ thực sự đã bị ngộ độc thủy ngân. Trong khi nhân vật thợ làm mũ trong phim Alice ở xứ sở thần tiên mang tính cách ngốc nghếch vui nhộn, thì việc ngộ độc thủy ngân của thợ làm mũ ngoài đời thực lại nguy hiểm tột độ.

Vào thế kỉ 18, 19, mũ phớt dành cho nam được làm từ lông thỏ và người thợ làm mũ phải phết một lớp thủy ngân lên bề mặt để giữ cho lông thỏ không bị rơi ra khỏi mũ. Thủy ngân là một chất kịch độc, khi hít vào nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến não. Một trong những triệu chứng đầu tiên là vấn đề về hệ thần kinh như run rẩy. Thị trấn làm mũ ở Danbury, Connecticut còn được biết đến với cái tên "Danbury shakes" (tạm dịch: Danbury run rẩy).

Sau đó, tâm lý sẽ bị ảnh hưởng, người bị ngộ độc thủy ngân cảm thấy e dè và lo lắng về tất cả mọi thứ. Khi những chuyên gia y tế đến thăm gia đình của thợ làm mũ để nghiên cứu về triệu chứng của họ, thì những người thợ nghĩ rằng họ đang bị dò xét và lập tức trở nên giận dữ. Không chỉ vậy, nhiều trường hợp khác còn gặp phải vấn đề về tim mạch và chết trẻ.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc ngộ độc thủy ngân là một điều may rủi mà người thợ làm mũ phải đối mặt và dù sao thì người dùng cũng không bị ảnh hưởng bởi chất hoá học này.

Những người thợ làm mũ cũng có ít thái độ chống đối công việc của mình vì nó quá nguy hiểm. Tuy nhiên, kiểu mũ này đã bị lỗi thời vào những năm 1960 và đó là lý do duy nhất làm cho ngành công nghiệp này khai tử chứ chúng chưa bao giờ bị cấm ở nước Anh.

Asen và thời trang

Asen có ở khắp mọi nơi vào thời Victoria ở nước Anh. Dù được biết đến với tác dụng như một hung khí giết người nhưng nguyên tố này vẫn được sử dụng để làm nến, màn cửa và giấy dán tường. Có tác dụng nhuộm vải thành màu xanh lá, nên Asen còn được dùng trong công nghiệp may mặc và sản xuất hoa giả - những thứ mà phụ nữ dùng để trang trí tóc hoặc quần áo của mình.

Không thể ngờ vào đầu thế kỉ 19, người ta chết rất nhiều chỉ vì… mặc quần áo và đội mũ - Ảnh 2.

Cuộc thí nghiệm của Ủy ban Phòng cháy nước Anh vào năm 1910 cho thấy độ bắt lửa của vải nỉ, chiếc váy ở bên trái đã được xịt một lớp chống lửa còn chiếc váy bên phải thì không. Chiếc váy không được chống lửa đã bị nuốt trọn bởi ngọn lửa chỉ sau 60 giây. (Ảnh: nationalgeographic)

Những chiếc vòng hoa giả có thể gây phát ban cho những ai đeo chúng và cũng giống như mũ thủy ngân, những người sản xuất bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tác dụng của Asen.

Vào năm 1961, người thợ làm hoa giả mang tên Matilda Scheurer (19 tuổi) có công việc là phủ màu lên hoa giả với bột chứa Asen. Cô đã đã trải qua một cái chết rất ghê rợn, một cái chết khi đó được miêu tả là đầy màu sắc. Cô co giật, nôn mửa và sùi bọt mép, túi mật của cô màu xanh lá cây, móng tay và tròng trắng của mắt cũng vậy. Khám nghiệm tử thi sau đó phát hiện được Asen có trong dạ dày, gan và phổi của cô gái xấu số.

Những bài báo về cái chết của Scheurer cũng như cách mà hoa giả được làm ra đã nâng cao nhận thức của người dân về ngành công nghiệp thời trang sử dụng Asen. Báo British Medical Journal có viết: "Trong váy của một người phụ nữ chứa đủ chất độc để giết tất cả những người mời cô ấy nhảy trong nửa tá bữa tiệc mà cô ấy tham dự". Trong những năm 1800, những bài báo giật gân như vậy đã làm thay đổi ý kiến của số đông người dân và làm họ quay lưng với cái thứ màu xanh nguy hiểm chết người ấy.

An toàn trong ngành thời trang

Ý kiến số đông đã làm cho Asen bị cấm trong ngành thời trang của nước Pháp và Đức, tuy nhiên nước Anh vẫn không có chuyển biến gì. Sợi tổng hợp được phát minh, từ đó Asen không còn được dùng để nhuộm màu vải nữa.

Không thể ngờ vào đầu thế kỉ 19, người ta chết rất nhiều chỉ vì… mặc quần áo và đội mũ - Ảnh 3.

Asen được dùng để nhuộm vải và ngoài ra còn được dùng như một loại sơn. Không chỉ những chiếc váy xanh trong hình chứa Asen, mà bản chạm khắc của hình ảnh này được dùng vào mục đích quảng cáo cũng chứa Asen. (Ảnh: nationalgeographic)

Vấn đề này đã dấy lên một câu hỏi cho ngành thời trang hiện nay. Trong khi màu nhuộm chứa Asen được xem như một dấu tích lịch sử trong một thời kì tàn bạo, thì thời trang gây nguy hiểm tới tính mạng vẫn phổ biển trong xã hội ngày nay. Vào năm 2009, chính phủ nước Thổ Nhĩ Kì đã tuyên bố cấm kĩ thuật phun cát lên đồ jeans (cách để trang phục phai màu và trở nên bụi bặm hơn) bởi vì nhiều công nhân đã mắc phải bệnh bụi phối silic do hít phải quá nhiều cát. "Đó là một bệnh không chữa được", Matthews David chia sẻ ý kiến về bệnh bụi phối silic. "Một khi cát đã vào phổi thì bạn sẽ chết".

Khi một phương pháp làm quần áo nào đó bị cấm ở một quốc gia mà nhu cầu của người dùng cho sản phẩm ấy vẫn duy trì ở mức cao thì phương pháp sản suất đó vẫn được áp dụng, nhưng chuyển đi nơi khác. Một phóng viên của báo Al Jazeera phát hiện người ta vẫn sử dụng kĩ thuật phun cát ở một xưởng sản xuất tại Trung Quốc.

Trong những năm 1800, cánh đàn ông đội mũ chứa thủy ngân hay phụ nữ mặc váy chứa Asen có thể thấy tác dụng phụ kinh hoàng của các chất hoá học này lên cơ thể của những người sản xuất ra chúng, bằng cách đọc về họ trên tờ báo địa phương, hoặc chỉ cần dạo bước trên đường phố Luân Đôn. Thế nhưng trong nền kinh tế toàn cầu hoá hiện nay, rất khó để cho chúng ta có thể thấy được tác dụng chết chóc mà những món đồ thời trang chúng ta đang mặc ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

(Nguồn: nationalgeographic)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày